“Diễn đàn Đông Dương”: Bài bút chiến của Nguyễn Ái Quốc tròn 100 tuổi trên tờ Le Paria
Thứ hai - 22/05/2023 08:24
Năm 1923, khi hoạt động tại Pari nước Pháp, nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã viết 30 bài báo (không kể các báo cáo và thư từ). Những bài báo này được đăng trên Le Paria- Người cùng khổ (13 bài), L’Humanite-Báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp (9 bài), còn lại đăng trên báo La Vie Ouvriere- Báo Đời sống công nhân (8 bài). Trong số 30 bài báo đã đăng, thì bài “DIỄN ĐÀN ĐÔNG DƯƠNG” dài một trang rưỡi, khoảng 440 chữ, đăng số 15 của tháng 6 năm 1923 trên tờ Le Paria là bài bút chiến tiêu biểu của nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc tố cáo những vị quan lại bất hảo của nước Pháp đến cai trị Việt Nam. Thời gian này, Nguyễn Ái Quốc là chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Le Paria. Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ Le Paria thuộc Hội Liên hiệp thuộc địa vào năm 1922 với 3 thứ tiếng là Pháp, Ả Rập và tiếng Hoa.
Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp
ở thành phố Tua (nước Pháp) tháng 12 năm 1920 Trở lại với bài báo có tiêu đề “DIỄN ĐÀN ĐÔNG DƯƠNG”, đây là bài báo ngắn gọn theo phong cách thường viết ngắn của nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc.
Bằng giọng văn châm biếm, Nguyễn Ái Quốc mở đầu bài báo chỉ với một câu: “Nhờ độ lượng mẫu từ của nước Pháp bảo hộ, Đông Dương thật đã trở thành chỗ náu thân cho bọn làm bậy”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1 trang 187, NXB Chính trị Quốc gia). Như vậy tác giả khái quát “nước mẹ Pháp” đã nuôi dưỡng bọn làm bậy. Và người đọc hãy xem tác giả Nguyễn Ái Quốc kể “bọn làm bậy” là những vị quan Pháp nào? Tác giả viết:
“Ông Bôđoanh mặc dù có bị tố cáo hẳn hoi về tội giả mạo và dùng giấy tờ giả mạo, bây giờ cũng cứ là toàn quyền.
Ông Daclo nguyên bán cháo, trước là quan cai trị tỉnh, bị lên án là ăn hối lộ, là cường hào và đã gây ra cuộc nổi dậy đẫm máu ở Thái Nguyên, đã được chính phủ thuộc địa vào Hội đồng thành phố Sài Gòn.
Ông Tea, kĩ sư và giám đốc một hãng buôn lớn, bị tố cáo là có tội nhũng lạm mà không bị rầy rà gì. Giờ đến lượt ông Buđinô, viên quan cai trị này bị kiện: đã đút túi số tiền lời một cuộc chợ phiên; đã đòi và nhận một món tiền “bồi thường” lớn trả cho sự có mặt của mình trong buổi chôn cất một mụ nhà giàu bản xứ, đã đòi những món tiền lớn chè lá khi cấp một giấy phép hay giấy lệnh nào đó.” (sách đã dẫn, trang 187)
Và rồi tác giả lật tẩy thủ đoạn quan Buđinô đã “nhượng không” một nhà máy điện ở Nam Kỳ cho một cai thầu, để cai thầu kinh doanh. Sau này, quan Buđinô lại cho dân Tân An “chuộc lại” nhà máy điện. Qua lần “nhượng không” và qua lần “chuộc lại”, Buđinô đều được “đút túi thêm nhiều tờ giấy bạc lớn nữa” như tác giả khẳng định.
Kết thúc bài báo, tác giả Nguyễn Ái Quốc một lần nữa lên án: “Bao giờ người ta cũng vì uy tín chủng tộc, mà xá tội cho lũ vô lại khả ố. Bao giờ người ta cũng nhân danh nhân dân Pháp mà bắt công lý làm đĩ bợm.” (sách đã dẫn, trang 188).
Thật nhục mạ, thật cay đắng khi bộ mặt của những quan lại Pháp- những viên quan ăn hối lộ- những viên quan “bán thuốc phiện” được ngòi bút của Nguyễn Ái Quốc lật tẩy. Bài bút chiến “DIỄN ĐÀN ĐÔNG DƯƠNG” vẫn vang vọng lời tố cáo mạnh mẽ và chân thực những quan tham thực dân Pháp.