Nhân Báo Hưng Yên 80 năm thành lập: NHỚ CÁC NHÀ BÁO LÀM NÊN TỜ HƯNG YÊN NHỮNG NĂM 60 CỦA THẾ KỈ TRƯỚC.
Thứ sáu - 16/06/2023 08:11
Tôi có 16 năm làm báo in, 25 năm làm phát thanh truyền hình. Trong ký ức về nghề, tôi may mắn có được những cuộc gặp gỡ và có chút quen biết với các thế hệ làm báo in của tỉnh nhà, trong đó có một số nhà báo công tác tại Báo Hưng Yên những năm 60 của thế kỷ trước. Không phải nói thêm gì nữa, những năm tháng đó làm báo rất vất vả và cũng rất nghèo với những chuyến đạp xe đi lấy tin viết bài, hàng quán không có, nhiều khi nhịn đói. Các chú, các bác khi đó gắn bó với tờ báo là do yêu nghề, hoặc do được phân công. Thế hệ các nhà báo Hưng Yên ngày ấy đã làm nên tờ Hưng Yên đẹp về hình thức, phong phú về tin bài. Cuộc triển lãm bìa báo Tết đẹp kể từ thời Gia Định báo năm 1865 cho đến năm 2023 do HNB Việt Nam tuyển chọn có bìa báo Tết năm 1966 của Báo Hưng Yên là một trong những minh chứng khẳng định tay nghề cao của đội ngũ báo chí Hưng Yên thời đó.
Ảnh bìa báo Hưng yên năm 1966
Nói về Báo Hưng Yên thời mới thành lập, không thể không nhắc tới tầm nhìn xa trông rộng của Ban Cán sự tỉnh Hưng Yên khi đó đã quyết định xuất bản một tờ báo bí mật để tuyên truyền. Với vai trò là Trưởng ban Cán sự tỉnh, bà Trần Thị Minh Châu đã bàn bạc với Đại tướng Nguyễn Quyết (khi đó là cán bộ của Xứ ủy Bắc kỳ quê xã Chính Nghĩa huyện Kim Động) và nhà văn Học Phi (khi đó là cán bộ kháng chiến quê xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ) về nội dung, cách thức in ấn và thống nhất tên gọi của tờ báo là Báo Bãi Sậy để cổ vũ tinh thần yêu nước cho đồng bào Hưng Yên. Theo kỷ yếu của Báo Hưng Yên, Báo Bãi Sậy xuất bản số đầu tiên vào ngày mồng 10/6/1943. Sau này, do phải in ấn bí mật và do công cuộc kháng chiến chống Pháp nên Báo Bãi Sậy xuất bản không đều. Đến đầu những năm 1960 thì đổi thành Báo Hưng Yên.
Đại tướng Nguyễn Quyết, Bà Trần Thị Minh Châu, nhà văn Học Phi là những người sáng lập ra Báo Bãi Sậy năm 1943 chụp ảnh với Ban Biên tập Báo Hưng Yên năm 2003.
Tuy chưa có danh sách thật đầy đủ và chính xác tên của các nhà báo từng làm việc tại Báo Hưng Yên những năm 60 của thế kỉ trước, nhưng qua tìm hiểu của tôi, thì có những nhà báo như sau:
1. Nhà báo Trần Tuấn Doanh, sinh năm 1925, mất năm 2006, quê quán xã Chính Nghĩa huyện Kim Động. Ông nguyên là Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy, kiêm Tổng biên tập Báo Hưng Yên.
2. Nhà báo Lê Ngọc Dưỡng, sinh năm 1923, mất năm 1990, quê quán xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ. Ông nguyên là Phó Tổng biên tập Báo Hưng Yên, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hải Hưng.
3. Nhà báo Lâm Hải Ngọc, sinh năm 1927, mất năm 2014, quê xã Phùng Hưng, huyện Khoái Châu. Cũng như nhiều nhà báo khác cùng thời, nhà báo Lâm Hải Ngọc rất sung sức viết báo. Báo Hưng Yên thời đó đăng những bài bút ký, ảnh, thơ của ông. Khi nghỉ hưu, ông đã xuất bản tới 4 cuốn sách. Sinh thời ông được nhà báo Hữu Thọ cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tới thăm tại nhà riêng.
4. Nhà báo Trần Như Kim, bút danh Hoàng Kim, sinh năm 1930, mất năm 2002, quê quán xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, sinh sống tại xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ.
5. Nhà báo Thế Dũng, sinh năm 1928, mất năm 1999, quê phường Minh Khai, thành phố Hưng Yên.
6. Nhà báo Nguyễn Hưng (đã mất), quê Thái Bình, bút danh Cao Hưng.
7. Nhà báo Nguyễn Như Nhất (đã mất), quê xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên.
8. Phóng viên ảnh Nguyễn Tuấn (đã mất), quê xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm.
9. Nhà báo Lê Đình Giao, sinh năm 1937, ông là người duy nhất thuộc thế hệ làm báo những năm 60 của thế kỷ trước hiện còn sống, đang ở với con cháu tại xã Đông Kết, huyện Khoái Châu. Ông từng đảm nhận là phó phòng biên tập và là ủy viên BCH khóa III Hội Nhà báo tỉnh Hải Hưng.
Trong số 9 nhà báo kể trên, chỉ có 2 nhà báo: nhà báo Nguyễn Như Nhất và nhà báo Nguyễn Tuấn là tôi chưa biết mặt và chưa có dịp tìm hiểu về quê hương của các ông. Còn 7 nhà báo từng công tác tại Báo Hưng Yên những năm 60 của thế kỉ trước kể trên, tôi đều có may mắn được gặp gỡ trò chuyện và được một đôi lần đến thăm nhà các nhà báo đáng kính kể trên. Họ thuộc về những thế hệ đầu tiên gắn bó với tờ báo, mang lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Các nhà báo thuộc thế hệ mở đường đó đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình là thai nghén và nuôi dưỡng một tờ báo được ra đời từ rất sớm. Tinh thần vượt khó và sức làm việc sáng tạo của các nhà báo lớp trước là tấm gương cho các thế hệ làm báo hiện nay của tỉnh nhà.