Nhiều bạn bè, đồng nghiệp nhận xét:
- Lê Hữu Quế rời lũy tre làng, xa quê hương Đức Đồng đi lập nghiệp sớm, nhưng hồn quê - sông La núi Hồng da diết, sống động trong trái tim ông.
Quê nội của tôi mạn làng rèn Trung Lương vùng quê sông La. Chúng tôi xa quê khi tuổi còn rất trẻ, chiến tranh ác liệt, tôi và Lê Hữu Quế càng trở nên gần gũi, thân thiết từ thời sinh viên đại học Báo chí khóa đầu tiên 1969 - 1973. Lê Hữu Quế từ Báo Gang thép, khu công nghiệp Gang thép Thái Nguyên, còn tôi từ một đơn vị quân đội trên đường Trường Sơn về Hà Nội tựu trường, học nghề báo, cùng chỉ 5, tổ 19. Dân “cá gỗ” nghèo nhưng học chết bỏ, là sinh viên học giỏi xuất sắc, chúng tôi càng trở nên thân thiết, từ ngày đó cho đến khi tuổi chạm ngưỡng bát thập.
Có lẽ không quá lời khi đồng nghiệp nhận xét về nhà báo Lê Hữu Quế “mạnh mồm”, “mạnh đi”, “mạnh viết”, ruột để ngoài da, chất thầy Đồ Nghệ thẳng thắn, cương trực, dí dỏm mà sâu cay, chẳng giận ai bao giờ, xử lý mọi việc lớn bé thẳng băng, nhưng đều thấm đậm chất nhân văn. Chạm mốc 80 mùa xuân cuộc đời, gần 60 năm gắn bó với nghề báo, Lê Hữu Quế không xa rời cây bút, trang giấy, miệt mài cày cấy trên cánh đồng chữ nghĩa, vẫn đảm đương công việc “đầu tàu” của một ấn phẩm báo chí.
Tết Quý Mão 2023 tôi tếu táo hỏi Lê Hữu Quế
- Nếu bây giờ chọn lại nghề, ông Quế chọn nghề gì, chọn nghề báo nữa không, hay chọn làm kỹ sư “Tam Nông”?
Lê Hữu Quế nói ngay:
- Mình vẫn chọn nghề báo, cây bút, chiếc máy ảnh. Và vẫn đam mê viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn!
Bạn bè, đồng nghiệp mỗi lần hàn huyên lại kể chuyện Lê Hữu Quế phấn đầu vào Đảng. Ngày ấy, chi bộ nơi Lê Hữu Quế sinh ra và trưởng thành, phán một câu xanh rờn:
- Không thể kết nạp con của người phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa,
Tổ trưởng Đảng hỏi Bí thư Chỉ bộ:
- Vậy ta trả lời miệng, không cần ghi vào lý lịch và phiếu xác minh
Bí thư Chi bộ trả lời:
- Ghi lý lịch, niêm phong gửi đi. Chuyện xảy ra cách đây đã hơn 40 năm, khi đất nước chưa đổi mới. Một số người trong cuộc đã về cõi vĩnh hằng. Ông Bí thư Chi bộ ngày ấy yêu chủ nghĩa xã hội, yêu Đảng, cống hiến hết mình cho lý tưởng của Đảng, nhưng cách nghĩ, cách làm lại cứng nhắc - mà thực ra ngày ấy cả làng, cả xã, cả nước đều vậy - một xứ Nghệ mà cựu Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu đã tổng kết: “Mo cơm, quả cà và tấm lòng Cộng sản”! Cải cách ruộng đất khi ông Đội về hô khẩu hiệu tìm diệt địa chủ cường hào, vậy là “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Ai cũng làm chết bỏ, cần tháo nhà cửa đưa ra lắp hố bom cho thông xe thông đường vào tiền tuyến là làm ngay, trăm người như một; thóc không thiếu môt cân, quân không thiểu một người.
Chuyện một thời, nhà báo Lê Hữu Quế, chuyên viên báo chí của cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng đã không thể vào Đảng chỉ vì một lý do nhỏ - “Rơi hạt cơm ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”. Gia đình ông có truyền thống cách mạng, có công với nước. Chỉ vì cụ thân sinh, trong một lần vô tình để bò sổng chuồng ăn lúa của hợp tác xã; ông đã nộp phạt nhưng Bí thư Chi bộ vẫn nhận xét lý lịch nặng nề. Tất nhiên 2 năm sau, mọi việc được thông tỏ, chính người Bí thư Chi bộ ngày đó đã có nhận xét rất tốt vào lý lịch kết nạp đảng viên mới của Lê Hữu Quế.
Lê Hữu Quế là nhà báo bản lĩnh, thẳng thắn, dám đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong xã hội. Ông là Phó Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay, Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới của Hội Nông đân Việt Nam, có nhiều dịp tiếp xúc cuộc sống lam lũ của người nông dân xưa và nay. Nhiều bài viết của Lê Hữu Quế về bao nỗi lo toan, vất vả của người nông dân. có cả sự oan nghiệt, bất công ở nông thôn thẳng thắn, mạnh mẽ, nhưng cũng rất nhân văn, thấu lý đạt tình, đoạt nhiều giải báo chí. Giải Vật nông dân truyền thống hàng năm, do Tổng Biên tập Lê Hữu Quế khởi xướng, Trưởng ban tổ chức Giải đã trở thành ngày hội khỏe tôn vinh tinh thần thượng võ của nông dân các vùng miền cả nước.
Hồn quê sâu đậm. cuộc đời Lê Hữu Quế gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hết lòng trợ giúp bà con nông dân việc này chuyện nọ. Tuổi càng cao Lê Hữu Quế càng năng về các miền quê, lúc đi xe đò. khi vi vu xe lửa, lúc rôm rả thì cả nhóm phóng viên làm chuyến ô tô biển xanh. biển trắng. Những suất học bổng cho con em nông dân nghèo vượt khó học giỏi, nhiều thùng lớn giống cây thanh long, vải thiều, nhãn lồng... gửi về các miền quê và những lần xắn quần, lội ruộng, Lê Hữu Quế chẳng nề hà.
Về quê nhà, gặp lại mấy bác chỉ ủy ngày xưa nhất thời đã phê vào lý lịch không ủng hộ anh vào Đảng, nay tuổi đã trên dưới chín chục, anh cười vui: “Nếu bò nhà em có ăn lúa hợp tác xã, các bác tha cho em nhé!”. Cả hội hồn nhiên, cười òa sảng khoái, mấy chục năm rồi mà cứ như chuyện cố tích. Lê Hữu Quế lại ghé vào nhà các bác nhâm nhi ly rượu Đức - không phải Đức Berlin mà rượu... Đức Thọ quê choa: “Chuyện xưa buồn cười và ấu trĩ, chú Quế bỏ quá cho, xin đừng viết báo!”. Cả hội lại thêm trận cười, zô zô trăm phần trăm, thêm mấy cái bắt tay... đặc sản!
Tốt nghiệp đại học báo chí, Lê Hữu Quế nhận công tác tại Báo Thống Nhất, ba năm sau được điều động về làm chuyên viên báo chí cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng. Thông minh, sắc sảo, nhạy bén, Thủ trưởng trực tiếp là nhà báo Lưu Quý Kỳ, một Vụ trưởng tài hoa được nhiều người vị nể. Ông nói: “Quế được đấy, dũng khí, trung thực, có năng lực, làm việc hiệu quả, nhiều triển vọng!”. Có lần, một đồng nghiệp nhận xét một tờ báo viết sai sự thật, khi thông tin Bác Hồ đi thăm Côn Sơn. Đồng nghiệp đó cho rằng, thời điểm đó, miền Nam chưa giải phóng, đất nước chưa thống nhất, làm gì có chuyện Bác Hồ đi thăm Côn Sơn - đồng nghiệp này nhầm lẫn Côn Sơn Kiếp Bạc - Hải Dương với Côn Sơn - Côn Đảo, thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Lê Hữu Quế ỷ thế bạn bè cùng trang lứa nói ngay “ông ngu như bò!”. Ai hiểu cá tính của ông, thì coi là chuyện nhỏ, chẳng cần quan tâm. Nhưng nếu cố chấp thì lớn chuyện. Dân “choa”, Lê Hữu Quế thuộc loại nghĩ sao nói vậy, chẳng cần giấu giếm, che đậy, nói xong là xong, sống ân nghĩa, tâm sáng. Đi đường, gặp người cơ nhỡ, hoạn nạn, nhà báo Lê Hữu Quế rút ví nhặt đến đồng tiền cuối cùng giúp đỡ người khó. Hoàn cảnh éo le của một số nông dân vùng thiên tai bão lụt, nhà báo Lê Hữu Quế vận động, quyên góp làm nhà tình nghĩa, tặng số tiết kiệm, hỗ trợ học bồng cho các cháu học tập.
Hưu tuổi nhưng không hưu nghề. Nhà báo Lê Hữu Quế vẫn đi, vẫn viết, bản lĩnh, mẫn cán, năng nổ. Ông làm Trưởng Ban Biên tập Đặc san Sức khỏe, chuyên san hội chuyên ngành, viết nhiều bài báo về sức khỏe người cao tuổi, xây dựng nông thôn mới, phản ánh những vấn đề bức xúc, thua thiệt của người nông dân trong việc thu hồi đất, đền bù giải tỏa mặt bàng. Lê Hữu Quế được tặng thưởng, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều Kỷ niệm chương của các bộ, ngành, tự nó đã ghi nhận những đóng góp lớn của nhà báo Lê Hữu Quế trong cuộc đời viên mãn cầm bút, Người bạn đời của ông, bà Hà Thị Hồng - dân đất Tổ Hùng Vương. cùng thời công nhân xưởng in Báo Gang thép Thái Nguyên, gần 30 năm làm chuyên viên Cục Báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông, tâm sự: “Mỗi tuần, ông Quế chỉ ở nhà vài ngày, thời gian còn lại là đi về nông thôn, lên vùng cao, hang cùng ngõ hẻm nào cũng có mặt. Ngày đi, đêm viết, cả nhà can ngăn ông ấy cười trừ: “Niềm vui của bố là làm việc, là đi và viết, mà bố chỉ viết về người nông dân nghèo khó, lầm lũi một nắng hai sương...”.
Con trai ông, nhà báo Lê Hữu Tùng nối nghiệp bố, phóng viên năng nổ - cùng trời cuối đất với các đề tài về thể thao, thời sự chính trị - xã hội, kinh tế. Con gái Lê Yến Oanh, chuyên gia luật, làm việc ở cơ quan ngoại giao, học giỏi, thông thạo 2 ngoại ngữ cộng sự đánh máy, chính sửa lỗi mỗi khi bố Quế “lạch cạch” bên máy tính. Đôi ba vụ kiện tụng từ bạn đọc, con gái Lê Yến Oanh am hiểu pháp luật đã giúp bố làm sáng tỏ, giải oan cho người. Niềm vui công việc, mái ấm gia đình, càng thôi thúc nhà báo Lê Hữu Quế, thêm đắm say với nghề báo làm vất vả, nhiều gian truân, ngày mọi ngày, một hồn quê càng yêu nghề, thêm yêu cuộc sống!
Tháng 5/2023
Người làm báo Hội Nhà báo Việt Nam