Nghề báo - với nam giới đã vất vả, với phụ nữ, lâu nay vốn được xem là “phái yếu” thì lại càng lắm gian truân. Bởi bên cạnh vai trò nhà báo, họ còn giữ vai trò làm mẹ, làm vợ, làm hậu phương vững chắc của gia đình.
Nhà báo trẻ Hương Giang
Nghề báo vốn là nghề mang nhiều áp lực, đôi khi còn nguy hiểm. Mỗi tác phẩm báo chí ra đời phải hội đủ các yếu tố về tính thời sự, chính xác, hấp dẫn người đọc, người xem, người nghe, vì thế nó luôn tạo một áp lực lớn đối với những người làm nghề. Ngoài vấn đề chuyên môn, người làm báo cần có một sức khỏe tốt và bản lĩnh. Việc tác nghiệp đối với một phóng viên nam đã là một khó khăn, nhưng đối với những phóng viên nữ thì càng khó khăn hơn. Thời gian của phóng viên không tính bằng giờ hành chính như những công việc khác, cứ có sự việc, sự kiện dù sáng sớm hay đêm khuya cũng phải có mặt. Nghề này không có ngày nghỉ, nhất là các dịp lễ, tết lại càng phải làm nhiều. Đối với nhà báo nữ còn phải chịu nhiều áp lực hơn đồng nghiệp nam vì ngoài chuyên môn, họ còn phải lo việc nhà, làm tròn nghĩa vụ người vợ, người mẹ.
Vượt qua những khó khăn đó, các nhà báo nữ đã “xung trận”, phản ánh những vấn đề thời sự của xã hội, những phóng sự có tính khám phá, phát hiện, những bài viết chuyên sâu, phân tích, định hướng dư luận…
Nghề báo cho tôi nhiều kỉ niệm đẹp, được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống. Đó là những vốn quý mà tôi nghĩ mình may mắn có được. Trong 12 năm làm báo, được tiếp cận nhiều câu chuyện về nhiều cuộc đời, bản thân tôi càng có khao khát được cống hiến nhiều hơn cho nghề, được dùng những tư liệu từ đời sống mà mình chắt lọc được để sáng tạo những tác phẩm báo chí mang tính thời sự và phản ánh hơi thở cuộc sống. Gắn bó với nghề dù có nhiều khó khăn, nhưng khiến cho cuộc sống của tôi thêm ý nghĩa, động lực. Dù đã gắn bó với nghề báo được 12 năm, tôi vẫn thấy mình còn cần được trải nghiệm, học hỏi nhiều hơn nữa.
Nghề báo là một nghề vinh quang, nhưng con đường làm nghề không trải hoa hồng mà có rất nhiều chông gai, thử thách. Cá nhân tôi cho rằng, khi đã lựa chọn nghề báo, trước hết, phải có cho mình một hành trang kiến thức và kĩ năng thật tốt, để có thể làm nghề một cách chân chính, có những bài viết mang lại hiệu ứng tích cực trong xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần trang bị cho mình những kĩ năng mềm để tự bảo vệ bản thân trước những hiểm nguy có thể xảy ra. Hơn hết, mỗi ngày đều cần nỗ lực cố gắng hoàn thiện mình, học hỏi những người đi trước. Tình yêu và lòng đam mê với nghề sẽ giúp chúng ta biến những khó khăn thành động lực để bước tiếp.
Thực tế cho thấy, nhiều nữ nhà báo là những người có đam mê, lòng yêu nghề, tình yêu nghề đó biến thành sức mạnh để họ làm việc, cống hiến không thua kém gì nam giới. Các nữ nhà báo ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò và có tiếng nói trong đời sống báo chí hiện nay, đóng góp quan trọng vào sự phát triển không ngừng của nền báo chí nước nhà.
Thời gian qua, cùng với đội ngũ những người làm báo trong tỉnh, những nữ nhà báo Báo Hưng Yên ngày càng được nâng cao về số lượng và chất lượng. Từ những nữ nhà báo công tác hơn 20 năm đến nữ phóng viên mới bước vào nghề đều đã và đang nỗ lực góp công sức và trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh nhà. Thông qua nhiều chương trình giao lưu, hội thảo về nghiệp vụ do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức, nữ hội viên có thêm điều kiện để mở rộng kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, cuộc sống. Theo đó, trong những năm qua, tại Liên hoan Phát thanh Truyền hình toàn quốc, Giải Báo chí Quốc gia cũng như giải Báo chí Nguyễn Văn Linh tỉnh Hưng Yên, nhiều giải thưởng đã trao cho các nhà báo nữ. Nhiều nhà báo nữ đã được tặng giấy khen, bằng khen của các cấp, các ngành. Với những thành tích đó, các nhà báo nữ đã, đang và sẽ tiếp tục góp phần tạo nên một diện mạo sinh động mới, vì sự phát triển của tỉnh và đất nước.