Học cách làm báo của Vũ Trọng Phụng: SỰ DŨNG CẢM DẤN THÂN VÀ CÔNG PHU TÌM TÒI TÀI LIỆU
Thứ ba - 28/02/2023 10:08
Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, nhà báo-nhà văn thiên tài Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939) đã để lại nhiều thiên tiểu thuyết nổi tiếng cùng những phóng sự báo chí nổi tiếng không kém. Nói ông thiên tài, vì mới chỉ 27 tuổi đời ông đã có những thiên phóng sự: “Cạm bẫy người” (1933), “Kỹ nghệ lấy tây” (1934), “Cơm thày cơm cô” (1936), “Lục xì” (1937)... cùng các thiên tiểu thuyết “Dứt tình” (1934), “Giông tố” (1936), “Vỡ đê” (1936), Số đỏ” (1936), “Làm đĩ” ( 1936), “Lấy nhau vì tình” (1937), “Trúng số độc đắc” (1938) và nhiều truyện ngắn khác.

Theo trang 5 của “Tuyển tập Vũ Trọng Phụng”(Nhà Xuất bản Văn học), Vũ Trọng Phụng quê làng Hảo - Bần Yên Nhân, Mĩ Hào, Hưng Yên. Ông thân sinh ra Vũ Trọng Phụng là thợ tiện và mất khi ông mới bảy tháng tuổi. Do nhà nghèo, ông bỏ dở việc học hành và đi đánh máy chữ thuê, nhưng bị mất việc. Và ông chuyển sang làm báo và viết văn khi bước sang tuổi mười tám.
Trong các thiên phóng sự của ông, phóng sự nổi tiếng nhất và cũng là phóng sự dài nhất của ông là “Lục xì” gồm 12 chương với 160 trang đăng dài kỳ trên báo Tương lai. Khi viết “Lục xì”, Vũ Trọng Phụng mới 25 tuổi.
Các nhà báo rất nên đọc “Lục xì”, để thấy tầm của nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng đề cập tới một vấn nạn khó giải quyết khi đó là nạn mại dâm ở Hà Nội và qua đó, học cách điều tra chính xác đầy thuyết phục về ngóc ngách tệ nạn mại dâm của ông. Đồng thời học tập thái độ dấn thân dũng cảm phê phán xã hội đương thời của một nhà báo nhà văn trẻ Vũ Trọng Phụng.
Không biết Vũ Trọng Phụng đã dành bao nhiêu thời gian để đi “Lục xì”- nhà phúc đường chữa bệnh cho gái mại dâm và đi tới các nhà thổ cũng như đi đến các cơ quan hành chính khi đó để tìm hiểu về vấn nạn trầm kha của thành phố Hà Nội? Mở đầu tác phẩm, ông dẫn lời của viên quan Pháp đứng đầu Hà Nội là ông đốc lý H.Vigitti trả lời trên báo La Parie Annamte rằng: "Trong thành phố Hà Nội, ít ra cũng có năm nghìn gái sống bằng nghề mại dâm. Năm nghìn!” (“Lục xì” trang 11, NXB văn học). Từ những số liệu ban đầu này, Vũ Trọng Phụng thu thập tìm hiểu các luật lệ, chính sách của người Pháp ở chính quốc cũng như ở thuộc địa về hoạt động mại dâm, tìm hiểu về quan niệm tình dục cũng như các phương pháp chữa bệnh hoa liễu.... Ông đi gặp gỡ các bác sĩ và những người tham gia quản lý gái mại dâm. Và ông cũng từng đóng vai khách làng chơi, phải hút thuốc phiện để gặp gỡ trò chuyện với những gái làng chơi có số má và gái làng chơi mới vào nghề để xem họ suy nghĩ như thế nào về công việc bán thân xác của mình.
Vũ Trọng Phụng đã chia gái mại dâm ra làm nhiều loại: Gái đĩ có giấy (Từ trang 98 đến trang 100), Gái đĩ lậu (Từ trang 100 đến trang 103), Gái cô đầu (Từ trang 103 đến trang 106), gái nhảy (Từ trang 107 đến 112), Me tây (Từ trang 112 đến trang 113), Đầm lai (114 đến trang 116), Đầm thật (Từ trang 116 đến trang 121).
Qua rất nhiều cuộc tiếp xúc cũng như qua quan sát của mình, ông mong muốn giải phóng phụ nữ khỏi kiếp sống ô uế.
Và ông dũng cảm lên án cái xã hội thối nát đương thời: “Hay cái xã hội một nghìn lần khốn nạn này chỉ có thể có được những ông đầu cơ, coi công cuộc cải tạo xã hội cũng như một sự nịnh hót những cái thị dục đê hèn của đàn bà, con gái và dẫu là giả dối hay thành thực thì cũng là một bọn đắc tội với văn minh, với văn hóa, vì đáng lẽ phải cứu vớt giống yếu thoát vòng trụy lạc, họ không biết rằng họ đã xô đẩy bọn người đáng thương này, nước thì còn vào loại “lãng mạn” và, sau cùng thì vào cái vũng bùn mại dâm” (Sách đã dẫn, trang 163).
Hãy đọc “Lục xì” để thấy sự thiên tài của nhà văn khi ông mới 25 tuổi, để thấy sự dấn thân và tài thu thập tài liệu cho một phóng sự của ông.
Công Đán