Học phong cách làm báo của Bác Hồ: Viết ngắn, một số bài Bác viết chưa đến 150 chữ (Bài 1)
Thứ ba - 19/09/2023 09:30
Trong thời đại công nghệ số, công chúng đang hưởng những hình ảnh sống động cùng thông tin ngắn gọn từ mạng xã hội. Để cạnh tranh với mạng xã hội, nhiều bản báo cũng đã chỉ đạo phóng viên viết ngắn. Trên thực tế, vẫn còn có những bài báo dài vài kì. (Tất nhiên, có những bài báo phải đủ 3-4-5 kì mới nêu đầy đủ được vấn đề). Nhưng có tình trạng là có nhà báo quen viết dài: Viết dài làm cho bài báo của mình “đồ sộ hoành tráng”, vừa tăng được nhuận bút, vừa làm hài lòng những tổng biên tập cũng thích viết dài. Đó là nguyên nhân chính để tồn tại bệnh viết dài của báo chí.
Bác Hồ - Vị lãnh tụ kính yêu của Đảng của dân tộc. Bác đồng thời còn là một nhà báo vĩ đại: Người sáng lập ra báo chí cách mạng. Người đồng thời là chủ bút, là phóng viên, là họa sĩ. Lúc viết báo, cũng như khi gửi thư từ điện tín, hay trong các bài diễn văn, hoặc nói chuyện với cán bộ chiến sĩ đồng bào, Người thường chọn lối nói cách viết ngắn gọn.
Rất nhiều bài báo được Bác viết dưới bút danh Nguyễn Ái Quốc khi người ở Pháp và Trung Quốc có độ dài 15 đến 20 dòng, được in gọn trong 1 trang khổ 17cm nhân 22cm, với khoảng 250 chữ. Ví dụ như bài “PHÒNG KIỂM DUYỆT Ở ĐÔNG DƯƠNG” đăng trên tờ Nhân đạo nước Pháp ngày 28/9/1923 (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1 trang 110, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia), bài “ÁCH ÁP BỨC KHÔNG TỪ MỘT CHỦNG TỘC NÀO” đăng trên tờ Le Paria số 17 tháng 8/1923 (Sách đã dẫn, tập 1 trang 200), hoặc “CHÚ ẾCH VÀ CON BÒ” đăng trên tờ Cứu vong Nhật báo tại Quảng Đông, Trung Quốc ngày 24/11/1940 (sách đã dẫn, tập 3 trang 177).
Sau này, khi về nước lãnh đạo cách mạng và lãnh đạo kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh với các bút danh C.B., Chiến sĩ, Trần Lực, T.L., Đ.X... đã viết nhiều bài trên các báo Nhân Dân, Cứu Quốc. Nhiều bài báo Người cũng chỉ viết đúng một trang như các bài: “PHỤ NỮ KIỂU MẪU” đăng báo Nhân dân ngày 26/7/1951 (Sách đã dẫn, tập 6 trang 260), “ĐỐP! ĐỐP!” đăng báo Cứu quốc ngày 3/8/1951 (Sách đã dẫn, tập 6 trang 277), “BA HOA” đăng báo Cứu quốc ngày 17/8/1951 (Sách đã dẫn, tập 6 trang 283), “NGÔ GIA KHẢM” đăng báo Nhân Dân ngày 5/6/1952 (Sách đã dẫn, tập 6 trang 504, “TRẦN ĐẠI NGHĨA” đăng báo Nhân Dân ngày 12/5/1952 (Sách đã dẫn, tập 6 trang 506), “TÍCH CỰC VÀ NÓNG NẢY”, đăng báo Nhân Dân ngày 30/11/1953 (Sách đã dẫn, tập 7 trang 170)...
Đặc biệt, có một số bài báo, Bác Hồ viết chưa đến 150 chữ, tức là khoảng nửa trang mỗi bài. Ví dụ bài “CHIẾC CẦU BẰNG NGƯỜI” đăng báo Nhân Dân ngày 21/11/1951 chỉ có 138 chữ (Sách đã dẫn, tập 6 trang 334), “TATXINHI BỊ TÁT” ĐĂNG BÁO Nhân Dân ngày 3/1/1952 là 145 chữ (Sách đã dẫn, tập 6 trang 372), “MỤC DÀNH CHO PHỤ NỮ: VỀ SỰ BẤT CÔNG” đăng báo Thanh Niên số 40, xuất bản tháng 4 năm 1926 tại Trung Quốc chỉ có 115 chữ.(Sách đã dẫn, tập 2 trang 448)
Một số bài báo với cách viết ngắn gọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Xin sơ lược vài dòng nêu phong cách viết ngắn của Bác Hồ để Báo giới chúng ta học tập, làm theo.Và cũng xin nhắc lại lời Bác Hồ dạy: “ Nhiều anh em hay viết dài. Viết dòng này qua dòng khác. Không có ích cho người xem. Chỉ làm tốn giấy tốn mực, mất công người xem. Khác nào vải băng bó mụn lở, đã thối lại dài”. (“Chống thói ba hoa”, sách đã dẫn, tập 5, trang 299)