Trời cuối thu, không khí mát mẻ, nhưng chị T. vẫn mướt mải mồ hôibước vào phòng làm việcvà chào các đồng nghiệp bằng một câu than: Em đi cơ sở bị “chẫng” các anh, chị ạ!
Buông tấm thân mệt mỏi xuống ghế, chị T. tiếp tục than mà không cần biết có ai nghe và thấu cảm không: Chốt như đinh đóng cột, hẹn chính xác giờ hẳn hoi. Vậy mà... để con bé sáng dậy đi làm rõ sớm, chạy xe mấy chục cây số, đến nơi, cửa đóng then cài. Gọi điện thì trả lời mỗi câu xin lỗi, có việc đột xuất.!?
Bước ra, rót cốc nước cho đồng nghiệp, anh H. chia sẻ nhưng cũng bằng một câu than phiền: Hai ngày nay, tớ gọi điện liên hệ cơ sở mà có hẹn được cuộc nào đâu! Thôi, uống nước đi. Chuyện đâu có đó.
Chị C. an ủi đồng nghiệp, nhưng càng làm cho chị T. chán nản hơn: Hôm qua, tôi gọi điện hẹn đồng chí lãnh đạo huyện để về làm việc. Sau một hồi nói chuyện, họ xin lỗi để dịp khác vì hiện tại đang rất bận. Đấy! Mang Luật Báo chí ra mà yêu cầu họ cung cấp thông tin. Họ lấy lý do bận chứ có từ chối tiếp phóng viên đâu…
Thực tế, việc phóng viên gọi điện đặt lịch hẹn làm việc với cơ sở không thành công, bị từ chối hoặc đồng ý với lịch hẹn, nhưng phóng viên về tới nơi lại bị hủy lịch làm việc là chuyện thường xuyên. Thậm chí, có khi phóng viên bị lỡ việc vì đến ngày phải nộp bài theo chương trình công tác mà trong tay chưa đủ tư liệu, hình ảnh; khi gọi điện liên hệ cơ sở thì liên tục bị từ chối.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Sau nhiều năm công tác và học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, tôi mới thấy gọi điện về cơ sở để đặt lịch làm việc cũng lắm công phu. Từ việc chọn thời điểm gọi điện, kỹ năng gọi điện đến nội dung của một cuộc gọi…
Trừ những việc đột xuất cần phải gọi bất kỳ thời gian nào trong giờ làm việc, thì thời gian gọi điện tốt nhất là khoảng 9 sáng và 3 giờ chiều. Đây là lúc mọi người đều cơ bản giải quyết xong các công việc đầu giờ hoặc hội nghị cũng đến thời điểm giải lao, như vậy cuộc gọi dễ thành công và người được gọi cũng không có cảm giác bị làm phiền.
Chuẩn bị nội dung cuộc gọi: Dù là gọi điện đặt lịch cũng cần có sự chuẩn bị từ tâm thế, nội dung cuộc gọi, đến âm giọng để người nghe cảm nhận được sự nghiêm túc, tôn trọng...
Đặt lịch hẹn phải có thời gian, địa điểm rõ ràng. Điều cần lưu ý là mặc dù có quy định về cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng khi phóng viên đặt lịch về khai thác mặt trái, sai phạm thì cơ sở từ chối không gặp là chuyện rất phổ biến.
Việc gọi điện đặt lịch hẹn làm việc là kinh nghiệm riêng của mỗi người, nhưng tựu chung, không nên đưa ra một sự lựa chọn cho đối tác. Ví dụ: - Ngày mai, tôi/em muốn gặp anh/chị lúc 8 giờ sáng tại cơ quan được không?”. Hẹn lịch kiểu này sẽ dễ bị từ chối bởi cả lý do chủ quan hoặc khách quan của cơ sở. Hiệu quả nhất là phóng viên đưa ra cho đối tác ít nhất hai sự lựa chọn về thời gian, kèm theo gợi ý để họ chọn. Như vậy, họ chỉ có thể chậm lịch hẹn, mà không thể từ chối. Ví dụ: - Tôi/em được Ban biên tập/cơ quan phân công làm đề tài A,B,C... ở cơ quan/đơn vị/địa phương của anh/chị. Vậy, tôi/em muốn gặp anh/chị vào 8 giờ sáng hoặc 3 giờ chiều ngày mai?. - Nếu cả 2 khoảng thời gian này vẫn bị từ chối, phóng viên có thể hỏi: - Vậy anh/chị bố trí giúp tôi/em thời điểm trong tuần này mà tiện nhất cho anh/chị? Đến đây, có thể phóng viên vẫn bị từ chối vì đối tác quá bận hoặc lý do A,B,C gì đó, thì chỉ cần đề nghị thêm theo đúng quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí: - Nếu bận quá, anh/chị có thể ủy quyền cho đồng chí nào đó có thể cung cấp thông tin để tôi/em hoàn thành sớm nhiệm vụ?!... Đến đây, đa số người trả lời điện thoại sẽ đồng ý cho lịch hẹn gặp trực tiếp hoặc ủy quyền cho người có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của cuộc làm việc.
Công tác phóng viên đòi hỏi nhiều kỹ năng. Ngoài chuyên môn được đào tạo, thì mỗi ngày họ phải tự học hỏi, góp nhặt những kinh nghiệm từ việc gọi điện đặt lịch hẹn; trao đổi, khai thác thông tin, quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn... Trong đó có cả những kinh nghiệm “ứng phó” những “ca khó” như: Từ chối làm việc; có lịch làm việc nhưng phóng viên đến nơi rồi mới “delay”, thậm chí phóng viên “xe ta băng băng trên dặm đường” vài chục cây số tới nơi mà người được hẹn gặp lại “mất tích” không một lời giải thích, phải “quay xe” như trường hợp chị T.
Mỗi phóng viên có một kinh nghiệm, cách ứng xử và khả năng tác nghiệp khác nhau. Nhưng tựu chung, để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất tin, bài mà chỉ chờ cơ sở cung cấp thông tin theo cách thông thường thì cơ quan báo chí khó có thể đủ lượng tin, bài phục vụ xuất bản hoặc sản xuất các chương trình hoặc phóng viên thiếu định mức tin, bài. Nhất là xu thế hiện nay, các cơ quan, đơn vị tinh giản biên chế, công việc chuyên môn ngày càng nhiều và áp lực thì việc các cơ quan, đơn vị dành thời gian cung cấp thông tin cho nhà báo càng khó khăn hơn.
Nói là xã hội thông tin, nhưng để khai thác được thông tin chính thống, đúng định hướng, trúng vấn đề, đưa kịp thời với đội ngũ phóng viên và cơ quan báo chí đã, đang và sẽ là một thách thức.