Nghề làm báo cho tôi cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, không ít người gây ấn tượng mạnh, thậm chí có người đã làm thay đổi cả nhận thức của tôi về cuộc sống. Tôi yêu công việc của mình cũng như yêu những người đã trở thành nhân vật của tôi - những người biết cách ít nhiều để lại “một vết xước trong cuộc đời vô tận” này. Dù nhiều người cho rằng: Nghề báo là một trong những nghề “quyền lực” nhất, nhưng theo tôi thì nghề báo là một trong những nghề khó khăn và nặng nhọc, thậm chí nguy hiểm nhất. Muốn có một bài báo hay để độc giả đón đọc thì nhà báo phải tự thân vận động, phải đầu tư rất nhiều tâm sức.
Nhiều người cho rằng, làm báo dễ bởi ai cũng có thể viết báo nếu có năng khiếu và đam mê. Không học các trường đào tạo về báo chí cũng có thể làm báo. Thậm chí đang là học sinh ngồi trên ghế nhà trường vẫn có thể viết báo. Ngay cả bạn đọc cũng có thể tham gia làm cộng tác viên cho các tờ báo. Bởi thế, nghề báo ở Việt Nam chưa bao giờ thiếu nhân lực mặc dù số lượng trường đào tạo cử nhân báo chí chính thức trong cả nước không nhiều. Những người làm báo lâu năm thường tâm sự, nếu cứ viết những bài phản ánh chung chung, vô thưởng vô phạt, viết cho đủ định mức thì làm báo quả là dễ dàng, ai cũng làm được theo kiểu viết nhiều thành quen. Nhưng năm này qua năm khác, nếu vẫn cứ làm báo như vậy thì bạn có làm báo cả đời cũng không ai biết đến bạn là ai. Đó chính là thất bại của người làm báo.
Năm 2007, biết tôi thi đỗ hai trường đại học, gia đình và bạn bè đều khuyên nên theo học ngành sư phạm, an toàn, nhẹ nhàng chứ không vất vả, nguy hiểm như nghề báo. Để thỏa niềm đam mê viết báo, trở thành nhà báo, tôi quyết định theo học khoa Phát thanh – Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Có lẽ, không chỉ tôi mà nhiều nhà báo, sinh viên báo chí hiện nay cũng từng nhận được lời khuyên như vậy. Ngay cả các giảng viên giỏi của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng khuyên chúng tôi hãy suy nghĩ thật kỹ xem có nên tiếp tục theo học và trở thành nhà báo không. Lúc đó, những “chú chim non chập chững vào đời” chúng tôi chưa thể hình dung hết thực tế và đòi hỏi khắc nghiệt của nghề báo. Phải đến tận khi ra trường, bước vào nghề, chúng tôi mới thấm thía: Nghề báo dễ ít, khó nhiều.
Nghề viết báo, mới thoạt nhìn bên ngoài có vẻ hãnh diện, hào hoa, phong nhã, nhưng khi bước vào nghề mới thấy sự lăn lộn vất vả và cả những hiểm nguy đâu phải ai cũng hiểu. Cái khó của người làm báo chính là việc trụ lại được trong nghề và xây dựng được thương hiệu cá nhân của riêng mình. Không ngại khó, ngại khổ, lăn lộn với cơ sở, chắt chiu vốn sống, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tạo dựng cho mình những mối quan hệ rộng rãi với cơ sở, với quần chúng Nhân dân. Đặc biệt, phải thường xuyên rèn giũa bản thân, không ngừng học hỏi, khám phá để bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ nghiệp vụ, viết những bài báo hay, được độc giả đón nhận. Thách thức lớn nhất của người làm báo là phải không ngừng tìm tòi, phát hiện ra những vấn đề mới, hay, đổi mới và sáng tạo trong cách thể hiện mỗi tác phẩm để không gây nhàm chán mà luôn hấp dẫn, để khi độc giả mở tờ báo ra thấy tên mình là muốn đọc bài mình viết.
Nghề nào cũng cần có đạo đức nghề nghiệp, nghề báo lại càng phải đặt vấn đề đạo đức lên hàng đầu. Với bất cứ người làm báo nào, đặc biệt là những người làm báo chuyên nghiệp, muốn trở thành một nhà báo tốt, một nhà báo giỏi cần có phẩm chất, đạo đức của người làm báo, không vấp ngã trước cám dỗ của cuộc sống, luôn giữ cho mình “tâm sáng, bút sắc”. Nói như Bác Hồ, người làm báo phải có lập trường, tư tưởng vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhân dân; luôn gắn bó với Nhân dân và hết lòng phục vụ Nhân dân; trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật; chịu khó rèn luyện, trau dồi kiến thức, học tập suốt đời; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình.
Trong suốt hành trình đã qua, thời gian tuy chưa phải là dài nhưng cũng đủ để tôi nhận ra nhiều điều của nghề báo. Một trong những điều đó chính là phẩm chất quan trọng nhất ở một nhà báo là lòng yêu nghề. Chính lòng yêu nghề là cơ sở nền tảng cho những phẩm chất đạo đức khác. Phải có lòng yêu nghề mới có động lực thật sự để nâng cao khả năng chuyên môn. Có yêu nghề mới luôn luôn có khát vọng tìm kiếm đề tài, cách thức thể hiện, truyền tải thông tin một cách chân thực, sinh động đến với độc giả. Không có lòng yêu nghề thì không có nhà báo giỏi, nhà báo tốt, không có bài báo hay.
Đặc biệt, hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, mạng xã hội, báo chí Việt Nam nói chung và những người làm báo Hưng Yên nói riêng đang tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cạnh tranh thông tin để phát triển. Chúng tôi, những người cầm bút luôn xác định phải có trách nhiệm với “đứa con tinh thần” của chính mình, phải biết bám sát cơ sở, đưa tin, phản ánh sự việc một cách trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Bên cạnh việc khai thác những tiện tích thời công nghệ thì cũng cần rèn luyện bản thân, không ngại khó, ngại khổ và lăn xả với công việc. Đó là cách để nhà báo tự làm giàu hơn vốn kiến thức, kinh nghiệm và cho ra đời những tác phẩm hay, có giá trị được bạn đọc đón nhận.
Gánh vác trách nhiệm mà xã hội và nhân dân giao phó không dễ dàng. Vinh quang và nước mắt luôn song hành, nhưng khi đã chọn nghề thì những người làm báo đều luôn lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động của mình. Chúng tôi, những người đã, đang và sẽ sống với nghề vẫn luôn coi đó là một niềm vinh dự, tự hào. Mong rằng, mỗi tác phẩm ra đời sẽ góp phần nhỏ bé trong việc dựng xây xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, để xứng đáng với trọng trách to lớn mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Hương Giang
Chi hội Báo Hưng Yên