Qua 3 Giải báo chí Quốc gia lần thứ XV, XVI, XVII của các năm 2020, 2021 và 2022: Bài 1 - CÁC BÁO ĐẢNG ĐỊA PHƯƠNG ĐOẠT 30% SỐ GIẢI, CÁC ĐÀI ĐỊA PHƯƠNG ĐOẠT 62% SỐ GIẢI.
Thứ sáu - 30/06/2023 08:53
Trong số hàng chục giải báo chí được tổ chức trong năm dành cho đội ngũ những người làm báo Việt Nam thì Giải báo chí Quốc gia là giải báo chí danh giá nhất, có sức hút nhất. Do đó, các Liên Chi hội Nhà báo Trung ương cũng như các cơ quan báo chí ở Trung ương, các Hội Nhà báo (HNB), các cơ quan báo chí ở địa phương đều quan tâm tới Giải báo chí Quốc gia và coi số lượng tác giả, tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia(BCQG) là một tiêu chí làm nên thương hiệu của một bản báo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao giải A tại Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XVI - năm 2021
Trở lại với 3 Giải báo chí Quốc gia gần đây: Giải báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020, Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVI năm 2021, Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVII năm 2022, thì các báo Đảng của các tỉnh thành giành khoảng 30% tổng số giải giành cho Báo in và Báo điện tử.
Xin liệt kê cụ thể: Giải báo chí Quốc gia lần thứ XV năm 2020, các báo Đảng địa phương chỉ có 7/28 giải Báo in(chiếm 25% số giải ) gồm 1 giải B của Hội Nhà báo Hà Nội, 2 giải C của Hội Nhà báo Vĩnh Long, 2 giải KK của Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, 1 KK của Hội Nhà báo Đà Nẵng và 8/24 giải Báo điện tử (chiếm 30%) gồm 1 giải B của Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh,3giải C của các đơn vị Thừa Thiên Huế, Long An, Quảng Trị, 4 giải KK của các đơn vị Hưng Yên, Hà Nội, Long An, Điện Biên.
Tại Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVI năm 2021, các báo Đảng địa phương được tổng cộng 11/35 giải Báo in (chiếm hơn 31% số giải) gồm 3 giải C của Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, 3 giải C của các đơn vị Hà Nội, Cần Thơ, Tây Ninh, 5 giải KK của các Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Bình Phước, Khánh Hòa, Gia Lai và giành 4/18 giải của Báo điện tử (chiếm 22%) gồm Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh giải C, các đơn vị Vĩnh Long, Hải Dương, Hà Tĩnh đồng giải KK.
Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ và Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Lê Ngọc Quang
trao giải C cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải tại Lễ trao Giải BCQG lần thứ XVII - năm 2022
Bước sang mùa giải lần thứ XVII năm 2022, các báo Đảng địa phương đoạt nhiều giải hơn so với 2 năm trước, trong đó số giải của Báo điện tử tăng 23% so với năm 2021. Cụ thể các báo Đảng địa phương đoạt 14/44 giải Báo in(chiếm 31% số giải), 8/18 giải của Báo điện tử (chiếm 45% số giải).
Cũng theo số liệu thống kê, các đài tỉnh có nhiều tác phẩm Phát thanh và Truyền hình đoạt giải. Ví dụ, Giải báo chí Quốc gia năm 2020, các đài địa phương giành 12 trong tổng số 17 giải Phát thanh, chiếm 70% tổng số giải: Quảng Nam A, Quảng Ngãi A, Thành phố Hồ Chí Minh B, Đồng Tháp B, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu đồng giải C, Cà Mau, Lâm Đồng, Lào Cai đồng giải C.
Năm 2021 các đài địa phương đoạt 17/22 giải(chiếm hơn 77% tổng số giải). Cụ thể: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Bình, Quảng Ninh đồng giải B, các đơn vị thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ đồng giải C, Lào Cai, Quảng Ninh,Thái Bình, Cần Thơ, Đắc Nông, Phú Yên, Đắc Lắc, Cà Mau, Lâm Đồng đồng giải KK.
Năm 2022 các đài địa phương giành 18 trong tổng số 22 giải phát thanh (chiếm 82%).
Về thể loại truyền hình, trong 3 mùa Giải báo chí Quốc gia gần đây: Năm 2020, các đài địa phương giành 20/32 giải, chiếm 62%; năm 2021 giành 19/44 giải, chiếm 43%; năm 2022 giành 16/33 giải, chiếm hơn 48%.
Như vậy bình quân trong 3 năm, các đài địa phương giành 51% số giải Quốc gia dành cho Truyền hình và giành 73% số giải giành cho Phát thanh.Gộp cả Phát thanh và Truyền hình, bình quân các đài địa phương giành 62% số giải Quốc gia trong 3 năm qua.
Số liệu thống kê trên cho thấy, khi tham gia Giải báo chí Quốc gia, thể loại Phát thanh của các đài địa phương có tỷ lệ đoạt giải gấp 1,4 lần so với Truyền hình (các đài địa phương chiếm 77% tổng số giải Quốc gia giành cho Phát thanh, tỷ lệ này của Truyền hình địa phương là 51%) và gấp 2 lần so với Báo in và Báo điện tử.(Các báo Đảng địa phương thường chiếm khoảng 30% trong tổng số giải Quốc gia giành cho Báo in và Báo điện tử, trong khi các đài địa phương chiếm tới 77% số giải Quốc gia giành cho Phát thanh).
Nguyên nhân chủ yếu để Phát thanh địa phương giành nhiều giải Quốc gia hơn so với các loại hình báo chí khác là mức độ cạnh tranh của các tác phẩm dự thi Phát thanh không quá “căng thẳng khốc liệt”. Nếu như Phát thanh từng tỉnh ngoài phải “đấu” với 62 tỉnh thành khác thì phải “đấu” với VOV. Trong khi đó, Truyền hình địa phương ngoài phải “đấu” với 62 tỉnh thành khác thì còn phải “đấu” với VTV, VTC, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quân đội, Truyền hình Công an, Truyền hình Quốc hội.
Đặc biệt, các báo Đảng càng phải cạnh tranh căng thẳng và khốc liệt, ngoài báo của 62 tỉnh thành, còn có hàng trăm báo và tạp chí của Trung ương. Do đó tỷ lệ báo Đảng địa phương đoạt giải Quốc gia chưa cao cũng là điều không khó lý giải.
Nói Phát thanh địa phương chiếm nhiều giải Quốc gia là do mức độ cạnh tranh không căng thẳng và khốc liệt như các loại hình báo chí khác sẽ là chưa công bằng với đội ngũ làm Phát thanh địa phương. Bởi đội ngũ Phát thanh địa phương đã có nhiều cố gắng nỗ lực dấn thân trong thể hiện tác phẩm phát thanh dự thi. Họ được nhiều giải hơn bởi họ đã tìm được con đường riêng sáng tạo của mình. Thành quả đó thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.