Những câu hỏi tranh luận tại nghị trường của chị luôn xoáy vào những vấn đề nóng của xã hội, dư luận rất quan tâm. Hiện chị là Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên, Phó ban trực Ban vì sự tiến bộ Phụ nữ tỉnh, Chủ tịch Hội đồng điều hành Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Phú Yên. Một bất ngờ hơn khi tháng 4.2022 vừa qua, chị nộp đơn xin thôi việc vị trí Phó Giám đốc Sở.
Nhân ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20.10), chị đã chia sẻ với Thanh Niên về những ngày làm ĐBQH cũng như cuộc sống hiện tại trong tiểu mục Một nửa thế giới.
Mở đầu câu chuyện, chị Phạm Thị Minh Hiền hồi tưởng về những ngày đầu tiên trong công việc của một ĐBQH.
Còn nhớ năm 2016, ngay tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, tôi đã bấm nút chất vấn và giơ bảng tranh luận với hai Bộ trưởng về những vấn đề nóng của xã hội được dư luận rất quan tâm khi đó. Lần bấm nút đầu tiên ấy cũng chính là quyết định cho việc lựa chọn dấn thân vào con đường nhiều chông gai của chính tôi.
Trong suốt hành trình 5 năm trong tư cách ĐBQH, câu hỏi mà tôi thường xuyên nhận được từ báo chí, cử tri là đại biểu Hiền có áp lực nhiều không, có bị “can thiệp” bởi những phát biểu gai góc hay không? Ngay cả bạn bè, đồng nghiệp thân thiết cũng hay lo lắng hỏi sao không lựa chọn một lối đi dễ dàng hơn cho bản thân, nhất là khi mình là đại biểu nữ.
Thật sự khi đó, tôi không có nhiều thời gian để cân nhắc, để lựa chọn hay suy tính thiệt hơn cho cá nhân mình. Việc xác định tâm thế vào cuộc nhanh của tôi vì một phần liên quan đến yếu tố giới, tỷ lệ đại biểu nữ trẻ luôn chiếm không tới 40% trong tổng số ĐBQH ở các khóa. Từ chính hoạt động của bản thân trong vai trò này, tôi nghiệm ra rằng, quan trọng nhất vẫn là do con người, dù là lĩnh vực nào, phương thức hoạt động ra sao cũng đều là do con người quyết định và chịu trách nhiệm. Ngoài kiến thức kỹ năng bắt buộc phải học hỏi và rèn luyện mỗi ngày thì tố chất và dũng khí của đại biểu sẽ tạo nên một nghị trường dân chủ quyết liệt, năng động và sáng tạo.
Nhắc tới nữ ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền là cử tri cả nước nhớ ngay đến một nữ đại biểu trẻ nhưng luôn có nhiều câu hỏi hóc búa, trực diện. Cuộc tranh luận đầu tiên của chị với Bộ trưởng tại Quốc hội thế nào?
Nhớ chứ! Cuộc tranh luận đầu tiên của tôi là với Bộ trưởng Bộ GĐ-ĐT về câu chuyện “nữ giáo viên đi tiếp khách” gây xôn xao dư luận thời điểm đó. Tất nhiên sau này tôi còn phát biểu nhiều nội dung khác về xây dựng Luật, thảo luận về những vấn đề xã hội tại các kỳ họp, nhưng phần lớn các chất vấn và tranh luận trực tiếp của tôi ở nghị trường luôn là những nội dung liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Một phần vì tôi phụ trách lĩnh vực này, một phần vì tôi là nữ đại biểu.
Nhiều người vẫn luôn cho rằng công tác bình đẳng giới phải để nam giới tham gia làm mới đúng, hoặc ý kiến bảo vệ phụ nữ thì sự lên tiếng của nam giới sẽ góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội về quyền bình đẳng. Điều ấy không sai, nhưng tôi lại nghĩ muốn xóa dần định kiến giới thì cả nam và nữ hay thậm chí là một giới tính khác biệt nào đó cũng cần được tôn trọng, được đặt ngang nhau về cơ hội tiếp cận, tham gia và ra quyết định phù hợp. Phụ nữ vốn được xem là phái yếu bởi những đặc tính riêng về giới nhưng điều này không có nghĩa phụ nữ phải chấp nhận thiệt thòi hơn nam giới, phải hy sinh nhiều hơn. Giới tính nào cũng phải ý thức được giá trị của chính mình, những yếu tố, đặc tính của từng giới cũng phải được tôn trọng, chia sẻ và thấu hiểu.
Theo chị vì sao bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại, dạng này hay dạng khác?
Bất bình đẳng giới sẽ vẫn còn tồn tại, diễn ra nếu tất cả đều im lặng thỏa hiệp hoặc trông chờ vào sự lên tiếng đòi hỏi về bình quyền của giới còn lại. Phụ nữ bảo vệ nhau một cách đúng đắn và phù hợp là việc mà tôi luôn quan tâm đầu tiên trong các ý kiến của mình. Không chỉ riêng tôi, mà có rất nhiều nữ đại biểu đã vô cùng mạnh mẽ trong việc thể hiện chính kiến, tôi đã học được ở họ rất nhiều điều. Tôi có quyền tự hào về vai trò đóng góp của nữ giới trong hoạt động của Quốc hội và có thể khẳng định rằng, một trong những dấu ấn thành công của nghị trường QH khóa 14 chính là chất lượng đại biểu.
Quan điểm của chị về định kiến giới hiện nay theo chị đang như thế nào?
Quan điểm của tôi là, con người, dù làm công việc gì, thuộc thành phần nào đi nữa, khi chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, các quy chuẩn về đạo đức không còn là khuôn mẫu khô cứng, những định kiến về giới rất cần được loại bỏ.
Tôi nghĩ, một khi người phụ nữ phải chịu cảnh lệ thuộc vào tài chính của nam giới thì chắc chắn họ sẽ không được đối xử một cách bình đẳng. Chúng ta không nên mặc định phụ nữ lúc nào cũng yếu đuối nên luôn cần sự chở che, cậy nhờ vào sự bao bọc tuyệt đối từ phái mạnh. Phụ nữ sẽ giữ được vị thế của mình nếu hiểu rõ và biết tận dụng những đặc điểm riêng về giới, sẽ giữ được thần thái bởi tính độc lập trong suy nghĩ, tự chủ về thu nhập, mềm mại linh hoạt trong việc lựa chọn chất lượng sống cho gia đình hay của chính cuộc đời mình.
Có nhiều điều trong cuộc sống cần chia sẻ, hỗ trợ nhau, dành sự thấu cảm cho nhau hơn là lập ra một bản phân chia cứng nhắc về nhiệm vụ cả hai phải thực hiện mỗi ngày mà quên đi rằng, đàn ông hay phụ nữ thì cũng đều có mong cầu tìm được sự bình yên, thoải mái trong ngôi nhà của mình.
Chúng ta có nên đặt mục tiêu về sự bình quyền trong gia đình hiện nay?
Từng trải qua những giai đoạn khó khăn, đối mặt với biến cố trong đời sống, phụ nữ có thể khó tính, yêu cầu cao trong công việc, đặt ra mục tiêu lớn lao trong sự nghiệp nhưng đừng quá khó tính với gia đình của mình. Nếu có thể hãy hạ xuống các tiêu chí rập khuôn, các danh hiệu hình thức về một gia đình mẫu mực, áp lực phải là một người chồng hoàn hảo, một người vợ phấn đấu làm việc gì cũng giỏi nhưng mặt khác lại đấu tranh đòi nữ quyền mọi lúc mọi nơi, việc đấy chỉ có thể dẫn đến mâu thuẫn và lựa chọn cực đoan. Khi không gian sống thiếu vắng những nụ cười, góc riêng tư không còn những bình yên, sẽ không còn hạnh phúc.Đương nhiên đó là cách nghĩ của riêng tôi, một người phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác.
Chị có thể “bật mí” về quan điểm sống, cách sống và làm việc của mình?
Một vài quan điểm sống, cách sống và làm việc của tôi có thể sẽ không phù hợp với số đông hoặc có thể làm phật ý nhiều người. Dù từng là ĐBQH, có cơ hội tiếp xúc và mở rộng các mối quan hệ thuận lợi nhưng tôi là người quảng giao không tốt lắm, lại thẳng tính hay phát biểu những vấn đề gai góc, thế nên với những ai và nơi nào thích nghe thấy điều thuận tai vui mắt, quan điểm sống thuộc về số đông thì có thể tôi không phải là một sự lựa chọn tốt đối với họ.
Ngay cả người thân trong gia đình hoặc với những người bạn mà mình quý trọng, tôi vẫn thường chọn cách chia sẻ, trao đổi thẳng thắn với họ những suy nghĩ của mình, vì để đối xử thoải mái với nhau nhất, để giữ gìn hay phát triển một mối quan hệ tốt đẹp chính là giành cho nhau sự tôn trọng và thật lòng, lâu dần sự thấu hiểu sẽ giữ chân được các mối quan hệ.
Vừa rồi trong chuyến công tác tại miền Nam, tôi rất bất ngờ vì có người dân tại TP.HCM đã nhận ra gọi chào tôi và bước đến bắt tay. Đôi khi những niềm vui nho nhỏ ấy lại chính là động lực để tôi tin hơn vào lựa chọn có phần khác biệt của mình.
Chặng đường làm ĐBQH thật sự đầy sự thăng trầm - được mất với nhiều cung bậc cảm xúc, có sự tự hào và có cả đắng cay đã trải. Dù như thế nào, thì tất cả chúng ta ai cũng phải chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình, với công việc mình làm, con đường mình đã chọn. Việc tôn trọng những ý kiến, quan điểm khác biệt khi hoạt động Quốc hội cũng đã giúp chị có nhiều góc nhìn đa chiều, tiếp nhận các thông tin cởi mở hơn và biết chấp nhận mọi sự thay đổi.
Khi thôi làm đại biểu Quốc hội, chị có tiếc nuối việc gì không?
Có một điều mà tôi nghĩ mình cũng cần chia sẻ thật lòng, sau khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội, đôi khi phát hiện ra một quy định nào đó trong điều khoản của Luật, của chính sách nào đó chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tiễn, tôi vẫn giữ thói quen viết ra những suy nghĩ hay quan điểm cá nhân về vấn đề mình quan tâm nhưng xong rồi cũng để đó. Nhiều khi tôi có cảm giác hối tiếc vì khi còn làm đã không nghiên cứu hết chính sách, không nhận diện sớm để góp ý kiến kịp thời. Người dân, doanh nghiệp chính là đối tượng chịu mọi sự tác động của chính sách và người làm công tác xã hội, phụ trách mảng chính sách bảo trợ xã hội như tôi đã không ít lần cảm thấy ray rứt trong quá trình triển khai thực hiện. Bởi khi bên ngoài xã hội vẫn còn nhiều những mảnh đời bất hạnh mà chính sách an sinh vẫn còn xa tầm tay với của họ, chúng tôi chỉ còn cách mở rộng mọi kết nối để họ được tiếp cận những dịch vụ khác từ nguồn xã hội hóa.
Chị muốn làm gì để không còn phải ray rứt nói trên?
2 năm chứng kiến những biến động quá lớn từ mọi mặt đời sống xã hội do dịch bệnh Covid-19, tôi càng muốn dành thời gian nhiều hơn cho những công việc có giá trị, ý nghĩa với thân phận con người. Vừa chọn cách hòa mình gần hơn với đời sống người dân, vừa dành nhiều thời gian cho việc học, đọc sách bổ sung các kiến thức chuyên ngành công tác xã hội, từ đó nhân sinh quan thay đổi khá nhiều.
“Không ít lần người dân gọi tôi là quan chức ngành LĐ-TB-XH, tôi phải vội đính chính lại, mình chỉ là một công chức được phân công làm ở vị trí ấy. Quan trọng trong vai trò, vị trí nào thì mình cũng phải nỗ lực, cố gắng làm tốt nhất có thể những nhiệm vụ được giao. Từ trước đến nay, tôi luôn xác định hiệu quả công việc là mục tiêu, quá trình làm việc sẽ phải dồn sức, tận dụng hết khả năng vì công việc chung. Tôi không cố gắng vì vị trí tôi đang ngồi hoặc vị trí nào đó cao hơn. Tôi là người khá nhạy cảm, hay cảm thấy hổ thẹn với những gì chưa làm được. Thế nên những nỗ lực phấn đấu của tôi không phải vì muốn trở thành người phụ nữ thành đạt, có địa vị xã hội, để tên mình được gắn với chức danh nào đó. Mà tôi chỉ nỗ lực thật sự trong quá trình làm việc, cho hiệu quả cuối cùng của công việc, nó phải có giá trị. Giá trị này còn là giá trị về niềm tin, về con người, về những điều tử tế và sự tôn trọng lẫn nhau trong quá trình thực hiện mục tiêu chung.
Đến một lúc nào đó, nếu ở vị trí ấy mình không thể phát huy được nữa, không còn phù hợp với mục tiêu sống và làm việc của mình nữa, thì tôi chọn cách rời đi.
Tháng 4.2022, tôi chủ động nộp đơn xin thôi việc nhưng khi đó đội ngũ cán bộ của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Phú Yên đang thiếu nhiều vị trí nên đơn xin thôi việc của tôi vẫn chưa thể giải quyết. Đó thật sự là một quyết định rất khó khăn với tôi, bởi dẫu sao thì tôi cũng đã có hơn 20 năm làm việc trong biên chế nhà nước.
“Ở độ tuổi này nếu phải tìm việc và bắt đầu lại mọi thứ là điều không hề dễ dàng. Nhưng chắc chắn đây không phải là quyết định vội vàng, tôi mất khá nhiều thời gian để suy nghĩ và đấu tranh với chính mình. Khi bộ máy tổ chức của Sở ổn định, có thể đơn của tôi sẽ được xem xét giải quyết. Tôi không có nhiều dự định lớn lao, chỉ có thể đặt ra những mục tiêu nhỏ vừa với sức mình, một công việc khiến tôi cười nhiều hơn, tiếp nạp và lan tỏa nguồn năng lượng tích cực, có thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân và gia đình, đủ thấy mình hạnh phúc. Tôi có chỉ ước mong đơn giản vậy, tìm kiếm một công việc gắn với sự trợ giúp và phát triển con người, như giảng dạy chẳng hạn, vì đó chính là sự lựa chọn mà tôi vẫn luôn hướng đến.
Nhiều khi, giá trị của sức lao động không hẳn là được trả lương cao mà chính là tìm thấy được niềm vui trong chính công việc ấy. Tôi không thể biết trước được điều gì cho giai đoạn tiếp theo nhưng quan trọng là tôi đã vượt qua nỗi sợ của chính mình, bước qua vùng an toàn để hiểu sâu sắc hơn rằng, định hướng phát triển bản thân, mục tiêu sống của mỗi người phải do chính người đó lựa chọn và quyết định.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên