Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Hà Giang chăm lo người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc

111
Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên được xây dựng khang trang tại cao điểm 468 xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

Sáng 17/2, khi mây mù vẫn còn phủ trắng trên những đỉnh núi cao nơi biên giới, đã có hàng trăm cựu chiến binh, người dân lên Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên tại cao điểm 468, xã biên giới Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) để thắp hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc.

Tính từ năm 1979 đến 1989, tại mặt trận Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang có nhiều sư đoàn, lữ đoàn, trung đoàn của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Tại các cao điểm thuộc biên giới huyện Vị Xuyên đã diễn ra hàng nghìn trận đánh ác liệt. Nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để giữ vững từng tấc đất biên cương, trong đó có nhiều người vẫn còn nằm lại dưới thung sâu, khe đá chưa quy tập được.

Năm 2015, Ban liên lạc Hội Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên đã phát động ủng hộ xây dựng Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên tại cao điểm 468, xã Thanh Thủy. Đến nay, công trình đã hoàn thành và trở thành điểm tụ họp hằng năm của các cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, là điểm đến để tri ân các Anh hùng liệt sĩ, ôn lại truyền thống lịch sử.

Vừa qua, từ ngày 12 đến 13/2, Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp Tỉnh đoàn Hà Giang tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm “Hành quân theo bước chân anh”.

Tham gia chương trình, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa như: viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên; tham dự lễ thắp nến tri ân, cầu siêu hương hồn các Anh hùng liệt sĩ; tham quan làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy; dâng hương tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên.

111
Sáng 17/2, người dân đến thắp hương, tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên.

Điểm nhấn là du khách được trải nghiệm hoạt động đi bộ hành quân trên tuyến đường dài 15km từ thôn Thanh Sơn qua một số địa danh như: dãy nhà hậu phẫu, suối máu làng Pinh, thác âm phủ. Với hoạt động này, du khách cảm nhận được sự vất vả và hy sinh to lớn của những chiến sĩ năm xưa không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của dân tộc, từ đó bước tiếp hành trình cách mạng của các Anh hùng liệt sĩ.

Sáng 17/2, nhiều cựu chiến binh trong và ngoài tỉnh lên Đền thờ các Anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên để thắp hương tưởng nhớ những người đã ngã xuống để bảo vệ biên giới phía bắc.

Thăm chiến trường xưa, ông Nguyễn Trí Dũng, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang cho biết: “Lên Thanh Thủy những ngày đầu năm mới, tôi cảm thấy rất vui vì gặp lại nhiều đồng đội, thấy chiến trường xưa giờ đã có nhiều đổi thay. Nhưng băn khoăn, trăn trở vẫn còn, bởi những sườn đồi, điểm cao chưa sạch vật cản, hàng trăm liệt sĩ vẫn chưa được quy tập về cùng đồng đội”.

Theo thống kê của các đơn vị tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc tại tỉnh Hà Giang, có hơn 4.000 chiến sĩ đã hy sinh. Do điều kiện chiến tranh ác liệt, nhiều nghĩa trang riêng của các đơn vị bị pháo bắn phá, cày xới làm mất dấu tích, nhiều liệt sĩ không lấy được thi hài. Dọc tuyến biên giới Hà Giang, nhất là ở các điểm cao thuộc xã Thanh Đức, Thanh Thủy, Xín Chải, huyện Vị Xuyên vẫn còn khoảng 1.300 liệt sĩ nằm lại chiến trường.

Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang coi trọng công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ bởi đây không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, là nguyện vọng của cựu chiến binh, thân nhân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Tỉnh tập trung nguồn lực, nhân lực để xây dựng kế hoạch khảo sát, điều tra, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Qua các nguồn thông tin, tỉnh xác định còn nhiều liệt sĩ nằm lại trên những điểm cao trong khu vực rộng 1.700ha tại xã Thanh Đức, Thanh Thủy, Xín Chải, huyện Vị Xuyên. Khu vực này vẫn còn ô nhiễm bom mìn, để thực hiện quy tập hài cốt liệt sĩ, tỉnh xây dựng đề án rà phá bom mìn, quy tập hài cốt liệt sĩ và đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Từ năm 2020 đến nay, hơn chục đơn vị đã lên biên giới Vị Xuyên để tham gia rà phá bom mìn, vật liệu nổ. Dù điều kiện địa hình khó khăn, phức tạp, nhưng với quyết tâm cao, đến cuối năm 2020 đã hoàn thành để bàn giao diện tích đất sạch cho Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang.

Thượng tá Trần Hữu Khanh, Trưởng ban Chính sách, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang cho biết: “Trong thời gian rà phá bom mìn, Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã cử người phối hợp để thống kê số hầm, hào, công sự, vị trí nghi ngờ có hài cốt liệt sĩ, tính toán khối lượng đất đá, đánh dấu tọa độ, lập bản đồ để phục vụ công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Nơi biên giới khắc nghiệt, liệt sĩ hy sinh đã lâu nên hài cốt bị phân hủy ở mức độ cao, chậm ngày nào là cơ hội tìm thấy hài cốt liệt sĩ khó khăn ngày đó, Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ luôn phải cố gắng để chạy đua với thời gian”.

Từ năm 2021 đến nay, Đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã đã tìm kiếm, quy tập được 14 bộ hài cốt tại các điểm cao thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên.

111
Du khách đi bộ trải nghiệm qua những địa danh lịch sử trong chương trình du lịch “Hành quân theo bước chân anh”.

Tại Hà Giang, phong trào đền ơn đáp nghĩa được cấp ủy, chính quyền, nhân dân thực hiện sâu rộng với nhiều chương trình ý nghĩa như: xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Sự quan tâm của chính quyền địa phương đã giúp các gia đình chính sách khá hơn. Toàn tỉnh có hơn 4.260 hộ gia đình chính sách và chỉ còn 13 hộ nghèo, hiện nay, các ngành, các cấp đang tập trung hỗ trợ cho các hộ vươn lên.

Đầu năm 2019, nhằm tri ân những người đã chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phối hợp nhóm từ thiện thành phố Hồ Chí Minh gây quỹ hỗ trợ xây nhà cho 356 cựu chiến binh khó khăn về nhà ở tại Hà Giang.

Tiếp nối chương trình tri ân ý nghĩa đó, tháng 7/2019, Tỉnh ủy Hà Giang triển khai chương trình làm nhà cho người có công, cựu chiến binh nghèo và hộ nghèo khó khăn về nhà tại các xã biên giới với quy mô, số lượng, đối tượng rộng và toàn diện hơn.

Đến nay, tỉnh Hà Giang đã huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hơn 306 tỷ đồng, huy động hơn 264 nghìn lượt người và 279 nghìn ngày công lao động hỗ trợ chương trình. Cả tỉnh đã có 5.131 hộ được hỗ trợ triển khai xây dựng nhà ở, gồm 239 hộ thuộc đối tượng chính sách, 557 hộ là cựu chiến binh nghèo, 1.844 hộ nghèo ở các xã biên giới và 2.491 hộ nghèo tại các xã nội địa.

 

Theo Khánh Toàn/ Nhân Dân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây