Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Nhân đọc bài Bắt nạt, bàn về sách giáo khoa ngữ văn mới

Dạo đầu một chút: - Ví dụ, để giáo dục con trẻ đừng quá chuộng hình thức, hãy kể rằng, Albert Einstein, khi còn chưa nổi tiếng, có người hỏi: “Sao anh cứ ăn mặc xềnh xoàng thế?”, ông bảo: “Có ai biết tôi là ai đâu mà phải mặc sang trọng!”. Khi đã rất nổi tiếng, lại có người hỏi thế, ông bảo: “Giờ ai chả biết tôi, sao tôi lại phải ăn mặc sang trọng?”. Chuyện ấy có thể không chấm dứt được bệnh hình thức, nhưng ngay cả khi người nghe mê mải thời trang quá, thì trong người họ vẫn có một “cái gì đó” làm cho họ nghĩ đến cái ranh giới cần có. Vậy là, giáo dục đức tính giản dị không có nghĩa là phải viết thẳng vào sách giáo khoa rằng, “Hãy giản dị!” - nên “đi vòng” qua Einstein một chút!

- Ví dụ, để giáo dục lợi ích khi làm việc nhóm, đừng viết thẳng vào sách giáo khoa là “Hãy làm việc nhóm!” mà hãy kể rằng, lẽ ra, Chủ tịch Hội đồng khoa học Anh mới là người phát minh ra “Định luật Cảm ứng điện từ” chứ không phải là Michel Faraday. Nhưng vì ông Chủ tịch kia hẹp hòi nên chỉ tiến hành thí nghiệm một mình. Ông để ống dây điện và thỏi nam châm ở một phòng, rồi nối hai đầu của ống dây điện vào một chiếc điện kế ở một phòng khác để tạo thành một mạch kín. Thế là rất đúng rồi! Nhưng tiếc thay, ông đã thao tác sai vì chỉ có một mình! Ông ở phòng này và cho thanh nam châm chuyển động trong lòng ống dây rồi sau đó ông để đấy và chạy sang phòng kia để quan sát điện kế! Kết quả là, ông luôn thấy kim điện kế nằm im, và ông bỏ dở thí nghiệm! Michel Faraday không làm thế. Cũng với thí nghiệm đó, ông làm việc nhóm và khi ông cho thanh nam châm chuyển động trong lòng ống dây như ông Chủ tịch của mình, thì bạn ông ở phòng bên kia thấy kim điện kế chuyển động và reo lên: “Đã có dòng điện!” - thí nghiệm đã thành công - vì dòng điện cảm ứng chỉ xuất hiện trong mạch kín khi thanh nam châm chuyển động trong lòng ống dây (hoặc ngược lại) mà thôi!

Thế là Faraday thành công còn ông Chủ tịch kia thì thất bại! “Định luật Cảm ứng điện từ” là của Faraday! Faraday được thơm danh nhưng không quan trọng bằng việc, nhân loại từ đó có được “Định luật Cảm ứng điện từ”. Đến giờ, chúng ta vẫn dùng định luật ấy làm nguyên lý chế tạo máy phát điện, động cơ điện, nam châm điện...!

Vậy đó, “đi vòng” qua Faraday, bài học nhất định sẽ thú vị và hiệu quả hơn khi sách giáo khoa viết thẳng: “Hãy làm việc nhóm!” v.v... và v.v...

                           *

 “Nhân bất học bất tri lý” (Người không học thì không hiểu nghĩa lý và đạo lý). Tất nhiên, “học” không chỉ là phải “đến trường”, nhưng “đến trường” là đại trà, là quyền lợi mà con trẻ nên và phải có. Không “đến trường” mà thành người và thành tài thì chỉ có mấy “ông bà” “rạch giời rơi xuống” mà thôi - có, nhưng ít lắm!

Phụ huynh sở dĩ cho con “đến trường” tất vì hy vọng, “đến trường” tốt hơn “ở nhà”. Không thế, “đến trường” làm gì?

“Đến trường”, cái “hay” đầu tiên và cốt lõi của mọi sự “hay”, nằm ở chương trình - sách giáo khoa/ giáo trình. Tiếp đó, là có các thầy cô giỏi để dạy tốt cái chương trình ấy. Bên cạnh, là nền nếp - môi trường học tập - mà chỉ nhà trường mới tạo ra được. Các yếu tố khác ngoài nhà trường, dẫu sao cũng chỉ đóng vai “phụ trợ”.

Bây giờ ta hãy tiếp cận với bài Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh trong sách giáo khoa lớp 6 mới (Bùi Mạnh Hùng làm Tổng chủ biên, Nguyễn Thị Ngân Hoa làm Chủ biên...), và các bạn cũng hãy chịu khó “đi vòng” cùng tôi một chút!

Xưa, nhà Tăng Sâm ở gần chợ. Mẹ cậu thấy cậu bắt đầu bắt chước (học) người kẻ chợ cân, đong, đo, đếm, mặc cả..., bà tự nhủ: “Chỗ này không tốt cho việc học tập của con ta!” và chuyển nhà ra ngoài rìa làng vắng vẻ. Khổ thay! Nhà bà lúc ấy lại gần bãi tha ma và Tăng Sâm bắt đầu bắt chước (học) những người phu đào huyệt, suốt ngày tập... đào huyệt! Bà lại tự nhủ: “Chỗ này cũng không tốt cho việc học tập của con ta!”. Cuối cùng, bà chuyển nhà vào giữa làng và gửi con cho Khổng Tử. Sau, Tăng Sâm được Khổng Tử truyền đạo, được thiên hạ gọi là Tăng Tử. Ông cũng trở thành sư phụ của chính con trai Khổng Tử (Khổng Cấp), Nhan Tử (Nhan Hồi), Mạnh Tử (Mạnh Kha) và cùng những người ấy là ra “Tứ thư” của Nho học (Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh Tử)!

Thế đó! Bà mẹ của Tăng Sâm còn biết chọn chỗ, tức là biết tìm ra môi trường tốt cho con học tập, sao nhà trường ta bây giờ lại để trường mình có tệ nạn bắt nạt rồi để con trẻ phải tự bảo nhau chống tệ nạn ấy bằng bài Bắt nạt và nếu không xong, thì đi tìm Nguyễn Thế Hoàng Linh? (Trong bài Bắt nạt còn có câu “Bị bắt nạt quen rồi”, tức là lâu nay trong nhà trường, việc bắt nạt đã thành tệ nạn thật!).

Việc làm cho nhà trường không có tệ nạn bắt nạt là việc của nhà trường chứ, sao sách giáo khoa lại mặc nhiên thừa nhận tệ nạn ấy và chỉ định chống lại bằng bài Bắt nạt? Nhà trường bây giờ chẳng lẽ lại không bằng bà mẹ của Tăng Sâm sao? Lại có thể giống cái chợ hay cái bãi tha ma sao?

Kể chuyện Tăng Tử, sợ quý vị lại cho là tôi nệ Tầu, tôi lấy ví dụ ở nước ta và những nước khác vậy!

Ví dụ ở nước ta: Dế mèn phiêu lưu ký, Lá cờ thêu sáu chữ vàng, Đất rừng phương Nam... không hề mượn giọng trẻ con mà vẫn xây được “thành lũy” chống bắt nạt, kể cả chống ngoại bang bắt nạt. Thế là, chống bắt nạt thì phải làm từ gốc, từ “chiến lược” chống bắt nạt, chứ không phải là dùng bài Bắt nạt để bịt lỗ rò của con thuyền!

Ví dụ ở phương Tây: Để chống bắt nạt thì cha mẹ dạy con và cùng con trừng trị kẻ bắt nạt (trong phim có rất nhiều), thậm chí cài cả nhân viên an ninh vào trường để chống bắt nạt và nhà trường thì luôn có mọi biện pháp để giải tán trò bắt nạt.

Tại Pháp, Herto Malot chống bắt nạt trong đám ăn xin bằng cả cuốn truyện nổi tiếng Không gia đình.

Tại Ý, để chống bắt nạt từ gốc, Edmundo De Amicis, trong Những tấm lòng cao cả thường để các bà mẹ nói với con: “Khi con lấy ra 1 hào trong số tiền ăn sáng của con đặt vào tay một người ăn xin thì bàn tay con đã nở ra một bông hoa!”. Khi con trẻ đã có “bàn tay nở hoa” thì có cần đọc bài Bắt nạt nữa không? Chưa hết, ông ấy còn kể rằng, trong lúc tức giận với các bạn, một cậu bé trèo lên đồi và hét lên: “Tôi ghét bạn! Tôi ghét bạn! Tôi ghét bạn!”. Cả một vùng thung lũng dội lại y như lời cậu hét. Cậu về mách với mẹ cậu rằng, các bạn dưới các thung lũng ghét mình! Mẹ cậu dắt cậu trở lại đỉnh đồi và bảo cậu hãy thử hô lớn: “Tôi yêu bạn! Tôi yêu bạn! Tôi yêu bạn!”. Cả một vùng thung lũng hưởng ứng: “Tôi yêu bạn! Tôi yêu bạn! Tôi yêu bạn!”. Hiệu quả thế nào, không nói chắc các bạn cũng đoán ra. Một cậu bé yêu bạn, liệu có bị bắt nạt hoặc đi bắt nạt ai không? Sao lại phải lấy bài Bắt nạt để bịt lỗ rò bắt nạt như vậy? v.v... và v.v...

Nếu sách giáo khoa chọn được những áng văn chương tinh hoa, sẽ không bao giờ phải dùng đến một bài vè/ đồng giao cỡ như bài Bắt nạt để dạy học sinh!

Bản thân bài Bắt nạt và tác giả của nó không có lỗi gì. Nghe nói còn in và bán ngoài được 11.000 bản. Xin chúc mừng! Bạn cứ bán nhiều nữa ở bên ngoài, chả sao. Nhưng bài ấy của bạn không thể đưa vào sách giáo khoa được! Còn nếu nói chuyện bán sách ở thị trường sách bây giờ; thì sách bói toán, sách phổ biến giới tính, sách dạy kinh doanh... bán chạy hơn sách Nguyễn Du nhiều! Ai cũng biết, nhiều năm nay, “văn hóa đọc” ở ta đã xuống cấp như thế nào rồi!

Vì sao tôi lại có vẻ khắt khe thế? Tôi sẽ giải thích ngay đây!

Thời gian trong môn dạy ngữ văn trong trường phổ thông vốn không phải là vô tận. Cho nên trước hết, phải dùng để dạy tiếng Việt sao cho học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông có thể dùng tiếng Việt phổ thông thành thạo và có thể “viết thuê”, viết giúp thiên hạ, mọi thứ giấy tờ hành chính và thư từ cần thiết mà chưa cần đến văn chương (chứ không sai chính tả, ngữ pháp như bây giờ).

Sau đó, mới dùng để dạy thêm văn chương tinh hoa, nhằm xây dựng “thẩm mỹ cao cả” (ít ra là “khái niệm thẩm mỹ cao cả”) cho học sinh. Những học sinh đặc biệt có năng khiếu văn chương sẽ tìm hiểu thêm văn chương qua Câu lạc bộ Văn chương trong trường (giống như các bạn có năng khiếu thể thao, âm nhạc, hội họa... thì sinh hoạt thêm ở các câu lạc bộ tương ứng).

Trở lại với “khái niệm thẩm mỹ cao cả”!

Văn chương, từ thượng cổ đến giờ đều chia ra rất nhiều loại. Cách chia phổ biến là chia làm hai loại: “Văn chương tinh hoa” và “Văn chương phổ thông”. Để dễ hiểu, chúng ta hãy lấy ngay Cụ Hồ của chúng ta làm gương: Để có “Văn chương tinh hoa”, Cụ viết Nhật ký trong tù (mà Quách Mạt Nhược phải khen rằng, có nhiều bài hay như thơ Đường - Tống). Để động viên quần chúng ít học tham gia cách mạng, Cụ viết “Văn chương phổ thông”, ví dụ các bài: Ca sợi chỉ, Ca dân cày, Ca binh lính... và Cụ không bao giờ nhầm “Ca” với “Thơ”. Sau này, do quá hăng hái, các nhà soạn sách giáo khoa, ta bèn gọi tuốt là “Thơ” và từ đó, khái niệm “Thơ” trở nên thật là dễ dãi, lỏng lẻo!

Cứ theo đó mà xét, thì bài Bắt nạt của bạn Nguyễn Thế Hoàng Linh nên xếp vào đâu, chắc tôi cũng không cần hỏi lại các bạn nữa và vì vậy, tôi mới bảo, bài Bắt nạt không nên và không được đưa vào sách giáo khoa! Nhưng dù thế, bài Bắt nạt vẫn có thể dùng trong các sinh hoạt ngoại khóa, trong các cuộc “nu na nu nống”... chứ nhất định không được dùng để dạy ngữ văn trong nhà trường. Đồng ý là văn chương dạy cho học sinh phổ thông phải là thứ văn chương giản dị để các em dễ hiểu, nhưng bên trong hình thức giản dị, chúng phải có nội hàm sâu sắc. Nhân đây tôi cũng xin đề nghị những người làm sách giáo khoa nhất định không nên đưa những thứ văn chương dạy “sành sỏi”, văn chương “cập nhật” chưa được kiểm chứng bởi thời gian quanh ta, vào sách giáo khoa. Những thứ đó, ra khỏi cổng trường, lên mạng, học sinh gặp đầy rẫy, không phải “dạy”, cuộc đời sẽ “dạy” họ!

Còn nếu những người soạn sách giáo khoa bào chữa rằng, bài Bắt nạt có thể giúp nhà trường chống tệ nạn bắt nạt “có thật” trong nhà trường, thì ngoài những điều tôi đã nói, tôi xin nói thêm rằng, thế thì sách giáo khoa của các anh chị cũng phải có những bài tương tự như bài Bắt nạt, để chống lại những tệ nạn “có thật” khác trong nhà trường lâu nay bên cạnh tệ nạn bắt nạt, ví dụ các tệ nạn nói tục, nạn quay cóp, nạn dùng “phao” thi, nạn học thêm tiêu cực (vì có việc học thêm tích cực); nạn thiếu lớp - thừa công sở, đến nỗi 50 - 60 học sinh phải học chung trong một phòng học tiêu chuẩn và thầy cô không thể đủ thì giờ để uốn nắn từng em được, v.v... và v.v...!

Thế tức là, sách giáo khoa phải được soạn theo nguyên tắc chặt chẽ và nghiêm cẩn - hướng tới cái cao cả - chứ không soạn kiểu tùy tiện/ “mỳ ăn liền” như vậy.

Để làm được bộ sách giáo khoa Ngữ văn tốt, một nhóm nhỏ các nhà soạn sách chắc chắn là không đủ sức. Vì vậy, Tổng chủ biên nên lập ra mấy “cửa” tiếp nhận những áng “Văn chương tinh hoa” thích hợp khắp nơi, sau khi công khai mời những người quan tâm đến sách giáo khoa Ngữ văn trong toàn quốc tham gia gửi những áng “Văn chương tinh hoa” giản dị mà sâu sắc, hợp với tuổi học trò về cho mình. Còn nếu cơ quan chủ biên nhất định “bế quan tỏa cảng” như lâu nay, thì việc soạn sách giáo khoa Ngữ văn tất sẽ bại tiếp và sẽ tái diễn rất nhiều chuyện buồn như là ta đã thấy, ví dụ chuyện cắt sửa thơ một cách tùy tiện, ví dụ chuyện đưa cả “Ca” vào sách giáo khoa thay thế cho “Thơ” như đã nói...

 

Tác giả: Nhà thơ Đỗ Trung Lai
Nguồn Văn nghệ số 44/2021

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây