Một trong những vấn nạn tác động trực tiếp đến niềm tin và lý tưởng của tuổi trẻ, đó là sự “bêu gương” của không ít người lớn; đăc biệt là những người có chức, có quyền, có vị trí xã hội, nhưng lời nói không đi đôi với việc làm, nói một đằng làm một nẻo, thường rao giảng kêu gọi thanh niên bằng những lời tốt đẹp nhưng bản thân thì làm những điều xấu xa tội lỗi… Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, người lớn tuổi… luôn có một vị trí rất quan trọng, không những góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn là tấm gương dẫn dắt quần chúng, nhất là giới trẻ, để họ tin tưởng nghe theo và làm theo. Tuy nhiên trong thực tế lại có một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu đi đầu, chỉ “tiên phong cửa miệng” làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Có không ít trường hợp luôn hô hào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhưng chính mình lại trượt dài xuống con dốc suy thoái, biến chất; tự tay ký những quyết định gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước và nhân dân để trục lợi; hoặc nhận hối lộ hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng và sống xa hoa, thừa thãi...
Xin nêu một ví dụ điển hình “nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo”, thiếu gương mẫu mà dư luận hay nhắc tới, là trường hợp ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Ông Chung là Thiếu tướng Công an, chỉ huy lực lượng thực thi pháp luật, phòng chống tội phạm, nhưng bản thân lại phạm tội. Khi còn đương chức, ông đã từng có những phát ngôn “nóng”, nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân kỳ vọng vào vị lãnh đạo thanh liêm của Thủ đô. Thế nhưng những gì ông Nguyễn Đức Chung làm lại không đúng như ông nói. Thậm chí, ông nói một đằng, làm một nẻo, để lại nhiều hệ lụy, tai tiếng cho cá nhân, gia đình và gây ra nhiều phiền toái cho cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương. Một trường hợp khác cũng được dư luận nhắc đến nhiều là ông Trương Minh Tuấn, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ông Tuấn từng chủ biên cuốn sách Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay, nhưng chính ông đã “tự diễn biến, tự chuyển hóa” rất thậm tệ. Phát biểu trong các hội nghị hay khi tiếp xúc với nhân dân, ông Tuấn luôn hô hào phải quyết liệt đấu tranh đẩy lùi “quốc nạn” nọ, tệ nạn kia… nhưng chính ông lại có những hành vi vi phạm nghiêm trọng những điều đảng viên không được làm...
Hiện tượng những cán bộ và đảng viên chỉ nêu gương bằng “khẩu hiệu” nhưng sống hai mặt, chỉ nói đúng đường lối nhưng lại làm sai nghị quyết, làm trái pháp luật... còn nguy hại hơn cả những tội phạm trong “xã hội đen”. Đây chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa được nghiêm túc, hiệu quả; đồng thời là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng thổi phồng, xuyên tạc nhằm vào lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, rắp tâm chống phá công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.
Những thông tin sai lệch, tiêu cực, xấu độc như thế hằng ngày, hằng giờ tràn ngập trên mạng xã hội. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến đầu năm 2023, Việt Nam có gần 80 triệu người dùng mạng xã hội. Thời gian trung bình người Việt Nam sử dụng mạng xã hội năm 2022 là 2 giờ 28 phút mỗi ngày. Con số này lớn hơn nhiều so với trung bình các nước khác trên thế giới. Mạng xã hội đang dần trở thành nơi chia sẻ thông tin của người sử dụng một cách dễ dàng, thuận tiện và nhanh chóng. Nhưng mạng xã hội cũng là nơi dễ dàng phát tán các ấn phẩm đồi trụy, bạo lực, cổ súy cho lối sống thực dụng làm tha hóa con người, khơi dậy ham muốn bản năng, chạy theo hưởng lạc, không chịu học tập, làm việc và cống hiến. Khi sự ham muốn bản năng trở thành mục đích duy nhất thì tất yếu dẫn đến sao nhãng quá trình học tập và rèn luyện; sự bồng bột, thiếu thực tế, dễ dao động, dễ bị lôi kéo, ảnh hưởng của lối sống đua đòi, dẫn đến một bộ phận giới trẻ coi trọng lối sống vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần. Từ đó dẫn đến thói vô cảm, không đấu tranh chống cái sai và cũng không ủng hộ, bảo vệ cái đúng, giảm sút ý chí phấn đấu vươn lên, ngại khó khăn, gian khổ, lệch lạc trong suy nghĩ và hành động...
Điều đáng chú ý là lượng người dùng mạng xã hội Việt Nam chủ yếu ở độ tuổi 18-34. Đây là “độ tuổi vàng” của dân số nói chung. Công chúng ở độ tuổi này đang là lực lượng lao động chính của xã hội, là trụ cột trong các gia đình. Công chúng trẻ này cũng là đối tượng mà các hoạt động tư tưởng văn hóa cần tác động. Thông qua mạng xã hội, các nhà truyền thông chính trị có thể tiếp cận được đối tượng này một cách dễ dàng và hiệu quả. Để giúp cho thế hệ trẻ nhận diện được Đúng-sai, Tốt-xấu… thì các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm trang bị “vũ khí” để thanh niên tự bảo vệ mình. Trước hết, lãnh đạo các ngành, các cấp cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của thanh niên và công tác thanh niên; Phải coi công tác chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Đặc biệt phải quan tâm đến quyền lợi thanh niên; nhất là quyền được học tập, lao động, sáng tạo và thăng tiến. Cần phát huy vai trò của nhà trường, gia đình và các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền, giáo dục, định hướng tư tưởng cho thế hệ trẻ. Trong đó, nhà trường phải không ngừng cải tiến nội dung và biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Các tổ chức đoàn thể cần làm tốt công tác tuyên truyền vận động, hướng các hoạt động thanh niên vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội. Gia đình phải tích cực chủ động phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý giáo dục con em mình chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm do Ban Bí thư Trung ương Đoàn phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức mới đây, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải luôn luôn cổ vũ, động viên cho thanh niên Việt Nam tinh thần lý tưởng cách mạng, hoài bão, mơ ước cống hiến không ngừng cho đất nước, dân tộc. Đồng chí hoan nghênh sáng kiến của Trung ương Đoàn kiên trì quan điểm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” thông qua việc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên mạng xã hội, để tin tốt át tin xấu, chuyện đẹp dẹp các chuyện bịa đặt, nhằm tạo dư luận và kêu gọi sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên .
Để thực hiện được quan điểm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” trong giới trẻ, các cấp ủy, tổ chức đảng cần đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục; nội dung linh hoạt, gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với tâm lý thanh niên và điều kiện thực tiễn. Các cơ quan chức năng cần cung cấp thường xuyên những thông tin chính thống cho giới trẻ thông qua những cổng thông tin, trang tin điện tử. Tổ chức đoàn các cấp cần chủ động, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho thanh niên trong việc tự bảo vệ mình trong môi trường ô nhiễm. Đặc biệt, cần tổ chức cuộc vận động cán bộ, đảng viên và người lớn tuổi gương mẫu trước thế hệ trẻ, bắt đầu từ mỗi gia đình, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể…
Bảo vệ giới trẻ trong môi trường ô nhiễm bởi những hiện tượng tiêu cực, phi đạo đức, phản văn hóa… và những thông tin sai lệch, xấu độc hiện nay chính là bảo vệ tương lai giống nòi, bảo vệ sự trường tồn của dân tộc.
Theo Đỗ Phú Thọ/Văn nghệ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên