Một nội dung quan trọng, đó là: "Giao Văn phòng UBND thành phố, Chánh văn phòng UBND thành phố công khai thông tin các chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường trên địa bàn tại các cuộc họp báo của UBND thành phố".
Không phải lần đầu, mà những năm qua Hà Nội đã nhiều lần ra quân dẹp vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây mất trật tự, an toàn giao thông, văn minh đô thị, nhưng mọi chuyện đâu lại vào đấy.
Có vẻ như, hoạt động "ra quân" hay "phong trào" không mang lại hiệu quả. Mà đây là việc làm thường xuyên, liên tục, kiên nhẫn. Lãnh đạo phải bám địa bàn, bám công việc, triển khai các biện pháp giải phóng lòng lề đường một cách quyết liệt.
Nếu không, thì chỉ dẹp được dăm bữa nửa tháng, lề đường sẽ bị lấn chiếm trở lại. Chuyện này không mới, đã nhiều lần xảy ra, lặp đi lặp lại qua nhiều đời chủ tịch. Không chỉ riêng Hà Nội, mà TPHCM cũng chung "hoàn cảnh".
Chưa kể, có quận làm tốt, có quận không, hay trong địa bàn quận, huyện, có phường, xã làm tốt, có nơi ngược lại.
Báo Lao Động ngày 9.3 đăng phóng sự Hà Nội sau 1 tuần giành lại vỉa hè: Chỗi nghiêm túc, nơi lỏng lẻo, ghi lại hình ảnh những tuyến phố có lề đường thông thoáng và những tuyến phố còn nhếch nhác, xe cộ "bức tử" vỉa hè, đẩy người dân xuống đường để đánh cược với tai nạn.
Những hình ảnh trái ngược đó cho thấy, còn có nhiều địa phương trong thành phố không tích cực thực hiện xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng. Trong đó có tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh buôn bán, trông giữ xe sai quy định.
Vậy thì phải có biện pháp xử lý với lãnh đạo các địa phương để cho người dân lấn chiếm vỉa hè mà không dẹp được, chưa kể có thể có nhóm lợi ích đằng sau các vỉa hè đó.
Công khai thông tin các chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã; chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm về trật tự hè phố, lòng đường, có nghĩa là nêu rõ tên những vị lãnh đạo làm kém. Báo chí có quyền lấy thông tin công khai này để đăng lên cho bà con được biết. Nếu như vậy kể cũng xấu hổ với dân, thẹn với dư luận.
Nhưng cứ chỉ đích danh tên tuổi của chủ tịch các địa phương làm kém mãi kể ra cũng "nhàm". Cần có biện pháp mạnh hơn, ví dụ như vị nào bị nêu tên nhiều lần thì phải có hình thức kỷ luật, kiểm điểm, thậm chí cách chức, chuyển công tác. Có như vậy các vị chủ tịch quận, huyện, thị xã... mới sợ mất chức, lo thực hiện thật tốt nhiệm vụ.
Theo Lê Thanh Phong/Lao động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên