Tham luận của NB Nguyễn Công Đán
Chủ tịch HNB Hưng Yên
Trước nguy cơ hệ thống báo chí chính thống, trong đó có các cơ quan báo Đảng và Đài PTTH đang bị mạng xã hội lấn lướt (hệ thống báo đài địa phương có nguy cơ thua mạng xã hội) và trong lúc có không ít các nhà báo vi phạm đạo đức nghề báo, thì HNB Thái Bình tổ chức Hội thảo “ĐẠO ĐỨC NHÀ BÁO TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHỆ 4.0” đã thu hút được sự chú ý của đông đảo đội ngũ các nhà báo cũng như thu hút sự chú ý của các nhà quản lý báo chí. Trong tham luận này, tôi xin làm rõ mấy vấn đề.
Một là: Hệ thống báo Đảng địa phương phải làm gì để không thua mạng xã hội?
Hai là: Các nhà báo trong thời đại 4.0 thường có những vi phạm gì về mặt đạo đức?
Ba là: Sự quản lý của Tổng Biên tập, sự quản lý của Ban Biên tập và việc rèn luyện, tu dưỡng của phóng viên để các nhà báo DŨNG CẢM, NHANH NHẬY, CHÍNH XÁC VÀ CHUYÊN NGHIỆP TRONG TÁC NGHIỆP.
1. HỆ THỐNG BÁO ĐẢNG ĐỊA PHƯƠNG PHẢI LÀM GÌ ĐỂ KHÔNG THUA MẠNG XÃ HỘI?
Đây là vấn đề rất khó. Bởi hệ thống Báo Đảng địa phương đang thua mạng xã hội về cập nhật tin tức. Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, mạng xã hội đưa tin rất nhanh về vụ xã hội đen lộng hành tại Thái Bình - Vụ Đường Nhuệ, vụ Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến đưa con trai học nghề cờ vua làm Bí thư thành phố Bắc Ninh, vụ bà thứ trưởng Bộ Giáo dục Đặng Huỳnh Mai xin hóa giá nhà công vụ, vụ bắt cóc cháu bé tại Bắc Ninh và cũng tại Bắc Ninh còn có vụ đánh đập và làm nhục một thiếu phụ vì dám chê nhà hàng không vệ sinh, mặc dù thiếu phụ đã gắp sán trong đĩa thức ăn của mình... Những vụ đại loại như thế, báo chí chính thống không đưa hoặc đưa ít, đưa chậm trong lúc toàn xã hội đã chăm chú từng giờ bật mạng mở điện thoại để tìm kiếm thông tin về những vụ việc đó. Do đó, về mặt thông tin các vụ việc, hệ thống báo chí của chúng ta không cập nhật tin tức nhanh bằng mạng xã hội. Và một khi, công chúng đã có thông tin từ mạng xã hội thì họ không cần chờ đến tối xem ti vi hoặc chờ đến sáng hôm sau để đọc báo. Một số công chúng vì mục đích theo dõi xem hệ thống báo chí chính thống đưa tin vụ việc đó thế nào? Liều lượng ra làm sao? Nhưng đáng tiếc là nhiều vụ việc hệ thống báo địa phương không đưa. Vài lần như thế, công chúng quên hay bỏ rơi chúng ta. Vậy chúng ta thua là điều khó tránh. Mặt khác hệ thống báo đài địa phương chưa chú trọng cải tiến nội dung tin bài, thường đưa tin bài hiếu hỷ, lễ tân, xuân thu nhị kỳ cấy gặt hoặc đưa tin kiểu phong trào...không hấp dẫn được công chúng.
Vậy để không thua mạng xã hội, các Tổng Biên tập và các nhà báo chúng ta phải làm gì?
Thứ nhất, chúng ta cần thay đổi tư duy và cách thức làm báo để phục vụ công chúng nhanh nhất có thể. Tức là tin bài ngắn gọn phù hợp để đăng tải trên điện thoại di động.
Thứ hai, phải dũng cảm và khôn khéo đưa các vụ việc xảy ra tại địa phương trên cơ sở đảm bảo liều lượng thông tin, thời điểm đưa tin, để lãnh đạo chấp nhận được và công chúng cũng được lượng thông tin cần thiết.
Thứ ba, chúng ta kết hợp đưa các tin văn hóa, kinh tế, chính trị xã hội khác mà công chúng quan tâm vì lượng thông tin phong phú đa dạng mà mạng xã hội không có được hoặc rất ít có thông tin loại này... Những tin người tốt việc tốt, hoặc những tin sáng kiến mới, cách làm hay là thế mạnh của các cơ quan báo chí.
Thứ tư, đã đưa tin viết bài là chính xác vì báo chí qua thời gian, qua các khâu kiểm duyệt, do đó độ chính xác thường cao hơn các tin tức của mạng xã hội.
Thứ năm, chúng ta có phương tiện kỹ thuật ghi thu dàn dựng hiện đại, chuyên nghiệp hơn hẳn mạng xã hội. (Thiết bị của đài, báo có giá trị hàng chục tỷ VNĐ) do đó cần tận dụng ưu thế này để sản xuất tin bài sinh động hình ảnh đẹp.
2. CÁC NHÀ BÁO TRONG THỜI ĐẠI 4.0 THƯỜNG CÓ NHỮNG VI PHẠM NÀO VỀ ĐẠO ĐỨC?
Nhìn chung, phóng viên hệ thống báo Đảng địa phương ít và không có những vi phạm đạo đức trầm trọng. Nhưng các nhà báo chúng ta thường mắc một số lỗi sau:
- Đăng tin bài vì mục đích tống tiền doanh nghiệp cũng như tổ chức và cá nhân.
- Không tìm hiểu kỹ, thường đưa tin một chiều phiến diện.
- Có hiện tượng khai thác tin bài qua báo cáo, viết như báo cáo.
- Có hiện tượng vòi vĩnh cơ sở.
- Tác phong làm việc thiếu văn hóa, nói năng cư xử làm cho cơ sở không hài lòng.
- Không dám hoặc ít đưa tin bài mặt trái, thường đổ lỗi là “Tổng biên tập không cho đưa”
- Không yêu nghề, coi nghề báo là mưu sinh, dẫn đến không học tập nâng cao trình độ, không thành thạo các thể tài báo chí, không có khả năng bình luận, hoặc gặp nhiều hạn chế , khó khăn khi làm phóng sự, phim tài liệu, kí báo chí...
3. SỰ QUẢN LÝ CỦA TỔNG BIÊN TẬP, CỦA BAN BIÊN TẬP VÀ SỰ TỰ RÈN LUYỆN TU DƯỠNG CỦA NHÀ BÁO
Một hạn chế thường thấy là hệ thống báo đài địa phương không dám hoặc ít đưa tin bài mặt trái vì căn bệnh thành tích, ngại đấu tranh phê bình. Điều đó làm cho báo đài không có sức sống, không thu hút được quan tâm của công chúng. Việc đấu tranh phê bình trên báo chủ yếu phụ thuộc vào bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp trước hết của Tổng Biên tập. Nếu TBT sợ hãi hoặc an phận thủ thường thì tờ báo sẽ mất niềm tin của công chúng và sẽ ít người xem. Bác Hồ từng căn dặn; “ Một tờ báo không được đại đa số công chúng ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo”.(Thư gửi Lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng năm 1947) Sẽ có tình trạng : cả một tòa soạn bị công chúng lãng quên hoặc không được công chúng tôn trọng, vì sự nhút nhát né tránh đấu tranh. Bệnh thành tích, bệnh giả dối trên báo là vi phạm đạo đức. Khi một cơ quan báo chí có một TBT né tránh đấu tranh phê bình trên báo thì không thể đòi hỏi người phóng viên, thậm chí hàng chục PV có đạo đức được. Nhà báo phải tôn trọng sự thật và phục vụ công chúng. Trong khi sản phẩm của tòa soạn làm ra là thứ kém chất lượng và không được công chúng ưa chuộng, trong khi tòa soạn đó tiêu tốn hàng chục tỷ hoặc tiêu nhiều hơn thế, thì sự tiêu tốn nhiều chục tỷ là một sự lãng phí tiền dân. mà đã lãng phí tiền dân thì đã đánh giá về phẩm chất và đạo đức nhà báo là như thế nào? Các cơ quan báo chí, mà trước hết là TBT phải dũng cảm trước đòi hỏi của Đảng và Nhân dân. Bác Hồ dặn các nhà báo: “Đối với các ngành hoạt động nêu các thành tích- thế là đúng; nhưng rất ít phê bình các khuyết điểm - thế là không đúng. Có khi phê bình, thì cũng đánh trống bỏ dùi”, không đi sâu xét kỹ tận gốc rễ vì sao có khuyết điểm ấy?”(“Mấy khuyết điểm báo chí của ta”- Bài đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 5/5/1954- Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7 trang 271). Tại Đại hội 3 HNB VN ngày 8/9/1962, khi chỉ ra các hạn chế thiếu sót của báo chí Bác nhắc: “ Báo thường quá dài, “ dây cà ra dây muống”, không hợp với trình độ và thời giờ của quần chúng” và “ Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10 trang 614).
Như vậy, nói lên sự thật là đạo đức của người làm báo, mà trước hết phụ thuộc vào Tổng Biên tập.
Theo chức năng nhiệm vụ của mình, Ban Biên tập cũng là chốt gác quan trọng để quyết định cho đăng hoặc không đăng các tin bài có nội dung trung thực và không trung thực. Đồng thời Ban Biên tập là trung tâm xây dựng kế hoạch tuyên truyền và nội dung tin bài. Phát huy đúng chức năng, nhiệm vụ của BBT thì sẽ có được những tin bài sát đúng với thực tế, đồng thời Ban Biên tập có trách nhiệm to lớn và hiệu quả khi cùng Tổng Biên tập bảo vệ quan điểm của những tin bài đã đăng, một khi chúng bị đơn vị nào đó có ý kiến phản đối...
Cuối cùng là sự tự rèn luyện tu dưỡng của phóng viên để giữ gìn được đạo đức trong thời kỳ 4.0. Điều này đòi hỏi mỗi nhà báo phải thực hiện đạo đức người làm báo như điều 3 của 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật”. Một khi nhà báo có đạo đức nghề nghiệp, họ sẽ yêu nghề, họ sẽ tôn trọng sự thật và lẽ phải, họ sẽ ham học tập để trở thành một nhà báo dũng cảm, nhanh nhậy, chính xác và chuyên nghiệp trong tác nghiệp, họ sẽ viết bình luận cũng hay và viết phóng sự cũng tài...