Sách giáo khoa: Đừng để bài toán kinh tế “giết chết” câu chuyện chuyên môn

Thứ năm - 18/03/2021 10:56
Hiện đang có tình trạng vì toan tính thiệt hơn liên quan đến kinh tế mà nhiều bộ sách chất lượng đã không đến được với học sinh, giáo viên.

Xóa hai bộ sách vì lợi ích nhóm?

Hiện nay các nhà trường và địa phương đang tổ chức nghiên cứu lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 phục vụ cho năm học 2021 - 2022. Các nhà xuất bản có sách giáo khoa cũng đẩy mạnh công tác giới thiệu sách, đưa sách đến tay giáo viên, nhà trường.

Tuy nhiên, công tác viết sách, lựa chọn sách năm nay đã xuất hiện nhiều vấn đề mập mờ, cần thiết có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng tránh lợi dụng xã hội hóa.

Sự việc gây tranh cãi lớn nhất về sách giáo khoa mới đây là sự biến mất hai bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự dân chủ, bình đẳng trong giáo dục” ở lớp 2 và lớp 6.

111
Sách giáo khoa là sản phẩm hàng hóa đặc biệt không thể để trôi nổi mặc cho quy luật thị trường điều chỉnh (ảnh minh họa - nguồn TL).

Giải thích về vấn đề này, theo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) đã có sự hợp nhất giữa các bộ sách, cụ thể: “Khác với lớp 1, từ lớp 2 trở lên, NXBGDVN có hai bộ sách: Bộ sách giáo khoa “Kết nối tri thức với cuộc sống” được hợp nhất từ bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ “Cùng học để phát triển năng lực”.

Bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo được hợp nhất từ bộ Chân trời sáng tạo và bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục.

Mục tiêu hợp nhất là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả; tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn sách giáo khoa, phát triển sách giáo khoa giấy đồng bộ với sách và học liệu điện tử cũng như nâng cao chất lượng công tác tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới”.

Để hiểu rõ hơn câu chuyện thực tế “hợp nhất” các bộ sách, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận (NB&CL) đã trao đổi với ông Hà Huy Khoái - Tổng chủ biên sách giáo khoa lớp 2 bộ “Kết nối trị thức với cuộc sống”.

Ông Khoái cho rằng, đã có sự hợp nhất về tư tưởng giữa hai bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” với bộ “Cùng học để phát triển năng lực”.

Nhưng ông cũng khẳng định: “Nhóm tác giả của bộ “Cùng học để phát triển năng lực” chỉ trao đổi mà không viết trang sách nào”.

Ngược lại với quan điểm trên, thầy Phan Doãn Thoại - chủ biên môn Toán 1 của Bộ “Cùng học đê phát triển năng lực” khẳng định: “Nhóm Toán 2 của bộ “Cùng học để phát triển năng lực” không được tham gia vào Toán 2 của bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

Cho nên không thể nói về tư tưởng hợp nhất của hai bộ sách này được”.

Để hiểu rõ hơn về sự biến mất của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, phóng viên Báo NB&CL trao đổi với bà Nguyễn Thị Hạnh - chủ biên của sách Tiếng Việt 1.

Bà Hạnh khẳng định: “Gọi sáp nhập là không có mà họ đã bỏ đi hai bộ sách. Theo tôi, họ đã bỏ đi hai bộ sách tốt và giữ lại hai bộ sách không tốt. Ở đây do lợi ích nhóm chi phối”.

Chia sẻ thêm về sự tình bên trong, theo bà Hạnh: “Đến nay, các tác giả viết sách bị bỏ không được đền bù. Việc đối xử với các tác giả viết sách như vậy là quá tệ. NXBGDVN làm như vậy vì muốn “ăn to hơn”, không muốn đầu tư 4 bộ, muốn thu lợi nhuận về công ty mẹ mà không chia sẻ lợi ích với công ty con”.

Bà Hạnh cho biết thêm: “Sách Tiếng Việt 2 của bộ “Cùng học để phát triển năng lực” đã viết xong. NXBGDVN đã đưa ra hội đồng nội bộ thẩm định và khen sách của tôi. Họ chỉ đề nghị chỉnh sửa nhỏ. Còn bộ sách “Kết nối tri thức và cuộc sống” phải sửa rất nhiều. Nói vậy để thấy câu chuyện chuyên môn đã không còn chuyên môn nữa.

Mà giờ thực tế đã trở thành câu chuyện thị trường, buôn bán. Hai bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” và “Vì sự dân chủ, bình đẳng trong giáo dục” được soạn bởi các chuyên gia hàng đầu ở bậc tiểu học. Đáng lẽ, khi chọn lựa sách phải dựa vào hội đồng chuyên môn khách quan, bộ nào tốt sẽ được chọn nhưng họ đã không làm vậy. Việc xóa bỏ hai bộ sách trở thành câu chuyện lợi ích nhóm chứ không phải câu chuyện chuyên môn. Họ đã chọn hai bộ sách của công ty mẹ, còn sách của công ty con đã bị bỏ đi. Đối xử với các tác giả như vậy trong kinh doanh gọi “cá lớn, nuốt cá bé”.

111
Sách giáo khoa là thị trường sôi động mà ai cũng muốn được độc quyền hoặc chiếm thị phần tuyệt đối (ảnh nguồn internet).

Câu chuyện giữ và bỏ các bộ sách giáo khoa hiện đang tồn tại nhiều ý kiến trái chiều.

Việc hợp nhất các bộ sách giáo khoa theo quan điểm của NXBGDVN bị những người trong cuộc không thừa nhận. Đa số các tác giả viết sách bị xóa bỏ mà phóng viên Báo NB&CL trao đổi đã không đồng ý với quan điểm của NXBGDVN.

Có tình trạng “bên trọng, bên khinh”

Từ chuyện viết sách đến việc lựa chọn sách giáo khoa luôn chứa đựng nhiều điểm mờ ám.

Năm học 2020-2021 từng xảy ra việc, một quận, một tỉnh chỉ chọn một bộ sách giáo khoa. Việc này từng khiến dư luận hết sức bất bình và đặt ra nhiều nghi vấn có “chỉ đạo” trong chọn sách giáo khoa.

Năm nay, công tác lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 mới tiến hành nhưng thông tin phóng viên Báo NB&CL thu thập được cho thấy có tình trạng một số địa phương, một số nơi tìm cách hạn chế nhà xuất bản này nhưng lại rải thảm cho nhà xuất bản khác đến giới thiệu sách.

Đơn cử theo phản ánh tại Bắc Kạn, hiện nay nhóm Cánh Diều chưa được mời đến để giới thiệu sách.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, phóng viên Báo NB&CL trao đổi với ông Mai Thế Quyên - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo. Theo ông Quyên: “Bắc Kạn năm trước vẫn cho các nhà xuất bản đến giới thiệu sách.

Không có chuyện năm nay không cho bên Cánh Diều đến giới thiệu sách tại địa phương.

Sách của Cánh Diều đã gửi đến các đia phương để nghiên cứu, còn phía Cánh Diều vẫn chưa làm việc giới thiệu sách tại tỉnh”.

Trước thông tin trên, phía Cánh Diều cho rằng: “Bên Cánh Diều không được mời, trong khi NXBGDVN được mời cả nữa tháng nay. Bên Cánh Diều có liên hệ nhưng Bắc Kạn không làm. Họ nói dối như cuội”.

Để hiểu rõ hơn công tác giới thiệu sách tại địa phương, phóng viên Báo NB&CL đã trao đổi với bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị.

Bà Hương cho rằng, hiện nay các nhà xuất bản đang tập huấn cho giáo viên, tất cả các giáo viên tham gia nghe để xây dựng ý tưởng. Sở đang yêu cầu các nhà xuất bản chuyển các bộ sách về cho các đơn vị để nghiên cứu.

Trong thời gian nghiên cứu các thầy cô sẽ đề xuất tham khảo cho hội đồng của ngành để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh.

“Quảng Trị khuyến khích tất cả các nhà xuất bản đến giới thiệu sách. Mình làm trực tuyến nên ở địa phương nào các nhà xuất bản cũng dễ dàng tham gia giới thiệu sách. 

Tất cả các bộ sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được vào giới thiệu tại Quảng Trị. Việc nghiên cứu đề xuất là quyền của các trường, còn lựa chọn cuối cùng do hội đồng chọn sách của tỉnh.

Từ các đơn vị giới thiệu lên rất quan trọng, sách lớp 1 có vài hạt sạn nhưng sách lớp 2 làm tốt hơn nên vẫn tạo điều kiện cho các nhà xuất bản vào làm việc. Tỉnh nào ngăn cấm việc giới thiệu sách là quá kỳ lạ”.

Liên quan đến công tác lựa chọn sách giáo khoa để hạn chế tiêu cực theo thầy Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình phổ thông 2018 nên trao quyền cho các giáo viên.

Bởi theo ông ở nhiều nước nước, giáo viên người có quyền quyết định chọn sách. Trong lớp học luôn có từ 3 đến 4 bộ sách.

Khi bài 1 học quyển A nhưng đến bài 10 lại dạy cuốn B. Giáo viên sẽ đánh giá sách nào sẽ phù hợp với học sinh của họ.

Qua tìm hiểu có thể thấy từ công tác viết sách đến chọn sách luôn chứa đựng những toan tính kinh tế.

Vấn đề xã hội hóa không thể tránh khỏi các toan tính trên. Tuy nhiên, để bài toán kinh tế quyết định mà câu chuyện chất lượng xem nhẹ đó là tín hiệu nguy hiểm, cần thiết phải được siết chặt quản lý.

 

Theo Trinh Phúc/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây