Theo quy định của Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia (GBCQG), hằng năm, các hội viên cũng như các cấp Hội Nhà báo được tham gia dự thi ở 12 nhóm giải. Bao gồm:
1. Báo in, có 3 nhóm giải:
- Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn
- Giải xã luận. bình luận, chuyên luận
- Giải phóng sự, phóng sự điều tra, kí báo chí, ghi chép
2. Báo nói (Phát thanh), có 3 nhóm giải:
- Giải tin, bải phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận
- Giải phóng sự, phóng sự điều tra, bút kí
- Tọa đàm, Chuyên đề phát thanh tổng hợp
3. Báo hình (Truyền hình), có 3 nhóm giải:
- Giải tin, phóng sự, kí sự
- Giải Bình luận, giao lưu, tọa đàm
- Giải Phim tài liệu
4. Giải Báo điện tử, có 2 nhóm giải:
- Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến
- Giải Phóng sự, phóng sự điều tra, kí báo chí, ghi chép
5. Ảnh báo chí có 1 nhóm giải: Giải ảnh đơn, phóng sự ảnh, nhóm ảnh.
Theo số lượng thống kê các đơn vị đoạt Giải BCQG trong 3 năm 2020, 2021, 2022 đã gửi tới bạn đọc trong số báo trước: các Báo Đảng địa phương chỉ chiếm 30% số giải hằng năm (vì phải cạnh tranh với nhiều cơ quan báo chí ở TW và Hà Nội), trong khi đó các đài địa phương chiếm bình quân 62% số giải dành cho phát thanh và truyền hình (Cụ thể, các đài địa phương chiếm 51% số giải dành cho truyền hình và chiếm 73% số giải dành cho phát thanh).
Như vậy, các Hội Nhà báo địa phương cần tiếp tục chú trọng tham gia thi ở nhóm giải dành cho phát thanh và nhóm giải dành cho truyền hình. Ở các nhóm giải này, các Hội địa phương, ngoài cạnh tranh với các đài tỉnh, thành phố, thì chỉ phải cạnh tranh với 5-7 đài khác, như VOV, VTV, VTC, ANTV, QPTV, Truyền hình Quốc hội). Dù sao, mức độ cạnh tranh cũng đỡ khốc liệt hơn. Và trừ đài VOV và VTV là đài Quốc gia có trình độ cao vượt trội ở một số nhóm giải, thì việc đài của 63 tỉnh, thành phố cạnh tranh với nhau là không quá chênh lệch, do đó, các đài địa phương vẫn có nhiều khả năng dành giải.
Trong khi đó, 63 báo Đảng ngoài cạnh tranh với nhau, còn phải cạnh tranh với hàng chục tờ báo, tạp chí lớn khác như Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Lao Động, Tiền Phong, Phụ nữ, Đại Đoàn kết, Tạp chí Cộng sản, Điện tử Đảng Cộng sản, Dân Việt, Dân trí, Thanhniên, Vietnamnet, VnExpress, Tuổi trẻ, Nhà báo và Công luận... Cuộc cạnh tranh này thật gay go và không kém phần khốc liệt. Bởi các báo Trung ương trình độ tay nghề cao, tác phẩm của họ thường đề cập vấn đề lớn, hiệu quả ảnh hưởng rộng. Do đó, các báo Đảng địa phương muốn cạnh tranh với các báo Trung ương, thì cần phải tìm được đề tài mang tính thời sự cao, có “tầm vóc toàn quốc” và một cách thể hiện sinh động hấp dẫn đúng thể loại báo chí. (Vấn đề này xin nêu ở số sau). Trong phạm vi của bài này, người viết đề nghị các báo Đảng địa phương nên mạnh dạn tham gia nhóm Giải Bình luận, xã luận, chuyên luận của Báo in. Qua theo dõi, mới chỉ thấy có Báo Hải Phòng tham gia thi ở nhóm này và đã đoạt giải, còn hầu hết các báo Đảng địa phương khác đều không tham gia (Hằng năm, nhóm giải này có từ 50 - 60 bài, trong khi đó, cũng ở Báo in, thì nhóm Giải Tin bài phản ánh hoặc Giải Phóng sự, phóng sự điều tra thường có trên 200 bài dự thi). Các báo Đảng địa phương cần phải có bình luận phân biệt đúng sai trước thực tế phức tạp của cơ sở. Bình luận thể hiện sức sống và trình độ của một tờ báo. Do đó, việc tham dự một thể tài quan trong như bình luận, chuyên luận rất cần được các Ban biên tập cũng như các Hội Nhà báo địa phương tính toán. Và các Ban biên tập cũng cần bỏ thái độ tự ti, mặc cảm khi cho rằng “đại phương thì biết bình luận cái gì!”. Đây là một thể loại báo chí quan trọng, rất được các ban giám khảo chú ý và là một "cửa" để các Hội Nhà báo địa phương có giải. Mặt khác, thể loại kí báo chí và ghi chép của Báo in cũng rất ít có báo Đảng địa phương tham gia. Việc mạnh dạn và chuẩn bị kĩ cho thể tài kí báo chí hay ghi chép sẽ giúp cho các báo địa phương có thêm cơ hội đoạt giải.
Đối với Giải phát thanh và truyền hình, các Hội Nhà báo địa phương cũng như các đài cần tranh thủ tham gia vào các nhóm giải vì mức độ cạnh tranh còn chưa quá khốc liệt, cho nên việc giành giải là không quá khó khăn. Một vài năm nữa, các báo địa phương thực hiện tòa soạn đa nền tảng, các báo cũng có tác phẩm phát thanh và tác phẩm truyền hình dự thi, mức độ cạnh tranh sẽ tăng cao và sẽ không kém phần quyết liệt. Do vậy, trong thời gian gần, các đài địa phương chỉ cần tạo ra được chất lượng của tác phẩm là cơ hội dành giải vẫn cao.
Các đài địa phương cần tham gia đầy đủ 3 nhóm giải của phát thanh cũng như 3 nhóm giải của truyền hình. Thực tế 3 mùa giải vừa qua cũng như của các mùa Giải BCQG khác cho thấy, các đài địa phương gần như không có bình luận và ít có giao lưu, tọa đàm. Trong khi nhóm giải phóng sự (kể cả phát thanh và truyền hình) và phim tài liệu thường có rất nhiều tác phẩm dự thi. Do đó, các đài và các Hội Nhà báo địa phương nên chú ý tới thể loại bình luận, tọa đàm của cả phát thanh lẫn truyền hình để dự thi nhằm mang thêm giải về cho địa phương mình. (Kì sau đăng tiếp: Thời sự báo chí, tầm vóc vấn đề, thể hiện chuyên sâu - những đòi hỏi sống còn của tác phẩm dự Giải BCQG).
Công Đán