Một vị chủ tế trước ngôi đền văn chương…

Thứ ba - 30/05/2023 16:05

VĨNH BIỆT NHÀ VĂN BÚT NGỮ

Tôi có duyên với Thái Bình từ buổi đang là phóng viên tờ Quân khu Tả ngạn, được chuyển ngành về làm cán bộ Biên tập, sáng tác của Hội.

Vậy là, từ Báo Quân khu, tôi về Thái Bình sống cùng nhà văn Bút Ngữ, thấm thoắt đã qua ba mươi sáu năm ròng. Với Bút Ngữ, hai mươi năm làm lãnh đạo, là Phó Chủ tịch, Chủ tịch hay khi gọi là “quyền” chủ tịch thì thực ra, anh vẫn là chủ tịch; vì về tuổi tác, Bút Ngữ thuộc bậc anh cả của hầu hết anh em trong cơ quan Hội. Về danh tiếng, người ta từng nghe các vị lãnh đạo tỉnh, tự hào khoe rằng “Bút Ngữ là nhà văn”, “Nhà con một” của Thái Bình. Bởi, tính từ nhà bác học, nhà thơ Lê Quý Đôn, Thái Bình đi qua hàng thế kỷ nhạt mờ mới có một Bút Ngữ nổi tiếng từ hồi còn là đội viên bảo vệ Uỷ Ban kháng chiến hành chính huyện Vũ Tiên. Khi trở thành cán bộ tuyên truyền, Bút Ngữ vẫn vừa đào hầm bí mật, vừa đưa cán bộ vượt đường ra vào vùng du kích, vừa theo theo sát những trận càn, theo sát những chiến công của bộ đội, du kích, anh viết bài tuyên truyền, in báo, in trên đất thó, gộp thành từng tập mỏng gửi vào vùng chiến. Bút Ngữ viết văn, lại có ca dao, có thơ chọn in trong văn tuyển. Bài ca dao Làm mưa được giải của báo Văn nghệ, có câu: “Không mưa từ chìn tầng mây/ Thì mưa từ những bàn tay con người…” được Bộ Giáo dục tuyển vào sách giáo khoa tiểu học, còn dùng đến bây giờ. Rồi bài thơ Tiền Hải, Ty Giáo dục Thái Bình tuyển vào sách giáo khoa cho học sinh trung học, một thuở, học trò học thuộc lòng ra rả.

***

Viết về Bút Ngữ, nhà văn Hà Văn Thuỳ gọi ông là “người thầy đầu tiên”. Bởi: “trước hết nơi ông là “cái đức”. Bởi, từ Bút Ngữ luôn toả ra tấm lòng nhân hậu, thương yêu, tôn trọng con người. Ông là tấm gương về “lễ”. Cho đến bây giờ, 30 năm trôi qua, nhưng tôi (HVT) còn nhớ như in hình ảnh ông mỗi cuộc họp, hai tay ông xoa xoa, miệng chào đón khách. Khi đó, tôi gặp nơi ông dáng nét quen thuộc của vị chủ tế trước ngôi đền văn chương. Và cũng một thoáng hình ảnh Tống Giang trong ngày tựu nghĩa. Cách ứng xử lễ nghĩa như vậy tiếc rằng ngày nay không còn nữa...”

“Thời” của Bút Ngữ cầm nắm là vậy.

111
Nhà văn Bút Ngữ

Bút Ngữ yêu người, dễ tin người đến nỗi. Gặp ai anh cũng thu mình, bẻ mình gẫy đi để gần được xung quanh. Tôi thấy anh em cơ quan, có người thấy anh lành, thường “bắt nạt”, lấn anh. Những lúc ấy, cách ứng xử của anh là “nhẫn”. Anh lặng lẽ rút lui về thu mình ngồi trong phòng, hay nằm vật ra giường mà nghĩ. Sau đó, bằng phút tự tìm đến ngồi lại với nhau, hay chờ vào cuộc họp, anh mới thận trọng đọc những lời đã được viết ra hoặc nói vo những gì đã nghĩ chín trong bụng. Lúc này, nào lý tình ấm nồng, sâu sắc. Nào cái giọng run rẩy, chứa chan… anh đã nhiều lần làm nhiều người xúc động và càng được anh em cơ quan trọng nể.

Bút Ngữ ăn ở với anh em bằng tấm lòng cao đẹp. Những ai từng sống trong cơ quan văn nghệ Thái Bình, người ít kẻ nhiều, không ai không được anh dìu dắt, đắp bồi bằng tình yêu thương nhân ái. Không ai quên, việc anh cưu mang, đùm bọc anh Nguyên, một nhà thơ từ quê hương Gò Me, Nam Bộ về Thái Bình sinh sống.Từ công việc, gia đình, vợ con đến nơi ăn chốn ở hằng ngày, anh Ngữ đối với anh Nguyên bằng tất cả tấm tình của người “chủ ngôi nhà”, tấm tình của bạn bầu đồng nghiệp, tấm tình của người miền Bắc với quê hương miền Nam ruột thịt. Buổi anh Nguyên qua đời, sau này cả việc “sang cát,” lo toan mộ phần đẹp đẽ cho nhà thơ, anh Ngữ tận tình, chu đáo mời đông đủ các anh Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Võ Văn Trực, Vũ Từ Trang… bạn bè từ Hà Nội và nhiều nơi khác về thắp hương, đưa tiễn nhà thơ lần cuối. Nhiều người đến viếng nhà thơ. Người biết anh Nguyên. Nhiều người chưa biết anh Nguyên. Nhưng, nhìn anh Ngữ lo toan. Nhìn dáng hình cao thượng bao dung. Nhìn cử chỉ với tất cả những gì khổ đau  đè lên “người chủ gia đình” đang ghé vai gánh vác, ai nấy đều nom Bút Ngữ mà ướt đầm nước mắt.

Bút Ngữ trọng người lao động. Thấy ai chịu đi, chịu viết, anh rón rén nói lời khen, vẻ mừng vui ra mặt. Ai có bài “phát”, bài in, anh khoe với mọi người rồi thông báo trong cuộc họp, cuộc giao ban, kịp thời biểu dương, cổ vũ. Ngày ấy, Thái Bình có lệ “ưu đãi” đặc biệt. Những bài “vượt khỏi phà Tân Đệ”, được các báo chí trung ương chọn dùng, “về nhà” đều được lĩnh thưởng. Một lần, nộp bản thống kê những bài in để dự thưởng như thế. Anh Ngữ liếc qua rồi gọi tôi trả lại. Anh bảo “Cậu thống kê còn thiếu tới hai bài”. Thì ra, hàng năm trời, anh cứ tỉ mỉ ghi từ các báo bài in của từng ngưòi. Có tác giả quên chính bài mình viết mà anh vẫn nhớ. Nghĩa cử chân tình ấy, với anh, khó có người noi kịp.

Hai mươi năm dốc lòng dựng xây, phát triển Hội, Bút Ngữ làm nên thời “hoàng kim” thật sôi nổi mà vui. Nhiều trại lớp được mở. Hội không mấy khi vắng khách ra vào. Đúng là, “gia quân tử hiền nhân xuất nhập”. Rất đông các nhà văn, nhà thơ, từ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Nông Quốc Chấn, Phạm Hổ, Tạ Hữu Yên, Tô Hoài, Nguyễn Kiên, Hồ Phương, Đào Vũ… Đến các Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Sáng… Các Nhạc sĩ Hoàng Vân, Nguyễn Văn Tý, Thái Cơ… Bao nhiêu những gương mặt, tuổi tên từng làm rung động các thế hệ người đọc, người viết đều về với Thái Bình, gắn bó với Hội Thái Bình trong trại lớp, trong các buổi gặp gỡ, trò chuyện, trao dồi nghiệp vụ. Có trại viết được tập trung hai tháng liền. Có lớp đào tạo bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học được Hội tổ chức, duy trì dài tới muời lăm, mười sáu năm... Thời ấy, người lãnh đạo như anh Ngữ thật “vô sản,” chỉ một lòng vì Hội. Phòng ở và làm việc của anh là gian nhà “cấp bốn.” Nhiều nhuận bút ở các số báo anh tự nguyện hiến cho cơ quan. Nhà ở dưới quê, anh Ngữ được tỉnh cấp đất ở một vùng ven thị, nhưng lâu, không có đủ tiền của để dựng, anh tự nguyện đem trả.

Những năm đầu trong công cuộc đổi mới, vì giá trị văn học, vì tình nghĩa bầu bạn văn chương, anh Ngữ đã sớm nghĩ và quyết định cho tái bản lần đầu cuốn tiểu thuyết Sắp cưới của Vũ Bão, một tác phẩm của nhà văn quê gốc Thái Bình một thời bị nghi kỵ, cấm đoán. Việc làm này, sinh thời, nhà văn Vũ Bão biết ơn nhiều với Bút Ngữ và thêm gắn bó với anh em, Hội của quê nhà.

***

Với đời văn, Bút Ngữ là “thợ cày cần mẫn”. Ở Hội, lúc nào ngưòi ta cũng gặp anh hai chân ngồi cò đậu, mải miết “bơi” trên trang viết. Trên hai mươi đầu sách, hàng nghìn bài báo đủ các thể loại “cung cấp” cho tạp chí, cho báo, cho đài. Bài “bắt buộc” anh Ngữ phải viết vì vai trò lãnh đạo. Vì “phải có” để tuyên truyền, quảng bá với tỉnh, với trung ương. Rồi bài đặt của người biên tập từ các nơi yêu quý “mời” anh. Bài ngẫu hứng từ cảm xúc. Bài xã luận. Bài nghiên cứu, sáng tác… Anh như “con gà mắn đẻ”, cứ “cục ta cục tác” chẳng mấy khi dừng. Thời ấy, văn chương phải gánh vác những sự kiện lớn lao và nóng bỏng của núi sông, dân tộc. Anh Ngữ “tự nhận thức” và ý thức rất rõ giá trị hữu ích trên mỗi trang viết của mình. Một tầng bề mặt của biết bao diễn biến ngổn ngang, bề bộn nơi chiến tranh, nơi con người, thế sự… Cái phản ánh. Cái gọi là “minh hoạ”, đôi khi không tránh khỏi sự giản đơn, sơ lược. Coi giá trị ôm trùm trong mô tả là cần kíp, là nét trội, thì những số phận nhân vật, nhất là những tư riêng, coi là vụn, là chưa phải thời điểm để nhắc tới, ca vang… Đây là quan niệm một thời. Là “tự thức” mà anh đã sớm tìm cho mình “một miền”, một sở trường để mở hướng cuốc cày, khám phá. Việc suốt ngày, vậy mà năm nào cũng ra sách. Cuộc thi nào anh cũng có bài gửi và túc tắc có giải. Chỉ riêng chuyến đi thực tế ở Tây Nguyên, nửa tháng trời lăn lộn, về nhà, Bút Ngữ “đẻ” ra ba truyện ngắn. Một bút ký dài, in và phát nhiều kỳ. Rồi, tiểu thuyết Cao nguyên mưa nắng dày đẫy ba trăm trang...

***

Bút Ngữ đã bốn lần giành được các giải thưởng văn học. Hai lần của Hội Nhà văn Việt Nam cho cuốn tiểu thuyết Chuyện ở xóm chài và Cụ Bảng Đông. Hai lần giải chính thức cho hai tiểu thuyết khác, giải thưởng của Ủy Ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Chưa kể bốn lần giải đầu, giải thưởng văn học mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn, tỉnh Thái Bình và hàng chục giải thưởng ở các cuộc thi văn học do các cơ quan Báo, Đài tổ chức. ..

Năm 2023, Bút Ngữ đã vào tuổi 94. Đã hai lần chịu tai biến mạch máu não. “Nhờ Giời”. Nhờ ở sức chịu đựng, giữ gìn, tập luyện. Hai lần ngỡ đổ. Nào ngờ, khi gượng dậy, nhà văn Bút Ngữ lại lao vào viết. Bên tiểu thuyết về lịch sử của Thái Bình đang triển khai “cày” kiên nhẫn, Bút Ngữ vẫn xuất hiện bài in, bài phát trên các Báo, Đài của tỉnh, của Báo Văn nghệ… Anh thực sự là một nhà văn lão thành, người suốt một đời gắn bó và có công với Hội Văn học Nghệ thuật ở một miền đất, ở vai trò sáng lập, dựng xây và phát triển. Có lẽ chính vì thế mà cái tên Phan Đình Khương, tên thật của nhà văn Bút Ngữ, giờ chẳng mấy ai nhớ. Nhưng người ta luôn nhớ, quý yêu và kính trọng nhà văn Bút Ngữ như một ngôi sao ban mai luôn lấp lánh dẫn đường trên một vùng đất lúa…

Bây giờ, nhiều khi nhớ về Thái Bình, về Hội VHNT, tôi vẫn luôn gặp lại bóng hình Bút Ngữ, một nhà văn, một người anh thật nồng thắm thương yêu.

“Một Tống Giang!... Một hình ảnh vị chủ tế trước ngôi đền văn chương trong những ngày tựu nghĩa”…

Ngày ấy sao mà đẹp, mà yêu… Mà trên đời này, rồi còn biết khi nào còn nữa?
 

nguon:http://baovannghe.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập34
  • Hôm nay3,243
  • Tháng hiện tại112,555
  • Tổng lượt truy cập3,082,465
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây