Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2022
Tôi không thể quên được mùa xuân năm Kỷ Tỵ 1989, khoảng thời gian nhiều biến cố ập xuống gia đình chúng tôi. Năm ấy vừa Tết xong, bố tôi bị tai biến phải nằm điều trị ở bệnh viện tỉnh, đồng thời cháu tôi, cô bé Nguyễn Bích Lan, mới 13 tuổi, đang học lớp cuối cấp II, phải nghỉ học để đi khám chữa bệnh vì một hôm cháu đang trên đường đi học bỗng nhiên đi không vững nữa, cứ bị ngã lên ngã xuống, chưa biết là bệnh gì, chỉ biết cháu không thể đi học được nữa. Tôi xin cơ quan nghỉ không lương về bệnh viện tỉnh cùng anh trai và chị dâu chăm bố. Sau hai tháng, bệnh tình bố tôi mỗi ngày một nặng, bệnh viện cho về và 5 ngày sau thì bố tôi ra đi… Chúng tôi còn bàng hoàng ngơ ngác thì lại buồn thêm vì sức khỏe của đứa cháu gái còn thơ dại. Bố mẹ Lan dẫn cháu đi khám và chữa ở hầu hết các tuyến bệnh viện, rồi các thày lang giỏi. Nhưng không kết quả gì, bởi vì bệnh của cháu mắc phải là bệnh loạn dưỡng cơ thể tiến triển, hiện nay thế giới chưa có thuốc chữa.
Từ bấy đến nay đã 34 năm trôi qua, không thể đong đếm được nỗi buồn và cả niềm vui của cháu và của cả những người ruột thịt của cháu đã trải qua. Lại càng không thể đong đếm được nghị lực phi thường của cô bé Nguyễn Bích Lan 13 tuổi ngày nào, nay đã trở thành nhà văn, dịch giả của gần 60 đầu sách, mà số cân nặng của những đầu sách đó so với số cân nặng 27-28kg của người viết và dịch chúng, không biết bên nào nặng hơn.
Ngày ấy, sau khi biết được mình mắc căn bệnh mà nền y học thế giới cũng phải bó tay, cô bé Nguyễn Bích Lan đã không gục ngã, đúng như tinh thần của tựa đề cuốn tự truyện của Nguyễn Bích Lan ra đời năm 2013, đến nay đã in đến lần thứ 11. Ở một làng quê lúa Thái Bình, cô bé đã tự học văn hóa, tự học tiếng Anh, bắt đầu từ việc học lỏm người em trai, và sau đó với sự trợ giúp bằng sách vở của những người thân và bạn bè. Nhưng sự trợ giúp đắc lực nhất là sự chuyên cần, nghiêm túc với nghị lực phi thường cùng chiếc radio kề cận hàng ngày, hàng giờ với Nguyễn Bích Lan. Không thể tự mình nâng được bát cơm trên tay Lan phải có mẹ phải đặt bát cơm lên ngang tầm tay với em mới tự xúc được. Đứng lên, ngồi xuống, thậm chí trở mình hằng đêm, em cũng cần có người trợ giúp. Với tình yêu thương và sự kiên trì nâng giấc của người thân trong gia đình Lan mới có thể chịu đựng và sống chung với bệnh tật hết ngày này sang ngày khác, hàng mấy chục năm như vậy. Hai từ Gia đình đối với em ngày ấy thật sự thiêng liêng và là nguồn năng lượng vô cùng lớn lao đối với sự sống và sự vươn lên ánh sáng cuộc đời của em.
Sau hơn năm năm tự học với quyết tâm vô cùng lớn, Lan trở thành cô giáo tiếng Anh tại nhà cho học sinh cấp phổ thông trong vùng. Càng ngày càng đông học sinh đến học vì cô giáo Nguyễn Bích Lan không chỉ dạy tiếng mà còn truyền đạt cho học sinh của mình cả nền văn hóa của những nơi nói tiếng Anh, và quan trọng hơn, truyền động lực vượt khó cho mọi học trò. Đó gọi là Lớp học cây táo vì có mấy cây táo trĩu trịt ở vườn xòa vào tận sân. Nhưng rồi được một thời gian thì Lớp học cây táo phải ngừng vì sức khỏe của cô giáo Nguyễn Bích Lan không duy trì được. Em đã không thể ra khỏi giường vì bệnh khó thở: bệnh tim. Toàn thân em suy kiệt.
Gia đình chúng tôi đã rất lo lắng cho sức khỏe của em. Là ruột thịt của Lan chúng tôi cố gắng tìm cách chạy chữa cho Lan, và thật may mắn, chúng tôi đã tìm được một vị thầy thuốc đông y giỏi. Thầy thuốc và bệnh nhân cùng hợp tác với nhau kiên trì cắt thuốc, uống thuốc suốt nửa năm trời. Rồi bỗng một ngày, Nguyễn Bích Lan ra được khỏi giường, như một giấc mơ, chính là ngày nhà thơ Nguyễn Bích Lan viết bài thơ NGÀY MỚI:
Tôi ra ngoài ngõ
Đón ngày của tôi
Thấy con chim nhỏ
Đánh rơi gió đồi.
Tôi sang chợ gạo
Đong một mùa no
Thấy người ta gói
Thật thà đem cho.
Tôi ra đồng xanh
Hái sương trên búp
Thấy nhựa đời tươi
Xôn xao mừng giúp.
Tình tang tôi hát
Ru ngày của tôi
Tôi gánh tôi vác
Xênh xang lộc trời.
Nguyễn Bích Lan đã được hồi sinh. Cháu lại lao vào làm việc. Lần này Nguyễn Bích Lan thử sức mình bằng ngòi bút. Rồi Bích Lan gửi lên cho tôi một bản thảo truyện vừa. Đọc xong, vừa mừng là cháu đã có thể làm việc, một công việc cũng hợp với sức khỏe của Lan là có sức khỏe thì viết, mệt thì nghỉ chứ không bị sức ép như nghề dạy học của Lan mấy năm qua. Nhưng tôi cũng băn khoăn là có nên in truyện vừa đó của cháu hay không. Truyện Lan viết về những người phụ nữ nông thôn đi kiếm sống ngoài lũy tre làng. Về chất lượng không có gì đột phá. Sau này Nguyễn Bích Lan viết truyện ngắn có nhiều đột phá và gây dấu ấn riêng khá đặc sắc. Tôi quyết định viết cho Lan một bức thư. Nội dung thư tôi khuyên cháu không nên cho ra đời cái truyện vừa này. Nó không đem lại dấu ấn gì ngoài vài đồng nhuận bút. Tôi khuyên Lan nên đi theo con đường dịch thuật vì cháu có năng khiếu văn chương, lại có vốn liếng ngoại ngữ. Tôi nhấn mạnh với Lan rằng các nhà văn Việt Nam mình ít người có vốn liếng ngoại ngữ lắm. Rồi tôi làm việc trực tiếp với biên tập viên Hồng Thúy của Nhà xuất bản Phụ nữ, trình bày hoàn cảnh và khả năng của cháu mình, xin cho cháu một “chân” dịch thử sách văn học. Chúng tôi vô cùng cám ơn cô Hồng Thúy và Nhà xuất bản Phụ nữ vì nếu không có cuốn sách dịch đầu tiên được ra đời thì cũng không thể tạo đà để có một dịch giả Nguyễn Bích Lan như hôm nay. Đó là năm 2002. Bây giờ đã trở thành một dịch giả chuyên nghiệp, Nguyễn Bích Lan vẫn gắn bó với Nhà xuất bản Phụ nữ như với một ân nhân của mình. Trong một lần xuất hiện trên chương trình Người đương thời, chương trình về dịch giả Nguyễn Bích Lan. Nhà báo Tạ Bích Loan đã đặt câu hỏi cho tôi khi đó cũng có mặt trong chương trình: Nếu không có nhà thơ Nguyễn Thị Hồng thì có dịch giả Nguyễn Bích Lan như ngày hôm nay không. Tôi đã trả lời: “Mọi con đường đều dẫn đến Thành Rôm (All Roads Lead to Rome). Với một người có tư chất như Nguyễn Bích Lan thì dù trong hoàn cảnh nào bạn ấy cũng sẽ tìm được cho mình một con đường để cống hiến cho cộng đồng”. Tuy nhiên cho đến hôm nay mà nói, tôi cũng thừa nhận ở bước khởi đầu sự nghiệp của cháu mình, cô cháu tôi đã hợp tác thật ăn ý. Nhưng chỉ là bước khởi đầu thôi. Càng về sau, cháu tôi càng gây cho tôi những bất ngờ về khả năng tư duy, kết nối và lối làm việc năng động của một dịch giả Nguyễn Bích Lan thật đặc biệt. Thí dụ năm 2005 là năm công ước bản quyền Berne có hiệu lực, các nhà xuất bản gần như tê liệt về vấn đề bản quyền. Nguyễn Bích Lan lúc ấy còn ở nơi làng quê Thái Bình. Vậy mà chỉ với chiếc máy tính trong tay, em đã kết nối với các tác giả trên các châu lục để tự thỏa thuận về vấn đề bản quyền, để có sách dịch. Khi đã có uy tín về chất lượng dịch sách với các nhà xuất bản thì khả năng chọn sách để dịch của Nguyễn Bích Lan cũng làm tôi rất ngạc nhiên. Ấy là hầu hết những sách Nguyễn Bích Lan chọn dịch thường rất hấp dẫn và được tái bản nhiều lần. Thí dụ Triệu phú khu ổ chuột (tác phẩm được trao giải thưởng dịch của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010), rồi Tro tàn Angela; gần đây là cuốn Được học rất dày mà cứ một hai năm lại tái bản một lần; rồi Cây cam ngọt, Bồ câu bay đi tìm bà… vẫn được tái bản đều đều... Tính đến nay, nhà văn dịch giả Nguyễn Bích Lan đã 3 lần nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, một lần nhận giải thưởng sách hay Quốc gia, một lần được trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Bất chấp khoản nhuận bút nhận về thường là chưa tương xứng với công sức miệt mài trên trang giấy, Nguyễn Bích Lan vẫn hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, làm việc như người thợ cày cần mẫn trên cánh đồng chữ với niềm đam mê nghề nghiệp, cốt truyền tải được một cách hoàn hảo nhất cái hay, cái đẹp của nền văn hóa trên các châu lục đến với bạn đọc nước mình.
Nhưng đó chỉ là một mặt cống hiến của Nguyễn Bích Lan. Mặt khác, bằng vào cuộc đời thực của mình, với sức lan tỏa của cuốn tự truyện nổi tiếng Không gục ngã tái bản hàng chục lần, nhà văn dịch giả Nguyễn Bích Lan đã có một tiếng nói thuyết phục với cộng đồng độc giả và cộng đồng mạng. Nguyễn Bích Lan đã sử dụng lợi thế đó của mình để phục vụ lại cộng đồng. Đặc biệt là những vùng miền núi còn nhiều khó khăn. Nguyễn Bích Lan đã cùng độc giả chung tay tặng sách, xây dựng thành lập các thư viện cho trẻ em ở các vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trong đợt đại dịch Covid-19 hoành hành tàn khốc phía Nam năm 2021, Nguyễn Bích Lan đã tự in tự bán tập truyện ngắn Sống trong chờ đợi của mình để lấy tiền cùng độc giả mua gạo và nhu yếu phẩm cho 83 hộ gia đình ở Tp. Hồ Chí Minh và Bình Dương; tặng sữa và nước ép trái cây cho các y bác sĩ và bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến… Trái tim nhỏ bé của Nguyễn Bích Lan đã đập những nhịp đập lớn lao cùng đồng loại, cùng nhân dân mình. Quả thật, dù là những bậc phụ huynh của Nguyễn Bích Lan, chúng tôi cũng phải khâm phục và vẫn phải học hỏi theo em.
Chỉ mong sao sức khỏe của nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan, nếu không được ngày một nâng cao thì chí ít cũng hãy giữ vững như bây giờ. Có ốm đau chỉ qua loa thôi. Muốn thế, tôi vẫn nhắc nhở cháu, chỉ một câu thôi: Hãy làm việc ít đi, ít đi một chút, cháu nhé…!
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng
Nguồn Văn nghệ số 10/2023
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên