Thời kỳ giãn cách dịch Covid-19 cao điểm, năm 2021, tôi khởi thảo cuốn sách chân dung văn học, trong đó có bài viết về ông.
Nguyễn Hiếu đã gửi cho tôi chút tư liệu về đời tư và quá trình sáng tác của ông để chọn đưa vào bài viết. Xong chân dung ông, tôi gửi ông xem trước, đặng chỉnh lý phần tư liệu cho chính xác. Cuối năm rồi, tôi mới đưa in tập sách này. Sách vừa mới ra độ tuần nay, còn chưa kịp tặng nhà văn Nguyễn Hiếu thì ông anh đã vội bỏ lại trần gian, ra đi mãi mãi,...
Xin được nói thêm, khi viết chân dung về Nguyễn Hiếu, tôi có học ông tính chất hài hước, nên trong bài có đôi chút bông đùa. Ông cũng đã xem rồi, và tỏ ra khoái với chất hài, chi tiết bông đùa trong bài viết chân dung mình... Ông còn khen: Vậy là chú mày cũng đã học được ông anh đây đôi chút”.
***
Nhà văn Nguyễn Hiếu luôn tự hào là người làng Chèm. Tuy nhiên, ông không phải gốc làng Chèm, quê nội ông là Phùng Khoang, cũng thuộc đất Từ Liêm, và sinh ra ở Vũ Ẻn, Phú Thọ, nhưng ngay từ thuở lọt lòng, đã về sống ở quê mẹ, làng Chèm và lớn lên từ đấy, rồi lấy làm quê vậy. Tuổi thơ, trẻ trâu, Nguyễn Hiếu hít thở bầu dưỡng khí, ăn cơm, uống nước làng Chèm, nên máu thịt ông cũng mang mùi vị làng Chèm vậy…
Nhiều người gọi Nguyễn Hiếu là phu chữ, hắn phải có bằng chứng để chứng minh cho cách ví này. Nguyễn Hiếu là số ít trong các nhà văn Việt Nam lại là hội viên của ba cái hội danh giá, ấy là Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu và Hội Điện ảnh Việt Nam. Để trở thành hội viên của ba hội này, chắc chắn phải có những đóng góp bằng những tác phẩm cụ thể, đủ để đứng trong hàng ngũ của mỗi hội.
Trước khi điểm những tác phẩm Nguyễn Hiếu, tôi xin kể đôi chút về sức lao động sáng tạo văn chương của ông. Tôi nhớ, cách đây hơn hai chục năm, thời ông còn đang là phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng là thời gian ông sáng tác sung sức nhất, hơn một lần, Nguyễn Hiếu khoe với tôi và các đồng nghiệp cơ quan, rằng mỗi ngày, ồng “cày” ít nhất là 6 trang đánh máy. Thường là hằng ngày, ông thức dậy sớm, ngồi vào bàn, gõ máy chữ (sau là máy tính), cho đủ 6 trang rồi mới ăn sáng và đi làm. Nếu sáng nào không đủ thì tối về ông gắng gõ cho đủ, còn được nhiều hơn thì càng tốt. Sức viết vậy, nên Nguyễn Hiếu mới có một khối lượng khá lớn tác phẩm đã xuất bản.
Năm 1984, Nguyễn Hiếu khởi đầu sự nghiệp văn chương của mình bằng tập truyện hài Chuyện cái vòi nước. Sau tập sách đầu tay, đến năm 1988, Nguyễn Hiếu xuất bản tiểu thuyết Người đàn bà quỷ ám. Kể từ đó, trong vòng 5 năm, đến 1992, Nguyễn Hiếu ào ạt xuất bản như mưa rào, những 13 tiểu thuyết, mà đến giờ tôi còn nhớ tên một số, như: Bụi đường, Vết xoáy trước ngực làng, Tôi bán mình, Chuyện tình người điên, Vầng trăng hững hờ, Biển toàn là nước, Con ngố, Quá cảnh, Bốn bước đến chân trời, Trưởng thôn xử án... Cũng trong khoảng thời gian này, cùng ngần ấy tiểu thuyết, Nguyễn Hiếu còn viết truyện ngắn, kịch bản sân khấu, kịch bản phim truyền hình, mỗi thứ đều hai. Đây là thời kỳ sung sức nhất của Nguyễn Hiếu, bởi không những viết và xuất bản nhiều, ông còn thành công gặt hái được nhiều giải thưởng. Giải thưởng của các bộ ngành cho tiểu thuyết Bụi đường và Tôi bán mình. Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho truyện ngắn Nhãn lồng nhà Cả Đoạt, và Giải truyện ngắn của Báo Văn nghệ cho truyện ngắn Chuyện quan trọng của bà Cả Đào. Cho đến nay, nhà văn Nguyễn Hiễu đã cho ra đời ngót nghét 30 tiểu thuyết. Kể ra, làm được như vậy, không dễ chút nào !...
Sau quãng thời gian sung sức ấy, Nguyễn Hiếu vẫn viết đều tay, hầu như năm nào cũng ra sách. Các lĩnh vực, thể loại, hầu như ông không bỏ loại nào. Tiểu thuyết, truyện, tản văn, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, tiểu luận, phê bình văn học, thời luận... Người ta bảo “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, song tôi nghĩ, sức viết như Nguyễn Hiếu, thật đáng nể!
Mặc dù là tác giả văn xuôi và kịch tác gia, song Nguyễn Hiếu vẫn bị Nàng thơ quyến rũ. Có thể nói, Nguyễn Hiếu đầy ý thức và khá dụng công trong thi ca. Trong tổng tập tác phẩm Nguyễn Hiếu được tài trợ xuất bản nhân dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm 2010, gồm 19 tập, thì riêng một tập về thơ, dày gần 500 trang in với khoảng 300 bài thơ và cả kịch thơ, trường ca. Về thơ Nguyễn Hiếu, nhà thơ Hữu Thỉnh đã có hẳn một bài viết dài bàn luận Tính công dân trong thơ Nguyễn Hiếu. Riêng tôi nghĩ, phải chăng, con người làm báo và ngôn ngữ kịch đã làm nên tính công dân trong thơ ông?
Tôi đã nhiều lần nghe chính Nguyễn Hiếu nói về thơ của ông. Quả thực, nghe ông hùng biện về thơ mình, ra chiều hấp dẫn lắm. Những lúc như vậy, thưởng tôi chỉ lắng nghe, chốc chốc điểm một câu ngang, chọc ngoáy, để ông hăng lên mà thôi. Thực lòng, tôi ngại đọc thơ Nguyễn Hiếu, ngại vì dài dòng, loằng ngoằng, từ cái tít đến câu chữ bên trong. Thì đây, những cái tít: Nếu trái đất này không có các loại bom, Có những con người là con số không, Giữa Matsxcova này anh lại bỗng yêu em, Gửi cho một đoàn viên Công đoàn Đoàn kết, Tay đã tự do không thể đặt vào xiềng, Bài thơ có thể dùng làm tư liệu để viết văn xuôi, Gửi những mảnh đồng, cồn cát Quảng Bình-Vĩnh Linh... Đại khái vậy, nhiều lắm. Đọc thơ ông, một lần, ù tai, toát mồ hôi và chẳng nhớ gì. Nhưng đọc lại, thấy ông lập tứ rõ ràng đấy chứ. Nguyễn Hiếu khá nhất quán, từ tiểu thuyết đến thơ, ông đều lập tứ, ý đồ gửi gắm thông điệp này nọ, có điều, diễn đạt lại dài dòng, đôi khi rối rắm, và khá đại ngôn, khiến người đọc cảm nhận, bài thơ ấy, chỉ cần đọc mỗi cái tít là xong, là đủ hiếu ý rồi, nó toạc móng heo ra đấy, cần chi phải đọc hết cả bài cho mất công !?... Cả bài thơ, cứ ngổn ngang rặm rạp như bày trận, nhưng rồi bất ngờ, đổ trữ tình, suy tư, ví von so sánh... Đọc kỹ, mới à, thấy rất nhiều thứ để chê song cũng có cái đọng lại để khen.
Vài năm gần đây, để ý, thấy thơ Nguyễn Hiếu đã ít nhiều thay đổi, kiệm lời hơn, bớt đại ngôn, ý tứ và suy ngẫm hơn. Dường như, Nguyễn Hiếu dụng ý, gia tăng vị dân gian trong thơ mình, bằng cách sử dụng ca dao, tục ngữ, cách ngôn, thậm chí câu nói cửa miệng, làm cho bài thơ mang phong vị mới, đôi khi bất ngờ, khá thú vị. Và cũng bằng cách này, Nguyễn Hiếu tận dụng được cái hóm hỉnh, chất hài sở trường của mình, thơ têu tếu, vui vui…
Trong chuyến đi thực tế lên Lào Cai của đoàn Hội nhà văn dịp xuân Bính Thân, Nguyễn Hiếu viết bài thơ Rét ở Mường Khương, nỡm mọi người mà cũng nỡm nhà thơ Pờ Sảo Mìn: “Hai chăn dầy phủ lên/ Mắt vẫn hấp háy mở/ Vì thiếu chăn 37 độ/ Tỏa ra từ người đàn bà của riêng mình/ Giấc ngủ ép nghiêng nghiêng/ Cơ chừng chực đổ…”. Và đây nữa: “Sướng nhất Phờ Sảo Mìn?/ Đêm giá lạnh này/ Bụng rượu lão ấp vào/ Mông mẩy vợ/ Tôi mong giữa hai người/ Phọt ra ngọn lửa/ Đốt thành tro cái buốt/ Cái giá Mường khương”…
Nguyễn Hiếu đã đổi mới thơ mình, chắt lọc hơn, đằm hơn, vẫn giữ mà còn phát huy được sự hóm hình vốn có. Giờ đọc thơ Nguyễn Hiếu, tôi bớt ngại, nhiều bài đọc thấy khoai khoái, bật cười một mình...
***
Mặc dù biết thời gian gần đây nhà văn Nguyễn Hiếu gặp trục trặc về tim mạch, nhưng vẫn thấy đột ngột. Lâu lâu không gặp ông anh đồng nghiệp báo chí Đài Tiếng nói Việt Nam song theo dõi trang Facebook của ông vẫn lên bài đều đều, lại còn tham luận, giải thưởng này nọ. Chỉ ngỡ ông anh có chút trục trặc về sức khỏe thôi, rồi ra hồi phục bình thường, chứ đâu đến mức mệnh hệ,... Vậy mà, ông anh vội ra đi để lại bao dự định dang dở...
Tác giả: Nguyễn Chu Nhạc
Nguồn Văn nghệ số 10/2023
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên