Nhà văn và những phận đời

Thứ bảy - 27/05/2023 14:57

Dẫu nói một cách khiêm tốn thì nhà văn Đức Ban vẫn có một vị trí đáng nể trong số các nhà văn đương đại Xứ Nghệ.

Anh hội tụ được một số phẩm chất của một nghệ sĩ đi đường dài, vững chãi trên lộ trình văn nghiệp đầy thử thách: có một vốn sống phong phú, một khả năng giao lưu cởi mở và một năng lực tiếp nhận cái mới của kỹ thuật nghề nghiệp. Duyên nghiệp văn chương của anh không đơn giản như cách nói của anh “thú chơi” mà là một phận người. Thời chiến tranh lăn lộn trên nhiều cung đường, sau hoà bình tốt nghiệp Đại học viết văn Nguyễn Du vào những khoá đầu tiên, về công tác ở tỉnh lẻ, trải nhiều chặng đường công tác, gắn bó đeo đẳng văn chương cho đến bây giờ. “Nghiệp Văn” đối với anh là con đường không đơn thuần chỉ có sự say mê mà còn là một thử thách, một kinh nghiệm sống.

111
Nhà văn Đức Ban

Quê anh nằm cạnh một con sông không lớn lắm với cái tên ngồ ngộ Sông Nghèn, nhưng cũng khá gắn bó với tên tuổi nhiều nhà văn danh tiếng xưa nay như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ và cũng cách không xa làng quê tác giả Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), chỉ mười lăm phút xe theo con đường liên huyện. Nơi đây từng ra đời những câu ca dao tình yêu đặc trưng Xứ Nghệ, trầm buồn, dữ dội không mơ màng, dịu dàng như những nơi khác: Tay em cầm bốn quả dưa/ Quả ăn quả để quả đưa cho chàng/ Tay em cầm bốn lạng vàng/ Lấy vàng thì lấy bỏ chàng thì không/ Dù rằng bỏ rọ trôi sông/ Đánh em em chịu, đánh chàng em xin… cùng những làn điệu ví dặm mộc mạc , sâu lắng và rất nhiều câu chuyện cười kiểu “trạng”.

Con người Đức Ban vừa nghiêm cẩn vừa hài hước, công việc thì nghiêm chỉnh nhưng giao lưu thì tếu táo, ưa nói “trạng”, cách nói đùa đặc sệt xứ Nghệ, từ những câu chuyện to tát “biến hải vi tang điền” cho đến những mẩu chuyện nhân thế nhỏ nhặt “trên bộc trong dâu” đều giòn giã trong những trận cười làm người nói và người nghe bỗng trở nên gần gũi không còn xa cách, xã giao hay gò bó. Với bạn bè anh luôn làm sống lại những kỷ niệm một thời gian khó, những tác giả đã đi xa như Quốc Anh, Xuân Hoài, Chính Tâm, Đặng Văn Ký… Cảnh cũ người xưa khiến chúng tôi bùi ngùi nhớ lại một thời kham khổ các gia đình phải làm thêm đủ nghề để sống, nhà thơ sản xuất tăm tre, nhà báo mở cửa hàng cháo lòng, nhà văn quấn thuốc sợi.., thời mà nhuận bút một bài thơ chỉ đủ mua chục cá trích đãi đằng nhau trong bữa cơm đã đùa vui rằng “kẻ nhắm vào đĩa cà mà gắp sang đĩa cá”, nhưng anh em không xa rời con đường văn chương nhọc nhằn để tìm mưu sinh một chốn khác. Anh là một trong số các nhà văn hiếm hoi của xứ này được bầu vào Hội đồng nhân dân Tỉnh, chọn làm giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, với vị trí của mình khi còn tại nhiệm cũng như khi đã về hưu luôn đề xuất với Tỉnh cần lưu ý đến phong trào văn nghệ địa phương, ưu tiên giúp đỡ cho các nhà văn già đã một đời cống hiến cho nền văn nghệ tỉnh nhà. Nhà nghiên cứu văn hoá Thái Kim Đỉnh, những ngày cuối đời đau ốm liên miên chính anh luôn đi lại thăm viếng lo toan bao việc, đặc biệt góp công nhiều cho việc hoàn thành Tuyển tập Thái Kim Đỉnh được tỉnh tài trợ xuất bản 2019. Rồi việc anh giúp nhà giáo Lê Trần Sửu 90 tuổi, sưu tầm biên soạn tập sách nghiên cứu, sưu tầm của mình. Lúc cầm trên tay tập sách dầy dặn công phu, in ấn rất trang trọng, tôi thấy giọng nói rất xúc động về tập sách khi thầy nhắc tới công lao của nhà văn (tập sách sau này được giải Nguyễn Du lần 7 - 2020).

Các nhà văn tỉnh bạn đi ngang Hà Tĩnh thường ghé vào Hội, có khi vào nhà riêng thăm anh, đều cảm thấy thân tình, thoải mái về sự thân mật nhưng trọng thị của ông chủ tịch Hội và còn hứng khởi vì những câu nói trạng vừa tục vừa thanh rặt chất Nghệ của anh. Có lần vui chuyện nhớ lại thời bao cấp khó khăn, anh bảo: Cười thế nhưng lo toát mồ hôi khi có những đoàn khách đông vì… Hội nghèo quá mà! Việc viết lách anh em thường bảo Đức Ban rất có ý thức về nghề. Viết xong các tác phẩm anh có thói quen gửi bản thảo nhờ các bạn xem góp ý, những góp ý anh đều có phúc đáp về sự tiếp thu của mình và không phải không có lúc tranh luận nhẹ nhàng một vài nhận xét chưa thuận tình. Có truyện anh viết đi viết lại nhiều lần.

Với con mắt sắc sảo của một nhà văn từng trải, anh phát hiện nhanh các tác giả có triển vọng, đề nghị Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có kế hoạch bồi dưỡng và bản thân chỉ bảo tận tình, nhiều tác giả với sự giúp đỡ của anh đã nhanh chóng trưởng thành có người nay đã trở thành những cây bút có uy tín. Con người cả làm văn, cả làm công tác quản lý khá thành đạt này lại là một kẻ sùng bái tâm linh, hay đi các đền chùa những dịp lễ tết, thích tham quan các thắng cảnh. Anh tâm sự, đi đền chùa không để cầu tài cầu lộc, cũng không phải đi chỉ để nắm bắt đời sống mà đi để còn thanh lọc tâm hồn, đến với những nơi ấy muốn hay không con người cũng vươn đến “tính thiện” thăng bằng được tâm hồn. Văn anh chất tâm linh, chất hư ảo trở thành một thủ pháp nghệ thuật có lẽ cũng được vun đắp từ những chuyến đi này.

Đức Ban có hai sở thích lái xe và rượu. Có lần hỏi đùa, mấy năm làm chủ tịch hội, rồi giám đốc sở về anh được cái gì?  Anh nhỏ nhẹ đáp: “Được cái xe và nghề lái xe. Lái xe thuận lợi đi đây đó lại còn rèn luyện được tai mắt, tay chân và cái tính điềm tĩnh, nhường nhịn!”. Lần dẫn chúng tôi đi vãn cảnh Chùa Hương (Hà Tĩnh) anh đã chứng tỏ được tay lái “lụa” của mình. Đường dốc quanh co, lồi lõm, trơn tuột, chiếc xe vẫn bò đi nhẹ nhàng, anh tay lái đánh qua lại liên tục vẫn chuyện trò thoáng đạt như không có gì, còn chúng tôi có chỗ thót tim. Rượu, Đức Ban có cái thích theo kiểu riêng: Chè ngon uống đến nước hai, Rượu ngon uống đến say say vừa vừa… Anh cho rằng sau nước hai uống mất vị trà. Rượu ngon cũng vậy, một lần say say để hương vị rượu ngà ngà thơm lâu, đó là lúc tâm hồn lâng lâng, quá đi chỉ còn cái say trần tục. Có lần  người nửa thật nửa đùa bảo anh là “nhà văn sâu róm” không nhằm nói đến những nhân vật cộm cán, những cốt truyện giằng xé trong văn anh mà như có ý nhắc lại cuộc hành trình khó nhọc có khi cay đắng và những phản ứng sắc sảo của anh trong cuộc sống mà nhân thân anh đã trải qua, từ một cán bộ TNXP với những khó khăn về thành phần xuất thân, đi học Trường viết văn Nguyễn Du trưởng thành nhiều năm đứng vững trên cương vị Chủ tich Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật, rồi Giám đốc Sở văn hoá Tỉnh khá uy tín trong giới văn nghệ, anh bình thản đáp: “không sâu róm thì dễ bị kẻ xấu dẫm đạp lắm!”

***

Bao nhiêu năm làm quản lý, công việc sự vụ rất bận rộn, ngòi bút văn chương của anh vẫn tuôn chảy đều đặn trên nhiều thể loại, đến nay anh đã cho ra đời trên vài chục đầu sách với nhiều thể loại truyện, bút ký, kịch, chân dung văn học... nhưng thành công nhất có lẽ là truyện ngắn. Với một “thi pháp tự sự” đổi mới có chọn lọc, nhiều tác phẩm đã gây được ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc trong cũng như ngoài nước.  

Trong guồng quay của sự tìm tòi một lối viết Đức Ban có những trăn trở về một khuynh hướng trong dòng chảy của văn xuôi đương đại. Với cách nhìn cuộc sống dưới một góc độ mới, tác phẩm Đức Ban đã tiếp cận một lối viết khác trước, không đơn giản hoá đời sống vốn đa chiều, đa phương, nhiều nghịch lý. Nông thôn là mảng đề tài được thể hiện khá đầy đặn trong tác phẩm Đức Ban. Là một thử thách vì đây cũng là mảng đề tài đã được thể hiện khá phong phú, sinh động trong nhiều trang viết của các nhà văn đàn anh trước Cách mạng cũng như trong hai cuộc kháng chiến và thời kỳ xây dựng XHCN. Anh chọn một lối đi riêng đề cập đến mảng khuất khó nhìn thấy trong đời sống những người nông dân sau chiến tranh với một bút pháp hiện thực mới. Viết về nông thôn Đức Ban không kể nhiều về chuyện làm ăn kinh tế, chuyện mùa màng được mất, mà anh trình bày miêu tả những thân phận, những kiếp người. Những nhân vật của Đức Ban đa phần tội nghiệp, bé nhỏ, sống với những ước vọng cũng bé nhỏ, nhưng trải nhiều nghịch cảnh như là định mệnh luôn rình rập đẩy họ vào những sự không may. Không may về duyên số, không may về thân phận, luôn chịu những hàm oan. Tuy nhiên cuộc đời khốn khó chỉ làm sáng lên những khát vọng sống, những phẩm chất người dẫu có khi lay lắt như một mầm cây trước giông bão. Đó là những ông lão bị vùi dập sống trong tủi hờn: ông Trìu, lão Dụt, lão Đa (Ngôi sao hôm leo lét, Đền thờ Đức Thánh mẫu, Hoa bần), những nạn nhân không tự giác của những định kiến, của thói vụ lợi, con đẻ của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, những ký sinh sống bám vào thành quả Cách mạng, phát triển nhan nhản trong thời kỳ đầu xây dựng khi xã hội chưa định hình được các chuẩn tắc. Là những “hồng nhan phận bạc” như chị Nghĩa, chị Len, chị Thảo, cô gái điên (Đêm thức, Sóng bến Duềnh, Hoa bần, Tiếng đêm), nạn nhân của thói hám danh, sự lừa gạt, phụ bạc cũng như bao tập tục khác còn nặng nề ở nông thôn đọng lại nơi tiếng hát mẹ con người đàn bà điên về “con lươn” cồm cộm trong đêm, hay tiếng than của mẹ con cô Lài nơi bến Duềnh, dư âm khốn khó một kiếp người. Những người phụ nữ yếu đuối không may mắn (chị Nhàn, chị Thảo, em Nợi, cô Tề, người đàn bà điên) nhưng cũng chính ở họ tiềm tàng những mầm sống.

Viết về mặt trái của cơ chế thị trường ở nông thôn, với nhiều nghịch cảnh nhưng tác giả không đem đến cho người đọc những bi quan tuyệt vọng, nó như những “âm án” mà trong đông y các thầy thuốc giàu kinh nghiệm thường nói đến về những bài học thất bại “chết người”, là những liệu pháp tinh thần giúp con nguời cảnh tỉnh, giữ vững ý chí đấu tranh trong những hoàn cảnh cam go. Vì trong bối cảnh tuy nghịch lý, nơi ấy đã có những tiền đề hiện thực mới, nông thôn nơi âý trong vật vã vẫn loé sáng bởi những con người, những tấm lòng nhân nghĩa. Đó là những chị Nhàn, anh Thắng, cô Tề, những người đã thẳng thắn đấu tranh, dám hy sinh vì người khác không phải vì giàu có, danh lợi mà chỉ với cái nghĩa lý giản đơn là để cho “lương tâm thanh thản”.

Hiện thực trong mắt nhìn Đức Ban phong phú đa dạng, nghệ thuật bởi vậy cũng có nhiều thay đổi. Đó là lối kể chuyện pha màu sắc “cổ tích thời hiện đại” (Khúc hát ngày xưa, Miếu làng, Chuyện cổ tích). Tính chất kỳ ảo, hư tưởng xuất hiện trong tác phẩm như một thành phần không thể thiếu của cấu trúc hình tượng (Đêm thứcHoa đại). Khi là ánh lửa mờ ảo, khi là tán cây nhập nhoàng, cái lò gạch hoang tàn, khi thì người đàn bà hát ca điên dại, khi là tiếng vọng bên sông... Chi tiết trong truyện Đức Ban gợi nhiều liên tưởng dắt dẫn trí tưởng tượng người đọc vượt không gian, thời gian đến những miền xa xôi của ký ức.

Anh khá thành công với những mẫu nhân vật giàu chất “Nghệ”, đa phần có một hoàn cảnh sống không may mắn nhưng lại có một nghị lực sống rất đáng trọng. Những lão Trìu, ông Dụt, con Hệ, con Nợi... ngay cái tên cũng gợi nhiều uẩn khúc. Họ đều là sản phẩm của một nông thôn đang trên đường thay đổi, cái cũ cái mới lẫn lộn. Thành kiến, hủ tục, gia trưởng chi phối bao số phận, đặc biệt là phụ nữ, họ là hiện thân những mẫu người quanh quẩn con sông Nghèn quê anh. Có một cái gì gần gũi giữa họ với Lão Khúng của Nguyễn Minh Châu, những con người Xứ Nghệ nghèo khổ, chân thật gan góc nhưng rất độ lượng và giàu tình thương, luôn vượt lên trên những bất hạnh để sống.

Đức Ban là một nhà văn có nghề, luôn trăn trở với nghề, với những tìm tòi, mạnh dạn, một số tác phẩm của Đức Ban gây được ấn tượng trong độc giả, nhiều yếu tố trở thành phương thức nghệ thuật được phát triển thường xuyên, tạo hiệu ứng thẩm mỹ cao góp phần khẳng định một phong cách riêng của tác giả. Anh được phong tặng Giải thưởng nhà nước (2016), niềm tự hào chung cho làng văn miền ví giặm.


nguon: http://baovannghe.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
5.jpg 66.jpg 29.jpg 49.jpg 20.jpg 42.jpg 13.jpg 37.jpg 6.jpg 67.jpg 31.jpg 50.jpg 22.jpg 43.jpg 15.jpg 38.jpg 7.jpg 68.jpg 33.jpg 52.jpg 24.jpg 45.jpg 16-1.jpg 39.jpg 40.jpg 9.jpg 71.jpg 34.jpg 63.jpg 27.jpg 48.jpg 19.jpg 41.jpg 12-qn1.jpg a-T.jpg 36.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg 9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg
  • Đang truy cập14
  • Thành viên online1
  • Khách viếng thăm13
  • Hôm nay1,890
  • Tháng hiện tại111,202
  • Tổng lượt truy cập3,081,112
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây