Sông hiến mình tất cả

Chủ nhật - 03/01/2021 16:06
Nền âm nhạc Việt Nam đương đại, ở nửa cuối thế kỷ XX, xuất hiện “Bộ tứ sông Hồng” - những người đặt nền móng cho nền nhạc nhẹ Việt Nam. Phó Đức Phương là một thành viên. Ông nổi bật là nhạc sỹ có bút pháp tinh tế. Ông được mệnh danh là “nhạc sỹ viết theo đơn đặt hàng” và hầu như không phổ thơ mà tự viết ca từ cho các ca khúc của mình. Ông “sở hữu” một nguồn năng lượng cảm xúc dồi dào, sâu lắng, được nuôi dưỡng từ cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, từ những câu chuyện dân gian ôm ấp khát khao mà triết lý, từ lời ru đằm thắm cùng những làn điệu dân ca say đắm lòng người của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, nơi trải bao biến thiên thăng trầm trong lịch sử cả triệu năm kiến tạo.
111

Phó Đức Phương sinh ngày 23 tháng 7 năm 1944, tại làng Đa Ngưu xã Tân Tiến huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên, nơi có ngôi đình cổ 100 cột thờ Chử Đồng Tử, một trong “Tứ bất tử” của văn hoá nhân thần người Việt. Dường như định mệnh đã gắn cuộc đời Phó Đức Phương với âm nhạc. Tốt nghiệp khoa Toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi làm việc ở một nông trường miền núi, song nguồn cảm xúc tích trữ bấy lâu đã hối thúc ông trở về thi vào trường Âm nhạc Việt Nam. Ca khúc Những cô gái quan họ, sáng tác đầu tay khi 22 tuổi, đã định vị con đường âm nhạc của Phó Đức Phương suốt 54 năm (từ năm 1966 đến năm 2020).

Giới âm nhạc cũng như quần chúng yêu thích ca nhạc đánh giá cao chất lượng ca khúc của ông. Người ta ví Phó Đức Phương là “nhạc sỹ của sông nước”. Đó là niềm vinh dự và tự hào đối với một người sáng tạo nghệ thuật. Phó Đức Phương đã dâng hiến cho đời sống âm nhạc đương đại một dòng chảy trữ tình vừa da diết vừa trào dâng trong âm thanh và ca từ. Ngược lại với những bài hát phổ thơ, ca khúc của Phó Đức Phương là sự cùng đếncùng cộng hưởng của nhạc và lời, khiến bài hát thăng hoa, chất chứa cái đẹp hoàn mỹ. Hơn thế, là “người sáng tác theo đơn đặt hàng”, Phó Đức Phương phải có nội lực mạnh như thế nào mới có thể đạt tới những yêu cầu khắt khe của nghệ thuật. Lý giải điều này, xin phép mượn lời của thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941, Giải Nobel văn học 1913) khi đi tìm câu trả lời Nghệ thuật là gì?, ông đã viết: “Con người có một vốn năng lượng cảm xúc, không phải dành hết cho sự tồn tại. Cái thặng dư đó tìm lối ra trong sáng tạo nghệ thuật, vì văn minh con người được xây dựng trên thặng dư của mình…”, bởi vậy khi nghệ thuật đến “chúng ta quên đi những đòi hỏi của cái tất yếu, sự tiết kiệm của cái hữu ích: thần kinh của thái dương chúng ta muốn vươn lên mà hôn các vì sao, và các nốt nhạc của chúng ta cố mà đo được độ sâu của cái không nói ra được…”; và, thi hào nói rõ: “mọi ý tưởng trừu tượng đều không có chỗ trong nghệ thuật thật sự, nơi mà muốn được chấp nhận, thì phải dưới dạng nguỵ trang nhân cách hoá.” (dẫn từ cuốn Các nhà văn giải Nobel do Đoàn Tử Huyến chủ biên, Nxb. Giáo dục, H.2006; tr. 116-117). Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, Phó Đức Phương đã sử dụng xuất sắc nghệ thuật “nhân cách hoá”, biến “cái thặng dư” từ “vốn năng lượng cảm xúc” của mình để “đo được độ sâu của cái không nói ra được”. Ngay cả những ca khúc viết cho phim theo lời mời của các đạo diễn, như Về quêHồ trên núiChảy đi sông ơiTrên đỉnh Phù Vân… ông “đo” độ sâu của những hình ảnh và âm thanh không hiện trên màn hình, để sau đó “thoát” khỏi truyện phim, những ca khúc ấy trở thành những cá thể độc lập, có cuộc sống riêng trên sân khấu biểu diễn ca nhạc với sự cuốn hút say mê người yêu âm nhạc.

***

Ca từ trong các ca khúc của Phó Đức Phương rất đậm chất thơ. Chất thơ ấy thẫm đẫm tình thơ dân gian mà cũng rất hiện đại. Ông viết: “Trên quê hương quan họ. Một làn nắng cũng mang điệu dân ca. Giữa mùa lúa thơm cánh cò bay đẹp như trong mộng” (Những cô gái quan họ) - “nắng”, “mùa lúa”, “cánh cò” trở nên duyên dáng khác thường. Hay, Trên đỉnh Phù Vân chất thơ lắng đọng: “Lên đỉnh núi cao cách trời ba thước. Xuống đáy thung sâu thăm thẳm sông dài. Vào rừng trúc mai véo von con sáo sậu”, tả thiên nhiên đấy mà cũng là nỗi niềm sâu kín riêng tư. Tình yêu thương con người, đồng đất quê hương trong ông luôn trỗi dậy từ ký ức: “… Dòng sông muôn đời dạt dào… Rất riêng hương vị đậm sâu. Ngọt ngon như chẳng thấy ở đâu… Gió trên nguồn thổi qua triền đê. Gió kênh buồn lồng lộng hồn quê. Trước dòng sông, tôi người con châu thổ. Bàn chân sẫm đất cõi lòng đăm đăm. Trong sâu xa căn nguồn thăm thẳm…” (Bên dòng sông Cái) - đó không chỉ là nỗi nhớ mà còn là khát vọng của ngàn đời, của hiện tại. Chất thơ ấy lắng vào những ca từ viết về sông nước, đẹp đến nao lòng, thổn thức: “Còn đâu miền dương gian khi úa tàn mặt trời. Bình minh có lên ngôi khi không còn đêm tối. Đã có sông sâu không thể thiếu những suối nguồn” (Không thể và có thể); để nhận ra “Sông mấy ngàn năm tuổi, miệt mài chảy mãi không nguôi, chuyện bao đời sông biết cả, mà sao sông trẻ mãi không già… Ơi con sông hiền hòa, dịu dàng an ủi lòng ta. Ơi con sông thiết tha, chứa chan chung tình sâu nặng. Sông vỗ về đôi bờ. Thì thầm ngày tháng khôn nguôi. Sông hiến mình tất cả. Đời sông không hề tiếc vơi đầy.” (Chảy đi sông ơi)… Những ca từ đậm chất thơ như vậy dường như tuôn chảy trong mỗi ca khúc của Phó Đức Phương, khiến người nghe/đọc tưởng ông hiện thân vào các dòng sông ôm chật mây bay, gió thổi và màu sắc biến hoá của nắng trời (hay ngược lại, các dòng sông đã hiện thân vào người nhạc sỹ?!). Với sự hiện thân ấy, ông đã góp phần tạo nên dòng âm nhạc dân ca đương đại đầy chất trữ tình và cũng đầy quyến rũ.

Có lần trả lời báo chí, nhạc sỹ nói: “Hai bài hát Chảy đi sông ơi và Trên đỉnh Phù Vân tôi viết trong lúc thất tình khủng khiếp nhất. Nhưng chúng cũng chẳng hướng đến ai cả. Tất cả những nỗi niềm chất chứa trong đó đều do tôi chắt lọc qua đường tình ái cả một đời”. Vậy, ông nói về việc viết ca từ hay viết nhạc? Chính xác là ông viết ca khúc với đầy đủ tính chất của những tác phẩm hoàn chỉnh, mỗi ca khúc là một cá thể thống nhất; và, không thể xác định ông viết cái gì trước, cái gì sau, mà cùng một lúc nhạc và lời cất lên, gọi nhau, quyện vào nhau, vừa bay bổng vừa trầm lặng, lắng vào tâm hồn người thưởng thức cái rạo rực, quyến luyến, vang vọng dư vị của sự thẩm thấu trải đời ở một con người mẫn cảm, tinh tế.

Chất thơ của ca từ đầy đặn và phóng khoáng ấy cần phải được chất nhạc tương xứng nâng lên, hoà đồng vào dòng chảy tâm hồn đầy năng lượng. Nhạc của Phó Đức Phương cũng rất ma mị, mang chất tâm linh trên âm hưởng dân ca Việt Nam ngọt ngào, hương vị huyền bí Á Đông. Đó là nghệ thuật “hoà màu” điêu luyện cho từng nét nhạc, câu nhạc, cho đến hoà âm, hoà sắc, tạo nên tổng phổ hợp âm đa dạng với tiết tấu khoan thai, giai điệu mượt mà, cao độ, trường độ biến hoá. Nhạc của ông nhuần nhuyễn các làn điệu của chèo, hát văn, hát xẩm, ca trù, quan họ… trong sự gắn kết chặt chẽ. Ca khúc của ông mềm mại, phần nhiều sử dụng hợp âm giọng thứ, tạo nên âm hưởng ngân nga, mênh mang vời vợi, cảm xúc dâng trào.

***

Có thể nói, Phó Đức Phương là nhạc sỹ kết hợp chất liệu dân gian truyền thống của vùng Đồng bằng sông Hồng, cả lời và cả nhạc, vào ca khúc một cách mẫu mực và độc đáo, nhưng lại đậm đà hơi thở thời đại. Muốn trình bày ca khúc của ông hoàn hảo, thì ngoài kỹ thuật thanh nhạc người thể hiện còn phải đồng điệu tâm hồn với người sáng tác. Điều này lý giải vì sao không phải bất kỳ ca sỹ nào cũng thành công khi biểu diễn tác phẩm của Phó Đức Phương. Ngược lại, ca sỹ nào đạt được những yêu cầu khắt khe ấy thì con đường âm nhạc của họ rộng mở và kéo dài.    

Đôi lần tôi được nghe Phó Đức Phương hát “mộc”. Đúng như ông nói: Hãy hát cho đúng, rồi hãy phiêu. Thật thót tim khi xem các ca sỹ biểu diễn ca khúc của ông, để rồi ngay lập tức vỡ oà cảm xúc khoáng đạt, lâng lâng và thanh thản với dư vị lâu tan về câu chuyện đời người, đời sông, đời núi qua âm nhạc, mà Phó Đức Phương là người kể chuyện có duyên hiếm thấy.

Vào đời với hành trang của người thầy giáo dạy toán, nhưng khi trở về môi trường âm nhạc, Phó Đức Phương “hiện nguyên hình” là một nghệ sỹ. Bảy nốt nhạc trong tay ông trải trên năm dòng kẻ luôn luôn biến hoá. Nghệ thuật dựng ca khúc của ông là nghệ thuật kết nối âm thanh để hát lên tiếng hát của thiên nhiên, tiếng hát của lòng người hoà quyện trong vẻ đẹp quyến rũ và thức tỉnh. Lời và nhạc của ông toát lên tinh thần biểu hiện cái đẹp vừa thực vừa huyền ảo. Ca khúc của ông không mô tả cái đẹp nhìn thấy, mà đánh thức những gì bấy lâu ẩn chứa trong sâu thẳm mông lung, tỏ bày dưới ánh sáng chan hoà của đời sống thực tại…

Nhạc sỹ Phó Đức Phương để lại cho đời tiếng hát phiêu linh của một cuộc đời đắm đuối vì âm nhạc. Ông như dòng sông miệt mài bồi đắp phù sa cho âm nhạc Việt Nam thêm dày dặn, mượt mà. Người đời không dễ gì lãng quên những gì ông cống hiến cho dòng ca khúc dân gian đương đại…


Tác giả: Cao Ngọc Thắng
Nguồn Văn nghệ số 1+2/2021

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây