Trong sự đùm bọc yêu thương…

Thứ năm - 23/03/2023 17:01

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM BÁO VĂN NGHỆ RA SỐ ĐẦU TIÊN

Năm 1979, lúc ấy Bế Kiến Quốc đang công tác tại Tuần báo Văn nghệ, còn tôi đang theo học lớp sau đại học- khóa 3 của Khoa văn Đại học sư phạm Hà Nội I. Tôi học chuyên ngành văn học dân gian do giáo sư Đỗ Bình Trị hướng dẫn. Đề tài nghiên cứu của tôi là Truyền thuyết lịch sử, vì vậy tôi phải thu xếp đi điền dã lấy tài liệu sưu tầm và nghiên cứu.

Vào dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 1979, Bế Kiến Quốc đã thu xếp cùng tôi đi về Lam Kinh, thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa để sưu tầm hệ thống truyền thuyết lịch sử tại vùng đất cố đô lịch sử của Thanh Hóa - Lam Kinh.

Ngày 29 tháng Tư năm 1979, chúng tôi đi tàu đêm và đến sáng thì có mặt ở Thanh Hóa. Đường xá xa xôi lạ lẫm, trên chiếc xe đạp, chúng tôi tìm đến trụ sở Hội Văn nghệ tỉnh Thanh Hóa. Gặp được nhà văn Kiều Vượng, Anh chỉ đường cho chúng tôi đi về phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân và dặn về đó thì tìm ngay Phùng Gia Lộc - một cây bút của huyện.

Đường về Thọ Xuân hơn 30 km, trời nắng chang chang. Anh Kiều Vượng còn dặn: đi mau không ở phòng văn hóa họ nghỉ lễ! Vậy là mải miết chở nhau đi!

111
Nhà văn Phùng Gia Lộc (trái) và nhà thơ Bế Kiến Quốc

Gần 12 giờ trưa thì chúng tôi đến nơi.

Phòng Văn hóa huyện Thọ Xuân là một khu nhà tuềnh toàng. Chúng tôi bước vào một căn phòng nhiều người đang ngồi nói chuyện. Bế Kiến Quốc tự giới thiệu: Chúng tôi ở báo Văn nghệ vào, cho tôi hỏi có anh Phùng Gia Lộc ở đây không ạ?

Một người gầy gò, bé nhỏ, gương mặt xương xương nhưng đôi mắt to và sáng, anh bước ra vui vẻ cười nói: Tôi đây, tôi là Phùng Gia Lộc đây. Và anh mời chúng tôi vào phòng. Bế Kiến Quốc trình bày mục đích chuyến đi của chúng tôi với Phùng Gia Lộc. Anh Lộc gật gật đầu cười vui vẻ: Rất may cho anh, anh chỉ đến chậm một chút nữa là tôi đi về nhà nghỉ lễ rồi. Thôi được, ta sẽ cùng đi Lam Kinh với nhau, còn bây giờ đi ăn bát phở bò nổi tiếng của Thọ Xuân đã nhé!

Anh Lộc cùng chúng tôi đạp xe đến hàng phở bò nổi tiếng của huyện Thọ Xuân. Lúc này đã 12 giờ trưa, nắng to, mệt mỏi vì chặng đường đêm trên tầu và đạp xe 30 km từ thành phố Thanh Hóa về, ngấm mệt. Thú thật được ăn bát phở bò Thọ Xuân mà tôi thấy tỉnh cả người.

Nhìn chiếc xe đạp của Phùng Gia Lộc tôi thấy anh đã buộc mấy bọc hàng và quà mang về cho vợ con trong ngày nghỉ. Vưa ăn phở, Phùng Gia Lộc vừa bàn với chúng tôi về kế hoạch đi Lam Kinh. Anh nói: Bây giờ ta qua sông Chu, rẽ qua nhà tôi thăm nhà sau đó chúng ta cùng đạp xe về Lam Kinh. Từ nhà tôi về đó cũng khoảng 30 cây số đấy!

Về nhà Phùng Gia Lộc. Một ngôi nhà nhỏ 3 gian lợp tranh. Nhưng tôi nhớ vẫn còn một bộ cửa gỗ. Vào nhà gặp được mẹ và con trai lớn của anh Phùng Gia Lộc là cháu Phùng Gia Học, lúc ấy mới 8 tuổi, ở nhà với bà còn bố mẹ thì đi làm cuối tuần mới về.

Rời nhà anh Lộc, chúng tôi lại tiếp tục đạp xe về Lam Kinh. Chúng tôi theo đường đê dọc bờ sông Chu. Trên đường đi, Phùng Gia Lộc kể rất nhiều câu chuyện tiếu lâm hài hước về vùng quê hương Thọ Xuân - Thanh Hóa. Tôi và Bế Kiến Quốc mải lắng nghe, Bế Kiến Quốc thì cứ cười lăn lộn, có những lúc phải xuống xe nằm dài trên đê để mà cười nếu không sẽ bị ngã xe mất.

Rồi cũng đến Lam Kinh, vừa chập choạng tối. Hóa ra Lam Kinh là vùng đất hoạt động của Phùng Gia Lộc. Anh nhanh chóng liên lạc với xã tìm chỗ ăn ngủ cho ba chúng tôi. Tối hôm ấy anh còn dẫn chúng tôi đến đội Văn nghệ xã xem tập vở kịch Nguyễn Trãi, kịch bản là của anh và đang được dàn dựng.

Hai ngày 30/4 và 1/5 anh đưa chúng tôi đến nhà cụ già bô lão trong làng để nghe kể chuyện, tối lại đi xem tập kịch Nguyễn Trãi.

Lần đầu tiên đến Lam Kinh, được thăm viếng khu di tích lịch sử, những cây cổ thụ lớn, những bức tường thành quách còn lại, những chứng tích rêu phong cổ kính, lại cũng lần đầu tiên được đắm mình trong bầu không khí văn hóa dân gian, được sống trong lòng dân, được sống trong tình bạn của Phùng Gia Lộc, vợ chồng tôi rất cảm kích.

Sáng ngày 2 tháng 5 năm 1979, chúng tôi chia tay nhau. Vợ chồng tôi đạp xe từ Lam Kinh về thẳng thành phố Thanh Hóa cũng hơn 30 cây số, còn Phùng Gia Lộc lại đạp xe để về Thọ Xuân cũng với khoảng cách hơn 30 cây.

Trước khi chia tay, anh rẽ vào hàng xôi mua cho chúng tôi mỗi người một gói xôi to tướng để ăn lúc đi đường. Anh bảo: “Ăn xôi cho đảm bảo, cho chắc bụng”. Lúc anh trả tiền tôi còn tò mò vì nhìn vào ví anh thì thấy chỉ còn những đồng tiền lẻ. Thực ra mấy ngày qua anh đã lo lắng hết cho chúng tôi. Tôi nắm tay Bế Kiến Quốc và bấm chặt vào tay anh.

Đó là lần gặp đầu tiên với Phùng Gia Lộc.

Sau này chúng tôi còn trở lại Lam Kinh một lần nữa vào những năm 1980. Chuyến đi lần này Phùng Gia Lộc cũng đi cùng. Vợ anh mới sinh cháu trai thứ hai và đi theo đội sản xuất ở cách xa nhà. Sau khi xong việc ở Lam Kinh, anh dẫn chúng tôi đến thăm vợ con ở Đội sản xuất gạch (chị là y tá trong đội). Chúng tôi được lội qua sông Chu vì là mùa nước cạn.

Đêm đó trăng sáng, tôi ngủ cùng vợ và con Phùng Gia Lộc trong giường, còn Bế Kiến Quốc và Phùng Gia Lộc kê ghế băng nằm ngoài hiên. Sáng mai chúng tôi lên đường sớm. Phùng Gia Lộc nói với vợ: “Sớm mai em để anh nấu cơm, anh trông chừng không cho cơm khê cơm cháy vì vợ chồng bạn anh còn đi xa”.

Tôi dậy sớm đã thấy anh ngồi bên bếp lửa trông chừng nồi cơm. Anh nói với tôi: xa là kỵ cơm khê lắm nên phải trông chừng! – Tôi thật sự xúc động trước tình cảm chân thực nồng nhiệt của anh.

Đó là hai lần gặp nhau đầu tiên với Phùng Gia Lộc.

Chia tay nhau, Bế Kiến Quốc và Phùng Gia Lộc ôm chặt nhau, bịn rịn và hẹn sẽ gặp lại nhau ở Hà Nội.

Trong sự đùm bọc yêu thương của báo Văn nghệ

Bẵng đi nhiều năm, mãi đến tận cuối năm 1987, chúng tôi mới gặp lại nhau.

Có lẽ là vào những ngày đầu đông - lúc ấy tôi đã ra trường và đã về Báo Văn nghệ công tác. Vợ chồng tôi được báo bố trí cho ở nhờ trong một căn phòng nhỏ (vốn làm nhà kho của Tòa soạn báo) nằm ở phía sau của tòa soạn.

Trời nhập nhoạng tối, nhìn ra sân thấy một người đàn ông đi vào sân, anh đứng trước cửa nhà. Nhìn kỹ, Bế Kiến Quốc nhận ra Phùng Gia Lộc, anh chạy ra ôm choàng lấy Phùng Gia Lộc - lúc ấy trông anh rất mệt mỏi và trên gương mặt thoáng chút buồn, âu lo.

Tôi nấu cơm, ba anh em ngồi ăn cơm, nghe Phùng Gia Lộc kể chuyện quê nhà. Anh kể về cảnh nông thôn và làng quê anh đang rên xiết trước một bọn cường hào ác bá mới. Phùng Gia Lộc viết bài báo đả phá, phản bác và anh đã bị trù úm, phải đi lánh nạn. Tôi vẫn còn nhớ, lúc ấy khi Bế Kiến Quốc nghe anh kể câu chuyện, Quốc đã khóc và anh nghẹn ngào nói: Lộc phải viết lại, phải kể lại cho nhân dân cả nước biết những chuyện này!

Phùng Gia Lộc ở lại chỗ chúng tôi. Đêm hôm ấy Bế Kiến Quốc kéo Phùng Gia Lộc lên phòng làm việc, Phùng Gia Lộc kể lại còn Bế Kiến Quốc thì đánh máy… và sau đó mấy đêm thì hoàn thành bài phóng sự nổi tiếng của Phùng Gia Lộc: Cái đêm hôm ấy đêm gì?

Chúng tôi báo cáo với anh Đào Vũ và anh Nguyên Ngọc để Phùng Gia Lộc ở lại trong báo Văn nghệ với chúng tôi. Sau đó nhờ sự can thiệp của anh Nguyên Ngọc với Hội Nhà văn, Phùng Gia Lộc đã được lên trại sáng tác ở Đại Lải để ở như chế độ một nhà văn.

Cuối năm đó, gần Tết, anh thu xếp về quê. Chúng tôi, Báo Văn nghệ và Hội Nhà văn đã quyên góp tiền gạo cho Phùng Gia Lộc mang về quê gửi về cho vợ con anh.

Riêng tôi, lúc đó hai vợ chồng được công đoàn phân phối cho 1 cái màn và 1 vỏ chăn. Tôi bảo với Phùng Gia Lộc: Em sẽ tặng anh một cái, anh chọn màn hay vỏ chăn. Phùng Gia Lộc không nề hà nói: Cho anh cái vỏ chăn vì vỏ chăn nhà anh rách mất rồi!

Sau này anh kể lại: Khi về quê, khoe cái vỏ chăn Mai Quốc tặng, có người trong họ nói: Mi phải giữ cái vỏ chăn nhé, có chết đói cũng không được bán.

Lúc này bút ký Cái đêm hôm ấy đêm gì? đã được in và như một tiếng vang lớn, góp phần lên án bọn cường hào ác bá mới trong những năm đầu đổi mới. Còn Phùng Gia Lộc đã trở thành Người hùng. Anh đi đến đâu cũng được mọi người trong Nam ngoài Bắc tiếp đón.

Cuộc gặp gỡ với Phùng Gia Lộc đúng là nhân duyên. Tôi nhớ tới những giọt nước mắt của Bế Kiến Quốc khi anh nghe Phùng Gia Lộc kể chuyện: “Lộc phải viết và kể lại cho nhân dân cả nước biết những chuyện này” và sau đó mấy đêm, tại căn nhà 17 Trần Quốc Toản, Cái đêm hôm ấy đêm gì? đã ra đời trong tình yêu thương và đau đớn của những tâm hồn nghệ sĩ.

Ngày 23 tháng 1 năm 1988, bút ký Cái đêm hôm ấy đêm gì? của Phùng Gia Lộc đã được đăng trên báo Văn nghệ.

 

Tác giả: Đỗ Bạch Mai
Nguồn Văn nghệ số 11/2023

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THƯ VIỆN ẢNH ĐẸP
9e931db13ff3e3adbae2.jpg eef9d3a2f1e02dbe74f1.jpg ac94b8a49de641b818f7.jpg ae0f6bdb499995c7cc88.jpg 895e11f733b5efebb6a4.jpg 27c48a2ea86c74322d7d-1.jpg f7b945c06782bbdce293.jpg 0f6e3f741c36c0689927.jpg c23927250467d8398176.jpg 906029e10ba3d7fd8eb2.jpg 32b8e242c0001c5e4511-1.jpg f774eba794e548bb11f4.jpg 7a0a8baca9ee75b02cff.jpg dcd1d242f0002c5e7511.jpg 23289506b7446b1a3255.jpg 66d134e644a498fac1b5-1.jpg 8a334df96fbbb3e5eaaa.jpg ec1643b261f0bdaee4e1.jpg 75528951ab13774d2e02.jpg 740f0438267afa24a36b.jpg ea6a58024d7f8c21d56e-1-1.jpg 4f0be64af33732696b26-1.jpg b673068913f4d2aa8be5-1.jpg 1d4bb15da420657e3c31-1.jpg 35021b9c0ee1cfbf96f0-1.jpg ffc69024855944071d48-1.jpg 87e8e87cfd013c5f6510-1.jpg f7a58a679f1a5e44070b-1.jpg 5b9e981a8d674c391576-1.jpg dfefc79bd2e613b84af7-1.jpg 02ac9b4b8e364f681627-1.jpg 142989b99cc45d9a04d5-1.jpg fe3d1d75bf087e562719.jpg 94d3461b53669238cb77-1.jpg f38c46ee539392cdcb82-1.jpg 7f5885f9908451da0895-1.jpg e5c4472a52579309ca46-1.jpg 3b20a26fb712764c2f03-1.jpg 0506885d9d205c7e0531-1.jpg 1389b67fa302625c3b13-1.jpg f69297bc83c1429f1bd0-1.jpg 33f61d080875c92b9064-1.jpg e71f3a932feeeeb0b7ff-1.jpg 3b4258344c498d17d458-2-1.jpg aecc18440d39cc679528-1.jpg 01b53b002e7def23b66c-1.jpg 7536f22be75626087f47-1.jpg f87058784d058c5bd514-1.jpg 48dd535d4620877ede31-1.jpg 0905f0a2572f9c71c53e.jpg 2799f500528d99d3c09c-1.jpg 0b4698843f09f457ad18.jpg d5502603818e4ad0139f.jpg c364cdd36a5ea100f84f.jpg 4126eb8e4c03875dde12.jpg 35b9c64f61c2aa9cf3d3.jpg eb2c4421e0ac2bf272bd.jpg cd43fd4859c5929bcbd4-1.jpg a7896047c7ca0c9455db.jpg 370c09e6ae6b65353c7a.jpg 3b96701bd7961cc84587.jpg f369334897c55c9b05d4.jpg d203ce4d69c0a29efbd1.jpg b91ad73673bbb8e5e1aa-1.jpg 520c873d23b0e8eeb1a1.jpg 8f815695f21839466009.jpg d9977394d7191c474508.jpg b94a739fd4121f4c4603.jpg IMG-8020-1.jpg IMG-8014-1.jpg IMG-8021-1.jpg IMG-8007-1.jpg IMG-8017-1.jpg IMG-8018-2.jpg IMG-8016-1.jpg IMG-8013-1.jpg IMG-8015-1.jpg IMG-5512.jpg IMG-5489-1.jpg IMG-5516.jpg IMG-5498.jpg IMG-5504.jpg IMG-5510.jpg IMG-5515.jpg IMG-5497.jpg IMG-5529.jpg IMG-5503.jpg IMG-5509.jpg IMG-5514.jpg IMG-5494.jpg IMG-5518.jpg IMG-5501.jpg IMG-5507.jpg IMG-5513.jpg IMG-5493.jpg IMG-5517.jpg IMG-5500.jpg IMG-5505.jpg TS9-3865-1.jpg TS9-3931-2.jpg
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay1,580
  • Tháng hiện tại79,560
  • Tổng lượt truy cập2,363,366
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây