Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


34 NĂM CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ GẠC MA-TRƯỜNG SA 14/3/1988: Gạc Ma - Trường Sa trong mắt một người Tiền Phong

Vậy là đã tròn 5 năm nhà báo Nguyễn Đình Quân - nguyên phóng viên báo Tiền Phong thường trú tại Khánh Hòa ra đi sau một tai nạn bất ngờ (tháng 9 năm 2017). Được mệnh danh là "Nhà báo của Trường Sa", không chỉ đặc biệt gắn bó và nổi tiếng am hiểu về quần đảo Trường Sa thân yêu, nhà báo Nguyễn Đình Quân (với bút danh Thiềm Thừ) còn luôn mạnh mẽ phản biện, đấu tranh với những cái nhìn sai lệch về sự kiện 14/3/1988, cũng như về Trường Sa.

Bài 1: Ngày bi tráng 14/3/1988

Nhân kỷ niệm 34 năm sự kiện Gạc Ma - Trường Sa, báo Tiền Phong xin trích một số phần trong bản thảo cuốn sách “Trường Sa trong tôi” của cố nhà báo Nguyễn Đình Quân.

Ngày 14/3/1988 lâu nay vẫn được được quen gọi là ngày kỷ niệm “Hải chiến Gạc Ma”, nhưng sinh thời nhà báo Nguyễn Đình Quân luôn phản đối, cho rằng đây là cách gọi sai lệch bản chất lịch sử của vấn đề. Ông tâm niệm “Nói về ngày 14/3/1988, cần nêu đầy đủ các diễn biến ở đá Gạc Ma, đá Len Đao và đá Cô Lin, đặt trong tổng thể Chiến dịch Chủ quyền 1988. Đó là điều cần làm nếu thực sự kính phục, tri ân với những người đã dũng cảm, kiên quyết, hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”.

111
Đại tá Cao Ánh Đăng, nguyên phó Chỉ huy trưởng Vùng 4 Hải quân trao đổi cùng phóng viên Nguyễn Đình Quân

Ngày bi tráng

Từ giữa năm 1987, Trung Quốc tăng cường hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa. Nắm rõ ý đồ đối phương, Bộ Chính trị và Đảng ủy Quân sự Trung ương ra nghị quyết, nêu rõ việc bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ khẩn trương, quyết liệt, lâu dài, là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ thị Quân chủng Hải quân tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo Trường Sa. Toàn quân chủng bước vào chiến dịch CQ88 (Chủ quyền 88)...

Đá Gạc Ma, đá Cô Lin và đá Len Đao đều thuộc cụm đảo Sinh Tồn. Chiều tối 13/3/1988, tàu HQ-604 và tàu HQ-505 tới cạnh đá Gạc Ma và đá Cô Lin cùng thời điểm tàu HQ-605 cũng tới đá Len Đao. Chỉ ít phút sau, hai tàu chiến Trung Quốc từ đá Tư Nghĩa chạy tới áp sát tàu ta và dùng loa gọi sang, đòi tàu ta rời đi... Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh, tổ chức đóng giữ bãi Gạc Ma ngay trong đêm 13/3/1988.

Khoảng 3 giờ sáng ngày 14/3/1988, quân ta bắt đầu chuyển vật liệu từ tàu HQ-604 lên đá Gạc Ma. Khoảng 6 giờ ngày 14/3/1988, Trung Quốc điều tới thêm 2 tàu, dùng 3 thuyền nhôm đưa khoảng 40 lính lên bãi Gạc Ma, giật quốc kỳ Việt Nam, bắn chết Trung úy Trần Văn Phương, đâm trọng thương hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Bị quân ta đánh trả, quân Trung Quốc rút ra xa, xả đạn pháo và các loại súng vào tàu HQ-604 và quân ta đang ở trên bãi. Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 chỉ huy bộ đội bắn trả quyết liệt.

Tuy nhiên, các tàu địch có số lượng và uy lực vũ khí áp đảo, tàu HQ-604 trúng nhiều đạn pháo địch, chìm xuống biển… Trung tá Trần Đức Thông và 61 đồng đội hy sinh, mất tích, 9 người bị Trung Quốc bắt. Những người còn sống đi tìm vớt đồng đội hy sinh và bị thương, đưa lên một xuồng của công binh rồi bơi về phía tàu HQ-505 ở đá Cô Lin.

Tại đá Cô Lin, lực lượng trên tàu HQ-505 đã cắm hai cờ Việt Nam trên bãi trước 6 giờ sáng ngày 14/3/1988. Sau khi bắn vào tàu HQ-604, các tàu Trung Quốc bắn nhiều đạn pháo vào tàu HQ-505, khiến tàu bị hỏng máy. Thiếu tá Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khẩn trương sửa máy, rồi lệnh chạy cả hai máy tàu, ủi bãi Cô Lin. Hơn 8 giờ sáng ngày 14/3/1988, tàu HQ-505 bốc cháy nhưng đã trườn được hai phần ba thân lên bãi. Lực lượng trên tàu vừa triển khai dập lửa cứu tàu, bảo vệ đá Cô Lin, vừa đưa xuồng đi cứu vớt đồng đội ở phía đá Gạc Ma.

Tại đá Len Đao, rạng sáng ngày 14/3/1988, Trung úy Phan Hữu Doan, Phó Thuyền trưởng tàu HQ-605 chỉ huy một nhóm lên bãi cắm cờ. Khi thấy các tàu HQ-604 và HQ-505 bị bắn, Đại úy Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn lệnh đơn vị tránh xuống mặt boong, trên cabin chỉ còn Thuyền trưởng và Thượng úy, máy trưởng Uông Xuân Thọ điều khiển tàu ủi bãi Len Đao.

Khoảng gần 8 giờ ngày 14/3/1988, tàu HQ-605 vừa tăng tốc để ủi bãi thì bị tàu Trung Quốc bắn pháo vào thẳng cabin và buồng máy. Thuyền trưởng Lê Lệnh Sơn và máy trưởng Uông Xuân Thọ kịp thoát khỏi cabin, chỉ bị thương.

Lúc tàu HQ-605 bị bắn, Thuyền phó Phan Hữu Doan đang làm nhiệm vụ thay ca giữ cờ. “Anh Doan bị lửa từ buồng máy trùm lên và mảnh đạn găm vào mặt, chạy ra bên lan can tàu. Khi nhảy xuống biển, nhiều mảng da của anh bị lột ra” - Thượng úy Uông Xuân Thọ bồi hồi kể lại.

Sĩ quan, thủy thủ tàu HQ-605 đưa Trung úy Phan Hữu Doan và người bị thương nặng nhất là thợ máy Trần Văn Sáu lên phao cá nhân. Họ không tìm thấy Trung sĩ báo vụ Bùi Duy Hiển, có lẽ anh đã hy sinh trên tàu. Vài giờ sau, nhóm giữ cờ trên bãi Len Đao bơi xuồng gặp được những người nhảy từ tàu xuống. Những người bị thương nặng được đưa lên xuồng, những người khác bơi quanh, dìu xuồng về hướng đảo Sinh Tồn.

Sau gần 8 giờ bơi trên biển, gần 4 giờ chiều ngày 14/3/1988, họ được bộ đội đảo Sinh Tồn bơi xuồng ra đón. Trung úy Phan Hữu Doan mất trên đường bơi về đảo Sinh Tồn. Vừa lên đảo, Thượng úy Uông Xuân Thọ cũng mê man bất tỉnh.

Đến sáng ngày15/3/1988, tàu HQ-605 chìm hẳn. Trước đó, chiều ngày14/3/1988, các tàu HQ-931, HQ-671, HQ-614 lần lượt tới tiếp ứng, bảo vệ bãi Len Đao và bãi Cô Lin.

Ngày 15/3/1988, chỉ một ngày sau sự kiện 14/3/1988, ta đóng giữ thành công Đá Thị, một bãi đá san hô rất quan trọng ở cụm đảo Nam Yết. Ngày 16/3, ta tiếp tục đóng giữ bãi Đá Nam ở Tây Nam đảo Song Tử Tây.

Đại tá Nguyễn Văn Dân khi đó là Trung tá, Phó Tham mưu trưởng Vùng 4, trực tiếp chỉ huy khu vực 2 của Trường Sa kể, đêm 13/3/1988 ông được lệnh lên tàu HQ 614, chỉ huy lực lượng hành quân ngay lên phía đảo Sinh Tồn. Nhưng do bị hai tàu Trung Quốc chặn đường nên đến chiều ngày 14/3/1988 ông cùng đồng đội mới đến được đảo Sinh Tồn.

"Đêm ấy, chúng tôi đưa anh em thương binh lên đảo Sinh Tồn để cứu chữa và báo cáo tình hình về nhà. Anh Doan, chính trị viên tàu HQ 605 hy sinh trên tàu, anh em chèo xuồng đưa được về Sinh Tồn và an táng ở đó”.

Tự vệ

Hiện có thể dễ dàng tìm lại (kho tư liệu trên mạng chính thống) những trang báo Nhân Dân và báo Hà Nội Mới số ra ngày 15/4/1988, đăng tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Tàu của ta đã buộc phải nổ súng để tự vệ. Trong khi đó họ lại đổi trắng thay đen, vu cáo tàu của Việt Nam khiêu khích vũ trang tàu chiến của Trung Quốc”.

111
Đại tá Nguyễn Văn Dân cắm Quốc kỳ Việt Nam trên mỏm đá san hô cao nhất của đá Len Đao, ngày 22/4/1988. Ảnh tư liệu: NĐQ

Bình tĩnh, kiên quyết, khôn khéo xử lý, không nổ súng trước, không mắc mưu khiêu khích của đối phương, đó là nguyên tắc ứng xử của ta trước các hành động gây hấn của Trung Quốc năm 1988 và các năm sau, cho đến tận ngày nay.

Ngay sau khi sự kiện ngày 14/3/1988 nổ ra, các cơ quan truyền thông của Việt Nam đã lên tiếng rất mạnh mẽ, chả có sự bưng bít nào. Nói thêm, không phải chỉ khi có sự kiện 14/3/1988, mà ngay từ tháng 1/1988, khi Trung Quốc bắt đầu có các hành động chiếm đóng đá Chữ Thập, đá Châu Viên, báo chí và người dân Việt Nam đã liên tục, mạnh mẽ lên án hành động xâm lược của Trung Quốc.

Nói thêm với những bạn nói rằng “nhà nước bưng bít vụ 14/3/1988”. Các bạn có thể dễ dàng kiểm chứng để bác bỏ điều này, bằng cách đến thư viện, tìm đọc các số báo ra trong nửa sau tháng 3/1988 và tháng 4, tháng 5/1988.

N.Đ.Q (T.T lược chọn)
Theo Tiền phong

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây