Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Bế mạc Liên hoan phim VN lần thứ 22: Vì sao “Mắt biếc” đánh bại “Bố già”?

111
Bế mạc LHP 22. Ảnh: V.V

Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 22 đã hạ màn. Như thông lệ, giải thưởng quan trọng nhất quyết định thành công của LHP là phim truyện điện ảnh - “trái tim” của LHP. Nhiều người đã nghĩ đến một cái kết viên mãn cho phim “Bố già” với cặp đôi đạo diễn Vũ Ngọc Đãng - Trấn Thành với doanh thu khoảng 400 tỉ đồng là phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại, cũng như một cách kể chuyện khá đời, dễ xem, dễ cảm với đại chúng. Trong khi “Mắt biếc” của Victor Vũ vừa kém hơn về doanh thu vừa không thực sự “đã” về nghệ thuật. Thế nhưng “Mắt biếc” lại có ưu thế khác.

Cái lý của Mắt biếc

Chiếu theo tiêu chí của LHP “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn” trong bối cảnh điện ảnh Việt gắn kết chặt chẽ với du lịch để vừa quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt vừa tạo nguồn thu thì “Mắt biếc” tuy doanh thu không bằng “Bố già” nhưng đã tạo ra hiệu ứng du lịch tốt cho Huế, khi nhiều địa điểm quay phim trở thành nơi “check in” cho giới trẻ và trở thành những điểm đỏ được các nhà làm phim đánh dấu trong đầu khi chọn bối cảnh cho phim.

LHP 22 lại diễn ra tại Huế và “Mắt biếc” trước đó đã giành được tình yêu của khán giả Huế khi công chiếu tại đây nên việc trao Bông sen vàng cho phim cũng là hợp lý.

Tuy nhiên, sòng phẳng về nghệ thuật thì “Mắt biếc” chỉ là “vàng” non, kết cấu phim, cách kể chuyện qua dựng phim chưa ấn tượng. Phim cũng chưa thể hiện được tay nghề xứng đáng của đạo diễn Victor Vũ, một “ông vua phòng vé” có khả năng làm những đề tài rất đa dạng.

Giải Đạo diễn xuất sắc gọi tên Trịnh Đình Lê Minh với bộ phim “Bằng chứng vô hình” và giải kịch bản xuất sắc cho nhóm tác giả Trấn Thành, Bùi Trương Hữu Nhi và Hồ Thúc An - phim “Bố già” là những lựa chọn ít gây tranh cãi.

Giải nam diễn viên chính cho Tuấn Trần trong “Bố già” là sự tưởng thưởng cho nỗ lực của một diễn viên trẻ. Trong khi giải nữ diễn viên chính làm người đoạt giải, NSND Lê Khanh (phim “Gái già lắm chiêu 5: Những cuộc đời vương giả”) bộc lộ cảm xúc vừa bất ngờ, vừa sung sướng với mẩu giấy trên tay, khi chị lâu lắm mới tái xuất màn ảnh. Sự ghi nhận cho NSND Lê Khanh cũng làm mất đi cơ hội cho Thu Trang đã thể hiện xuất sắc trong “Tiệc trăng máu” và “Chị Mười Ba 2: 3 ngày sinh tử” hay Kaity Nguyễn trong hai phim “Tiệc trăng máu” và “Gái già lắm chiêu 5”.

Những cái  tên quen và những cơ hội bị đánh mất

Ở mảng tài liệu - khoa học, vẫn là ba “ông lớn” giành các giải chính là Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương và Điện ảnh Quân đội nhân dân.

Trong đó, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư, một gương mặt quen thuộc giành cú đúp Bông sen vàng phim tài liệu dành cho bộ phim “Ranh giới” và giải đạo diễn xuất sắc cho “Ranh giới” và “Nẻo đường hội ngộ” là rất xứng đáng, nhất là khi “Ranh giới” đã tạo nên cơn sốt cho khán giả, gây hiệu ứng mạnh mẽ với những hình ảnh quay sống động trong bệnh viện mùa Covid-19. Phim khoa học, giải Đạo diễn xuất sắc cho Trịnh Quang Tùng - phim “Lũ miền núi - cũng là một cái tên quen thuộc.

Tương tự như vậy, mảng phim hoạt hình vẫn là Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam độc chiếm hết các giải, duy nhất chỉ có giải cá nhân Kỹ xảo hoạt hình xuất sắc dành cho hoạ sĩ Nguyễn Quang Trung - Bộ phim “Mảnh ghép của Rồng”, Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam. Tiếc cho “Mảnh ghép của Rồng” đáng ra hoàn toàn xứng đáng giành một giải cao về phim, với cách kể khác biệt, sáng tạo.

Cũng như ở mảng phim truyện,“Miền ký ức” của nữ đạo diễn trẻ Bùi Kim Quy là 1 phim tốt, kinh phí vẻn vẹn khoảng 200 triệu đồng chững chạc với những tìm tòi thể nghiệm về kết cấu và cách kể bằng ngôn ngữ hình ảnh chưa được ghi nhận là điều đáng tiếc.

Đôi điều

LHP 22 thể hiện nỗ lực lớn của Ban tổ chức, đặc biệt là chủ nhà Huế trong thời điểm khó khăn về dịch bệnh, số ca COVID-19 tăng liên tục trong mấy ngày LHP, thời tiết bất lợi gần hai ngày đầu… nên khán giả đến xem phim ở 4 rạp chiếu chưa đông, có bữa chỉ trên chục người. LHP diễn ra nhìn chung suôn sẻ, ấm cúng và an toàn dù nhiều đại biểu tiếc muốn chương trình phong phú hơn, có thêm hội thảo về nghề…

Nếu như lễ khai mạc LHP được tổ chức suôn sẻ có nét riêng (dù phóng sự tài liệu hơi dài) thì lễ bế mạc chưa thực sự chuyên nghiệp. Việc lựa chọn các Ban giám khảo thực sự là nỗi đau đầu của Ban tổ chức, nhưng cần kiên quyết không để lọt các thành viên BGK có quan hệ người nhà với thí sinh dự thi, để tránh những lùm xùm không đáng có.

Câu chuyện về một ban tổ chức LHP chuyên nghiệp, chỉ tập trung cho LHP lại được đặt ra, để ngay từ bây giờ, việc đề ra một slogan LHP mới mẻ, lên kế hoạch cho việc tổ chức một LHP không chỉ là ngày hội của những nhà làm phim, của khán giả mà còn là chợ mua bán phim, giới thiệu dự án phim, hội thảo, và kết hợp các tour du lịch có chiều sâu để thực sự quảng bá cho tỉnh đó, địa phương đó.

LHP 22 - “nét dịu dàng pha lẫn trầm tư” -như lời trong bài hát nổi tiếng “Huế, tình yêu của tôi”. 
 


​​​​​​​Theo Việt Văn/Lao động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây