Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Cái chết của Maiacovxky

Nhìn sâu vào lịch sử văn học Nga hai thế kỷ XIX - XX, người ta có thể bình luận rằng: nước Nga là quê hương của những nhà thơ tuẫn tiết. Đúng là hai thế kỷ sục sôi chiến tranh và cách mạng vừa qua đã buộc hàng chục nhà thơ Nga ngã xuống. Có người ngã bởi máy chém, lưỡi lê kẻ thù, có người ngã xuống bởi chính viên đạn mà mình tự nạp. Dù hy sinh hay tự vẫn, tất cả các nhà thơ Nga đều chứng tỏ nỗi niềm tâm huyết và sự chia sẻ máu thịt của mình với hạnh phúc của nhân dân, đất nước. Nhà thơ Majacôvxky là một trong những trường hợp đó.111
...Buổi tối hôm đó tôi đến Hiệp hội các nhà văn cộng sản Matxcơva để dự bữa tiệc mừng đón tôi. Trong bữa tiệc, mọi người liên tục đặt ra những câu hỏi, lục vấn chẳng khác gì quan toà. Ngồi trước đĩa thức ăn, thìa dĩa mà tôi có cảm tưởng mình đang là một bị cáo. Có mấy người hỏi tôi khi ngồi đối diện qua mặt bàn ăn: “Đại thể thì ở cái châu Âu trời đánh thánh vật của ngài, các nhà văn làm gì?”. Tôi trả lời: “Họ điên lên vì những cơn khát vàng và bị sa lầy trong vũng bùn tư bản chủ nghĩa”. Tất cả cười rộ lên và thét to: “Xin lỗi bạn Malaparte quý mến, có đúng là các nhà văn châu Âu đã hư hỏng, tha hoá đến tận xương tuỷ rồi không?”. Tôi trả lời: “Đúng đấy, những cậu ấm nũng nịu của lũ gái điếm bên ấy đang thối rữa, bốc ra toàn mùi hôi”. Tất cả mọi người xung quanh chiếc bàn ăn dài đều nhìn tôi mà cười.

Demian Betnưi, thủ lĩnh của những người vô thần, tư lệnh trưởng của chiến dịch chống tôn giáo, tác giả cuốn Tân ước của thánh Damian cười ngặt nghẽo, phải đưa hai tay bưng chiếc bụng mỏng căng mỡ của mình cho khỏi bị rung. Ông hỏi tôi : “Các nhà thơ của châu Âu sống thế nào? Có phải là họ đang bị chôn sống trong nhà tù tư bản chủ nghĩa không?”.

Tôi cười, hỏi: “Vấn đề là những nhà thơ như thế nào?”.

“Những nhà thơ thực thụ ấy, - Demian Betnưi kêu lên - các nhà thơ vô sản viết gì về những người nghèo, những người khốn khổ, bần cùng, tù tội?”.

Tôi bảo ông: “Các nhà thơ ở châu Âu không viết về người nghèo, về những người khốn khổ và bị tù tội. Họ viết giống như những nhà thơ lâu nay thường viết, viết về mây trời, về những loài hoa, về đôi mắt thiếu nữ, về tiếng hót của loài hoạ mi, về cái đẹp khuynh thành của nàng Hêlen và những chiếc khiên chạm trổ sáng bóng của Asin’’.

“Một bọn quỷ tha ma bắt” - Betnưi kêu lên.

 “Đúng là bọn quỷ tha ma bắt” - Tất cả những người ngồi quanh bàn cũng đồng thanh kêu lên theo Betnưi.

Tôi bảo: “Chắc chắn đấy, các nhà thơ tư sản, tức là tất cả những người viết về Alêchxăng, về Xêda, August, về thần Vệ nữ và thần Tình yêu, về những chiếc thây mạ vàng, về màu đỏ thắm của hoàng bào cùng những tấm áo choàng hoàng hậu, những người chỉ biết viết về những tán cây xanh nặng nề cùng những khuôn mặt thánh thần, tất cả đều là bọn quỷ tha ma bắt cả”.

Tất cả cùng cười, người nọ vỗ lưng người kia mà cười. Nhưng tôi phát hiện ra ở cuối bàn có một người không cười. Đó là khuôn mặt buồn bã đang tái đi của nhà thơ Maiacovxki (Mai-a).

... Khi chúng tôi ra về, trời bắt đầu hứng sáng. Tôi và Mai-a bước đi bên nhau, không nói. Bầu trời xám trắng, loé lên đôi chút trên nóc tròn của nhà thờ Vasil Bladeny. Những lá cờ đỏ trên tháp Kremlin phấp phới bay trong ánh điện nhạt. Các tán cây đang lộ dần màu xanh. Những hạt sương đọng trên lá cây hứng đủ ánh sáng bầu trời. Từ những bụi cây buổi sớm vọng ra tiếng chim hoạ mi hót. Tôi nói với Mai-a:

- Cậu có nghe thấy không, trong bụi cây, các nhà thơ đang hát đấy”.

- William Blake thường nhìn thấy các thiên thần ẩn náu trong các tán cây. - Maja đáp lời tôi.

- Nhưng im ngay. Nước Nga lúc này không được phép nói về các thiên thần. Ở châu Âu cũng không được phép nói về các thiên thần, đúng không? - Mai-a hỏi tôi.

-   Ngay cả châu Âu cũng không được nói về thiên thần”- Tôi trả lời ông.

Chúng tôi đi dạo qua phố Kitai, qua ngã tư Tatta. Bước chân của chúng tôi vang lên một cách lẻ loi, buồn bã trên nền đá lát. Đến phố Nicôlai, chúng tôi đi quanh nhà thờ thánh Mikulas. Tôi bảo:

- Thánh Mikulas quê ở Bari vùng Apulie, tức là một vị thánh gốc Italia”

- Các vị thánh chẳng có tổ quốc nào hết - Maja bảo tôi.

- Tổ quốc của các vị thánh là giai cấp vô sản. Đúng thế không? - Tôi hỏi Mai-a.

- Chắc chắn như thế đấy - Mai-a trả lời - Tổ quốc của họ là nô lệ, đói nghèo, sự bẩn thỉu và nỗi đau khổ của giai cấp vô sản” - Ông nói, bật tiếng cười sằng sặc rồi nhổ bọt.

- Hôm kia - tôi nói - tớ vào một nhà thờ ở phố Nikôlai. Cậu biết không, ở đó tớ gặp một cố đạo chính giáo nghèo, trông rất tội nghiệp. Tớ khoe với ông ta chiếc huy hiệu có hình thánh Mikulas. Khi tớ nói, tớ là người Italia, ông ta oà khóc. Tớ hứa với ông ta là khi về Italia tớ sẽ đến Bari đốt hộ ông một ngọn nến trên nấm mồ của Mikulas, người che chở nước Nga”.

- Cậu sẽ làm điều đó chứ? - Mai-a hỏi tôi với nụ cười giễu cợt.

- Tớ sẽ làm vì đã hứa thế rồi.

- Tớ tin rằng trên mộ thánh Mikulas cậu còn thắp thêm cả nến cho tớ nữa. - Mai-a nói - tớ không nghĩ rằng các vị thánh có thể giúp những người trần chúng ta điều này điều nọ. Chẳng người nào giúp được người nào đâu. Chúng ta cầu nguyện cho những người khác, chịu đựng cho người khác, chết vì những người thân cận của mình, tất cả những cái đó đều vô nghĩa, chẳng để làm gì cả.

Mai-a dừng bước, nhìn tôi bằng cặp mắt sắc lạnh. Chẳng lẽ cậu nghĩ rằng tớ không hề mệt mỏi khi chịu đựng những người khác chăng? Mệt mỏi vì người thân của mình, vì nhân loại? Có lẽ cậu nghĩ rằng, nhân loại sẽ làm được điều gì đó khá hơn nếu tớ chết vì loài người chăng. Có phải cậu nghĩ rằng tớ định chết cho nhân loại chăng? Còn cậu thì sao, cậu có thích chết cho những người khác không?

- Chết cho những người khác thì tớ hoàn toàn không thích tí nào -  Tôi trả lời.

- Hay cậu thích chết vì chính bản thân mình?

- Ngay cả chết vì bản thân mình, tớ cũng không thích. Chết chẳng vì cái gì cả, điều đó có thể. Nhưng không chết vì những người khác, cũng không chết vì chính bản thân mình. Đúng thế, tớ không thích chết vì một người nào đó, vì một cái gì đó.

- Hoá ra cậu cũng không thích chết vì ai đó, vì một cái gì đó à? - Mai-a quát lên, xiết các ngón tay vào vai tôi.

- Thế cậu nghĩ rằng ở châu Âu, - Tôi hỏi Mai-a - người ta không đặt câu hỏi: liệu có công bằng hay không khi mà ta chết vì người khác?

- Thật ghê tởm cái bọn cơ đốc giáo các người! - Mai-a kêu lên.

- Chính chúng tôi - tôi nói - chúng tôi cũng mệt mỏi. Chúng tôi không muốn sống như một bầy cừu vô nghĩa lý. Chúng tôi không muốn chịu đựng vì người khác, chết vì người khác, vì loài người, vì tổ quốc, vì cách mạng, vì tự do, chúng tôi không muốn chịu đựng và chết vì hàng loạt những điều thiêng liêng cao thượng.

- Hoá ra chính các người cũng thế? - Mai-a hỏi một cách ngạc nhiên - vậy vì sao các người không thử chết chẳng vì cái gì cả. Chúng mày sợ không dám chết chẳng vì cái gì, chúng mày sợ, cái lũ cơ đốc giáo chán chết.

Mai-a nhìn tôi đăm đăm bằng đôi mắt loé sáng rồi quay lưng bước tiếp. Dáng ông hơi gù, hai tay đánh thật mạnh dọc thân. Chúng tôi ra Quảng trường Đỏ, đứng trước mộ Lênin. Phía cuối quảng trường, chiếc tháp tròn của nhà thờ Vasili Bladeni nổi dần lên trong làn sương mù rải dọc bờ sông Maxcơva. Tại cổng Ivô chúng tôi gặp những tốp công nhân đầu tiên của buổi sáng đang bước vội vã đi làm. Họ chạy đuổi theo những chiếc tàu điện đang kêu cót két, tất tả trên Quảng trường Cách mạng. Trong ánh hồng ban mai tất cả đều lộ sáng: những mái ngói son đỏ, những bức tường đá quý của ngôi nhà thờ, chiếc tháp cao của điện Kremlin, bộ đấm cửa bằng đồng thau của khách sạn Savôi... Đến cửa khách sạn, Mai-a đưa tay cho tôi bắt rồi mỉm cười nói nhỏ: “Một lũ quỷ tha ma bắt, tất cả...”. Tôi đáp theo ông: “Một lũ quỷ tha ma bắt, tất cả đều một giuộc”

Tôi đứng nhìn theo cái dáng đi chậm rãi của ông. Một người đàn ông cao ráo, lịch sự, hơi gù, hai tay đánh mạnh dọc thân. Tôi nói nho nhỏ qua kẽ răng: “Chính cậu cũng là một tên quỷ tha ma bắt”. Tôi cắn chặt môi, cố nín tiếng gọi sắp bật ra khỏi miệng, vì tôi muốn ông dừng lại, nói chuyện tiếp với tôi. Tôi chỉ muốn chạy theo ông, đặt tay lên vai ông mà nói mấy lời âu yếm: “Mai-a ơi, chính cậu cũng là một thằng quỷ tha ma bắt”

Chỉ vài ngày sau, bạn gái tôi, cô Marika đến đập cửa, thông báo cho tôi biết: Mai-a đã tự sát trong phòng mình, vào lúc ban mai. Ông đã đặt mũi súng vào họng mình rồi xiết cò. Tôi bảo:

- Mai-a mệt mỏi, ông không muốn chịu đựng vì những người khác nữa.

- Đâu phải thế, - Marika trả lời - ông tự tử vì nhận ra rằng mình đã không còn thích ứng được với những đòi hỏi của cuộc cách mạng vô sản nữa.

-  Marika, đừng có nói những điều ngốc nghếch nữa - Tôi nhắc bạn.

- Mai-a vẫn là một người tư sản thôi.

- Đã bảo rồi mà, đừng nói những điều ngốc nghếch nữa!

- Cậu là đồ con lợn!  Mai-a không có quyền tự tử.

- Cậu nói đúng, Marika ạ, nước Nga nghiêm cấm chuyện tự tử vô cớ. Ở nước Nga của Lênin không lưu hành những cụm từ như “không là  gì”, “không vì cái gì”.

Buổi sớm hôm sau, tôi cùng Marika đến thăm căn phòng mà Mai-a tự sát. Ngôi nhà ông ở nằm trên phố Xukharevxkaja Basna. Sau khi ở Mỹ về, ông đã ở đây cho đến lúc này. Ngôi nhà được xây dựng khoảng nửa sau thế kỷ XIX, theo một mẫu kiến trúc thống nhất, quen thuộc ởMaxcơva lẫn Pêtrôgrat. Dân cư của ngôi nhà là những người nghèo khổ, vô danh vì phần lớn là công nhân, viên chức. Sáng tháng sáu mà thứ ánh sáng kì dị của “đêm trắng Maxcơva” vẫn đang còn chậm rãi lùi dần trước ánh lửa hoa hồng của buổi ban mai. Tôi trình cho người gác cửa toà nhà giấy phép vào thăm. Ông ta nhìn qua rồi lặng lẽ dẫn chúng tôi qua những đoạn cầu thang khá cao, lên gác ba, mở cửa cánh cổng, cho chúng tôi vào hành lang.“Cám ơn ông, chúng tôi không cần phải dẫn nữa”. Tôi nói với người dẫn đường.

Sau cánh cửa của chiếc hành lang dài chìm ngập trong bóng tối nhờn nhợt, có thể nghe rõ tiếng người thuê trọ đang nói chuyện nho nhỏ. Mỗi gia đình ở đây thuê một căn hộ. Phòng ở của Mai-a là phòng cuối cùng của dãy bên phải. Chúng tôi đẩy cửa bước vào.

Căn phòng nhỏ, tràn đầy ánh sáng, nhưng giấy bồi tường đã ố xanh, vá víu nhiều mảng. Giữa cửa ra vào và cửa sổ bên tường là giá sách, bên bức tường đối diện có kê chiếc giường, trên đó vứt chéo ngang một chiếc chăn len rách rưới, màu vàng ố. Trên tường có treo mấy bức tranh phong cảnh New York, Chicago cùng những ngôi nhà cao chọc trời. Cạnh đó là ảnh chân dung Puskin, Baudelair cùng ảnh mấy nữ diễn viên trẻ của nhà hát Sôvkin. Trên bàn của Mai-a có một bình mực lớn và chiếc gạt tàn, cả hai đều làm bằng đồng thau, khá nặng, đang được dùng để chặn một đống giấy tờ, bản thảo. Phòng chỉ có một chiếc ghế. Marika ngồi lên giường châm thuốc hút. Còn tôi, tôi đến cạnh cửa sổ, ngồi chống tay lên bàn, nhìn ra cửa sổ.

Cũng vào giờ này mấy hôm trước, Mai-a ra đi. Trời mỗi lúc một sáng rõ. ánh sáng màu hoa hồng của buổi sớm mai đổ vào đêm hè như nước sông đổ vào biển cả. Chính nơi này, trên chiếc ghế này, bên chiếc cửa sổ này Mai-a đã nổ súng. Đến khi trời sáng, người ta thấy ông gục mặt xuống bàn. Từ vết thương nơi cổ họng xuyên lên gáy chỉ rỉ ra một vài giọt máu. Ông vẫn giữ nguyên nụ cười trước khi tắt thở. Một nụ cười nguyên vẹn với đôi môi thẫm máu. Tôi nhìn ra cửa sổ, phía chân trời đông, từ trong sương mù ven sông nổi  lên chiếc tháp đỏ của điện Kremlin. Trông chiếc tháp rất gần, tưởng chỉ cần vươn dài tay là chạm được.

Ngoài khu vườn cạnh nhà Mai-a ở có một cây cổ thụ. Trông có vẻ như một cây sồi. Lá cây xanh sẫm, dày đặc, mặt lá bóng loáng. Chen giữa những chiếc lá già là những lộc non trong suốt, ánh lên màu bạc, giống như khảm trai. “Có lẽ đây là một cây nguyệt quế”. Tôi nghĩ thầm. Có điều là ở miền bắc nước Nga, nguyệt quế không mọc được. Hơn nữa, tôi nghĩ, một người như nhà thơ Mai-a không bao giờ cầm súng xiết cò, một khi ngồi gần cây nguyệt quế. Không phải sồi, mà cũng không phải là cây nguyệt quế. Tôi băn khoăn tự nhủ. Vậy thì có thể là cây ô-liu ? Giả thiết đó làm tôi nghẹn thở, bởi vì tôi chợt nhớ ra là, với cái khí hậu và bầu trời dữ dằn nơi đây, ô-liu không thể mọc được. Tôi lắc đầu, thầm kêu lên: “Hay chính Mai-a đã hoá thân thành cây ô liu cổ thụ này”.

Tôi nhớ Mai-a, nhớ đôi bàn tay đưa ra chậm chạp khi nói của ông, tôi hình dung rõ mồn một cái độ nặng nề và sự lạnh lẽo của khẩu súng ngắn khi nằm trong bàn tay ấm áp của ông. Tôi nhìn lên bầu trời mà cầu nguyện, cầu cho Mai-a và cho cả bản thân mình. Nhưng lạ lùng thay, những lời buột ra khỏi môi tôi lúc này lại không phải là lời cầu nguyện mà là lời của khúc thánh ca trong vở kịch Ơđip ở Kolon của Sofokl. Lời thánh ca đó Mai-a đã có lần đọc thuộc lòng cho tôi nghe khi đi dạo ven sông: “Những miền đất Á châu không bao giờ chiếm hữu được loài ô-liu thiêng liêng này. Nó tự ra đời và loài người không đủ can đảm động tới tự do của nó. Nó là nỗi kinh hoàng như những ngọn giáo cừu thù...”. Tôi nhìn khắp căn phòng, ngắm ảnh các diễn viên nhà hát Sovkin, ngắm chân dung Puskin,  Baudelair, những toà cao ốc và những cuốn sách trên kệ. Buổi sớm đang tưới nắng vào phòng, một thứ nắng ấm và nặng như mật ong cuối mùa hoa.

Đúng lúc đó có ai mở cửa bước vào. Tôi cố tình không quay đầu lại nhìn. Người đó đã đi dạo khắp phòng, đặt xuống sàn nhà một vài thứ gì đó nghe rất nặng. Người đó cởi áo khoác ném lên giường. Cuối cùng, tôi nhìn thấy một bàn tay to khoẻ, đầy lông vàng di động đến gần tôi, đặt lên bàn một chiếc túi da. Tôi buộc phải quay đầu nhìn. Đó là một người đàn ông cao lớn, vạm vỡ. Trên giường của Mai-a, bên cạnh Marika xuất hiện một người đàn bà đầu tóc rối bù, khuôn mặt tái xám, bóng loáng mồ hôi.

Người đàn ông lạ mặt nhìn tôi giây lát rồi chìa ra một tờ giấy gì đó.

- Tôi rất đau xót, nhưng đồng chí ơi, đồng chí phải đi thôi. Đây là tờ quyết định, tôi đã lo liệu đâu vào đấy. Căn phòng từ nay thuộc về tôi.

- Dĩ nhiên là của cậu rồi. - Tôi nhanh chóng thừa nhận.

- Thế thì đi đi! Cậu còn chờ gì nữa? 

- Ta đi thôi, Marika! - Tôi giục.

“Toàn những trò nhố nhăng, quá khó chịu”. Giọng Marika cáu kỉnh vang lên dọc đường chúng tôi xuống cầu thang.

Tôi chợt nghe từ trong lòng sâu thành phố bay lên hơi thở khò khè giống như con bò sữa bị ốm. Đó là thứ hơi thở ấm, nặng, bốc mùi trên cỏ và những thứ lá cây sẫm nước. Hơi thở đó thuộc về giấc ngủ muôn đời của một thành phố vô sản, một giấc ngủ công nhân. Người công nhân ngủ có một thứ mùi đặc biệt. Đó không phải là mùi thoát ra từ những phòng ngủ nhầy nhụa, cũng không phải là mùi của đói nghèo, của sinh hoạt tối tăm, bẩn thỉu. Đó là mùi của những giấc mơ. Giấc mơ cũng có mùi riêng của nó giống như mùi khi người ta thức. Người đang ngủ có giấc mơ khác với người đang thức. Giấc mơ của người công nhân khác với giấc mơ của người tư sản. Công nhân không mơ ô tô, nhà lầu, cuộc sống giàu sang. Đó là giấc mơ thường bị coi là “tiểu tư sản”. Người tiểu tư sản thật ra là người được thừa kế chính đáng một cuộc sống thuận lợi, tiện nghi của cha mẹ họ. Còn người nghèo, tức là những người thường xuyên phải lao động, thường xuyên phải chịu đựng thiếu thốn, thường xuyên phải đấu tranh, thì không mơ theo những bộ phim Mỹ, không mơ sang giàu. Họ mơ ước những cánh đồng cỏ tốt, mơ tới những vùng ngoại ô đất đai màu mỡ. Họ mơ tới một thế giới thiếu thốn chứ không phải một thế giới giàu có. Một thế giới tuy có thiếu thốn nghèo khó nhưng nhất thiết phải có sự công bằng. Khi có tự do, người công nhân không biết dùng nó làm gì và phải bắt đầu từ đâu. Người công nhân không có nguyện vọng nhiều về tự do. Đối với anh ta, chỉ có sự công bằng là có ý nghĩa. Nhiều khi công nhân cũng khát khao quyền lực. Họ mơ quyền lực, sự công bằng, chấp nhận sự thiếu thốn bình dị, quen thuộc giống như cuộc sống của những đấng bậc vương hầu thất thế lâu nay.

Từ lâu rồi Maiacôpxky đã cảm nhận được điều đó ở người lao động nước mình...

Phạm Thành Hưng dịch (từ Obris Kmen.CZ)

----------------------------

Curzio Malaparte tên thật là Suckert (1898-1957). Lúc trẻ, giống như phần lớn thanh niên Italia khi đó, ông ủng hộ tư tưởng phát xít, từng là đảng viên đảng Phát xít. Sau thành nhà ngoại giao, xuất bản nhiều cuốn sách độc đáo có nội dung phi chính thống nên thường bị giới quan chức chính quyền ghét bỏ. Cuốn tiêu biểu của ông là tiểu thuyết “Kỹ nghệ đảo chính”. Trong chiến tranh thế giới thứ hai ông là phóng viên mặt trận phía Đông, sau đó theo yêu cầu của phía quân Đức, ông bị triệu về, bị cách chức rồi bị giam giữ, trục xuất nhiều năm. Toà thánh Vatican đã tuyên bố cấm in và lưu hành các tác phẩm của ông. Sau khi thăm Liên xô, Trung quốc, ông viết nhiều cuốn sách du ký và gia nhập Đảng Cộng sản Italia. Đoạn văn trích ở đây là từ cuốn “Buổi khiêu vũ trong điện Kremlin”. Đặc trưng phong cách của ông là lối văn kết hợp nhuần nhị giữa văn xuôi tư liệu, nhịp văn phóng sự, trí tưởng tượng phóng túng và sự bất ngờ của những sự kiện, hiện tượng độc đáo và phi lý trong cuộc sống.

 

Nguồn Văn nghệ số 49/2021

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây