Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Chuyên gia quốc tế bác "yêu sách lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông

Trong các phiên thảo luận tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13, các bằng chứng lịch sử bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã được nhiều chuyên gia quốc tế đề cập.

111
Các đại biểu dự hội thảo quốc tế về Biển Đông tại Hà Nội ngày 18/11 (Ảnh: Bộ Ngoại giao).

Tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông hôm 18/11 ở Hà Nội, nhà nghiên cứu độc lập Trung Quốc Carl Zha cho biết, từ thời nhà Tống, vào thế kỷ 13 đã ghi nhận có những đồ gốm sứ của Trung Quốc xuất hiện tại đảo Hoàng Sa, một trong những bằng chứng từ lịch sử cho tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông.

Tuy nhiên, "bằng chứng lịch sử" đó đã vấp phải sự phản đối của nhiều học giả tham dự hội thảo.

Theo Tiến sĩ Bill Hayton, chuyên gia cấp cao tại Chương trình châu Á - Thái Bình Dương thuộc Viện Chatham ở Anh, "chưa có bất kỳ chính quyền Trung Quốc nào từng tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa trước năm 1909".

Ông Hayton cũng chia sẻ thêm về sự kiện vào năm 1890 khi xảy ra một sự cố tàu ở Hoàng Sa và Trung Quốc từng từ chối bồi thường trong vụ việc này với lý lẽ khu vực quần đảo không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Nhìn lại lịch sử, đã có nhiều hiệp ước cho thấy tuyên bố của Trung Quốc về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không đúng sự thật.

Phát biểu tại hội thảo, giáo sư Monique Chemillier-Gendreau tại Đại học Paris Diderot, Pháp cho biết: "Năm 1951, Hiệp ước San Francisco được tuyên bố, trong đó không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Cả 2 chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Trung Hoa Dân quốc đều không tham dự hội nghị, trong khi các nước nằm trong khối Liên Hiệp Pháp gồm Việt Nam, Lào, Campuchia đều có mặt.

Hiệp ước ghi nhận, trước năm 1951, Trung Quốc chưa giành được chỗ đứng trên Trường Sa và sau năm 1951 thì không còn bất kỳ sự hiện diện nào của Trung Quốc ở Hoàng Sa.

Tại Hội nghị San Francisco, Việt Nam đã tái khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất kỳ sự phản đối hay bảo lưu quốc tế nào.

Bà Monique Chemillier-Gendreau nhấn mạnh thêm: "Hiệp ước Hòa bình Trung - Nhật 1952 không công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa".

Trong bài phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Vũ Hải Đăng, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Luật Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: "Việt Nam là quốc gia đầu tiên tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, liên tục khẳng định tuyên bố này từ thế kỷ XV dưới thời Nguyễn cho đến năm 1976 sau khi đã thống nhất đất nước".

Từ năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, Việt Nam tiếp tục duy trì, bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đã có rất nhiều người Việt Nam sinh sống tại đây, xây dựng chùa chiền, trường học, nhà cửa…

111
Chuyên gia Derek Grossman phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Twitter).

Nói về phía Trung Quốc, Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cấp cao tại Tập đoàn RAND của Mỹ, đã bày tỏ quan điểm rằng: "Trung Quốc không tôn trọng láng giềng khi sử dụng dân quân biển để gây sức ép lên các nước tranh chấp biển Đông".

Tháng 7/2016, tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS đã ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Tòa đã bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" phi lý do Trung Quốc tự ý vẽ ra trên Biển Đông và khẳng định Bắc Kinh không có chủ quyền lịch sử đối với vùng biển quốc tế này. Tuy nhiên, Trung Quốc cho đến nay vẫn không công nhận phán quyết của tòa.

Theo ông Grossman, việc "Trung Quốc tuyên bố ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ nhưng không tuân thủ phán quyết Biển Đông của tòa trọng tài" đã làm giảm uy tín cũng như hình ảnh của Bắc Kinh tại khu vực và trên thế giới. Ông Grossman cũng lưu ý thêm rằng "các hành động đó sẽ tiếp tục tạo ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là khiến nhiều cuộc đàm phán bị trì hoãn vì các nước thấy những gì Bắc Kinh làm đi ngược lại cam kết của họ". Điều này chắc chắn sẽ khiến cho tiến trình đi đến những thỏa thuận chung gặp khó khăn hơn.

Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 do Học viện Ngoại giao tổ chức với chủ đề "Nhìn lại quá khứ để có một tương lai tươi sáng hơn" đã khai mạc sáng 18/11 tại Hà Nội. Hội thảo kéo dài 2 ngày với 8 phiên thảo luận.

Hội thảo có sự tham dự trực tiếp của hơn 180 đại biểu cùng hơn 400 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến, trong đó có gần 60 diễn giả, là các chuyên gia uy tín từ 30 quốc gia trên các châu lục, 90 đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (bao gồm 15 Đại sứ). 

Hội thảo Biển Đông năm nay tập trung thảo luận các diễn biến liên quan đến khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng từ khía cạnh địa chính trị và pháp lý, vai trò và tầm nhìn của ASEAN về Biển Đông, các vấn đề an ninh biển truyền thống và phi truyền thống nổi lên hiện nay.

 

Theo Mỹ Lệ - Thành Đạt/Dân trí

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây