Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


GS Tạ Quang Bửu và câu nói được con trai mang theo suốt đời quân ngũ

Ngày 23/7/2021 là kỷ niệm 111 năm ngày sinh của cố GS Tạ Quang Bửu. Ông đã cống hiến rất nhiều cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển khoa học và giáo dục Việt Nam.

“Bố tôi sinh năm 1910 khi sao chổi Halley xuất hiện và mất năm 1986 khi sao chổi Halley trở lại, đúng một chu kỳ 76 năm…” - ông Tạ Quang Chính, người con thứ tư của cố GS Tạ Quang Bửu mở đầu câu chuyện.

“Người được sinh ra khi sao chổi Halley xuất hiện” đã có một sự nghiệp rực rỡ.

111
Thuở nhỏ, cậu học trò Tạ Quang Bửu nổi tiếng học giỏi ở Tam Kỳ và Quốc học Huế

Năm 1929, sau khi đỗ đầu tú tài Việt và đỗ đầu tú tài Tây ban Toán, cậu học trò Tạ Quang Bửu nhận được học bổng và sang Pháp học.

Ông thi đỗ vào Trường Centrale (A) Paris năm 1930, học Toán ở các trường Đại học Paris, Bordeaux (Pháp) và Oxford (Anh) từ năm 1930 đến 1934. Ông cũng học thêm cả cơ học lượng tử ở ĐH Oxford.

111
5 năm du học, ông tận dụng để thu hoạch được nhiều kiến thức và theo học nhiều giáo sư có tiếng, không vì bằng cấp

Trở về nước năm 1934, ông không ra làm quan mà đi dạy Toán và tiếng Anh tại trường tư, ban đầu là trường Phú Xuân, sau là trường dòng Providence (Thiên Hựu) ở Huế.

111
Năm 1934, Tạ Quang Bửu (đứng giữa) về nước, ở Huế và dạy Trường Thiên Hựu. Ông còn làm ở Hãng điện SIPEA rồi làm Huynh trưởng Hướng đạo sinh Trung kỳ. Ông sáng lập nhóm trí thức "sẵn sàng phục vụ nhân dân và đất nước" với tên gọi Trách nhiệm.

Tháng 8/1945, ông cùng luật sư Phan Anh ra Hà Nội tham gia cách mạng. Và từ đây, ông đã có cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng và giải phóng dân tộc cũng như nền khoa học nước nhà, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp phát triển giáo dục Việt Nam.

111
Giữa tháng 8/1945, GS Tạ Quang Bửu (hàng đứng, thứ hai từ phải sang) cùng LS Phan Anh ra Hà Nội tham gia chính quyền cách mạng non trẻ. Với nhiệm vụ Thư ký tiếng Anh, Tham nghị trưởng Bộ ngoại giao, ông tham gia Hội nghị Sơ bộ rồi Hội nghị Fontainebleau. Các hội nghị hoà hoãn không thành công, ông lên chiến khu tham gia Chính phủ Kháng chiến.

GS Tạ Quang Bửu từng giữ các vị trí Tham nghị trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…

111
Ông là Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Quốc phòng năm 1947-1948, và quay lại làm Thứ trưởng suốt Kháng chiến chống Pháp. Đồng thời ông là ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu thì ông cũng lên đường đi Giơ-ne-vơ. Sáng ngày 21/7/1954, thay mặt Tổng tư lệnh, ông ký với Quân đội Pháp Hiệp định đình chiến ở Đông Dương.

Ngay sau khi miền Bắc hòa bình, GS Tạ Quang Bửu chuyển sang công tác trong lĩnh vực khoa học giáo dục, được cử làm Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội (1956-1961), đồng thời là Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Khoa học Nhà nước (1958 - 1965). Là lãnh đạo Uỷ ban Khoa học Nhà nước, ông trực tiếp làm trưởng ban Sinh vật - Địa học. Ông cũng tham gia sáng lập Hội Vật lý Việt Nam vào năm 1966.

111
Năm 1956, GS Tạ Quang Bửu (áo trắng, ngồi giữa) làm Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Khi là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (1965-1976), GS Tạ Quang Bửu đã đề xuất cải tiến nội dung giảng dạy những điều "cơ bản nhất, hiện đại nhất và sát hợp với điều kiện Việt Nam nhất".

111
GS Tạ Quang Bửu (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp từ năm 1965-1976

Những năm đầu của thập niên 1970, ông đã tổ chức một loạt các cuộc hội thảo về phương pháp giảng dạy đại học. Ông chủ trương mở rộng quy mô đào tạo bằng việc lập nhiều trường chuyên ngành đã được phối hợp chặt chẽ với chính sách tuyển chọn mỗi năm hàng trăm sinh viên, cán bộ ưu tú để gửi đi đào tạo tại các nước xã hội chủ nghĩa.

Ông cũng là người chủ trương công khai điểm thi đại học của thí sinh…

111
GS Tạ Quang Bửu kêu gọi Việt kiều về xây dựng đất nước và giữ mối quan hệ tốt với các nhà khoa học lớn trên thế giới để giúp các nhà khoa học Việt Nam tiếp cận với kiến thức mới, hiện đại.

Ông Tạ Quang Chính nhớ lại “Cha tôi là một người dành thời gian cho công việc và đọc sách, không có nhiều thời gian dành cho gia đình và con cái. Song sự tận tâm ấy là bài học lớn. Cử chỉ, ánh mắt, nụ cười của ông là sự động viên, đòi hỏi và mong muốn của ông. Con cái cũng cố gắng để bố mẹ ít phải bận tâm”.

111
Gia đình GS Tạ Quang Bửu. Năm 1942 ông cưới bà Hoàng Kim Oanh, con gái Huynh trưởng Bắc kỳ Hoàng Đạo Thuý.
Hai ông bà sinh được 6 người con.

Với 6 người con của mình, GS Tạ Quang Bửu chưa bao giờ đặt ra cho các con một yêu cầu cụ thể, một sự dạy dỗ cụ thể mà hướng vào những hoạt động bổ ích như thể thao, đọc sách...

Thế nhưng, ông cũng nhanh chóng “điều chỉnh” nếu thấy con mình mải mê mà sao nhãng việc học.

Có một câu chuyện mà ông Chính khắc ghi. Đó là khi đang học lớp 10, một bên chân phải của ông Chính bị teo, phải đi bấm huyệt nhiều lần mới khỏi. Sau khi khỏi, ông lại say mê đá bóng đến mức lắm khi quên cả học.

Nhận ra sự lơ là của con, một ngày, GS Tạ Quang Bửu gọi cậu con trai lại và hỏi: “Con ham chơi bóng mà không chịu học hành gì, thế con đá bóng có giỏi bằng Ba Đẻn không? (Ba Đẻn là cầu thủ nổi tiếng của đội Thể Công thời kỳ đó).

Câu nói của bố làm ông Chính như tỉnh ra, sau đó đã tập trung học trở lại.

111
Ít ai biết GS Tạ Quang Bửu còn là Chủ tịch Hội Điền kinh Việt Nam

Một hành động của GS Tạ Quang Bửu mà các con rất lấy làm tự hào. Đó là GS Tạ Quang Bửu thường để bằng khen, chứng nhận của con cái dưới mặt kính bàn làm việc. Con cái nhìn vào đó mà phấn đấu.

Còn một câu chuyện khác về việc “không chiều con” của cố GS Tạ Quang Bửu cũng được ông Chính nhắc lại. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông Chính đã thi vào Trường ĐH Bách Khoa.

Thời gian đó, GS Tạ Quang Bửu đang làm Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Thế nhưng, GS đã hỏi ông Chính rằng “Nguyện vọng của con thế nào? Hay là con đi bộ đội để rèn luyện tốt hơn trước đã?”. Nghe theo lời bố, ông Chính bảo lưu kết quả trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa để đi bộ đội. Hai năm sau, ông Chính mới trở về học đại học.

Ông Chính cũng quan sát và cho rằng giữa "Bộ trưởng Tạ Quang Bửu" và "GS, nhà khoa học Tạ Quang Bửu" không có sự phân cách.

111
Vừa làm quản lý, GS Tạ Quang Bửu vẫn say sưa nghiên cứu và giảng dạy.

“Ông là nhà khoa học làm quản lý nên ông phải làm quản lý có khoa học và làm khoa học phải phục vụ quản lý để phát triển.

Ông luôn mang kiến thức và nhiệt huyết để phụng sự Tổ quốc. Trách nhiệm cao với công việc là bài học lớn của ông dành cho con cháu. Và một bài học nữa ông để lại chính là đạo đức là cốt lõi để xây dựng nhân cách của mỗi người” – ông Chính chia sẻ.

Có một câu nói của GS Tạ Quang Bửu hay được mọi người nhắc đến là "Điều cốt yếu không phải là sống là gì. Điều cốt yếu là làm gì trong lúc sống". Câu này được ông viết trong cuốn sách Sống. Nhưng với ông Tạ Quang Chính, còn một câu nói khác của người cha đáng kính đã theo ông trong suốt hơn 40 năm sau này.

111
Cuối năm 1976, ông thôi cương vị Bộ trưởng và làm hết nhiệm vụ đại biểu Quốc hội Khoá VI mà ông đã tham gia liên tục từ Khoá I. Về nghỉ, ngoài việc tổ chức các nhà khoa học đi giúp cơ sở, ông có điều kiện chăm lo gia đình. Ông cũng vẫn say sưa nghiên cứu khoa học.

Đó là khi ông Chính quyết định nhập ngũ thay vì học ngay lên đại học, GS Tạ Quang Bửu đã rất mừng và nhắn nhủ: "Sẽ rất vất vả, ác liệt. Cố gắng!".

“Đó là lời căn dặn duy nhất của ông và nó theo tôi suốt 43 năm quân ngũ” – ông Tạ Quang Chính tâm sự.

Trong gia đình GS Tạ Quang Bửu có một lệ được gìn giữ suốt thời gian dài. Đó là khi người con nào mới lập gia đình thì hai vợ chồng, rồi sau là những đứa cháu sẽ ăn chung với ông bà. Thời gian ăn chung sẽ kéo dài cho đến khi một gia đình mới ra đời…

"Cha tôi là một người có trách nhiệm cao với vợ con cũng như trong mọi công việc được giao. Dù là lúc yên bình hay khó khăn, gia đình chúng tôi thực sự hạnh phúc bên nhau. Cho đến những ngày cuối cùng của cha, cha và mẹ vẫn xưng hô với nhau hai tiếng “anh” và “em”.  Âm hưởng của thanh âm này đã và sẽ là nền tảng hạnh phúc cho mỗi gia đình sáu anh em chúng tôi…" - ông Chính chia sẻ. 


Theo Ngân Anh/VietNamnet
- Ảnh tư liệu của gia đình GS Tạ Quang Bửu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây