Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Lạm phát ngóc đầu

“Bóng ma” lạm phát đang có dấu hiệu “ngóc đầu” phủ lên rất nhiều lĩnh vực, mặt hàng, tác động đến sản xuất của doanh nghiệp và đời sống người dân. Dù được giấu khá kỹ dưới cái vẻ hiền từ là mức tăng CPI không cao (2,18%) trong 6 tháng đầu năm và vẫn trong vòng kiểm soát, nhưng dường như nguy cơ lạm phát vẫn đang rình rập.

Điều khiến người ta cảm thấy bất an có lẽ cũng bởi nhiều tín hiệu cho nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Xăng dầu sau khi lên tới 32 ngàn đồng/lít và dù đã có hai lần giảm mạnh xuống ngưỡng 26 ngàn đồng nhưng người dân, doanh nghiệp không nhìn thấy hiệu ứng của giá hàng hóa giảm. Đối lại, cái họ cảm nhận “sờ” được từng ngày đó là từ lạng thịt, cốc nước trà, cuốc xe đi lại, báo giá, đơn hàng sản xuất từ tạ xi măng, sắt thép tới các nguyên liệu khác... tất cả đều tăng một đi không trở lại. Tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công thực sự cũng chưa như kỳ vọng. Chưa kể, một mặt bằng giá mới đã được thiết lập mà như các chuyên gia phân tích: Nó thực sự bất công cho người tiêu dùng bởi cuối cùng, tất cà đều trút vào người có nhu cầu sử dụng.

Phân tích thông tin từ các cơ quan quản lý thấy rằng hiện có nhiều mọi thứ khá lạc quan khi kịch bản tới đây lạm phát sẽ trong vòng kiểm soát 4% nhưng ai cũng nhìn thấy “dư địa” và “luận cứ” cho con số này không lấy gì làm chắc chắn. Bởi đi kèm với đó nhiều biến số đang rất khó lường như: giá dầu thế giới vẫn có thể vụt tăng trở lại; các chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục đứt gãy vì đại dịch, vì chiến tranh sẽ khiến giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu leo thang. Hay như nội tại trong nước, mục tiêu tăng trưởng kinh tế với cả triệu tỷ đồng hỗ trợ lãi suất đang chờ giải ngân, cũng như vẫn còn đó cả ngàn ca mắc COVID - 19 mỗi ngày đang thêm gây khó khăn cho tất cả.

Hai kịch bản lạm phát đã được nhà điều hành xây dựng. Theo đó, ở kịch bản 1, kinh tế vĩ mô ổn định, dự báo CPI bình quân cả nước sẽ dưới 4%. Ở kịch bản 2, nếu giá hàng hóa thế giới vẫn tăng, đặc biệt là giá xăng dầu và lương thực kéo giá thành sản phẩm trong nước tăng theo, cầu nội địa tiếp tục tăng, cộng thêm việc tăng lương tối thiểu vùng, tín dụng tăng cao thì khả năng CPI bình quân cả năm sẽ vượt 4%.

Nếu mọi thứ êm xuôi sẽ không có gì để nói. Nhưng liệu lạm phát có êm ả khi “sóng ngầm” giá cả chực đe dọa trỗi dậy bất cứ lúc nào (?!).

Phòng thủ và kiểm soát vẫn là công cụ hữu hiệu nhất mà bấy lâu nhà điều hành luôn áp dụng. Phân tích các chuyên gia cũng chỉ rõ: Để kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm, với thị trường, cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, không đồng thời tăng giá các mặt hàng trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, cần chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến.

Từ tầm nhìn vĩ mô của nền kinh tế, chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn phải “song kiếm hợp bích” cân đong đo đếm khi đưa “tiền tươi thóc thật” ra. Tiền phải vào sản xuất, vào đầu tư công, thì GDP mới tăng trưởng, người lao động mới có công ăn việc làm, có thu nhập.

Nhưng tiền đổ ra cũng như xô nước loang, không khéo, sẽ rơi vào đầu cơ tăng ảo trong các thị trường tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản. Phải kiểm soát, mới có thể “đè” bóng ma lạm phát không có cơ hội ...ngóc đầu !
 

Theo Khánh Huyền/Tiền phong

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây