Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Mối tình của con gái vị Tổng đốc với cố Bộ trưởng nổi tiếng

Chuyện tình của giai nhân người Tày với cố Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Văn Huyên đến nay vẫn khiến bao người ngưỡng mộ.

Giai nhân một thuở

Đầu thế kỷ 20, miền Bắc có nhiều gương mặt giai nhân, từng đi vào các áng thơ văn của biết bao thi sĩ và sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến Vi Kim Ngọc (SN 1916 - 1988). Bà là con gái cả của Tổng đốc Hà Đông - Vi Văn Định (1878-1975).

111

Tổng đốc Vi Văn Định thuộc đời thứ 13 của một dòng họ lớn người Tày được triều đình giao trọng trách trấn giữ biên cương tại Lạng Sơn.

Thời Nguyễn, cụ làm quan, từng được cử đảm nhiệm nhiều trọng trách: Tri châu Lộc Bình, trợ tá tỉnh vụ Lạng Sơn, Tuần phủ tỉnh Hưng Yên, Tổng đốc tỉnh Thái Bình, cuối cùng là Tổng đốc Hà Đông (tương đương hàm quan nhất phẩm của triều Nguyễn).

Giai nhân Vi Kim Ngọc nổi tiếng với nhan sắc động lòng người và tài năng thiên bẩm về cầm, kỳ, thi, họa. Tuy vậy, bà luôn thờ ơ với mọi lời ca tụng, giữ lối sống khiêm nhường và chuẩn mực.

Nhiều công tử nhà giàu có, con quan lại mê đắm, tìm đến kết thân nhưng bà rất thờ ơ.

111
Bà Ngọc khi ở độ tuổi thanh xuân.

Mặc dù cụ Vi Văn Định làm quan triều đình, mang tư tưởng lễ giáo phong kiến nhưng cũng thức thời. Cụ cho các con học hành, tiếp cận với văn hóa phương Tây.

Một lần, cụ mở tiệc lớn trong dinh Tổng đốc tại Thái Bình và mời nhiều quan khách đến dự. Trong số khách mời, có một nữ giáo viên trẻ được cụ Định đối đãi trịnh trọng. Sau điệu nhảy, cụ Định giao cho con gái tiếp vị khách đó.

Người này chính là bà Nguyễn Thị Thịnh - phu nhân thiếu tướng Đỗ Xuân Hợp. Từ buổi gặp, hai người trở thành bạn bè thân thiết.

Hàng tuần hai chị em Vi Kim Ngọc được lái xe đưa từ Thái Bình lên Hà Nội học piano của một thầy giáo người Pháp.

111

Giáo sư Nguyễn Văn Huy (con trai út vợ chồng GS Nguyễn Văn Huyên - Vi Kim Ngọc) kể, bên cạnh nhan sắc nổi bật, bà Vi Kim Ngọc còn thông minh hơn người. Bà giáo Thịnh - bạn của giai nhân Vi Kim Ngọc từng viết: "Cái làm tôi thích thú nhất là Ngọc đánh dương cầm hay lại biết vẽ, tính tình ý nhị nhẹ nhàng. Theo tôi thật là một người lý tưởng. Tuy học còn ít nhưng thông minh lại có thừa".

Năm Vi Kim Ngọc 13 tuổi, Tổng đốc Vi Văn Định đã đồng ý hứa gả con gái vào gia đình họ Dương, được xem là môn đăng hộ đối về sự giàu có và thanh thế.

Đến khi 16 tuổi, Vi Kim Ngọc biết chuyện này, bà kiên quyết đấu tranh với cha để hủy hôn ước, đòi cha "sêu trả" ba năm.

Khi ấy, bà Vi Kim Ngọc có tư tưởng hiện đại, muốn được tự do lựa chọn hạnh phúc riêng cho mình.

Bà viết trong quyển hồi ký: "Ước mơ của em khi đôi tám xuân xanh, quyết chọn được người tài đức mới dám trao thân, còn không em ở vậy suốt đời...".

Mọi người trong gia đình tưởng Tổng đốc Vi Văn Định sẽ nổi giận, từ chối yêu cầu của con gái nhưng không ngờ cụ lại đồng ý trả lễ.

"Tục lệ xưa khi đã nhận lời đính ước, hằng năm đến dịp Tết, nhà trai sẽ đến biếu Tết, chờ cô gái đến tuổi lấy chồng. Nếu phá bỏ phải trả lễ. Đó gọi là "sêu trả", con trai út bà Vi Kim Ngọc giải thích.

Theo lời GS Huy, giai nhân Vi Kim Ngọc sớm có tư tưởng tự do hôn nhân, đề cao quyền bình đẳng của người phụ nữ trong gia đình vì bị ám ảnh chuyện của mẹ mình - cụ Hà Thị Bạch (vợ cả Tổng đốc Vi Văn Định).

Cụ Bạch tuy là nhất phẩm phu nhân nhưng phải chịu cảnh chăn đơn gối chiếc...

Tình yêu với Tiến sĩ văn khoa

Bà Kim Ngọc gặp tình yêu của đời mình qua sự mai mối của người quen. Một người bạn đưa cho bà bức ảnh của GS Nguyễn Văn Huyên - một tiến sĩ học ở Pháp. Người bạn hết lời ca tụng chàng trai trong ảnh nhưng bà lặng thinh, không để tâm.

Mãi sau này, ông Huyên về nước, được bạn đưa về Thái Bình chào hỏi quan Tổng đốc và dự cơm trưa trong dinh thự. Đây là lần đầu tiên giai nhân Vi Kim Ngọc và GS Huyên gặp gỡ. Kể từ khi gặp mặt người con gái sắc nước hương trời, trái tim ông xao xuyến không thôi.

111
Vợ chồng GS Nguyễn Văn Huyên - Vi Kim Ngọc trong ngày cưới. 

GS Nguyễn Văn Huyên mua một chiếc xe hơi hiệu Renault có hai chỗ ngồi phía trước và ba ghế ngồi phía sau. Hàng tuần, ông cùng bạn lái xe xuống Thái Bình thăm thiếu nữ họ Vi.

Buổi hẹn hò riêng tư đầu tiên của họ diễn ra khá bất ngờ. Một lần giai nhân Vi Kim Ngọc về Hà Nội, đến nhà người bạn thân chơi, GS Huyên cũng đến đó. GS Huyên nảy ra ý tưởng đi chơi riêng với ý trung nhân. Ông giục luật sư Nguyễn Mạnh Tường xuống và mời giai nhân Vi Kim Ngọc lên xe.

Hai người đã rong ruổi khắp phố phường, lên Hồ Gươm, Hồ Tây vãn cảnh. Mấy tháng sau, bà Vi Kim Ngọc vào Huế cùng cha mẹ dự lễ tế Nam Giao do vua Bảo Đại chủ trì.

GS Nguyễn Văn Huyên cũng vào Huế tham dự cùng anh người rể Phan Kế Toại. Lúc này, ông Phan Kế Toại đang là Tổng đốc Hưng Yên.

Ông Phan Kế Toại đã đại diện cho gia đình GS Huyên, gửi lá thư cầu hôn đến cụ Vi Văn Định. Cụ Định không vội trả lời thư mà đưa cho con gái xem.

Sau lễ tế, vợ chồng cụ Vi Văn Định vẫn tiếp tục nhận được nhiều lá thư cầu hôn của gia đình GS Nguyễn Văn Huyên nhưng không hồi âm vì con gái chưa có ý kiến.

Đến khi GS Huyên trực tiếp gửi thư cho cụ Vi Văn Định, trong đó kèm theo lời hỏi thăm giai nhân Vi Kim Ngọc "Gửi em, người đáng yêu nhất" thì bà mới đồng ý để nhà trai xuống Thái Bình làm lễ cầu hôn.

Ngày 12/4/1936 đám cưới của GS Nguyễn Văn Huyên và giai nhân Vi Kim Ngọc được tổ chức long trọng tại tư dinh Tổng đốc Thái Bình.

Quan khách từ các nơi đổ về tham dự, bao gồm cả quan lại các tỉnh thành và người nước ngoài.

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, đám cưới còn có tiệc và khiêu vũ như phương Tây.

GS Nguyễn Văn Huy chia sẻ: "Các dì tôi kể, phần lớn, các cô dâu thời đó chỉ được mặc nhiễu điều (áo dài đỏ) nhưng ngày cưới mẹ tôi mặc bộ áo cô dâu nhiều lớp, may bằng thụng gấm, đầu đội khăn vành dây, chân đi hài thêu bằng sợi chỉ từ vàng".

Lễ rước dâu, nhà trai đi đoàn xe ô tô đen sang trọng từ Hà Nội về. Từ cổng vào dinh, có lính lệ (lính gác) cầm ô lọng vàng, mặc quần áo đỏ xếp hàng chào đón.

Đại diện đoàn nhà trai là ông Phan Kế Toại cùng nhiều nhân sĩ, trí thức đương thời. Hai ngày sau, GS Nguyễn Văn Huyên trực tiếp lái xe, đưa vợ về nhà làm lễ "Nhị hỷ" (tục lại mặt).

Sau đám cưới, vợ chồng GS Huyên có cuộc hôn nhân hạnh phúc, cùng nhau trải qua những thăng trầm của đời người cho đến khi xuôi tay.

Nguyễn Văn Huyên (1905 -1975) là  Giáo sư, tiến sĩ, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Ông giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục Việt Nam trong 28 năm. 

 

Theo Cát Cát/Dân trí

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây