Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Một thế hệ nhà báo gạo cội

KỶ NIỆM 80 NĂM BÁO CỨU QUỐC (1942-2022)

May mắn của tôi khi về công tác tại báo Đại đoàn kết (năm 1984) là được nghe kể, tiếp xúc và làm việc với một thế hệ gạo cội của báo Cứu quốc (tiền thân của báo Đại đoàn kết): Xuân Thu, Lửa Mới, Hải Như (Tp. Hồ Chí Minh), Nguyễn Tiêu, Hữu Tuấn, Thái Cương, Thái Duy (Hà Nội)…

111
Bác Hồ tiếp đoàn Đại biểu Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1966 tại Phủ Chủ tịch. Từ phải qua: Nhà văn Trần Đình Vân (Thái Duy), Bác Hồ, nhà văn Phan Tứ và nhà thơ Tố Hữu

Ông Xuân Thu có lẽ khi đó đã nghỉ hưu, nên tôi không được gặp, chỉ nhớ về ông với tác phẩm nối tiếng Bố con ông lão chăn bò trên núi Thắm, mà mình từng được học ở phổ thông. Nhà thơ Hải Như nhỏ nhắn, sôi nổi và lịch lãm, rất quen thuộc với bạn đọc qua những bài thơ viết về Bác Hồ và Thành phố Hải Phòng. Đặc biệt bài hát Thành phố Hoa phượng đỏ (Thơ: Hải Như, nhạc: Lương Vĩnh) đã trở thành “thành phố ca” của Hải Phòng. Nhà báo Lửa Mới tôi chỉ được gặp một vài lần, nhưng ấn tượng về ông khá sâu đậm. Ông là cây bút phóng sự đình đám nhất của báo Cứu quốc, với tính chính luận sắc bén và giàu trí tuệ. Ông từng được mời đến nói chuyện tại các trường Đảng và được cử đi đưa tin về Đại hội Đảng toàn quốc. Mãi sau này người ta mới tá hỏa vì ông chưa phải là đảng viên.

Tôi được làm việc với ông Nguyễn Tiêu không nhiều, khi tôi về báo thì ông đang làm Tổng Biên tập và một thời gian sau thì nghỉ hưu. Ông đi đứng nhẹ nhàng, nói năng nhỏ nhẹ. Cứ có cảm giác là ông không quát tháo với ai bao giờ, giả dụ có quát thì cũng không quát to được. Điều đặc biệt là cả nhà ông đều làm báo, bà Tình, vợ ông, trước khi nghỉ hưu là Trưởng ban Quốc tế báo Lao Động, người con duy nhất của ông bà là nhà báo Quốc Khánh, công tác tại báo Đại đoàn kết từ mấy chục năm nay… Làm việc với ông thật thích, không phải chỉ vì ông không nặng lời, mà còn bởi ông tôn trọng tối đa cá tính sáng tạo của phóng viên. Ông rất ít chữa bài của phóng viên (nhất là câu chữ) nếu thấy không cần thiết và có một câu nói nổi tiếng: Tớ không muốn động bút vào bài của các cậu. Các cậu còn trẻ, phải thận trọng, phải giữ lấy thân khi viết lách, khi làm việc. Có nghĩa là ông yêu cầu chúng tôi phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm với bài viết của mình.

Nhà báo Thái Cương, khi tôi mới về báo đang làm Thư ký tòa soạn, ông có làm thơ, nhất là thơ châm biếm tuy không thật hay. Sau cách mạng Tháng Tám ông hoạt động phong trào, có thời gian phụ trách thiếu nhi. Ông thường kể với tôi trong số những đội viên mà ông yêu quý có Nguyễn Kiên, sau này là một nhà văn tên tuổi. Ông thường viết tiểu phẩm và thơ châm ký tên Mai Lôi. Tôi có hỏi thì ông bảo ông ở tập thể Quỳnh Lôi. Với cương vị Thư ký tòa soạn, ông làm việc tận tâm, tận lực, làm việc ngoài giờ đối với ông là chuyện thường ngày. Ông đặc biệt yêu thích văn nghệ, nắm rất vững thời sự văn nghệ và có tư duy rất thoáng. Còn nhớ năm 1984, tôi viết một bài trong đó có phê phán quan điểm của một số nhà thơ còn mang tư tưởng tiểu tư sản sau cách mạng Tháng Tám, như “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” của Quang Dũng, ông nghiêm mặt bảo tôi: “Sao cậu kỳ cục thế, đến bây giờ mà vẫn còn phê những câu thơ này. Đúng là bảo hoàng hơn vua”.

Năm 63 tuổi, Thái Cương về hưu. Tôi biết là ông rất buồn, rất nhớ công việc. Khi ấy ông đã chuyển về ở một phòng ở tầng 1 của khu tập thể ngay phía sau cơ quan (gồm hai tầng). Lần nào sang thăm, ông cũng bắt tôi ngồi cả buổi, trò chuyện đủ thứ, nhưng loanh quanh thế nào lại quay về chuyện cơ quan, chuyện làm báo. Ông bảo: “Tớ chả có việc gì làm. Thuốc lá, chè chưa hết, vợ con đã mua. Quần áo chưa kịp thay, vợ đã giục để mang đi giặt, nên cậu chịu khó sang chơi với mình!”. Ông nghiện thuốc lá rất nặng, nhưng chỉ hút thuốc là cuốn (lúc ấy ai cũng hút vậy, vì kinh tế khó khăn lắm), nhưng chè thì rất ngon. Không biết có phải vì ông hút thuốc lá nhiều, lại buồn vì nhớ công việc không, mà chỉ mấy năm sau là ông ra đi…

Nhà báo Hữu Tuấn là Phó Tổng biên tập của báo (khi làm thơ châm biếm ông ký tên Lã Vọng_một bút danh quen thuộc trong làng thơ châm biếm Việt Nam). Tôi tiếp xúc với ông không nhiều, vì có tới sáu, bảy năm ông sang làm chuyên gia, giúp bạn Campuchia xây dựng tờ báo Mặt trận. Khi trở lại báo, ông tiếp tục công tác vài năm rồi nghỉ hưu. Chữ ông to, rõ nét, đằng tả, trái ngược với tôi, chữ vừa lít nhít, vừa khó xem. Trong công việc ông hết sức nguyên tắc, điều gì thấy đúng ông bảo vệ đến cùng “ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời”. Tôi nhớ mãi chuyến đi công tác lên công trường thủy điện Hòa Bình cùng ông và nhà báo Văn An, Đỗ Hùng lái xe. Hôm ấy trời vừa mưa xong, nước dâng lên rất nhanh, chiếc xe Rumani “vừa đi vừa đẩy” già cỗi của cơ quan rú ga nhiều lần, nhưng cứ đứng ì ra giữa đập tràn. Nước đã dâng lên đến sàn xe, chiếc xe trôi dần về phía vực. Đang lúc nguy cấp thì có một chiếc xe tải công trường đi ngược chiều, quăng tời sang cứu. Sau cú hút chết ấy, chúng tôi cứ nói đùa: có lẽ chủ tịch Xuân Thủy (mới mất trước đó ít lâu), muốn tổ chức một tờ báo Mặt trận dưới âm phủ, nên mời Hữu Tuấn (Phó Tổng biên tập), tôi (khi đó đang làm Thư ký Tòa soạn), Văn An (phóng viên Văn xã) và Đỗ Hùng (lái xe) xuống để tổ chức tòa soạn.

Ông Hữu Tuấn còn là người rất đúng giờ trong sinh hoạt. Hôm đi công tác, đúng giờ là ông đi đánh răng, rồi đi ngủ. Mặc đèn vẫn sáng, chúng tôi đang nói chuyện oang oang, chỉ vài phút sau đã thấy tiếng ông ngáy đều đều. Có lẽ quy củ trong sinh hoạt và chịu khó tập thể dục nên mặc dù vốn yếu (hồi trẻ ông từng ốm rất nặng), ông vẫn sống và làm việc dẻo dai. Mấy năm nay bước vào độ tuổi 90 sức khỏe có kém, nhưng trí óc vẫn minh mẫn. Còn nhớ những năm ông ngoài 70 tuổi, sáng sớm mùa đông vẫn thấy ông quần đùi, áo may ô tập chạy dưới phố Ngô Văn Sở…

Người tôi muốn dành nhiều câu chữ nhất trong bài viết này là nhà văn, nhà báo Thái Duy (tức Trần Đình Vân), bởi điều đơn giản là cuộc đời làm báo của ông có nhiều điều đặc biệt và cũng bởi tôi được làm việc với ông nhiều nhất so với các bậc tiền bối nói trên. Điều đặc biệt đầu tiên là trong bốn, mưới năm làm báo ông chỉ duy nhất làm cho tờ báo mặt trận: hết báo Cứu quốc, đến báo Giải phóng rồi báo Đại đoàn kết… cho đến khi nghỉ hưu. Sau năm 1954 (trước đó ông từng làm báo ở Điện Biên Phủ), ông cùng nhà văn Sao Mai bám trụ ở Hải Phòng (bởi theo Hiệp định Giơnevơ, sau 300 ngày Hải Phòng mới được trao trả cho ta). Ngày ngày ông đi khắp thành phố còn tạm chiếm săn tin, viết bài, rồi bí mật gửi về Hà Nội theo đường giao liên đặc biệt. Ông cũng là một trong những người đầu tiên của báo Cứu quốc vào miền Nam chi viện cho báo Giải phóng. Ông kể: Sống như Anh viết về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, là loạt bài ông gửi ra để đăng phơrơtông trên báo Cứu quốc. Nhưng lúc bấy giờ tất cả bài vở từ chiến trường gửi ra đều chuyển về Ủy ban Thống Nhất. Loạt bài này được chuyển đến nhà thơ Tố Hữu, phụ trách Ban Tuyên huấn, rồi sau đó được Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc. Tên Sống như anh là do Thủ tướng đặt.

Ngày ông vào mặt trận, đường đi còn khó khăn lắm. Chuẩn bị qua sông Bến Hải, giao liên phát cho mỗi người 8 nắm cơm để ăn trong 4 ngày, vì không thể đun nấu được ở những vùng xa dân, nhưng lại gần giới tuyến. Giao liên cũng dặn, các đồng chí muốn vất cái gì đi cho khỏi nặng thì vất, nhưng dứt khoát không được vất tăng đi. Có người hỏi tại sao, giao liên trả lời: vì tăng, lúc nghỉ mắc làm võng, có ai chết thì tăng là đồ liệm, là áo quan để an táng. Và thực tế đã diễn ra như vậy. Không ít người khi chết, đã được gói trong tấm tăng, rồi an táng bằng cách xếp đá lên. Có khi đất rắn quá không đào được, đá cũng không có, người sống đành vun lá đắp lên thi thể người hy sinh, nhưng chỉ đi được một vài chục mét, có cơn gió thổi, thế là thi thể liệt sĩ phơi ra trên mặt đất, đồng đội vừa gạt nước mắt vừa đi như chạy để khỏi phải nhìn thấy sự thật đau lòng. Ông kể: một hôm đi qua một vùng có vẻ là gần dân, bởi ông thấy trên lối mòn có một đầu mẩu mía. Hấp dẫn quá, nhưng ông không dám nhặt vì sĩ diện, đành gạt sang bên cho khỏi bị cám dỗ. Bỗng đồng chí nguyên là Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên, người nhiều tuổi nhất đoàn, cười rú lên: Bọn trẻ chúng mày có mắt như mù, lại để cho lão già vớ được cái đầu mặt mía!

Nói về gian nan ở chiến trường, ông kể một câu chuyện mà tôi không thể nào quên. Đêm 30 Tết Mậu Thân (1968), đại đội mang tên Hà Bắc đâm sầm vào sở chỉ huy tiền phương Sài Gòn vì đi lạc đường. Trong chiến dịch ấy, như có duyên nợ, nhà báo Thái Duy còn gặp lại đồng chí đại đội trưởng đại đội Hà Bắc đến 5,7 lần. Lần nào đại đội trưởng cũng mếu máo: Chú ơi, đại đội cháu lại mới bị xóa sổ.

Đất nước thống nhất, trở ra Bắc ông tiếp tục viết bài cổ vũ những nhân tố mới trong xã hội. Thái Duy là một trong những người đầu tiên ủng hộ phong trào khoán chui ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Lần ấy Tổng Biên tập Lê Điền cùng Thái Duy xuống Hải Phòng để viết về một chủ đề khác, nhưng nghe chuyện khoán ở Đồ Sơn, các ông đã đến tìm hiểu và khi về Hà Nội quyết định dùng 8 trang (trong số 16 trang của số báo) để ủng hộ khoán của Hải Phòng. Đây là một việc làm sáng suốt và cũng thật là dũng cảm trong tình hình lúc bấy giờ. Sau này ông vẫn tiếp tục đi tiên phong trong những vấn đề bức xúc của đời sống. Bạn đọc chờ đợi những bài viết nóng hổi tính thời sự và tính chiến đấu của Thái Duy. Có thời gian Thái Duy ít viết, không ít bạn đọc lo ngại, có người bảo hay là Thái Duy bị bắt vì dám “phạm thượng”, có người lại đồn hay là ông bị treo bút. Khi ông xuất hiện trở lại trên báo, mọi người mới thở phào vì ông vẫn bình an vô sự. Ông cũng là người đầu tiên viết về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi bao nhiêu năm vẫn chưa được trao danh hiệu, rồi loạt bài về tử tù Lê Quang Vịnh và các đồng chí của ông, nhiều người bây giờ sống nghèo khổ và chỉ có một ước muốn được ra thăm Hà Nội, thăm lăng Bác Hồ… Loạt bài viết gây tiếng vang lớn, các cựu tử tù được ra thăm Hà Nội, nhiều chính sách với họ được Nhà nước giải quyết.

Thái Duy đi đến đâu cũng được đồng chí, đồng bào, đồng nghiệp yêu mến. Bao nhiêu năm công tác, năm nào ông cũng đi Sài Gòn 5-7 bận, có năm nửa năm ở miền Nam, nhưng ông chưa bao giờ nhận một vé máy bay của cơ quan. Đi đến đâu ông cũng được bạn bè chăm lo, săn sóc. Báo Sài Gòn Giải phóngTuổi trẻPhụ nữ thành phố Hồ Chí Minh… là những địa chỉ thân quen của ông, ở đó luôn có những người bạn, người em, người cháu… chờ đón ông. Thái Duy cũng là người không bao giờ ngồi làm việc ở cơ quan. Tòa soạn dành cho ông một bàn làm việc, nhưng ông không ngồi bao giờ, đành phân cho người khác. Ông bảo: Tớ “hầu hạ” 8 đời Tổng biên tập, nhưng đứa nào cũng yêu mến tớ”. Suốt đời ông chỉ là phóng viên, rồi sau này được gọi là phóng viên đặc biệt - phong mồm cho oai thế thôi. Còn nhớ có thời kỳ báo thiếu lãnh đạo, cấp trên nói Thái Cương đến thuyết phục Thái Duy làm Phó Tổng biên tập. Ông Thái Cương bảo tôi cùng đến nhà Thái Duy: Thái Duy bảo, tớ cả đời chỉ thích làm lính, năm nay 58 tuổi rồi còn ham hố gì và ông nhất định không nhận bất cứ chức vụ nào. Ông Phạm Văn Kiết (Năm Vận) khi làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký mặt trận có lần nói: “Anh Thái Duy là trường hợp đặc biệt, sẽ không nghỉ hưu. Chỉ khi nào anh ấy yếu quá thì mới được nghỉ”.

Sau này khi đã 70 tuổi, ông mới được nghỉ hưu. Thế đã là ưu ái quá rồi, nhưng với ông, với ngòi bút, ông chưa bao giờ nghỉ. Ông viết có khi còn nhiều hơn trước, ngòi bút cũng sắc bén hơn. Với ông tôi có hai kỷ niệm khó quên: Khi tôi không nhận làm Thư ký Tòa soạn để tiếp tục làm trưởng ban Văn nghệ ông bảo: Tao chỉ lo mày ham hố, nhận làm Thư ký Tòa soạn thì mất một cây bút. Tôi rất biết ơn ông về sự bộc bạch này. Khi tôi là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa 6, nhân họp bàn kỷ niệm 50 năm thành lập Hội, tôi có đề nghị trao Huân chương Độc lập cho một số nhà báo lão thành, trong đó có ông Thái Duy. Không ai phản đối, nhưng cũng chẳng có ai thực hiện, thành ra cho đến nay, Thái Duy cũng chỉ có 2 huân chương niên hạn: là Huân chương Kháng chiến chống Pháp và Huân chương chống Mỹ. Ông chẳng bao giờ để ý đến điều này, nhưng tôi vẫn cảm thấy áy náy, hình như những người đi sau chưa thật sự quý trọng công lao của người đi trước.

Những năm gần đây, sức khỏe yếu nhiều, mắt nhìn không rõ, ông bảo với chúng tôi: tớ bây giờ nhìn kém lắm, nếu có gặp ở đường chào tớ mà tớ không chào lại, là do tớ không nhìn thấy, đừng chấp nhé! Rồi ông lại bảo: tớ giờ ăn kém lắm, các cậu còn ăn được, cố mà ăn nhé, kẻo sau này lại hối. Ở tuổi xưa nay rất hiếm, ông vẫn hóm hỉnh, sắc sảo và đầy nhiệt huyết.

Trước khi khép lại bài viết này, xin có lời bộc bạch: tôi viết về các bậc lão thành với tất cả lòng yêu mến, hoàn toàn từ trí nhớ! Nếu có gì sai sót, mong các ông và bạn đọc lượng thứ…
 

Tác giả: Trần Bảo Hưng
Nguồn Văn nghệ số 9/2022

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây