Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Ngôi đền truyền tổ giúp khỏi bệnh tâm thần

Từ lâu, đền Thó (thôn Nhật Tảo, xã Lương Tài, Văn Lâm, Hưng Yên) đã trở thành nơi “thần kỳ” giúp nhiều người tâm thần khỏi bệnh. Người trực tiếp quản lý, chăm nom cho những người bệnh ở đây là gia đình ông Nguyễn Ngọc Tự. 
 
111
Không gian thanh tịnh của đền Thó
Đền Thó đã có từ rất lâu, đến cả những bậc cao niên trong làng cũng chẳng biết. Trước đây là dòng họ Trần Ngọc nhưng đã đổi sang họ Nguyễn Ngọc từ cách đây khoảng 400 năm. Công việc giúp đỡ những bệnh nhân tâm thần được truyền từ trưởng nam đời này đến trưởng nam đời sau.

Mỗi bệnh nhân tâm thần khi tới đây đều có một hoàn cảnh riêng, họ bị trầm cảm do cuộc sống bế tắc, áp lực công việc, học tập, sang chấn tâm lý, hoang tưởng, ảo giác… Họ đến từ nhiều nơi, các tỉnh lân cận: Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Bình… và có cả những bệnh nhân từ: Lâm Đồng, Tây Ninh. Thời điểm đông nhất, đền Thó là nơi cư trú của hơn 70 bệnh nhân, sau một thời gian ở đây, hòa nhập, tinh thần được thư thái, minh mẫn họ đã được đưa về nhà. Hiện nay, ở đây chỉ còn 11 bệnh nhân tâm thần.

Ông Nguyễn Ngọc Tự chia sẻ: “Ở đây tôi chỉ nhận những bệnh nhân tâm thần do những tác động của bên ngoài gây nên, nếu tâm thần do bẩm sinh, do chất độc màu da cam thì rất khó chữa. Ở đây cũng không nhận người cai nghiện, dù đã có rất nhiều gia đình muốn đưa người thân của họ tới đây”.

Theo quan sát thực tế của chúng tôi, những bệnh nhân tâm thần ở đây đều hiền lành, mỗi người một công việc và nghe theo lời của ông Tự. Ông cho chúng tôi xem những đoạn video đập phá, chửi mắng, hoang tưởng của nhiều người trong quá khứ. Hiện tại, có người đã biết đi làm thợ xây, đốn củi, nấu cơm, đọc kinh, làm vườn…

Ông Tự chỉ vào một người phụ nữ đang làm vườn, cho biết: “Bệnh nhân này từ Thái Bình, có mấy bằng đại học, bị áp lực thành tích, cô ta quậy phá khủng khiếp, ai đến gần đều bị đấm, đạp. Thế mà, từ lúc được nhận vào đền và sinh hoạt ở đây, cô ta thay đổi hẳn, hiền lành không còn phải xích chân tay như trước. Cái bệnh này cũng không chừa một ai, ai cũng có thể bị, không chỉ xảy ra ở những người nghèo đói, khó khăn mà người tri thức, gia đình giàu cũng có thể bị”.

Chúng tôi xuống căn bếp vẫn còn dùng củi, người đàn bà độ hơn ba mươi đang nấu một nồi canh lớn cho những bệnh nhân khác ở đây: “Từ ngày chị đến đây, tinh thần cũng thoải mái, chắc do môi trường thay đổi nên tính nên con người thay đổi. Giờ chỉ mong đầu óc tinh thần sớm trở lại bình thường để được về quê ăn Tết, làm lại những gì đã mất”.

Câu hỏi, tại sao những người bệnh tâm thần khi tới đây lại trở nên hiền hơn và nhiều người được khỏi bệnh, ông Tự giải đáp: “Ở đây, tôi chẳng cho họ uống bất kỳ thứ thuốc nào cả, tôi xin khẳng định, những bệnh nhân tâm thần ở đây bằng những kinh nghiệm như lao động, tập thể và đọc kinh Phật vào buổi tối. Nhưng luyện tập phải kiên trì, đúng kế hoạch thì mới có cơ hội trở lại như người bình thường”.

Cái sân rộng trước đền, nơi những bệnh nhân gánh những xô nước đi bộ vài vòng, có người bệnh tình vẫn nặng thì phải xích. Ở một góc khác, có bốn chiếc máy chạy, máy đạp xe, bệnh nhân tâm thần sử dụng lần lượt đều theo sự hướng dẫn của ông Tự. Ông Tự chia sẻ: “Có bệnh nhân đã theo người ta đi làm thợ xây không công trong làng, họ tuyệt nhiên không có những biểu hiệu của tâm thần. Lao động giúp lưu thông khí huyết, giảm căng thẳng, suy nghĩ tích cực là điều kiện cần để chữa trị bệnh tâm thần”.
 
111
Bệnh nhân tâm thần tập thể dục
Buổi tối sau bữa cơm, tất cả bệnh nhân đều tập trung trong tiền đường của đền Thó, mỗi người một cuốn kinh đọc để hướng thiện, để sống trách nhiệm và có ích. Những người tâm thần như tìm lại bản năng của con người bình thường khi ngồi đọc kinh, nghe giảng. Họ ngồi rất nghiêm chỉnh theo, không có một chút đùa cợt hoặc biểu hiện nào của cơn tâm thần.

“Người ta cứ mê tín mà cho rằng bệnh thần kinh là do ma quỷ gây ra, chứ thật ra chẳng có ma quỷ thần linh nào có thể tác động được vào sức khỏe của con người cả. Còn học kinh Phật là học đạo đức làm người, người thần kinh được tụ tập trong một cộng đồng lớp học, được sinh hoạt và không còn cảm thấy cô đơn”, ông Tự chia sẻ. Tinh thần thoải mái, thư thái, vui vẻ là điều cần thiết cho những bệnh nhân tâm thần. 
Thi thoảng, đến cuối tuần, gia đình ông Tự lại tổ chức giao lưu ca hát văn nghệ cho bệnh nhân, họ được tự tin thể hiện mình trước đám đông. Nguyên nhân thường dẫn đến bệnh tâm thần là do người bệnh có cuộc sống lủi thủi, cách biệt với xã hội bên ngoài, điều đó khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
 
111
Cứ tối, những bệnh nhân tâm thần lại tập trung lên đền để học kinh Phật
Việc giúp người bệnh tâm thần đã trở thành công việc Tổ truyền của gia đình ông Nguyễn Ngọc Tự. Nhiều bệnh nhân khi được đưa đến đây bị gia đình phó mặc không quan tâm, có người ở đến vài năm liền, dù đã khỏi bệnh nhưng cũng không có người nhà đến đón. Gia đình ông Tự đành phải nuôi họ và tìm địa chỉ chính xác để trả họ về. Ông Tự nói thêm: “Bệnh nhân tới đây ở chỉ đóng 500 nghìn một tháng, tự nguyện đóng góp gạo, gia đình tôi ăn gì thì bệnh nhân cũng ăn như vậy. Thậm chí, gia nhà chật phải chứa quá nhiều người, các con ông Tự cũng ngủ cùng những bệnh nhân, coi nhau như người nhà”.

Ông Vương Đặng Tiếp, một bậc cao niên ở thôn Nhật Tảo, xã Lương Tài cho biết: “Tôi là người dân ở đây thì thấy ngôi đền này đã cứu chữa nhiều người rồi, nhiều người khi đến đây không biết gì làm những thứ thật kinh khủng, được ông Tự giúp cho khỏi rồi gia đình đến nhận. Ngay trong họ nhà tôi có một ông cụ ngày trước cũng bị tâm thần, chạy khắp làng đòi nhảy xuống sông, rồi vào đó chữa trị một thời gian cụ cũng khỏi và sống thọ gần 90 tuổi. Đó là điều thật kỳ lạ”.

Nhưng có nhiều người không hiểu và cho rằng, đây là nơi truyền bá mê tín dị đoan, đưa người thần kinh về đây ở với mục đích trục lợi, làm mất an ninh làng xã. Liên hệ với chính quyền địa phương, ông Trần Quang Sở, Phó chủ tịch UBND xã Lương Tài cho biết: “Chúng tôi cũng thường xuyên đi kiểm tra, về an ninh trật tự thì ở đền Thó, gia đình anh Tự quản lý tương đối tốt những bệnh nhân tâm, không bệnh nhân được phép tự tiện ra khỏi cổng, cho nên chưa xảy ra bất kỳ một vụ việc nào gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự. Thậm chí, có nhiều người còn xây dựng những công trình của làng xã”.
 
Ở đền Thó, mỗi bệnh nhân đề mang một hoàn cảnh riêng, một số phận riêng nhưng cơ bản đó là một đời buồn. Niềm mong ước của ông Tự là sớm trả họ về hòa nhập với cuộc sống gia đình, và đền Thó không phải nhận nhiều những bệnh nhân tâm thần nữa.

 
Nguyễn Đức Cầm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây