Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


“Ông Thăm lúa” của quê hương xứ Nghệ

Lâu nay, ta quen gọi Nguyễn Bính là nhà thơ chân quê xứ Bắc, thì ta cũng có thể nói Trần Hữu Thung là nhà thơ chân quê xứ Nghệ, nhất là khi ta biết rằng từ lâu, bài thơ Thăm lúa của ông, đã như một khúc tâm tình của nhiều thế hệ người xứ Nghệ, và của nhiều thế hệ thiếu niên Việt Nam ta (khi họ được học bài này trong sách giáo khoa Văn học).

Tất nhiên, chất chân quê của Trần Hữu Thung còn có ở nhiều tác phẩm khác, nhiều hoạt động khác nữa của ông.111

Sau tháng 8/1945 ít lâu, vào thời điểm mà những nhà thơ lừng danh như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... đã quả quyết, hăm hở lên chiến khu tham gia kháng chiến, đang lo “nhận đường” với các cuộc mạn đàm và hội nghị mà chưa viết được gì cho xứng, thì Trần Hữu Thung đã có các bài thơ Cò trắng phát thanh, Đi về, Phá hoại, Nhớ sông Lô, và tiếp đó, là Thăm lúa và Hai Tộ hò khoan. Những bậc cao niên ở xứ Nghệ, và cả ở ngoài Thanh, hay trong Quảng Bình, Quảng Trị đã kể lại là trong dăm năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp gian nan ấy, anh bộ đội và chị dân công, người cán bộ hay dân chúng bình thường, hầu như chỉ vui cùng kháng chiến qua thơ ca của Trần Hữu Thung và một số tác giả thực sự mới khác như Minh Huệ, Hồng Nguyên, Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Lương An, Vĩnh Mai... Riêng về Trần Hữu Thung, nếu tách ra một tí, từ cái tốp đầu của một nền thơ ca mới ấy, ta còn thấy là từ trước năm 1945, khi tham gia Việt Minh bí mật, ông đã sáng tác Việt Nam ly khúc. Bấy giờ, nhà thơ tương lai mới ngoài 20 tuổi, vừa rời ghế trường Quốc học Vinh về quê làm ruộng, dạy học tư và làm các việc khác kiếm sống đã có những dòng viết phảng phất lối thơ của các bậc sĩ phu đầu thế kỉ khi thay lời mẹ Việt Nam vạch ra tội ác của quân thù:

Kể sao hết cảnh hung tàn 

Của quân Tây tặc của phường thực dân 

Đau đớn nữa còn phần máu mủ 

Cảnh quân thần diễn đủ tuồng ngây 

Nồi da nấu thịt chua cay

Tủi lòng mẹ lắm hỡi bầy con yêu! 

Và kêu gọi ba con Bắc Trung Nam:

Bắc Trung Nam hãy nắm một tay 

Em nâng chị ngã cùng xây một nền

Dân chủ mới đi lên con nhé

Xiềng Nhật Tây quyết bẻ cho tan

Lật nhào phong kiến tham tàn

Cùng nhau một dạ giành quyền tự do... 

Vậy là, trước khi trở thành một nhà thờ chính danh của nền văn chương kháng chiến, gần như Tố Hữu, ông đã lắng được hồn sông núi, đã chuẩn bị được một nền học vấn và đường đời, đường cách mạng. Và vì thế, khi đã hội đủ thời vận, ông trở thành một cán bộ cốt cán thật tự nhiên: Chủ tịch xã, chuyên viên văn hoá Liên khu IV... rổi Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khóa I, Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh...)

Điều đáng quý nể ở Trần Hữu Thung là trong suốt 40 năm làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo đó, ông đã thực sự là người bạn đường tận tụy, chan hòa với tất cả các cấp lãnh đạo, và đặc biệt là anh em văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh, khi ở bàn làm việc, và nhiều khi, nhiều lúc là ở những cuộc gặp gỡ trong một mái nhà tạm, dưới một bóng cây, bên một bờ cỏ triền sông, hay dưới một chân đồi khét nắng, luôn luôn, ông là người hồ hởi, chân tình. Và cũng là luôn luôn, ông nghĩ rồi viết.

Những năm chống Mỹ cứu nước, lại là những năm Trần Hữu Thung có được nhiều tác phẩm mới. Về thơ, ông có các bài hay, được ngân nga mãi như:

Anh vẫn hành quân

Trên đường ra chiến dịch 

Mé đồi quê anh bước 

Trăng non ló đỉnh rừng...,

 

Việt Nam tổ quốc tôi: 

Là mái tranh thơm thơm mùi rạ nếp 

Bâng khuâng nhớ mẹ ru hời... 

Là xanh xanh nắng chia bãi cỏ 

Ngang lưng trâu thuở nhỏ mình ngồi...,

Và cả Tiếng cuốc chim từ rạng sáng đang giục mặt trời lên hồ Kẻ Gỗ...

Thơ Trần Hữu Thung không thiếu ngẫm nghĩ suy tư... nhưng có lẽ nhiều hơn, là những cảnh sống động trong đời sống nông thôn. Ông viết nhiều và hay là những cảnh ra đi, trong Thăm lúa hồi đầu 1950 là:

Chiền chiện cùng cao hót 

Lúa cũng vừa sậm hột 

Em tiễn anh lên đường 

Chiếc xắc mây anh mang 

Em nách mo cơm nếp 

Lúa níu anh trật lép

Anh cúi sửa vội vàng...

và trong những năm chống Mỹ cứu nước là:

Đêm nay 

Cùng tiếng hát đi 

Cây vươn cao dọc mái đồi si 

Như nghe tiếng quê hương thôi thúc 

Tiếng lòng thao thức 

thầm... thì

... Trường Sơn xanh 

Ngó biển Đông sâu 

Tên núi tên sông

Gắn chặt với tên người đuổi giặc 

Cái người hay làm thơ về cảnh quan trong thế chuyển dời ấy cũng là người có cuộc sống riêng đầy biến động, nhà thơ có lần tự bạch:

Quân trẩy hướng Nam hay hướng Tây?

Nghe như trăm suối nối ngàn cây 

Cảnh khuya dừng bút ra hiên ngó

Tiếng hát vòng sang tận núi này...

Với vốn văn hoá cổ truyền giàu có, Trần Hữu Thung còn biên soạn Từ điển tiếng Nghệ và viết các tiểu luận như Vè, dòng sữa quê hương, Chuyện Trạng, Sức biểu hiện của dân ca Nghệ Tĩnh. Ông còn là tác giả của một số bút kí hấp dẫn như Đại ngàn, Ký ức đồng chiêm, Hồi ức săn bắn, Nhân dân Nghệ Tĩnh với cụ Phan...

Vào những ngày hè năm 1973, 1974... tôi đã có dịp đạp xe rong ruổi qua những đoạn đường từ Vinh ra ngã ba Diễn Châu rồi đi ngược mãi lên, qua lèn Hai Vai... có lần, lại quanh quẩn ở chợ Si, cầu Bùng, lên tận mấy triền núi huyện Yên Thành hay Quỳnh Lưu gì đó. Tôi đã gặp, đã trò chuyện với tác giả Thăm lúa và Anh vẫn hành quân. Thực tình ngày ấy, tôi đã có viết và đăng đôi ba bài báo ở tờ Văn nghệ Thái Bình, nhưng cũng chưa nghĩ là sẽ trở thành một người viết văn. Tôi nói với ông là tôi hành nghề dạy học. Gặp Trần Hữu Thung, thoạt đầu, tôi không nghĩ đó là một nhà thơ nổi tiếng, có tác phẩm mà mình đã dạy cho học sinh. Những câu chuyện giữa tôi và ông chẳng biết có gieo vào lòng ông một số ấn tượng gì không, còn tôi, thì về nhà rồi, bao nhiêu lần về sau rồi, cứ nhớ lại, và cứ nghĩ: như ông, như thế, là một nghệ sĩ dân gian, một nghệ sĩ nhân dân đích thực. phải không? Ông dãi dầu mà sâu sắc, ông đơn giản đơn sơ mà nghiêm cẩn lịch thiệp, ông ngồi bệt ở đó, trên cỏ, bên vệ đường, dưới tán cây, mà chuyện ở Hà Nội, chuyện ở miền Nam, chuyện thời xửa xưa bên Tàu hay giữa vùng đất cổ xứ Nghệ quê ông, ông đều rành rẽ ngọn ngành. Có lần chia tay nhau, ông nói với tôi cái ý mà sau này tôi cũng được nghe ở Xuân Diệu: Thầy giáo văn thì phải lắm kiến thức văn và đời, nếu lại biết viết văn nữa thì học sinh được nhờ lắm.

Người ta, có phải vì đã có phần cường điệu, lí tưởng hóa hay sao đó, mà đôi khi đã bảo nhau là: giàu thì không viết văn hay được. Chắc là họ cũng có lí cớ gì đấy chăng?

Nhớ Trần Hữu Thung, tôi lại nghĩ: Giá mà sau nhiều tháng, nhiều năm cặm cụi tích lũy mài dũa thế, mà ông được ngồi viết trong cảnh sung túc một tí chắc thành tựu của ông sẽ tròn đầy hơn. Tuy nhiên, lại cũng phải thấy trong nhiều năm sống và viết ở cảnh không được gia đình và bạn bè trong và ngoài giới văn nghệ tin mến, động viên. So với nhiều nhà văn có hoàn cảnh tương tự, thì thành quả lao động mà ông đạt được, quả có trội nổi hơn thật.

Nhớ nhà thơ Trần Hữu Thung, tôi xin ghi lại ở đây một lần cùng ông vui Tết.

Hôm ấy, đắn đo mãi thì cũng đã già nửa cuộc rượu, tôi rót cho đầy chén ông, lại gắp thêm một ít đồ nhắm vào bát ông, rồi nói:

- Chưa biết chừng hình ảnh của tác giả Thăm lúa trong công chúng lại là hình ảnh nhà thơ chân mộc, quê kiểng... và đang hí húi viết cái gì đó nữa?

Hình như nhà thơ không nghe tôi hỏi thì phải. Tay trái ông để lên tay phải của tôi, rồi nhè nhẹ nhấc lên đặt xuống theo lời hát của một người trong cuộc rượu. Dâng dâng lên trong căn phòng hẹp một ít khói của thuốc lá, của hương trầm, và hình như của cả sương chiều từ ngoài cửa sổ lan vào.

Ông dùng tay đập nhịp, quay sang tôi.

- Có lẽ là thế thật đấy. Nhưng chưa hết đâu, với cái đà này, người ta còn kể về mình như là một ông già thiếu đói, quê kệch chứ không phải là quê kiểng, lại gàn gàn thế nào đó nữa... cái ông làm thơ này đang cần cứu tế nữa đấy mà.

Rồi im lặng. 

Tôi hỏi nhà thơ: 

- Nếu quả vậy, thì có được không? Có đúng không?

Trần Hữu Thung im lặng nhìn đăm đăm ra ngoài, khóe mắt lấp lánh ngấn nước. Còn sương chiều và khói hương thì cứ lặng lẽ tràn ngập khắp phòng.

Sau này, cứ nhớ về cái buổi chiều đầu năm hơi chợt ấm nóng lên rồi lại chợt chớm lạnh ấy vì còn có đôi cơn gió mùa Đông Bắc lạc về, nhớ về cái vóc hình gọn gàng trong bộ complê hơi cũ nhưng đọc là ủi cẩn thận để ông mặc ngày Tết, nhớ về ánh mắt tinh anh làm lóe sáng cả gương mặt đã nhăn nheo giãi dầu của ông, và nhất là lời nói của ông nữa… tôi lại nghĩ: ở ông như luôn chứa sẵn những ý nghĩ về rất nhiều vấn đề của một người cầm bút, tuy đã nhiều năm ở xa các trung tâm lớn về học thuật, nhưng sự diễn đạt minh mẫn, chính xác và khúc chiết của ông thì đáng nể trọng thật…

Mấy năm sau, tại Hà Nội khi thì anh Võ Văn Trực, khi thì anh Quang Huy, lại có lúc là anh Trần Tế hay một người nào đó gọi điện bảo; “Ông Thung ra đây đấy, đến nơi chưa? Đến mà nhận phần đặc sản quê nhà…”. Thường thì ông ra là để khám bệnh, chữa bệnh hay thăm con… Trông ông gầy nhỏ song chưa đến nỗi yếu, nhưng tôi cứ có ý nghĩ là với một ít quà kia, ông phải ôm, phải cõng, phải vác chứ chả xách tên tênh được. Nhà thơ cười, hơi móm mém nên càng thương thương ngồ ngộ… Ông không kêu là bận rộn, mà chỉ kể là đang soạn sách gì, đọc và dịch cuốn gì, rồi kể về cái đặc sản của nước chè xanh trong quê hồi này cũng vẫn còn đượm, “nhưng mà phải biết rửa chè và phải giữ lửa khi nước chè sôi thì mới được”, ông bảo thế, rồi lại im lặng.

Rồi ông lại kể chuyện quê, lại nói là nếu có dịp, ông sẽ chỉnh sửa cái Từ điển tiếng Nghệ, cái Dân ca xứ Nghệ (là tên mấy công trình ông đã viết mà ông gọi tắt ra thế), ông hỏi, mà đầy quả quyết:

- Tiếng Nghệ ở Diễn Châu, ở Anh Sơn, ở Đô Lương là tiếng Nghệ cổ, là tiếng Việt cổ phải không ông? Tiếng Việt cổ là đặc sản đấy.

Tôi lại bị bất ngờ, bởi đang thấy ông không khỏe, má và mắt đã thành hố sâu trõm rồi, ngực đã mỏng lại với từng hơi, từng cơn thở dập dồn thế kìa… Ông định nói tiếp, nhưng một cơn họ lại sắp ào đến, nên thôi, một tay ông đỡ ngực, một tay ông với với xua xua lên khi vợ ông và anh em đỡ ông năm xuống, miệng ông cười cười:

Nằm tí đã nhé! Anh em uống nước đi…

Bây giờ đã có thêm nhiều người đi du lịch, đi tìm cái thú đặc sản. Không kiếm không hưởng được một vài thứ đặc sản khi có dịp đến một vùng đất nào đó, thì chuyến đi phỏng còn có cái thú vị, cái dư âm nào nữa? Cái đất Diễn Châu trong xứ Nghệ quê ông có nhiều đặc sản được cả nước biết đến và thích thú đã đời đời sản sỉnh ra nhiều bậc nghĩa khí tài danh… Họ góp vào khối nguyên khí nước nhà những phần ưu tú của mình.

Mai này, ai có dịp vào xứ Nghệ, dừng chân ở đất Diễn Châu, đến thắp hương ở đền Cuông mà tưởng nhớ An Dương Vương với thiên tình sử bi tráng của con gái nhà vua, đến với cầu Bùng nườm nượp xe và người mà hồi nhớ về những chiến tích oai hùng của một thời đánh Mỹ giải phóng miền Nam, thiết tưởng, cũng nên đến nhà “ông Thăm lúa” như hồi ông còn sống… Ông là Trần Hữu Thung, một đặc sản của quê hương, của làng văn nghệ nước ta.

Trần Hữu Thung là nhà thơ chân quê, từ cái gốc là một trí thức dân gian, một con người mẫn tiệp. Nay nhà thơ xa ta rồi, đọc lại mấy dòng Ước chi của ông, càng thấy quý mến cảm thương ông hơn:

Ước chi có những buổi chiều

Hanh hanh nắng núi, hiu hiu gió đồng

Em tôi mặc áo lụa hồng

Ngồi trên bãi cỏ đọc dòng thơ tôi.

Tác giả: Nguyên An
Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây