Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Sách số thay sách giấy

Mấy năm trước lúc con gái tôi còn học trung học ở Trường Mount St Benedit, chưa bao giờ tôi phải bỏ một đồng nào ra mua sách giáo khoa cho con vì sách giáo khoa ở Úc đã bị "khai tử" lâu rồi.

111
Giá sách giáo khoa tăng sẽ gây thêm gánh nặng với những gia đình có thu nhập thấp sau đại dịch COVID-19. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM trong một tiết học tại trường - Ảnh: Q.Đ.

Để cập nhật với tình hình hiện nay, tôi hỏi anh hàng xóm có đứa con nhỏ đang học tiểu học thì được biết mỗi ngày cô giáo in ra cho tụi nhỏ một hay hai trang giấy mang về nhà học và làm bài tập.

Một người quen với gia đình tôi là giáo viên toàn thời gian tại Trường công lập Holroyd High School thuộc quận Greystanes cho biết tất cả giáo viên tại Úc hiện nay đều tự soạn giáo trình để giảng dạy, dựa theo khung hướng dẫn từ sở giáo dục tiểu bang. 

Cơ quan quản lý giáo dục của nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, lên chiến lược chứ không bắt buộc học sinh tuân theo mọi chi tiết theo kiểu robot lập trình sẵn.

Cũng theo cô giáo người Việt tại Trường Holroyd High School, để khuyến khích tính đa chiều và mở rộng tầm nhìn của học sinh, thầy cô giáo ở Úc thường chọn ra một số đầu sách tham khảo liên quan môn mình dạy, nhà trường mua và các em có thể mượn đem về nhà đọc. 

Sách năm này còn tốt sẽ được giữ lại để năm sau sử dụng tiếp, đến khi nào giáo viên quyết định đổi các đầu sách mới.

Hình ảnh các em học sinh nhỏ xíu ở Úc lưng đeo balô nặng trịch đi học mỗi ngày trên đường thật là thân quen, thì ra bên trong balô toàn mấy thứ cần thiết như tập vở, thức ăn thức uống, một vài cuốn sách tham khảo và đặc biệt là cái laptop. 

Máy laptop (hay tablet, iPad) trong hệ thống trường công lập ở Úc được phát cho mượn miễn phí, có trường cho mang về nhà, có trường không. Còn đối với hệ thống trường tư như Trường Mount St Benedit thì phụ huynh phải đóng tiền thuê hằng năm, chỉ có sách là miễn phí. 

Trong mùa giãn cách do dịch cúm vừa qua, nhiều trường trung học ở Úc còn cung cấp thêm cho học sinh thuộc loại "vùng sâu vùng xa" cục USB phát WiFi từ sim 3G trong trường hợp gia đình không có Internet hoặc đường truyền không ổn định.

Hẳn nhiên cũng có suy nghĩ khác về mấy cái máy laptop, tablet, iPad bên cạnh những ưu điểm, tiện nghi quá rõ ràng. Theo thầy hiệu trưởng của một trường tiểu học ở Sydney, các trang thiết bị hiện đại này làm cho học sinh mất tập trung vì thường xuyên chơi game online. 

Ông còn cho rằng học từ các cuốn sách bằng giấy mới hiểu nhiều và sâu hơn, do đó không loại trừ trường hợp ông sẽ quay về kiểu truyền thống. Đó là suy nghĩ của một vài người, không đại diện cho số đông. 

Nhiều trường ở Úc cho phép học sinh tự do quyết định có sử dụng vi tính hay không và nếu có thì tùy vào sở thích và khả năng của mỗi cá nhân, miễn sao việc học đạt hiệu quả cao nhất.

Nói cách khác: nhu cầu và khả năng của học sinh và gia đình các em là quan trọng nhất. Mỗi địa phương, mỗi trường học đều có những đặc thù và nguyện vọng riêng, vấn đề nằm ở chỗ các chính quyền, các cơ quan quản lý giáo dục có tạo được cơ chế đủ linh hoạt để đáp ứng các đặc thù và nguyện vọng riêng đó hay không.

Câu chuyện sách giáo khoa của hệ thống giáo dục tại Việt Nam suốt mấy năm qua quanh quẩn chuyện thay mới và nay là tăng giá vì "khổ to, giấy đẹp", tư duy xem đó là con đường duy nhất cho giáo trình dạy học xem ra đã lỗi thời so với thế giới từ lâu. 

Trước hết, nó làm thui chột đi sự sáng tạo của đội ngũ giáo viên và sự phong phú, màu sắc của các môn học. Quan trọng hơn nữa là tạo thành thói quen suy nghĩ một chiều, kém sức linh động và sáng tạo cho học sinh ngay từ giai đoạn sớm nhất của quá trình định hình tư duy. 

Tôi được biết là các nhà xuất bản cũng có đưa một số sách lên mạng, nhưng đó chưa phải là sách thông minh (smart book) như các nước.

Hẳn nhiên giáo dục cũng như tình hình tiếp cận sách số ở Việt Nam khác với các nước, nhưng nếu cứ loay hoay chuyện sách giấy với nhiều lý do mà không mạnh dạn mở ra sách số giữa chủ trương chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay thì nhiều năm tới giáo dục Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đau đầu về chuyện sách giáo khoa. Đó là chưa nói đến chuyện tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình xuất bản sách giấy.

 

LÝ QUÍ TRUNG (Đại học Western Sydney, Úc)
Nguồn Tuổi trẻ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây