Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Sài Gòn - một thoáng trong đại dịch

TP.Hồ Chí Minh – Sài Gòn của tôi đang trong những ngày đỉnh điểm căng thẳng. Chiều muộn một ngày cuối tháng 7- 2021, tôi chạy xe một vòng qua vài con phố Sài Gòn giữa mùa dịch Covid, khi con số F0 ở thành phố tăng chóng mặt, trên 5 ngàn ca mỗi ngày. Phố vắng gần hai tháng nay từ 5 đợt giãn cách nối tiếp. Rất nhiều những rào chắn, chốt kiểm soát, dây giăng lối vào khu vực hạn chế, công viên, chợ... Xao xác những cụm lá khô cuốn bay dọc phố.

Các cửa hiệu, hàng quán từ lâu đóng cửa im lìm, buồn bã. Chỉ còn những xe máy của shipper khoác áo xanh, vàng chở hàng hối hả lướt nhanh. Văng vẳng bốn bề tiếng còi xe cứu thương chở người F1, F0 đến nơi cách ly, chữa bệnh. Thật khó hình dung về một Sài Gòn đông đúc, sôi động, kẹt xe, ngập tràn hàng quán hôm qua.

111

PHẬN NGƯỜI BÊN HÈ PHỐ

Một buổi tối tôi vòng qua khu vực gần nhà ở ngã tư Bảy Hiền, dọc theo đường Lý Thường Kiệt, Trường Chinh (Q. Tân Bình) . Đây đó, những người khó khăn, cơ nhỡ trong mùa dịch ngồi rải rác trên vỉa hè, mắt ngóng ra đường chờ những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ.

Nhìn bộ dạng thì biết họ không phải là người xin ăn “chuyên nghiệp”. Vẫn còn nét chất phác, thật thà, rụt rè với khẩu trang che nửa mặt. Thi thoảng, những người tốt bụng chạy xe máy ngang qua dúi vào họ vài túi đồ ăn, rồi vội vã phóng đi. Hiếm hoi là những chiếc xe tải nhỏ dừng bánh, phát những túi gạo nhỏ, thùng mì tôm, bánh trái...

Phần đông họ là những người lao động giản đơn làm thuê ở các nhà xưởng, công trình, hàng quán, bán hàng rong... sống trong các phòng trọ rẻ tiền. Sài Gòn có cả triệu người mưu sinh như thế. Bình thường, tiền kiếm được vừa đủ trả tiền phòng, điện nước, ăn uống, sinh hoạt tối thiểu. Có dư chút đỉnh thì gom góp gửi về quê, hiếm khi tích giữ vì Sài Gòn không thiếu việc làm, không lo đói.

Nay mất việc kéo dài qua vài đợt giãn cách, họ trở nên túng quẫn. Đành muối mặt ra vỉa hè vật vạ ngồi trông nhờ những tấm lòng hảo tâm, bữa đói bữa no. Nhiều người ngủ luôn ở vỉa hè vì phòng trọ không còn tiền đóng, nhiều đêm mưa đành co ro nép vào một hiên nhà.

Sao không tạm lánh về quê? Muốn về cũng đâu có dễ. Đã có nhiều nơi không cho người từ Sài Gòn trở về, sợ lây bệnh. Có cho về thì cũng phải có giấy xét nghiệm âm tính, phải đi cách ly, sợ không có tiền đóng. Vả lại về quê mà không có tiền cũng đâu dễ sống. Đâu phải ai cũng còn nhà cửa, người ruột thịt ở quê, không lẽ nhờ hàng xóm cưu mang? Nên cũng ngại ngùng, đắn đo, bí bách... Đành vật vạ ở thành phố mong chờ hết dịch, hy vọng đi làm trở lại.

Chính quyền có hỗ trợ không? Có. Nhưng anh phải còn cư ngụ ở khu phố, phải có địa chỉ tạm trú để lên danh dach, phải xét xem có đúng đối tượng? Và nếu được thì số tiền khoảng 1,5 triệu đồng cũng không thấm vào đâu. Đành ra ngồi vỉa hè, trông chờ vào những tấm lòng hảo tâm, thấp thỏm từng bữa. Chưa kể chỗ tắm giặt, vệ sinh luôn là bài toán khó...

Thành phố cấm người dân ra đường từ 6 giờ chiều đến sáng hôm sau, nếu không có việc cần kíp theo quy định. Vậy là buổi tối không còn thấy những người chờ xin như trước. Không biết họ tạm lánh vào đâu, có kịp bám theo đoàn người hối hả rời bỏ Sài Gòn về quê?

NGHĨA TÌNH SÀI GÒN

Hai tháng giãn cách kéo dài, cuộc sống dân nghèo ngày càng khốn khó, cũng là lúc những nhóm từ thiện ở TPHCM mọc lên như nấm sau mưa mỗi ngày. Giúp người lúc khó khăn hoạn nạn đã trở thành một lẽ tự nhiên, ăn sâu vào máu của người dân thành phố hào hiệp, nghĩa tình này.

Họ tỏa đi các nơi tiếp tế gạo, rau, mỳ gói, cơm phần... cho các khu vực bị cách ly, cho vùng khó khăn, người cơ nhỡ. Đặc biệt, có những nhóm quan tâm trực tiếp đến các thầy thuốc đang ngày đêm căng mình trong các khu cách ly, điều trị covid.

Có một điều “lạ lùng” với Sài Gòn trong cơn đại dịch. Lâu nay người Sài Gòn có truyền thông giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào các nơi bị thiên tai, bão lũ. Hầu như chưa bao giờ có khái niệm cần giúp đỡ cho Sài Gòn. Thì nay khắp nơi, đặc biệt là nhiều tỉnh miền Trung, dấy lên phong trào gửi đồ tiếp tế cho TPHCM, nhất là lương thực, rau củ quả.

Đó không chỉ là nghĩa tình sau trước, mà dường như mọi người đều cảm nhận rằng giúp Sài Gòn cũng là giúp mình. Bởi rất đông người thân, bạn bè, con cháu đã và đang học tập, mưu sinh, lập nghiệp, được cưu mang trên mảnh đất này. Bởi Sài Gòn vốn là thành phố sôi động bậc nhất về kinh tế, đóng góp nhiều nhất cho cả nước. “Sài Gòn vì cả nước” và đến lượt “cả nước vì Sài Gòn”. Thật ấm áp biết bao!

Gia đình nhỏ của tôi, những ngày giãn cách kéo dài cũng từng phập phòng lo ngại thiếu thực phẩm, rau xanh... Vậy mà rồi mọi thứ đã chất đầy tủ lạnh, không phải do mua tích trữ, mà bởi người thân, bạn bè khắp nơi gửi hàng đến “cứu trợ”.

Ở xa, nhiều người lo lắng, thương cảm khi nghe số ca lây nhiễm ở Sài Gòn tăng lên chóng mặt từng ngày. Vậy là sốt ruột gọi hỏi thăm, động viên, gửi đồ tiếp tế, dù được báo là... tủ lạnh không còn chỗ chứa. Rất nhiều gia đình ở thành phố này cũng có được sự may mắn như gia đình tôi, nhờ sự quan tâm đó. Trong đại dịch, càng hiểu thêm mấy chữ “thành phố nghĩa tình”

CẢM PHỤC VÀ CẢM THÔNG

Những ngày căng thẳng, khó khăn này, đội ngũ y tế TPHCM và những người được tăng viện từ nơi khác đến thật đáng nể phục. Số ca nhiễm bệnh tăng cao, bệnh viện quá tải, thời gian điều trị kéo dài... khiến nhiều thầy thuốc gần như kiệt sức trong các bộ áo quần bảo hộ nóng bức.

Chỉ tính đến ngày 27.7, TP.Hồ Chí Minh đã có 74 ngàn ca F0. Số bệnh nhân đang điều trị trong các bệnh viện xấp xỉ 40 ngàn người, trong đó gần 800 bệnh nhân nặng. Cứu chữa cùng lúc cho gần 40 ngàn bệnh nhân Covid, tương ứng với ngần ấy giường bệnh, kèm theo các phương tiện y tế, thuốc men, đội ngũ y bác sỹ, hộ lý... và mỗi ngày có thêm trên dưới 5 ngàn người nhiễm mới, quả là điều không hề dễ dàng.

Một ví dụ để bạn dễ hình dung. Bệnh viện dã chiến số 1 của TP.Hồ Chí Minh hiện có khoảng 4.500 ca F0, với gần 250 y bác sĩ đang điều trị tại đây. Có nghĩa một y bác sĩ lo cho khoảng 200 bệnh nhân. Mỗi ngày ở đây có ít nhất 30 ca bệnh trở nặng cần cấp cứu chuyển lên tuyến trên. Nhưng bệnh viện chỉ có 2 xe cứu thương, có khi phải “dồn” 3-4 bệnh nhân trở nặng trên một xe.

Bình thường, các thầy thuốc thường xuyên tiếp xúc, xử lý các ca bệnh đã hết sức vất vả, căng thẳng. Nay những người trực tiếp điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải chịu áp lực, căng thẳng gấp nhiều lần. Bệnh dịch có thể lây nhiễn bất cứ lúc nào, dù đã tiêm vaccine và mặt đồ bảo hộ kín mít. Bằng chứng là đã có những nhân viên y tế tử vong dù đã được tiên phòng.

Thông thường, những bệnh nhân nặng thường có người nhà đi theo chăm sóc, phụ giúp vô số những việc không tên. Nay với bệnh nhân Covid, người nhà bị cách ly hoàn toàn. Vậy là ngoài việc chữa bệnh, đội ngũ thầy thuốc còn phải kiêm thêm nhiều khâu chăm sóc nặng nhọc, không tên khác. Đó là chưa kể tâm lý nhiều người bệnh cũng căng thẳng, bất thường, cáu gắt. Trong lúc đó, số ca F0 ngày càng tăng chóng mặt. Thiếu giường bệnh, phương tiện, thuốc men, đặc biệt là thiếu y bác sỹ điều trị.

Những ngày dịch giã này, bên cạch nghề thầy thuốc, có một nghề cũng đáng được trân trọng, cảm mến nhưng ít được quan tâm đến. Đó là đội ngũ đông đảo shipper ngày đêm cần mẫn chuyển hàng lương thực, thực phẩm (đa số mua bán trên mạng, hàng cứu trợ) đi khắp hang cùng ngõ hẻm thành phố.

Khi mà các chợ truyền thống phải đóng cửa, các siêu thị khan hiếm hàng và phải mua bán hạn chế, thì việc mua những mặt hàng thiết yếu trên mạng ngày càng nở rộ. Và đội ngũ shipper bỗng trở nên bận rộn, năng động hơn bao giờ hết. Thật khó hình dung cuộc sống những ngày này nếu không có họ

Tất nhiên ai đi làm cũng là để mưu sinh, nhưng đây là lúc nghề giao hàng phải chấp nhận rủi ro lây nhiễm Covid cao nhất, khi suốt ngày rong ruổi trên các tuyến đường, tiếp xúc gần với nhiều người lúc giao nhận hàng, tiền. Có lẽ cũng vì thế mà họ mang tiếng là những người dễ đi “phát tán” virus(?). Lẽ ra, đây là những người cần được ưu tiên tiêm vaccine trước tiên.

Đó là chưa kể họ phải vất vả tìm đường tránh qua các trạm, chốt khu vực hạn chế, cách ly. Bởi thế, một clip trên mạng về hình ảnh một anh shipper bị một ông dân phòng bạt tai tại một chốt nào đó đã gây nhiều bức xúc, dẫu chưa biết tường tận đúng sai thế nào. Nay thành phố lại vừa xiết chặt hơn những quy định với đội ngũ này. Không biết rồi các mặt hàng thiết yếu sẽ được vận chuyển đến từng nhà ra sao, nếu họ nản chí bỏ nghề?

Cuộc sống thì muôn màu, trong khi các quy định thì không thể bao quát hết. Câu hỏi thế nào là “hàng hóa thiết yếu” trong cuộc sống, để không vi phạm khi ra đường mua sắm, đã dẫn đến không ít chuyện bi hài, bức xúc. Chuyện một anh công nhân đi mua bánh mỳ bị xài xể, một người vợ đi mua bao cao su bị làm khó... là những ví dụ ngậm ngùi.

Tôi quen một chủ tiệm bán vật liệu xây dựng trên đường Lý Thường Kiệt ( Q Tân Bình). Dù bị yêu cầu đóng cửa hàng, anh vẫn phải lén bán cho những người quen biết, những khách hàng gọi qua điện thoại nài nỉ mua vài thứ thiết yếu. Ví dụ một vòi rửa chén bị hư, một đoạn ống nước bị vỡ, cái khóa cửa bị hỏng cần thay... Toàn những thứ chắc chắn không được coi là “mặt hàng thiết yếu”, nhưng lại không thể thiếu, không thể trì hoãn trong cuộc sống thường nhật. Khổ thế.

Cũng xin nói thêm về một bức xúc của người chủ tiệm này. Anh than thở: “Phải đóng cửa hàng chống dịch, vậy mà thuế vẫn bắt đóng như trước không giảm đồng nào?! Thuế là căn cứ vào việc kinh doanh, mua bán; nay đã cấm bán thì cũng cần miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chớ. Mỗi tháng tôi vẫn phải đóng trên dưới 20 triệu tiền thuế, lại lo duy trì cuộc sống tối thiểu cho các lao động ở đây, hỏi đào đâu ra? Sao chỉ biết vắt sữa bò mà không quan tâm nó sống chết ra sao?”.

Tôi chỉ biết an ủi anh rằng chắc rồi người ta sẽ điều chỉnh. Và thầm nghĩ, lẽ ra doanh nhân phải là những đối tượng được hỗ trợ, tiếp sức trong mùa dịch, ví dụ như ưu tiên tiêm vaccine sớm nhất. Bởi hơn ai hết, chính phủ biết tiền ngân sách phần lới từ họ mà có.

***

Những ngày cuối tháng 7-2021, dịch Covid vẫn lan mạnh, con số bệnh nhân F0 ở TP.Hồ Chí Minh vẫn duy trì ở mức trên dưới 5 ngàn ca mỗi ngày. Thành phố phập phồng trong nhịp sống bất thường, âu lo, gắng sức...

Bao giờ dịch bệnh mới chấm dứt, các bệnh viện thôi quá tải? Nếu tiếp tục kéo dài 1,2 đợt giãn cách nữa thì cầm cự nổi không, nhất là dân nghèo? Bao giờ Sài Gòn và cả nước trở lại cuộc sống bình thường, thanh bình xưa? Đó vẫn là những câu hỏi đáu đáu mỗi ngày, chưa có lời giải đáp.

Tất cả vẫn phải trông chờ vào sự nỗ lực của chính quyền, của các lực lượng chống dịch, của ý thức từng người dân... Có lẽ chỉ thật an tâm khi tỷ lệ tiêm vaccine được phủ kín, thuốc đặc hiệu trị Covid ( nghe nói nước ngoài vừa sáng chế) được tìm mua dễ dàng.

Đành đợi chờ trong gắng sức, trong thương yêu, sẻ chia; trong niềm tin và hy vọng... May thay, đó dường như là những phẩm chất có sẵn của người Việt Nam nói chung, người Sài Gòn nói riêng! 

TP HCM, 27/7/2021



Tác giả: Minh Phong
Nguồn Văn nghệ số 32/2021

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây