Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Trở lại Nguyên Hòa

Sau mấy trận mưa rào mùa hạ, cây đa La Tiến gần 200 tuổi- chứng nhân những cuộc thảm sát bi thương do thực dân Pháp gây ra cho chiến sỹ, đồng bào ta những năm 1949-1954, cành lá xum xuê hơn, tốt xanh dời dợi. Dưới nắng chiều hè gay gắt, bóng cây đa La Tiến cổ thụ cao to sừng sững, đổ dài che mát cả một không gian rộng rãi. Dòng sông Luộc, con nước duềnh lên trông  như dải lụa mềm chạy qua địa bàn xã Nguyên Hòa vẫn ngày đêm âm thầm cuộn chảy, lặng lẽ hiến dâng cho đời nguồn nước phù xa tưới mát ruộng lúa, bãi ngô, cây trái đôi bờ.
111
Di tích lịch sử cây đa La Tiến
Tấm bia căm thù giặc Pháp và tay sai được chính quyền và nhân dân xã Nguyên Hòa xây dựng từ năm 1956 vẫn đứng nghiêm trang như tạc vào năm tháng, không gian nơi đây tội ác trời không dung, đất không tha khi kẻ thù đem quân chiếm đóng, dựng đồn bốt dày xéo, tàn sát cán bộ, nhân dân trên địa bàn và những vùng lân cận của hai tỉnh Hải Dương, Thái Bình.

Nằm sát bờ sông Luộc, ngay cạnh cây đa La Tiến là Đền La Tiến trang nghiêm và linh thiêng thờ vong linh các anh hùng liệt sỹ, đồng chí và đồng bào ta bị địch giết hại ngay tại bốt và cây đa La Tiến này. Đền được xây dựng và khánh thành vào dịp 27.7.2010, nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thương binh-liệt sỹ. Ngôi đền có lối kiến trúc truyền thống kiểu chữ đinh gồm 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Tiền tế được xây dựng kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, giữa đường bờ nóc đắp hình cuốn thư ghi 3 chữ “La Tiến từ” (tức đền La Tiến). Tại gian giữa tiền tế là ban thờ vong linh các anh hùng liệt sỹ, đồng chí và đồng báo ta bị giặc pháp giết hại. Phía trên ban thờ là bức đại tự “vị nước quên thân” nghĩa là vì nước quên thân mình. Gian bên phải khu tiền tế là ban thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, gian trái khu tiền tế là ban thờ bái vọng thành hoàng làng. Sau tiền tế là hậu cung, tại đây bài trí một nhang án bằng đá, 3 mặt chạm khắc công phu, tỷ mỉ đề tài hoa sen và lá đề, hoa thị. Trên nhang án là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được tọa lạc ở tư thế ngồi, làm từ chất liệu đồng.

Từ trong ngôi đền, lan tỏa ra không gian mùi hương trầm tưởng nhớ, thơm thơm dịu nhẹ, tôi hồi tưởng về những tháng năm đau thương khi thực dân Pháp cho quân chiếm đóng, xây dựng đồn bốt trên mảnh đất La Tiến để đàn áp phong trào cách mạng, giết hại chiến sỹ, đồng bào, đồng chí của ta. Theo cuốn Phù Cừ lịch sử kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 1945-2005: Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, ngày 23.9.1945 thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn mở đầu cuộc xâm lược đất nước ta lần thứ hai, sau đó chúng đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, đưa quân trái phép vào Đà Nẵng, Hải Dương, ...trước tình thế  ấy, để cứu nguy đất nước, giữ vững thành quả Cách mạng Tháng Tám,  đêm ngày 19.12.1946 chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến” với tinh thần “...thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”, Người kêu gọi “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Hỡi anh em binh sỹ, tự vệ, dân quân giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước”. Hưởng ứng lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, cùng với các địa phương khác, chính quyền, nhân dân xã Nguyên Hòa vừa tích cực tăng gia sản xuất để diệt giặc đói, vừa tham gia các lớp bình dân học vụ để diệt giặc dốt, đồng thời chuẩn bị lực lượng, xây dựng làng kháng chiến chống Pháp xâm lược.                                                       

Sau một thời gian gây hấn, chiếm đóng trái phép nhiều nơi trên đất nước ta, ngày 22.12.1949 Pháp triển khai chiến dịch Đi-a-bô-lô. Mục đích chính của chiến dịch này là hòng chiếm nốt vùng tự do phía nam tỉnh ta, cùng với các chiến dịch khác hoàn thành đánh chiến toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ, chiếm kho người kho của để thực hiện chiến lược “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” . Một ngày sau, tức ngày 23.12.1949 quân Pháp đánh chiếm La Tiến, một vùng đất tự do có vị trí chiến lược trọng yếu về quân sự, hệ thống giao thông thủy bộ thuận tiện cho việc chuyển quân, vận chuyển lương thực, thực phẩm, mặt khác La Tiến là địa bàn trung tâm của xã Nguyên Hòa, có phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Chiếm được La Tiến, giặc Pháp cho xây dựng đồn bốt tại đây để án ngữ phía nam tỉnh Hưng Yên, phía bắc tỉnh Thái Bình và phía tây nam tỉnh Hải Dương nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của, súng đạn, lương thực, thực phẩm của quân ta cũng như đàn áp phong trào cách mạng của quân và dân Phù Cừ và các vùng lân cận.

Ngay từ khi chiếm đóng, xây dựng bốt ở La Tiến, quân giặc đã vào làng càn quét khủng bố dân thường một cách tàn bạo, chúng  phá dỡ đình, chùa, trường học, sục sạo bắt dân đi phu, xây bốt, đắp đường giao thông, khuân vác dụng cụ, phương tiện phục vụ quân lính đi càn quét, đốt phá, cướp bóc, bắt bớ đồng bào, đồng chí ta. Từ năm 1949-1954, tại bốt và cây đa La Tiến giặc pháp đã giết hại 1145 đồng chí, chiến sỹ cách mạng, đồng bào ta bằng nhiều hành động dã man, tàn bạo như lấy dây thép xâu qua bàn tay nhiều người rồi thả cả “dây người” xuống dòng sông Luộc, treo người lên cành cây đa đóng đinh vào bàn tay, bàn chân, tra tấn, không ít người bị chúng giết hại bằng cách chọc tiết, cắt cổ, chặt đầu...Trong số đồng chí, chiến sỹ, đồng bào ta bị sát hại có nữ anh hùng liệt sỹ Trần Thị Khang (tức Vũ Thị Kính) quê ở xã Xuân Dục thị xã Mỹ Hào, là em gái ruột đồng chí Trần Phương nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Lúc bị địch bắt chị Khang là Hội trưởng phụ nữ huyện Phù Cừ kiêm chỉ huy Đội nữ du kích Hoàng Ngân huyện.

Về phía quân và dân ta, thực hiện đường lối trường kỳ kháng chiến, các chiến dịch lớn như Việt Bắc Thu- Đông năm 1947, chiến dịch Đông xuân 1953-1954 đã giành nhiều thắng lợi. Trên đà thắng lợi ấy, đêm ngày 31.1.1954, quân ta đã tiêu diệt vị trí bốt La Tiến, tiêu diệt 1 đại đội tăng cường của địch gồm 150 tên, thu nhiều vũ khí, súng đạn, làm nức lòng quân và dân các huyện trong vùng, tạo nên một khí thế mới, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.
111
Thế hệ trẻ huyện Phù Cừ tìm hiểu về truyền thống quê hương
Giờ đây La Tiến Nguyên Hòa đã có nhiều đổi thay, cuộc sống mới hiện hữu với con đường từ trung tâm huyện lỵ Phù Cừ về tới La Tiến đã được mở rộng, rải nhựa phằng lỳ, bến phà La Tiến nối với tỉnh Thái Bình đã được thay bằng cây cầu bê tông cốt thép vững chắc. Các trường học, trạm y tế, đường liên thôn, đường xóm trên địa bàn xã được xây dựng khang trang. “Vụng quạ”- một khúc cong của dòng sông luộc cách Đền và cây đa La Tiến không xa đã bình yên trở lại, hình ảnh xác người dật dờ, trôi dạt ven sông làm mồi cho lũ quạ đen khi xưa chỉ còn là ký ức đau thương khi nhớ về La Tiến những năm 1949-1954. Liệt sỹ -Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Khang được tôn vinh tại Nhà lưu niệm lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân Hưng Yên và liệt sỹ -Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Khang ngay trên quê hương chị thôn Xuân Nhân xã Xuân Dục thị xã Mỹ Hào.
                                                                                  
 
Nguyễn Công Đản
 

* Bài có sử dụng một số tư liệu trong cuốn Phù Cừ Lịch sử kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc 1945-1954.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây