Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Vì sao các kiến trúc sư phản đối xây cầu gần 9.000 tỷ đồng mang phong cách "xứ Đông Dương" ở Hà Nội?

Các chuyên gia, kiến trúc sư cho rằng, cây cầu Trần Hưng Đạo với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 9.000 tỷ đồng phải mang giá trị biểu tượng của Thủ đô Hà Nội chứ không phải là kiến trúc mang phong cách "xứ Đông Dương".

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã có văn bản trình UBND TP.Hà Nội kết quả phê duyệt phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo bắc qua sông Hồng.

Theo đó, đây là dự án cầu BOT đầu tiên của Hà Nội, cầu Trần Hưng Đạo có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 8.938 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước tham gia là 4.204 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BOT khoảng 4.204 tỷ đồng.
Cầu có kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển "xứ Đông Dương" kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp và bờ bắc - khu vực phát triển mới bắc sông Hồng.

111
Hình ảnh mô phỏng kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được lựa chọn. Ảnh: Ban QLDA.

Phương án được nhấn mạnh sẽ mang dáng vẻ cổ điển, gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính. Sơ đồ nhịp 102+4x156+102, chiều dài cầu 828 m, bề mặt cầu 31 m, với 6 làn xe. Kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, thép và dây văng; khổ thông thuyền sông cấp II, tĩnh không đường chui dưới cầu 4,75 m.

Tuy nhiên ngay khi thông tin này được công bố, không ít ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia, kiến trúc sư (KTS).

Nhiều "hạt sạn"

Trao đổi với Dân Việt, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội cho rằng: Hà Nội đã xây dựng rất nhiều cây cầu bắc qua sông và không nhận được nhiều ý kiến của dư luận, nhưng tại sao cây cầu Trần Hưng Đạo lại nhận được nhiều ý kiến của giới KTS, nghệ thuật, chuyên môn khoa học lịch sử…Bởi vì ở thời điểm này cây cầu không chỉ mang ý nghĩa về việc đi lại mà còn là biểu tượng của Hà Nội.

"Vậy, nếu Thành phố lại tuyển chọn một phương án có nhiều 'hạt sạn" đến thế thì không chấp nhận được", ông Ánh nói.

111
KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội. Ảnh: NVCC.

Lý giải cho nhận định trên, KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh, hiện nay, với vai trò quan trọng của cây cầu Trần Hưng Đạo sẽ không thể thoát khỏi một cuộc thi tuyển kiến trúc theo Luật Kiến trúc quy định tại Điều 19 Nghị định 88 hướng dẫn Luật.

"Và phải có Hội đồng thi tuyển kiến trúc theo đúng quy chuẩn chứ không có Hội đồng tuyển chọn. Không thể lách luật, chưa thi mà đã 'chìa' ra những điều đó là không đúng", ông nói.

Bên cạnh đó, theo KTS Trần Huy Ánh, những người định danh cho cây cầu Trần Hưng Đạo phong cách kiến trúc "cổ điển hay Đông Dương" đều rất tùy tiện, không có thực và tồn tại danh xưng này trong giới nghiên cứu.

"Đây gọi là cóp nhặt các hình thức xa lạ đã cũ kỹ được xây dựng từ nhiều năm trước và những biến thể của Trung Quốc của Xô Viết (nước Nga cũ) rồi chắp vào các kết cấu hiện đại, khoác vào nó những cái mơ hồ, tùy hứng", ông Ánh nói và cho rằng, giới khoa học nghiên cứu về biểu tượng học, ký tượng học, nghệ thuật thị giác đều rất ngỡ ngàng trước những đánh giá nhận diện của Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo vì nó không phản ánh lý luận, lập luận khoa học và rất chủ quan.

111
KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam. Ảnh: Reatimes.

Đóng góp ý kiến về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam bày tỏ rất ngạc nhiên khi người ta lại lấy tên "xứ Đông Dương" cho kiến trúc một cây cầu hiện đại được xây dựng ở thế kỷ 21.

"Là một KTS, nghiên cứu về kiến trúc đô thị, tôi không thấy có cái gọi là phong cách kiến trúc "xứ Đông Dương" mà chỉ có phong cách kiến trúc Đông Dương do KTS người Pháp Ernest Hébrard sáng lập, một hình thức kiến trúc giao thoa hai nền văn hóa Việt - Pháp truyền thống, được xây dựng tại Hà Nội những năm 1920 - 1930 của thế kỷ 20…", ông Tùng nói.

Nhận định về thiết kế của cây cầu, vị KTS là Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, cầu Trần Hưng Đạo được lựa chọn phương án xây cứng nhưng lại được thiết kế các trụ tháp như kiểu cầu dây văng với rất nhiều chi tiết hoài cổ rối rắm.

"Bản thân là một KTS, một chuyên gia độc lập, tôi không ủng hộ phương án kiến trúc cầu này. Và đã đến lúc Hội đồng tuyển chọn cũng cần lên tiếng vì sao lại chọn phương án xứ Đông Dương trên", ông Tùng nhấn mạnh.

111
Kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo mang phong cách cổ điển xứ Đông Dương kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp, Đông Dương sang bờ Bắc khu vực phát triển mới Bắc sông Hồng. Ảnh: Ban QLDA.

Cây cầu phải là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội

KTS Phạm Thanh Tùng cũng thẳng thắn cho rằng, đã có sai lầm về "nhận thức" đối với việc chọn ý tưởng thiết kế kiến trúc cho cây cầu này. Cầu Trần Hưng Đạo - theo góp ý của ông Tùng phải phản ánh đúng tầm vóc Thủ đô Hà Nội. Thời đại nào thì có nền kiến trúc đó, kiến trúc của cây cầu này cũng phải thể hiện được điều đó.

Bên cạnh đó, theo KTS Phạm Thanh Tùng, mức đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng xây dựng cầu không phải con số nhỏ trong bối cảnh chúng ta đang tập trung phòng, chống dịch Covid-19, do đó nó phải xứng đáng khi được đặt ở vị trí đắc địa như thế.

Ông nhấn mạnh, hiện nay cây cầu không chỉ là công trình giao thông mà còn là điểm nhấn trong đô thị. Đặc biệt là cây cầu bắc qua sông Hồng, biểu tượng của Hà Nội và nó như một cửa ngõ để khi người ta từ phía Bắc về Hà Nội, qua cầu Trần Hưng Đạo sẽ cảm nhận được đặc trưng của Hà Nội. 

Như vậy, cây cầu Trần Hưng Đạo phải mang tính biểu tượng của Thủ đô. "Đề nghị Thành phố thi tuyển kiến trúc, sau đó triển lãm lấy ý kiến của người dân", ông Tùng đề xuất.
 

111
Theo đơn vị tư vấn thiết kế, phương án được lựa chọn thi công có sơ đồ nhịp 102+4x156+102,
chiều dài cầu 828 m, bề rộng cầu 33 m (6 làn xe). Ảnh: Ban QLDA.

Góp ý thêm, KTS Trần Huy Ánh đặt vấn đề: Riêng về kỹ thuật, nếu cây cầu này ra đời, cộng đồng xã hội sẽ hỏi rằng, những cây cầu hàng trăm triệu đô la có lưu không cao đến 11m trước đây như Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân... phải chăng là những đầu tư quá lãng phí trước đây, vì thực tế cầu này chỉ cao hơn mặt nước 4,75m. "Vậy tiêu chuẩn kỹ thuật của cây cầu này dựa vào đâu để xây cao chỉ 4,75m", ông Ánh đặt câu hỏi.

"Nếu chỉ cần phải đi lại thì chỉ cần xây một cây cầu giống như cầu Vĩnh Tuy với 8 làn xe với 5.000 tỷ đồng chứ không cần xây một cây cầu có 'nhiều sạn' như vậy để làm gì", ông Ánh nói thêm.

Đáng chú ý, vị KTS là Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội cho rằng, cây cầu Trần Hưng Đạo muốn được các cơ quan chức năng xem xét phê duyệt thì phải tuân thủ 2 đồ án quy hoạch hiện nay của Hà Nội là "Quy hoạch phân khu sông Hồng" và "Quy hoạch điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Hà Nội". 

"Cả hai quy hoạch này đến nay vẫn đang dang dở vậy cơ sở nào để phê duyệt cây cầu này và muốn xây dựng cây cầu này thì không thể lách luật và thoát khỏi một cuộc thi tuyển. Điều này đã được Sở Kế hoạch và đầu tư báo cáo với UBND TP.Hà Nội - coi dây là điều kiện bắt buộc các bên liên quan phải thực hiện", KTS Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Cần thi tuyển phương án kiến trúc, lấy ý kiến cộng đồng

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, việc xây dựng cây cầu Trần Hưng Đạo nằm trong chủ trương xây dựng 18 cây cầu bắc qua sông Hồng theo đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cây cầu này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô những năm tới.

Ông Tùng bày tỏ rất ủng hộ chủ trương này, tuy nhiên ông cho rằng, đây là công trình đặc biệt, nằm trong quy hoạch được duyệt, vì thế theo Luật Kiến trúc, cần phải được thi tuyển kiến trúc với nhiều tổ chức tư vấn kiến trúc có uy tín tham gia, chứ không phải là cuộc tuyển chọn với vài ba phương án do một đơn vị tư vấn lập.

Song song với đó là phải triển lãm các đồ án dự thi cho nhân dân xem, góp ý. Bởi nhân dân sẽ là đối tượng hưởng thụ, sử dụng công trình giao thông đặc biệt qua sông Hồng này sau khi xây dựng.

Trả lời báo chí, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh, việc thiết kế cầu Trần Hưng Đạo cần phải được đặt trong tổng thể quy hoạch chung của Thủ đô và quy hoạch phân khu đã được duyệt.

Do đó, đơn vị thiết kế cần phải có cái nhìn bao quát, bám sát vào quy hoạch phân khu để không bị phá vỡ quy hoạch phân khu, không "lạc lõng" trong quy hoạch tổng thể. Đặc biệt phải đảm bảo tính kết nối với các vùng hai bên đầu cầu không chỉ về mặt giao thông mà còn cả về mặt giao thoa văn hóa, hài hòa với không gian kiến trúc tổng thể.

"Ngoài việc thi tuyển phương án thiết kế theo quy định còn phải lấy ý kiến của cộng đồng. Cây cầu là biểu tượng của địa phương, của đất nước, là lợi ích chung của cả xã hội chứ không của riêng ai, nên không thể lựa chọn theo theo cách áp đặt. Cho nên, chọn thiết kế sao cho phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống, nhận được sự đồng thuận từ đại đa số các chuyên gia và người dân", KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Như Dân Việt đưa tin, ngày 1/9, tại văn bản 2880, UBND TP.Hà Nội đã nhất trí với đề xuất phương án thiết kế kiến trúc của Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông và chấp thuận giao Công ty cổ phần Him Lam lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Trần Hưng Đạo theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định.

UBND TP.Hà Nội yêu cầu Công ty cổ phần Him Lam có trách nhiệm liên hệ với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông đề xuất UBND TP Hà Nội để được cung cấp thông tin và kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, làm cơ sở lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư…


Theo Thành An/Dân Việt

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây