Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Vì sao sách giáo khoa nhiều lỗi?

Nghị trường Quốc hội hồi tháng Sáu nóng lên vì chất lượng sách giáo khoa và giá sách giáo khoa cao gấp ba, bốn lần sách giáo khoa cũ. Đặc biệt, trong khi chất lượng sách giáo khoa còn nhiều vấn đề khiến dư luận bức xúc thì kết quả thanh tra hoạt động kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam lại đạt một doanh số bán ra và một nguồn lợi khủng, mặc dù trong thời gian trước đó không lâu, người đứng đầu NXBGDVN vẫn thường xuyên kêu con số lỗ lên tới 4 tỷ đồng mỗi năm.
111
Vậy, nguyên nhân cơ bản nào đã khiến sách giáo khoa của NXBGDVN mắc nhiều lỗi từ kiến thức cơ bản đến ngữ liệu, hình ảnh không phù hợp với giáo dục đạo đức cho học sinh; đặc biệt là không thực hiện đúng quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ban hành kèm theo Thông tư 32/2018 của Bộ Giáo dục & Đào tạo (Bộ GD&ĐT )?

Để xác định nguyên nhân khiến những cuốn sách giáo khoa của NXBGDVN, đặc biệt là sách giáo khoa thuộc bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” mắc nhiều lỗi, người ta có thể xem xét từ nhiều góc độ khác nhau. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới ba vấn đề chính. Đó là chất lượng đội ngũ “chuyên gia” viết sách giáo khoa, chất lượng đội ngũ “chuyên gia” thẩm định sách giáo khoa, và mối liên hệ giữa người viết sách giáo khoa, NXBGDVN với người thẩm định sách giáo khoa.

Trước hết, nói về đội ngũ những người tham gia viết sách giáo khoa của bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

Theo mục a, khoản 1 Điều 11, Thông tư 33/2017 của Bộ GD&ĐT thì tiêu chuẩn của cá nhân biên soạn sách giáo khoa là “có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn hợp với sách giáo khoa được biên soạn”. Tuy rằng “am hiểu về khoa học giáo dục” là một tiêu chí còn chung chung, nhưng kết hợp với tiêu chí “có chuyên môn hợp với sách giáo khoa được biên soạn” thì phải hiểu là: người viết sách cho học sinh cấp học nào phải am hiểu về cấp học đó. Bộ GD&ĐT cần rà soát lại cơ cấu chuyên gia biên soạn sách giáo khoa tại các NXB, từ tổng chủ biên, chủ biên đến các tác giả sách giáo khoa xem, có bao nhiêu phần trăm những người biên soạn sách giáo khoa đã gắn bó, giảng dạy ở các trường phổ thông, các khoa đào tạo giáo viên phổ thông, viết giáo trình về phương pháp giảng dạy mà lại được tuyển mời vào viết sách giáo khoa phổ thông. Họ có đúng là chuyên gia của cấp học không? Không phải cứ là những người có học hàm, học vị cao, không có hiểu biết về tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần, khả năng tiếp thu của trẻ, mà có thể đứng lớp hoặc viết sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh tiểu học được. Đối chiếu với quy định này,  phải chăng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 và lớp 2 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” của NXBGDVN mắc những lỗi trầm trọng, dư luận đã gần như “cầm tay chỉ việc” mà cho đến nay tác giả vẫn loay hoay, chưa biết sửa thế nào là do tổng chủ biên, chủ biên và tác giả của bộ sách còn thiếu những kiến thức cơ bản về giáo dục tiểu học gây ra không? Cũng như vậy, sách giáo khoa Ngữ văn 6 và sách giáo khoa Khoa học tự nhiên 6 cũng mắc những lỗi rất cơ bản về kiến thức, đặc biệt là không tuân thủ quy định về nội dung lớp học, cấp học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong những cái tên in trên bìa sách, từ tổng chủ biên, chủ biên đến tác giả các cuốn sách giáo khoa này không thấy những cái tên thường xuất hiện trong ngành giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục phổ thông nói chung. Ngành giáo dục phổ thông đã được xây dựng và phát triển trong suốt chiều dài của lịch sử xây dựng và phát triển của đất nước; chúng ta lại có cả một hệ thống các trường sư phạm, chẳng lẽ NXBGDVN lại không thể tìm được những chuyên gia, những thầy cô thực sự hiểu biết về giáo dục phổ thông để viết sách giáo khoa hay sao?

Liệu đội ngũ “chuyên gia” này trước khi viết sách giáo khoa đã đọc kỹ những quy đinh của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hay chưa?

Câu hỏi thứ hai là: Đội ngũ “chuyên gia” thẩm định sách giáo khoa đã ngồi đúng vị trí ngành nghề và chuyên môn hay chưa?

Thẩm định sách giáo khoa thực chất là công việc của một tập thể “KCS” , nhằm đối chiếu những cuốn sách giáo khoa đã được viết xong với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với kiến thức khoa học và thực tế dạy - học; nếu thấy bất kỳ lỗi nào thì phải yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung, để sách giáo khoa sau khi được hội đồng thẩm định thông qua đảm bảo chất lượng cả về hình thức, nội dung và tính ứng dụng. Muốn thực hiện được điều đó, từ chủ tịch hội đồng đến các thành viên của hội đồng thẩm định sách giáo khoa đều phải có kiến thức về giáo dục phổ thông nói chung và từng cấp học nói riêng. Bộ GD&ĐT nên rà soát lại thành viên của các hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã thẩm định từng quyển sách xem có bao nhiêu phần trăm thành viên hội đồng đáp ứng đầy đủ những tiêu chí vừa nêu. Xin lưu ý rằng, về nội dung, sách giáo khoa phổ thông không đòi hỏi nhiều kiến thức cao siêu, mà điều cốt lõi là những kiến thức cơ bản được trình bày trong sách giáo khoa có đúng với Chương trình giáo dục phổ thông, có đáp ứng được mục tiêu giáo dục của từng cấp học, có tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên và học sinh sử dụng trong dạy và học hay không. Điều đó đòi hỏi các thành viên của hội đồng thẩm định phải là nhà sư phạm của cấp học tương ứng và phải hiểu thấu đáo Chương trình giáo dục phổ thông.

Một vấn đề nữa mà công luận và cử tri cả nước quan tâm liên quan đến chất lượng sách giáo khoa là:  “Mối quan hệ của một số thành viên hội đồng thẩm định với các nhà xuất bản “làm” sách giáo khoa, mối quan hệ và lợi ích của các công chức của Bộ GD&ĐT với các nhà xuất bản này thế nào?” Đây là một vấn đề có tác động mạnh mẽ tới công việc thẩm định sách giáo khoa. Thiết nghĩ, để trả lời câu hỏi này, Bộ GD&ĐT cần kiểm tra một cách nghiêm túc xem, có bao nhiêu thành viên hội đồng thẩm định sách giáo khoa được các nhà xuất bản “mời” viết những cuốn sách “ăn theo” sách giáo khoa. Trong nhiều thập kỷ qua, Bộ GD&ĐT luôn áp dụng nguyên tắc của luật hồi tỵ vào quản lý thi cử ở các cấp, thể hiện rõ tính nghiêm minh trong thực thi nhiệm vụ. Tiếc rằng Thông tư 33/2017, thậm chí cả Thông tư 05/2022 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 33/2017, Bộ GD&ĐT đều bỏ qua nguyên tắc này trong quản lý khâu thẩm định sách giáo khoa!

Pháp luật quy định: “Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh, định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, nghề nghiệp, giới tính, lứa tuổi và địa vị xã hội…”

Như vậy, sách giáo khoa đóng vai trò rất quan trọng trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Thiết nghĩ, để không tái diễn tình trạng sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục lỗi chồng lỗi, những người có trách nhiệm của ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm tới công tác lựa chọn những chuyên gia vừa có chuyên môn giỏi, lại có kiến thức sư phạm và am hiểu thực tế tham gia viết sách giáo khoa, thẩm định sách giáo khoa, thực hiện những nguyên tắc sơ đẳng của pháp luật về các công việc này. Làm được như vậy chắc chắn ngành giáo dục sẽ có những bộ sách giáo khoa đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân về đổi mới giáo dục.

 

Tác giả Song Phượng/Văn nghệ

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây