Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Vua Minh Mạng cho tế cả quân Nam quân Bắc

Theo Đại Nam thực lực của Quốc sử Quán triều Nguyễn, vào tháng 9 năm 1821, nhà vua Minh Mạng có chuyến Bắc tuần đầu tiên để dự lễ phong vương của nhà Thanh và thị sát các dinh trấn phía Bắc. Theo bang giao khi đó và cũng như nhiều triều đại trước, Trung Quốc là nước lớn có quyền phong vương cho các vua nước nhỏ và nước nhỏ phải triều cống cho Trung Quốc. Do vậy vua Minh Mạng cùng đoàn quan quân tùy tùng hàng ngàn người phải ra Hà Nội nhận lễ phong vương. (Vua Minh Mạng sinh năm 1791, là vị vua thứ 2 của triều Nguyễn, lên ngôi năm 1820 khi vua cha là Gia Long mất).
111
Sau 5 ngày đi thuyền, nhà vua và tùy tùng tới thành Quảng Bình. (Quảng Bình cách Huế khoảng 200 km). Tại đây, nhà vua cùng với thị thần bàn việc Nam Bắc phân tranh - nội chiến Trịnh Nguyễn đàng Trong đàng Ngoài

Cuộc chiến đàng Trong đàng Ngoài kéo dài gần 200 năm với 8 trận đánh lớn kể từ ngày Nguyễn Hoàng xin đi trấn thủ miền đất xa xôi hiểm trở và nghèo khó là Thuận Hóa - Vùng đất của Thừa Thiên Huế và một phần đất của Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay để tránh họa từ người anh rể là Trịnh Kiểm. (Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa năm 1559). Những trận chiến Nam Bắc - Đàng Trong đàng Ngoài kéo dài mãi tới năm 1774, khi chúa Trịnh Sâm thân cầm quân Nam chinh và đánh bật quân nhà Nguyễn ra khỏi Thuận Hóa. Lịch sử Việt Nam chứng kiến nội chiến Trịnh Nguyễn phân tranh huynh đệ tương tàn, hàng vạn quân sĩ của hai bên tử nạn... Năm 1802, thân phụ nhà vua Minh Mạng là Nguyễn Ánh (vua Gia Long) đã chiếm lại được Thuận Hóa và lập kinh đô tại Phú Xuân, tức Huế ngày nay.

Trở lại với chuyến Bắc tuần vào tháng 9/1821 của vua Minh Mạng, khi tới thành Quảng Bình, là địa bàn có sông Gianh - con sông từng được coi là giới tuyến đàng Trong đàng Ngoài - nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt của chúa Trịnh và chúa Nguyễn, vua Minh Mạng cho lập đàn cúng “tế tướng sĩ trận vong Nam Bắc (đàn nam tế tướng sĩ thời quốc sơ, đàn bắc tế tướng sĩ quân miền Bắc” (Đại Nam thực lục, tập 2, trang 158). Như vậy là, ngoài tế các tướng sĩ của quân nhà Nguyễn chết trân, thì vua Minh Mạng cho cúng tế cả các tướng sĩ ngoài Bắc là quân của chúa Trịnh đã chết trong cuộc chiến. Thực ra, tướng sĩ ngoài Bắc thuộc quân chúa Trịnh từng đánh đàng Trong là kẻ thù của nhà vua Minh Mạng. Đội quân đó hàng trăm năm trực tiếp đánh nhau với ông cha, cụ kỵ của nhà vua, mà nhà vua vẫn cho cúng tế. Điều đó cho thấy vua Minh Mạng đã làm được “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” như tiên sinh Nguyễn Trãi từng dạy. Vua Minh Mạng dụ rằng: “Khi các thánh mới bắt đầu mở nghiệp, chỗ này là chiến địa, là chỗ vùi ngọc của các tướng sĩ vì nước bỏ mình. Người Bắc chống nhau với ta, không khỏi không bị đâm chém, nhưng đều vì chúa mà bỏ mình thôi. Nhìn lại dấu cũ, bỗng lòng cảm thương. Vậy sai đình thần làm hai đàn tế Nam Bắc, mà đàn Nam lễ thì phẩm hậu hơn để tỏ hơn kém” (Đại Nam thực lục, tập 2 trang 158).

Theo Đại Nam thực lục, vua Minh Mạng sai vị quan đầu triều lúc bấy giờ là Trịnh Hoài Đức thay nhà vua ra cúng tế.

Chuyến Bắc tuần năm đó, vua Minh Mạng ở Hà Nội hơn 3 tháng. Ngày 19 tháng Chạp, vua nhận lễ phong vương, ngày 20, vua Minh Mạng rời Hà Nội về Huế gấp. Ngày 22 nhà vua về đến Thanh Hóa và sai quan sửa lễ tạ Nguyên miếu thờ Nguyễn Kim.  Sau 11 ngày, lúc đi thủy, khi đi bộ, đúng ngày mồng 1 Tết Đinh Mùi 1822, nhà vua về đến Kinh đô.


 
Công Đán
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây