Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Anh Phan Khắc Hải như tôi biết

 Nhìn vóc dáng khoẻ mạnh, tràn đầy khí chất và năng lượng, cả  trong lời nói và việc làm của anh, không ai nghĩ anh Phan Khắc Hải- nguyên Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã tròn 80 tuổi. Một cuộc đời lao động sáng tạo, chiến đấu và cống hiến thật đáng tự hào.
111
Nhà báo Phan Khắc Hải và các cán bộ Cơ quan Trung ương Hội nhà báo Việt Nam thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mặc dù cái tên Phong Hải (bút danh của anh Phan Khắc Hải) từ lâu tôi và một số anh em báo chí trong quân đội đã nghe, nhưng đến năm 1989, tôi vẫn chưa một lần được gặp mặt anh. Vì thế, ngày anh Phan Khắc Hải từ Cục chính trị Quân khu 4 về nhận nhiệm vụ Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân thay Thiếu tướng Trần Công Mân nghỉ hưu và chuyển về công tác ở Hội Nhà báo Việt Nam với cương vị Phó Tổng thư ký thường trực, tôi và anh em ở toà soạn đều có tâm lý mong đợi người cầm lái mới của tờ báo với nhiều kỳ vọng.

Trước khi được điều về nhận công tác tại Cục chính trị Quân khu Bốn, anh Phan Khắc Hải đã từng công tác tại Tạp chí Quân đội nhân dân (nay là tạp chí Quốc phòng toàn dân) với cương vị là biên tập viên, chuyên viên về công tác Đảng- công tác chính trị. Với tác phong sâu sát, gần gũi, trân trọng mọi người, anh Phan Khắc Hải đã nhanh chóng nắm bắt công việc ở một tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, toàn quân, toàn dân ta tin cậy, yêu mến.

Những thế mạnh vốn có của tờ báo, xây đắp từ các thế hệ trước được anh Hải kế tục và phát huy. Nhiều tác phẩm xuất sắc thuộc các thể loại chủ lực như xã luận, bình luận, chuyên luận, phóng sự điều tra, bút ký, ký sự… về các lĩnh vực chính trị - tư tưởng,  quốc phòng- anh ninh, kinh tế - xã hội, văn hoá - thể thao, văn học - nghệ thuật, quan hệ quốc tế - đối ngoại,… được anh chỉ đạo, xuất hiện thường xuyên, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, vị thế và uy tín cao của Báo Quân đội nhân dân.

Bên cạnh việc tiếp tục nêu cao tính chiến đấu của tờ báo trong lĩnh vực chống tham nhũng, tiêu cực - một lĩnh vực mà báo Quân đội nhân dân được đánh giá là “đã nã những loạt đại bác vang dội” thời Tổng biên tập Trần Công Mân - anh Phan Khắc Hải cũng rất chú trọng việc xây dựng các điển hình tiên tiến với nhiều loạt bài có sức lan toả mạnh.

Bằng thái độ khiêm tốn, cầu thị, thẳng thắn và chân thành, anh Phan Khắc Hải luôn chú ý lắng nghe, chắt lọc và tiếp thu ý kiến của anh em, cổ vũ, động viên người làm báo ở mọi khâu nêu cao tinh thần chủ động, không ngừng đổi mới cải tiến, nâng cao chất lượng các ấn phẩm.

Nổi bật nhất là dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh, chuyên mục “Chống diễn biến hoà bình” xuất hiện trên báo Quân đội nhân dân vào thời điểm cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị - tư tưởng đang diễn ra vô cùng quyết liệt sau sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu.

Đây là chuyên mục đầy sức nặng, thể hiện bản lĩnh, bản sắc của báo Quân đội nhân dân trong suốt 30 năm qua. Từ đó đến nay, sức mạnh ngôn luận, hiêu quả của chuyên mục này vẫn được các Tổng biên tập kế tiếp là Đại tá Đặng Văn Nhưng, Thiếu tướng Nguyễn Quang Thống, Trung tướng Lê Phúc Nguyên, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ không ngừng phát huy.

Hiện nay Báo Quân đội nhân dân tiếp tục nâng cao và mở rộng chuyên mục “Chống diễn biến hoà bình” với các loạt bài “chống tự diễn biến, tự chuyển hoá” theo tinh thần Nghị quyết IV của Trung ương Đảng và mới đây, đã mở cuộc thi viết chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” đang có sức lan toả mạnh.

Về nhận nhiệm vụ ở báo Quân đội nhân dân thời gian không lâu, năm 1990, anh chỉ đạo cho ra mắt Báo Quân đội nhân dân Thứ bảy (nay là Báo Quân đội nhân Cuối tuần), rồi Đặc san Sự kiện và Nhân chứng. Cùng với Báo Quân đội nhân dân hàng ngày, Quân đội nhân Cuối tuần, Đặc san Sự kiện và Nhân chứng kết thành bộ ba ấn phẩm in làm nên sự tươi mới, hấp dẫn của một tờ báo chính trị giàu truyền thống.

111
Thiếu tướng, nhà báo Phan Khắc Hải, nguyên Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Ở Toà soạn số 7 Phan Đình Phùng, phòng làm việc của tôi đối diện với phòng Tổng biên tập. Anh Phan Khắc Hải thường ghé vào phòng tôi chuyện trò rất thân mật. Có lần thấy tôi đang cặm cụi bên trang bản thảo, anh hỏi: “Quang Lợi đang viết gì đấy?”. Tôi vừa báo cáo anh ý tưởng bài viết thì anh đã nói luôn: “Cứ thoải mái viết đi nhé”. Tôi hiểu là ngòi bút của mình được anh tin cậy. Quả thật, trong những năm anh làm Tổng biên tập, tôi luôn được chủ động trong việc chọn đề tài bình luận, có không gian tinh thần thoải mái để thể hiện lập luận, ngôn từ, phong cách thể hiện. Vì thế, tôi luôn có cảm hứng sáng tạo mỗi khi cầm bút viết bình luận.

Được anh khích lệ, chỉ đạo và động viên, ở các thời điểm xảy ra biến động lớn hay có các sự kiện quan trọng, tôi đã viết một số bài chính luận có dấu ấn như chùm bài bình luận về cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1991), các biến động dữ dội dẫn tới sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu (1989 - 1991), cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ châu Á (1997-1998).., các bài bình luận về các sự kiện đối ngoại liên quan trực tiếp đến nước ta như: Việt Nam rút quân khỏi Campuchia (1989), bình thường hoá quan hệ Việt - Trung (1991), ký Hiệp định hoà bình về Campuchia (1993), Mỹ bỏ cấm vận Việt Nam (1994); ba sự kiện đối ngoại nổi bật trong tháng 7-1995: bình thường hoá quan hệ Việt – Mỹ, Việt Nam gia nhập ASEAN,Việt Nam ký Hiệp định khung với Liên minh châu Âu...; các bài bình luận về cuộc đấu tranh bền bỉ và quyết liệt trên mặt trận tư tưởng - văn hoá liên quan đến các vấn đề: thể chế chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng, tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo...

Tôi nhớ rõ, cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất nổ ra ngày 17/1/1991. Lúc đó, anh Phan Khắc Hải đang đi công tác nước ngoài, do yêu cầu thời sự nóng bỏng, tôi trao đổi với anh Trần Nhung, Trưởng Phòng quốc tế rồi báo cáo Ban biên tập và trực tiếp Phó tổng biên tập trực xuất bản hôm đó là anh Vương Sỹ Đình.

Trước đó một ngày, ngày 16/1, báo  Quân đội nhân dân đăng bài bình luận “Vùng Vịnh - Thanh gươm đã rút ra khỏi vỏ” của tôi, được dư luận chú ý bàn luận sôi nổi, trong đó có cả những ý kiến cho rằng tác giả nhận định thế là “hơi liều” vì nếu chiến tranh không xảy ra thì sao. Ngày đầu nổ ra chiến tranh, công việc rất gấp gáp. Đưa tin như thế nào, có bình luận hay không? Vốn tính cẩn thận, anh Đình báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị và tôi được lệnh đưa bài bình luận vào xin ý kiến trực tiếp Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp. Cùng đi với tôi có phát thanh viên Đài Tiếng nói Việt Nam, người có nhiệm vụ đưa bài bình luận về Đài để kịp phát ngay trong đêm.

Sau khi bài bình luận “Một thảm hoạ của thế giới” được thông qua, tôi chưa về đến toà soạn thì đã nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc trước khi báo đăng. Hôm sau, anh Hải về nước, tôi xin gặp anh báo cáo ngay, thì anh đã nói: “Mình biết cả rồi. Ở nhà xử lý kịp thời như thế là tốt. Chiến tranh còn kéo dài, Lợi và anh em Phòng quốc tế cần bám sát, nắm chắc tình hình và kịp thời viết các bài bình luận theo diễn biến của cuộc chiến”.

Trong cuộc chiến 42 ngày đó, dưới sự chỉ đạo và động viên của anh Phan Khắc Hải, tôi và anh em Phòng quốc tế, ngoài việc bảo đảm kịp thời thông tin trên báo hàng ngày, đã xuất bản được 4 số đặc san về Chiến tranh Vùng Vịnh, gây tiếng vang, in không kịp để bán, riêng tôi đã viết 14 bài bình luận. Loạt bài này sau đó đã vinh dự được trao Giải báo chí toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1991. Đó là niềm vui lớn đầu tiên trong đời cầm bút của tôi, là thành công của Phòng quốc tế nói riêng và báo Quân đội nhân dân nói chung.

111
Nhà báo Phan Khắc Hải, nguyên TBT báo Quân đội Nhân dân, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin,
Phó Tổng Thư ký Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.

Năm 1991 là năm đặc biệt lạ lùng trong nền chính trị thế giới. Đầu năm nổ ra cuộc chiến Vùng Vịnh, mùa thu năm đó, ngày 19/8, lại nổ ra cuộc chính biến, dẫn tới sự sụp đổ vô tiền khoáng hậu chế độ XHCN ở Liên Xô. Đây là lúc công việc viết bình luận rất khó khăn và đầy thách thức. Để an toàn, có thể đóng bút, ngồi chờ chỉ đạo. Tôi đọc được những suy nghĩ đầy trăn trở của anh Hải lúc tôi đưa anh duyệt các bài bình luận. Không phải không có những e dè, nghi ngại. Cần vững vàng, cẩn trọng nhưng lại cũng cần năng động sáng tạo. Tình hình rất phức tạp và nhạy cảm. Nhưng rồi, sau khi cân nhắc kỹ, anh Hải đã duyệt cho đăng tất cả những bài tôi viết về “trận động đất chính trị” này với những tác động, hệ luỵ ghê gớm của nó, trong đó có các bài: “Tâm lý xã hội và trò chơi chính trị’,”Những diện mạo chính trị đáng ngờ” “ Những phát đạn nã vào quá khứ”, “Những đồng đô la ranh mãnh”, “Thời điểm bi kịch của Liên bang Xô viết”, “Ba ngày đổi khác Liên Xô”, “Bước trầm của lịch sử”, “Số phận ngôi nhà SNG đang xây dở”, “Trận đấu quyền lực đầy dự cảm thời cuộc”…

Mỗi buổi sáng, cầm tờ báo trên tay, đọc lại bài bình luận viết đêm hôm trước, tôi thầm cảm ơn anh đã tin cậy tôi, đã cho tôi được viết, được góp phần lý giải những điều bạn đọc mong chờ về những sự biến dữ dội, vô cùng phức tạp trong đời sống quốc tế. 

Không thể kể hết những kỷ niệm mà anh Phan Khắc Hải đã ngày đêm bám sát, gắn bó với anh em, trong những chuyến công tác, cũng như khi xử lý các công việc tại toà soạn. Phòng làm việc của anh đêm nào cũng sáng đèn đến khuya. Tôi nhớ rõ sự kiện ngày 12/7/1995, Mỹ bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, ở Oasinhtơn, Tổng  thống Bill Clinton ra tuyên bố, ở Hà Nội, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc bài phát biểu, hai nước cách nhau nửa vòng trái đất, lệch nhau 12 giờ. Anh Hải bám sát chỉ đạo của trên, còn tôi được giao viết bài xã luận, chúng tôi gần như thức trắng đêm, chờ cấp trên duyệt, xong việc, báo lên khuôn, về nhà nằm tôi không sao ngủ được. Bao nhiêu suy nghĩ tôi đã không thể hiện được trong bài xã luận. Sáng ra, tôi gặp anh Hải đề nghị anh cho viết tiếp bài bình luận, anh đồng ý và còn động viên tôi: “Lợi viết ngay đi cho kịp”. Thế là bài bình luận “Bài học bổ ích cho tương lai” được báo Quân đội nhân dân đăng ngày hôm sau, phân tích đa chiều hơn, thoả đáng hơn nội dung tuyên bố bình thường hoá của Tổng thống Mỹ. Sau đó, anh còn duyệt cho đăng bài “Những mạch ngầm thẩm thấu êm dịu” của tôi về chiến lược “chuyển hoá Việt Nam” sau bình thường hoá. 

Anh Phan Khắc Hải vào nghề báo từ những năm kháng chiến chống Mỹ, tác nghiệp tại chiến trường Trị - Thiên rất ác liệt. Trong Bảo tàng Báo chí Việt Nam hiện nay còn lưu giữ thẻ phóng viên đi B và chiếc võng dù cấp cho phóng viên đi chiến trường của anh. Bút danh Phong Hải có từ lúc đó và càng trở nên quen thuộc với bạn đọc từ những năm anh về công tác ở tạp chí Quân đội nhân dân với nhiều bài chính luận tốt. Những năm sau này, tuy bận công tác quản lý, nhưng ngòi bút của anh vẫn miệt mài với nhiều bài viết đầy tinh thần chiến đấu đăng trên các báo, được Nhà xuất bản QĐND tuyển chọn in thành tập sách “Chặn làn gió độc”, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Tin tưởng giao việc cho cấp dưới, chỉ đạo cụ thể, động viên anh em làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất; đồng thời anh Hải cũng rất quan tâm đến đời sống của anh em, từ nơi ăn chốn ở đến điều kiện làm việc, cố gắng tăng thêm đồng nhuận bút, cải thiện bữa ăn ca đêm cho kíp trực. Điều mà anh em quý nhất ở anh là sự cảm thông, chia sẻ, trước cấp trên sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình nếu tờ báo có gì sai sót. Đó là phẩm chất đáng nể trọng nhất của người lãnh đạo, nhờ đó mà thu phục được mọi người sẵn sàng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Có đôi lần tôi đã chứng kiến anh đã giải thích với cấp trên tình huống sai sót cụ thể để “đỡ” cho cán bộ cấp dưới, không phải để bao che mà tạo điều kiện cho cán bộ đó khắc phục, sửa chữa.

Một buổi chiều năm 1997, anh gọi tôi và Hồng Thanh Quang, nhà thơ được nhiều người mến mộ, đồng thời là một cây bút bình luận có uy tín, giữ chuyên mục “Nhìn từ Hà Nội” trong nhiều năm của báo Quân đội nhân dân Cuối tuần sang phòng anh. Cứ nghĩ là anh gặp chúng tôi để giao việc, nào ngờ anh cho biết cấp trên đã quyết định điều anh về Bộ Văn hoá,Thông tin. Cả hai chúng tôi đều bất ngờ vì cho đến hôm đó, anh vẫn sát sao với công việc của toà soạn như không hề có một cuộc ra đi. Chuyện trò với anh lúc đó, càng hiểu hơn sự quan tâm, sự trăn trở và tình cảm của anh đối với hai chúng tôi và anh em toà soạn.

Sau những năm có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp văn hoá, thông tin ở cương vị Thứ trưởng, tháng 3-2002, anh Phan Khắc Hải được bầu giữ chức Phó Tổng thư ký Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Trong thời gian ở trọng trách này, anh đã phát huy được kinh nghiệm của quá trình làm báo lâu năm, từ phóng viên đến Tổng biên tập, rồi công tác quản lý Nhà nước về báo chí, văn hoá, thông tin nên đã góp phần thiết thực, đáng quý vào sự phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam.

Những năm gần đây, khi đã về hưu, anh vẫn tham gia rất nhiệt tình các hoạt động của Hội, từ các cuộc hội thảo, toạ đàm, sinh hoạt nghiệp vụ, đến các sự kiện lớn như Hội báo toàn quốc, Giải Báo chí Quốc gia. Anh thường trao đổi, gợi ý cho tôi và anh em ở cơ quan Trung ương Hội nhiều điều thiết thực, bổ ích. Tôi luôn cảm nhận được ở anh tinh thần xây dựng và lòng chân thành đối với lớp người kế tiếp.

Nhà tôi ở phố Lý Nam Đế, rất gần nhà anh trên phố Phan Đình Phùng. Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ, hoặc ngày lễ tết, tôi thường sang thăm vợ chồng anh. Mấy chục năm nay, gia đình anh vẫn sống trong một căn nhà bình dị thuộc khu tập thể quân đội. Dường như câu chuyện với anh bao giờ cũng là về nghề báo, về báo Quân đội nhân dân, về Hội Nhà báo Việt Nam.

Nhìn vóc dáng khoẻ mạnh, tràn đầy khí chất và năng lượng, cả  trong lời nói và việc làm của anh, không ai nghĩ anh đã tròn 80 tuổi. Một cuộc đời lao động sáng tạo, chiến đấu và cống hiến thật đáng tự hào. Kính chúc anh dồi dào sức khoẻ, tiếp tục có những tháng năm đầy niềm vui và hạnh phúc của cuộc đời cầm bút vinh quang.   


Đại tá, Nhà báo HỒ QUANG LỢI- 
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam- 
Nguyên Phó TBT báo QĐND, nguyên TBT báo Hà Nội mới

(Nguồn NB&CL)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây