Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Lưu Quý Kỳ, tâm sự với anh

Nhân dịp 40 năm ngày mất của nhà báo Lưu Quý Kỳ (1/8/1982 – 1/8/2022), Người làm báo Hưng Yên trân trọng giới thiệu bài về ông của nhà báo Phan Quang.

 Chạy trời không khỏi nắng. Thế là tôi phải ngồi vào cái ghế quản lý của anh Lưu Quý Kỳ.

 Phòng làm việc của con người nổi tiếng trong giới báo chí Việt Nam nằm ở tầng hai tòa nhà lớn, vốn là một trường trung học dành cho con Tây thời Pháp. Thật ra đây chỉ là một khúc của cái hành lang dài ngăn nắng chiều từ hướng tây chiếu vào một phòng học rộng rãi. Mùa hè nắng chiếu vào tận lớp cửa ngăn phòng trong, làm cho cái hiên chuyên hứng nắng nóng như thiêu như đốt, bởi vì người ta xây nó ra là để chịu nắng, để đỡ cho các cậu ấm ngồi học ở trong lớp đỡ bớt phần nào không khí oi nồng xứ thuộc địa, chứ đâu có phải làm nơi để đặt bàn giấy của ông vụ trưởng. Mùa đông thì chỗ này rét trước tiên vì nó hứng gió bắc. Dù đã đóng kín cửa, không biết gió ở đâu vẫn cứ len vào hút dọc theo cái hiên dài.

111
Nhà báo Phan Quang

Vì là hành lang cho nên nó dài và hẹp. Một đầu, kê cái bàn làm việc của anh Lưu Quý Kỳ. Một chiếc bàn lim cổ lỗ, nặng nề không biết có từ bao giờ mà gỗ đã đen như sắt và lên nước bóng loáng như được đánh xi. Bốn cái chân rất thô, đỡ hai dãy ngăn kéo vừa sâu vừa rộng, không ngăn nào có khóa. Đầu đằng kia được ngăn cách bằng tấm vách gỗ sơ sài, kê những giá gỗ lớn xếp các loại báo xuất bản ở Sài Gòn thời chống Mỹ, nghe nói đưa từ Nha tâm lý chiến ra. Đầy đủ các loại báo ngày, báo tuần, báo tháng xuất bản tại Sài Gòn trước 1975 được đóng thành tập gáy xanh mạ bạc. Đấy là tư liệu rút từ cái kho lưu trữ ở Nha Chiến tranh tâm lý, dân vận chiêu hồi hoặc từ một cơ quan gì đó của Hoàng Đức Nhã, chuyển ra Bắc, ai cần thì tham khảo. Chính giữa là một cái bàn thấp và dài, phù hợp với kích cỡ của cái hiên, hai bên kê hai ghế băng dài không có lưng tựa. Nơi ấy dùng để anh chị em trong vụ giao ban hàng ngày. Nó cũng đủ dài cho thủ trưởng ngả lưng khi thấm mệt – anh Kỳ vốn không phải là người có sức khỏe tốt. Cơ ngơi của Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương thời ấy có ngần ấy.

Tôi để ý trên mặt bàn làm việc có lót một tấm kính dày, rất dày, dễ đến támhoặc mười ly thế mà vỡ mất một mảnh ở góc phải, lại còn một vết nứt chạy dài vào giữa. Anh em cho biết:

 – Ấy, có một mùa đông rét quá, anh Kỳ đặt cái bếp điện lên mặt bàn để sưởi cho đỡ cóng tay, hơi nóng từ đáy bếp làm vỡ mất tấm kính.

Chiếc ghế anh ngồi thật xứng đôi với chiếc bàn. Một cái ghế bành gỗ lim có tay dựa – cái duy nhất trong cả vụ – được lót vải bọc đệm xanh đã sờn; khi ngồi lên cảm thấy rõ rệt cái lò xo bên dưới đệm nó cứ thúc lên người, bởi cái đệm đã nát từ lâu.

Tôi lục các ngăn kéo để loại bỏ những thứ lổn nhổn trong đó. Rồi nhờ anh em lau chùi sơ qua trước khi xếp tài liệu làm việc của mình vào. Anh Kỳ đi công tác ngắn ngày rồi qua đời đột ngột trên đường cho nên cái ngăn kéo vẫn y nguyên như thường nhật, và cũng chưa có ai kịp động tay vào. Một vài cuốn sổ tay ghi chép dở dang. Mấy thứ tài liệu bằng tiếng Việt và tiếng Pháp chắc đang đọc dở. Một vài cuốn sách. Mấy chiếc phong bì thư. Và rất nhiều… bụi bặm.

Trong một cái cặp bìa cứng, có bản kiểm điểm của anh, viết tay. Một bản tự kiểm điểm định kỳ, mà vào cuối năm bất cứ cán bộ phụ trách nào cũng phải làm, một cái lệ rất chi nghiêm ngặt thời đó. Cũng chỉ là nơi người tự soi mình liệt kê những việc đã thực hiện, tự đánh giá ưu, khuyết điểm, rồi tự nhận xét, rút kinh nghiệm… Đại thể là vậy. Ở mục Lốisống, tôi chú ý một câu: “… Tôi sống lương thiện bằng đồng lương và tiền nhuận bút…”. Hai từ lương thiện anh tự nhận xét làm tôi suy nghĩ mãi, sao anh lại dùng từ ấy, chắc có căn cớ gì đây, và có lẽ vì thế mà tôi nhớ cho mãi đến bây giờ.

Tôi quen anh Lưu Quý Kỳ đã lâu, từ năm 1948.

Tôi đến nhận việc ở tòa soạn báo Cứu quốc Liên khu IV đúng vào lúc anh Lưu Quý Kỳ vừa giã từ tờ báo này chuyển sang Chi hội Văn nghệ, đồng thời chuẩn bị để ít lâu sau vào Nam công tác. Tôi nghe tiếng anh, nhưng thật ra ngay hồi ấy cũng chưa được đọc nhiều lắm những bài viết ký tên Lưu Quý Kỳ. Còn lại trong trí nhớ tôi mỗi một bài Công chúng mới, tham luận tại tại Đại hội Văn nghệ Liên khu, có nhiều nhận xét rất mới và sắc sảo. Có lẽ tại hồi ấy anh cũng đã làm công việc quản lý rồi, ít có thời gian viết; mặt khác anh thiên về văn học nhiều hơn báo chí. Thế mà trên danh nghĩa, ngoài trách nhiệm

Chủ nhiệm báo Cứu quốc, anh còn làm tạp chí Kháng chiến đồng thời tham gia ban phụ trách tờ Sáng tạo, tập san chuyên đăng sáng tác và lý luận, phê bình văn nghệ của anh chị em văn nghệ sĩ Liên khu. Ba cơ quan báo chí đóng gần nhau, trong một vùng nửa đồng bằng nửa trung du thuộc tỉnh Thanh Hóa, từ đây có con đường lên Việt Bắc, tuy xa xôi vất vả nhưng thông suốt, an toàn.

Tôi có gặp anh Kỳ nhiều bận, trong các cuộc họp báo chí, văn nghệ, hoặc trong các buổi gọi là liên hoan, anh em tổ chức bữa ăn với nhau có khá hơn mọi bữa. Ấn tượng anh để lại trong tôi là một con người nói năng mực thước, phần nào có cứng rắn hơn, nguyên tắc hơn nhưng cũng kín đáo hơn so với phần đông các vị làm văn nghệ, báo chí thường xởi lởi trong những dịp này.

Anh vào Nam rồi, chúng tôi ở ngoài này thi thoảng có nhận được một vài tờ báo hoặc tạp chí từ Nam bộ xa xôi gửi ra. Tôi gặp lại cái tên Lưu Quý Kỳ. Nhưng dạo này hình như anh không làm văn nghệ, không viết ký hoặc tùy bút văn học – một thế mạnh của anh sau này – mà nghiêng về thể chính luận về thời sự chính trị xã hội.

Cũng như tất cả những người cầm bút cùng thế hệ với anh hoặc trước anh, Lưu Quý Kỳ viết báo, viết văn do năng khiếu bẩm sinh. Làm gì có trường đào tạo, và cũng chẳng được ai bồi dưỡng cho, trừ chút vốn ít ỏi thu nhận ở nhà trường phổ thông giống như tất cả mọi học sinh khác. Nhưng cái năng khiếu ấy, may thay, thường bộc lộ rõ ngay từ những trang viết đầu tay. Các bậc đàn anh trong nghề hoặc chính người viết sau này, khi đã trưởng thành, dở chồng báo cũ đọc lại, hẳn nhận ra ngay những điểm non nớt thậm chí ngây thơ của mình. Song trong sự non nớt ấy vẫn có một cái gì đó lóe lên, tươi tắn, mới mẻ. Cái đó chính là năng khiếu. Cái lóe lên từ buổi ban đầu ấy, sẽ là căn cốt giữ cho người cầm bút “đứng” được qua bao nhiêu thăng trầm, có sức cưỡng lại sức cuốn hút của những nghề nghiệp khác vẻ vang hơn, mang lại nhiều lợi ích hơn so với nghiệp chữ nghĩa.

Đọc bài báo đầu tay của Lưu Quý Kỳ, thấy rõ ràng cái lóe sáng ấy.

Mới mười sáu tuổi, cậu học sinh tỉnh lẻ Lưu Quý Kỳ đã có truyện ngắn đăng trên một tờ báo xuất bản tại Hà Nội. Mười bảy tuổi anh đã có bài đĩnh đạc luận bàn về nhiệm vụ của thanh niên trước thời cuộc. Mười tám tuổi, anh lần lượt đảm đương vai trò Thư ký tòa soạn ba tờ báo khác nhau ở Sài Gòn. Hai mươi tuổi, anh làm chủ bút tờ báo cơ quan ngôn luận của Đoàn thanh niên

dân chủ toàn Nam Kỳ. Và, do năng khiếu và cũng bởi đam mê, anh tiếp tục làmcái nghề vất vả, bạc bẽo nhưng vô cùng thú vị ấy cho đến khi đột ngột nằm xuống ở tuổi sáu mươi ba.

111
 Nhà báo Phan Quang trao đổi với các đồng nghiệp ( Áo trắng, giữa ảnh)

Có tài liệu – công bố sau khi anh qua đời – nói Lưu Quý Kỳ đã viết khoảng ba ngàn bài báo. Tôi không rõ con số ấy, dù là ước lượng, dựa vào đâu. Báo chí khác với văn học. Ai có ít nhiều học vấn cũng có thể kể ra tên những tiểu thuyết, những vở kịch hoặc tập thơ chính của Victor Hugo. Nhưng không một ai, kể cả tác giả, có thể nghĩ trước rằng các tác phẩm báo chí của bậc văn hào sẽ được hậu thế in ra những mười tập sách khổ lớn dày cộm. Việc này chỉ trở thành hiện thực sau nhiều nhiều năm, khi người ta có điều kiện công bố toàn tập tác phẩm của bậc văn hào. Cũng như vậy, mãi một trăm năm mươi năm sau khi Stendhal qua đời, nhờ một công trình nghiên cứu, người ta mới biết rằng tác giả Đỏ  đen vào thời kỳ sáng tạo văn học phong phú nhất, vẫn từ Paris gửi bài đều đặn cho hai tờ báo xuất bản tại London mà ông cộng tác suốt mấy năm liền. Gần đây thôi, nhà xuất bản Stock ở Paris cho phát hành cuốn sưu tập những bài báo của ông cộng tác với báo chí nước ngoài thời ấy, tôi đã nhìn thấy dày tới một nghìn trang in chữ nhỏ! Có thể nói như vậy về Gabriel Marquez, về Albert Camus, về Constantin Simonov, về… ấy là chỉ kể dăm ba cây đại thụ tầm cỡ toàn cầu.

Người làm báo không đếm tác phẩm của mình. Thích thì viết. Cần thì viết. Không thể không viết, thì viết. Tôi nói “không thể không” vì nhà báo làm nghề báo là để có cái sống, để làm nhiệm vụ được giao mà không thể khước từ, nói cách khác không thể tự do làm theo ngẫu hứng cá nhân. Cũng chẳng nhà báo nào nghĩ đến hậu thế khi cầm trong tay cây bút hoặc ngồi xuống trước chiếc máy chữ hay cái máy vi tính. Nhà báo viết những bài có ký tên và những bài không ký tên. Có những bài ký bút danh mình lựa chọn và có thể sẽ dùng bút danh ấy trong suốt cuộc đời. Phần còn lại là nhiều rất nhiều bài, ký những cái tên văn vẻ hoặc nôm na mà nhà báo mãi tới khi đặt bút chấm dấu hết cho bài viết mới chợt nghĩ ra. Cái bút danh ngẫu hứng ấy chỉ ngày hôm sau có thể anh đã quên luôn, thảng hoặc sau này có nhớ lại thì cũng không hiểu tại sao lúc ấy mình lại bịa cái tên ký ấy chứ không phải là một bút hiệu nào khác. Còn những bài không ký tên thì ai làm sao tính được. Song không vì thế mà chúng không là một phần trong sự nghiệp người ký giả.

Là một cán bộ của Đảng trên mặt trận văn hóa và quan hệ đối ngoại, Lưu Quý Kỳ sau khi tập kết ra Bắc năm 1954, còn bận nhiều công tác hơn

trước. Thời anh làm Vụ trưởng Báo chí kiêm nhiệm Tổng Thư ký Hội Nhà báo cũng là lúc anh giữ trách nhiệm Phó Chủ nhiệm Ủy ban liên lạc Văn hóa với nước ngoài, và cùng với nhà báo Phan Thao làm đồng chủ bút tuần báo Thốngnhất… Không kể những chức ủy viên hội đồng này hội đồng nọ mà bất cứ cán bộ giữ cương vị đến mức nào đó cũng không thể từ nan. Cho nên xin chớ chê trách ông này ông nọ sao lắm chức đến thế. Tập kết ra Bắc, Lưu Quý Kỳ cộng tác với nhiều báo, tạp chí, đài phát thanh. Cho dù đam mê đến đâu và tài năng không thiếu, anh vẫn không thể nào dành nhiều thời gian và công sức cho việc viết. Đấy là nghịch lý của những người sáng tạo mà phải làm quản lý.

 Lưu Quý Kỳ đã xuất bản 27 cuốn sách thuộc nhiều chủ đề và thể loại, dày mỏng khác nhau. Có báo, có thơ, có bình luận văn học. Một số cuốn ra đời theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Còn phần lớn các bài báo của anh chắc vẫn còn nằm rải rác đâu đấy…

Kế nhiệm anh Lưu Quý Kỳ, một trong những việc đầu tiên tôi nghĩ đến từ tình bạn lâu năm là bàn với những cộng sự thân cận với anh ở Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương sưu tầm và xuất bản một tập tuyển các bài ký của anh. Ký là một thế mạnh của anh và cũng là một thể loại qua đó công chúng biết nhiều đến nhà báo họ Lưu. Anh quen tay về tùy bút thời cuộc. Đài Tiếng nói Việt Namnhiều nămqua vẫn nhờ anh viết tùybút để phát sóng vào chương trình giao thừa. Được sự giúp đỡ của Nhà xuất bản Văn học, chị Thái Tuyết Mai đã làm rất nhiệt tình công việc này. Tuy vậy, mãi hơn một năm sau, tập ký Tâm sự với Anh, chỉ dày có hơn 200 trang khổ 13x19cm thôi, mới có thể ra mắt bạn đọc – việc in ấn hồi ấy còn nhiêu khê lắm! Bài đầu trong tập tuyển ấy, anh viết nămanh hai mươi tuổi, và bài cuối, trước khi anh mất không lâu. Cách nhau những bốn thập niên.

Nhưng sự nghiệp của một người cầm bút không chỉ tính bằng năm tháng và số lượng bài. Qua tập ký, cho dù chưa phải tiêu biểu lắm, vẫn có thể nhìn thấy tài năng, kiến thức và tay nghề của anh.

Muốn hiểu sự nghiệp của một người làm báo, trước hết nên nhìn vào hệ thống chủ đề mà người ấy đề cập, tức là những vấn đề mà người ấy quan tâm nhất. Một trong những bài viết đầu tay của Lưu là nói về tuổi trẻ và tự do. Mới bước vào nghề, Lưu Quý Kỳ đã có gan tiếp cận một trong những vấn đề lớn nhất của thời đại. Rồi anh viết về tình cảm Bắc Nam da diết khi nước nhà chưa thống nhất, về tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do của Bác Hồ, về anh bộ đội Cụ Hồ, về thời cuộc miền Nam trong nước sôi lửa bỏng, về niềm vui đoàn tụ trong thống nhất, về vị trí của Việt Nam trong lòng nhân dân thế giới…

 Tư duy của anh nhất quán, khen chê dứt khoát. Nhờ hiểu biết rộng, nắm bắt đúng thời cuộc, anh phân tích có lý có tình. Lời văn chọn lọc, nhiều khi gợi cảm. Ký của Lưu thiên về chính luận. Anh không quan tâm lắm các chi tiết cụ thể của đời sống thường ngày. Có lẽ do điều kiện công tác, anh không có nhiều cơ hội tiếp cận con người ở cơ sở. Ký của anh không giàu chi tiết cụ thể. Bù vào chỗ đó, anh sử dụng thành thục tư liệu gián tiếp. Anh dùng tư duy chính trị nhạy bén và cảmxúc tinh tế để nâng các vấn đề thời cuộc lên làmrung động người đọc, người nghe. Nói về người thân, anh không tránh những tâmtư thầm kín. Nói về bạn bè, lời lẽ anh chân tình. Với đối phương, anh lạnh lùng, sắc bén nhưng không thô kệch – thái độ cần có của một người làm công tác đối ngoại.

111Bài Lưu Quý Kỳ phê phán nhà văn Mỹ John Steinbeck, tác giả cuốn tiểu thuyết lừng danh Chùm nho nổi giận, đăng lần đầu trên tạp chí Nghiên cứu Văn học của ta (số tháng 5 – 1967), được tạp chí Thế giới tri thức Nhật Bản đăng lại toàn văn và báo chí nhiều nước khác trích đăng, là một bài đặc sắc. Cũng có người cho Lưu Quý Kỳ hơi nặng tay đối với một tác giả được Giải Nobel văn học, và nhất là thời còn trẻ ông không phải không có quan điểm tiến bộ. Xin hãy nhớ cho: bài báo của anh công bố đúng vào lúc không quân Mỹ bắt đầu ném bom thủ đô Hà Nội, và J. Steinbeck lúc này đang hết lòng hỗ trợ quân đội Mỹ tàn phá nước ta, khác với thái độ của nhiều, rất nhiều trí thức, nhà văn nhà báo đồng bào ông là phản đối cuộc chiến tranh can thiệp. Lưu Quý Kỳ phê phán J. Steinbeck qua những lời nói và hành động cụ thể thậm chí lố bịch của chính ông ta. Điều ấy không hàm nghĩa chúng ta phủ nhận sạch trơn giá trị văn chương của Chùm nho nổi giận và các tác phẩm văn học khác của ông.

Anh nổ súng ngay từ đầu: “Từ cuối năm 1966, đội quân xâm lược Mỹ ở miền Nam Việt Nam có thêm một chiến đấu viên mới. Tên hắn là John Steinbeck.

”…Steinbeck bắn súng tự động M.16, phóng lựu đạn với súng M.79 vào những người yêu nước đang giành lại quyền sống chính đáng của mình. Hắn còn tập bắn cả đại bác 105 ly. Hình như hắn say mê cái thú giết người này đến nỗi không còn thì giờ cạo râu, rửa mặt, cắt tóc mặc dù hắn từ Mỹ sang Việt Nam cùng đi với vợ…

Tay hắn bắn súng, mồm hắn ba hoa. Hắn nhai lại những luận điệu của Nhà trắng và Lầu năm góc: “Mỹ phải ở lại Việt Nam!”. “Mỹ phải thắng trong cuộc chiến tranh này!” “Nếu cần, Mỹ phải có mặt ở Việt Nam sáu tháng hoặc sáu mươi năm…”. vv. và vv.

 Lưu Quý Kỳ đặt câuhỏi:Cái gì đã đưa Steinbeck -Steinbeckgiảithưởng Nobel về văn học, Steinbeck giải thưởng Pulitzer về báo chí – vào con đường đáng ghê tởm đó? Anh viết: “Người ta không thể không chú ý ở đây một sự việc không bình thường. Trong lịch sử văn học hiện đại, người ta biết nhiều đến John Steinbeck vì đã viết tác phẩm Chùm nho nổigiận… Giải thưởng Nobel được trao cho Steinbeck năm1962. Thế mà những bài viết về miền Nam Việt Nam và tập bút ký Nước Mỹ  người Mỹ của hắn ra đời năm 1967 lại là sự nguyền rủa đối với lương tri con người…”

Từ đỉnh cao vinh quang, nhà văn ấy đã rơi xuống quá thấp, và rơi đúng vào một vũng bùn. Hãy nghe y ngợi ca một tên sĩ quan Mỹ ở chiến trường Việt Nam như sau: “Từ trong túi áo, viên sĩ quan rút ra một khẩu súng con, như một quản bút bằng kim loại, có nút cài. Chao ôi, sao mà khẩu súng xinh đến thế! Hãy tin rằng tôi muốn xoáy một khẩu như vậy cho riêng mình…”.

Y tả diện mạo một tên giặc lái đang gây tội ác: “Tôi khâm phục những bàn tay và bàn chân của họ thao tác các bộ phận điều khiển máy bay. Sự tinh tế và khéo léo trong các động tác làm tôi nghĩ đến bàn tay của nghệ sĩ Cadal trên bộ phím chiếc đàn dương cầm…”(!). Rồi như thể tiếc rẻ sao mình chưa được trực tiếp cầm súng giết người, y thưa với độc giả: “Chiều nay tôi sẽ ra thao trường để luyện thêmviệc sửdụng các loại súng hạng nhẹ. Tôi muốn tham gia vào hoạt động này…”(!)

Y kêu gọi người con trai của y, khác với bố đẻ và giống với nhiều thanh niên Mỹ hồi đó có tinh thần phản chiến: “Bố mong con hãy cùng bố chống lại cuộc chiến tranh này của Việt cộng”.

Y khen những con chó béc giê giỏi lùng sục du kích và khuyến nghị chính phủ Mỹ nên gửi thêm loại chó này sang Việt Nam nhiều, nhiều hơn nữa. Rồi y nức nở khen một viên tướng Sài Gòn (miễn cho tôi khỏi nói rõ tên như viết tại bài của Lưu Quý Kỳ hồi đó) như vừa ca ngợi những con chó béc giê kia. Chỉ khác là dùng nhiều mỹ từ hơn. Y viết: “Bộ tham mưu của ông ta (viên tướng Sài Gòn) như một lâu đài tuyệt mỹ. Ông ta là một chuyên gia về sử học, về văn học và về các dân tộc miền núi. Ông ta nói sành sõi tiếng Anh. Người ông ta thơm như chén trà hương của ông đang mời tôi đây. Có lẽ trong đời tôi khó mà được dịp uống lần thứ hai một chén trà thơm ngon đặc biệt đến thế!”

 Ôi, đố ai có thể tìm được những lời lẽ nào thơm hơn, ngoài J. Steinbeck!

Sau chuyến đi ấy, trở về Mỹ, y gửi nhiều bức thư theo kiểu thư riêng viết tay, đến một số nhà văn ở các nước xã hội chủ nghĩa hòng tác động tâm lý tới họ. Kể cả những người y chưa biết mặt mũi bao giờ, y cũng mở đầu bức thư bằng câu thân tình: “Bạn thân mến của tôi ơi, tôi không bao giờ quên được những phút đã cùng bạn uống rượu với nhau tại…” Bị chất vấn về sự bịa đặt dối trá ấy, y phân vua: “Ấy là tại bộ ngoại giao Mỹ muốn tôi làm cách ấy!”.

Tại sao? Tại sao một nhà văn từng có tác phẩm được ngợi ca là thấm đượm chủ nghĩa nhân đạo lại sa đọa đến mức như vậy? Lưu Quý Kỳ tìm câu trả lời ở chế độ chính trị của nước Mỹ, ở xã hội Hoa Kỳ. Để chứng minh, anh trích câu nói của một nhà văn Mỹ khác, Wyck Bruck, ông nói: “Viết văn ở Mỹ là một cái nghề héo hon, cái nghề đứt đoạn, cái nghề xoay vần, và đó là quy luật”. E. Hemingway cũng đã từng đau xót nhận định: “Cứ đến một lúc nào đó thì có chuyện xảy ra ở các nhà văn giỏi của chúng ta. Họ làm tiền. Họ lo vun xới cho cuộc sống của họ, và họ sa ngã luôn”.

Có một chuyện khác không thể không điểm lại là bài ký xúc động của Lưu Quý Kỳ viết vào mùa đông 1972, khi đế quốc Mỹ ném bom rải thảm Hải Phòng, Hà Nội. Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam là một trong những mục tiêu Mỹ cố hủy diệt. Mấy năm trước, máy bay Mỹ đã ném bom cơ sở của Đài ở đường Bà Triệu, nhưng không may cho họ, bom lại rơi chệch, trúng Tổng lãnh sự quán Pháp (Nay là Đại sứ quán Pháp) ở Hà Nội, phía bên kia phố Trần Hưng Đạo, làm mấy người thiệt mạng và gây nên chuyện rầy rà về ngoại giao giữa Mỹ với Pháp. Lần này, họ cố tình bắn phá hai Đài phát sóng ở Bạch Mai và Mễ Trì, đồng thời hủy diệt cả Khu tập thể của cán bộ, công nhân nhà đài tại phố Đại La. Cả trăm gia đình cán bộ phút chốc mất hết nhà cửa. Đài phát thanh mất sóng .

Sự kiện chưa bao giờ xảy ra từ buổi phát sóng đầu tiên của Đài tháng 9 năm 1945, được nhiều đài phát thanh và hãng thông tấn nước ngoài nhanh chóng lan truyền. Nhân dân nước ta lo lắng. Bạn bè nước ngoài chia sẻ. Trong bài bút ký viết về sự kiện ấy, Lưu Quý Kỳ thông báo cho mọi người biết:

111
Quang cảnh hội thảo Lưu Quý Kỳ với báo chí cách mạng Việt Nam

”Tiếng nói thân yêu ấy đột nhiên nghẹn lại lúc 4 giờ 51 phút sáng ngày 19-12-1972, khi đang phát ra những bản nhạc theo yêu cầu của đồng bào miền Nam.

– Điều gì đã xảy ra?

Từ 19 giờ 30 đêm trước, hàng quạ đen khổng lồ mang nhãn hiệu B52 Hoa Kỳ đã ào ạt bay vào bầu trời Hà Nội. Bom đạn trút xuống như mưa. Tiếng nổ chát chúa làm rung chuyển cả thành phố. Cả nước hướng về Đài Tiếng nói Việt Nam, đón nghe tin tức. Toàn thế giới chờ nghe tin tức đúng sự thật phát ra từ thủ đô nước Việt.

Tiếng nói ấy nghẹn lại rồi!

Một phút. Hai phút. Ba phút.

– Điều gì đã xảy ra?

Bao nhiêu người hồi hộp. Trái tim của đồng bào ta đã quen đập theo nhịp tim Tổ quốc.

– Hà Nội ra sao rồi?

Đúng chín phút sau, giọng dịu hiền, trang nghiêm, trầm tĩnh, thân yêu lại phát ra:

Đây  Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…”

Tiếng nói Việt Nam, tiếng nói kiên cường, bất khuất. Tiếng nói không gì dập tắt nổi. Tiếng nói mãi mãi vang dội khắp non sông…”

Bài tùy bút của Lưu Quý Kỳ được dịch ra vàphát thanh bằng tiếng Nhật. Ít lâu sau, Đài Tiếng nói Việt Nam nhận được bức điện của Chủ tịch Công đoàn Truyền thanh dân gian Nhật Bản, ông Katemura, cho biết: Công đoàn của ông đã ghi âm bài bút ký (bản tiếng Nhật), gửi đến hai trăm tổ truyền thanh ở cơ sở, và đã khởi đầu cuộc vận động ủng hộ các đồng nghiệp Việt Nam. Sau một tuần, quyên góp được năm triệu yên. Ông đề nghị đài gửi hai cán bộ kỹ thuật sang Nhật, dùng số tiền ấy chọn mua thiết bị phát thanh thích hợp để thay thế những thiết bị hư hại vì bom Mỹ, chi phí đi về ăn ở tại Nhật do bạn tài trợ.

Số tiền không lớn so với thu nhập quốc dân nước Nhật Bản, nhưng tác động chính trị và nhất là tình cảm của người dân đất nước Hoa Anh Đào đối với nhân dân Việt Nam ta thì không có thước nào đo được.

Viết một bài ký mà tạo nên được tác động dây chuyền như vậy, chỉ một bài ấy thôi, tôi nghĩ cũng đủ là một vinh dự, một phần thưởng xứng đáng cho cả cuộc đời cầm bút.

 

 Năm 2000.
Nhà báo Phan Quang Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây