Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Nhà báo Hồng Hà: Một Nhân cách lớn!

                                                                 NHÀ BÁO, NHÀ VĂN MINH SƠN
 
Nhà báo Hồng Hà sinh năm 1928 (tên khai sinh là Hà Văn Trường), gia đình quê gốc ở xã Quảng An, huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội. Cha của anh, cụ Hà Văn Nguyên làm công chức ở Ty Dây Thép (tức Ty Bưu Điện) tỉnh Nam Định, nên nhà báo Hồng Hà được sinh ra ở Nam Định. Lớn lên ở vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nhà báo Hồng Hà theo học ở trường có những Nhà Cách mạng nổi tiếng như Trường Chinh, Nguyễn Đức Cảnh... từng theo học và sớm ảnh hưởng tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng. Nhà báo Hồng Hà đã tham gia phong trào Thanh niên cứu quốc và biểu tình giành chính quyền trong cuộc khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
111
Ngày mồng một Tết Ất Tỵ (2/2/1965) trên đường đi chúc Tết đồng bào, chiến sĩ tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi nghỉ trên đồi thông xã Yên Lập, huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Ninh. Nhà báo Hồng Hà (người đội mũ vải), ngồi bên phải Bác Hồ_Ảnh: Tư liệu
Kỳ I: Năng động, sáng tạo, một thời làm phóng viên chiến tranh

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, năm 1946, nhà báo Hồng Hà chuyển sang làm Báo “Cứu Quốc” - Cơ quan Trung ương của Tổng bộ Việt Minh. Lúc đó cơ quan đóng tại Trụ sở 114 Hàng Trống, Hà Nội, bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Nhà báo Hồng Hà được đồng chí Xuân Thủy, Chủ nhiệm kiêm chủ bút Báo Cứu Quốc giao nhiệm vụ phóng viên thời sự ở Hà Nội cùng với một số anh em lớn tuổi hơn. Năm đó, sống trong bối cảnh chính trị hết sức phức tạp. Chính quyền Cách mạng non trẻ của ta đang đứng trước thử thách rất khắc nghiệt được mô tả là:“ngàn cân treo sợi tóc”. Hai trăm nghìn quân đội Tưởng tràn vào, chúng đã chiếm đóng nhiều nơi trong Thủ đô để giải giáp quân Nhật. Hằng ngày từ Lạng Sơn về Lào Cai, các toán Quân Tưởng đi giày vải gồng, gánh, vũ khí, xoong nổi, quần áo, cuốc xẻng... thành đoàn dài men theo các tuyến đường xe lửa kéo bộ về Hà Nội. Chúng đóng quân ở đâu đều gây nhiều chuyện rắc rối ở đấy: ăn quỵt, ăn cướp, tống tiền, bắn súng bừa bãi, bắt nhân dân ta tiêu tiền “quan kim” của Trung Quốc... Báo Cứu Quốc hằng ngày thông tin những việc đó và nhắc nhân dân ta  giữ thái độ đúng đắn. Nhà báo Xuân Thủy giao nhiệm vu cho các phóng viên Báo Cứu Quốc theo dõi mọi diễn biến hằng ngày kịp thời vạch trần âm mưu, thủ đoạn, luận điệu truyên truyền thâm độc của các thế lực thù địch. Nhà báo Xuân Thủy nhắc các phóng viên luôn có mặt tại chỗ khi sự việc diễn ra. Lúc đó ở Hà Nội có nhiều tờ báo chống lại sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân.  Người làm báo của Chính phủ, đoàn thể Cách mạng phải viết đúng nhất, hay nhất, có lượng thông tin nhiều nhất, có tính chiến đấu và sức thuyết phục. Mỗi cây bút phải là một chiến sĩ kiên cường bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng và nhân dân. Cùng với việc là phóng viên “tả xung hữu đột” luôn luôn có mặt tại các điểm nóng kịp thời có tin, bài cho báo, nhà báo Hồng Hà còn được cử là người của Báo Cứu Quốc làm thêm việc giúp Hội ra báo Đồng Minh. Ông là Thư ký tòa soạn của báo. Báo in tại nhà  in Tôpanh của một tư sản Pháp. Trụ sở báo ở số nhà 52 phố Trần Nhân Tông, độc giả chủ yếu là trí thức, công thương gia Hà Nội. Báo tham gia mặt trận Báo chí Cách mạng, tập trung vạch mặt và đấu tranh với các đảng phái phản động. Cuộc đấu tranh giữa quân Tưởng, bọn phản động với chính quyển cách mạng của ta diễn ra rất quyết liệt. Bọn chúng chống phá ta rất điên cuồng. Chúng rải truyền đơn, tổ chức mít-tinh biểu tình, bắt cóc, ám sát cán bộ ta, tống tiền, cướp của... có những vụ ám sát do chúng gây ra trên đường phố Hà Nội, nhà báo Hồng Hà phải đến tận nơi xảy ra vụ việc, kịp thời lấy tài liệu viết tin về tòa soạn đăng ngay. Có lần vừa đi viết tin, bài về đến nhà in sửa bài, sửa bản in không ngờ nhà báo Hồng Hà gặp đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng hàng tuần cũng đích thân đến tận nhà in sửa bài, sửa bản in thử của báo Sự Thật, chăm lo hết lòng cho tờ báo Đảng ra mắt bạn đọc. Những lúc chờ bản in thử, đồng chí Tổng Bí thư hỏi thăm công việc của Phóng viên Hồng Hà, chỉ bảo cho anh những điều rất bổ ích về làm báo Cách mạng. Tổng Bí thư dặn: Làm báo phải có tỉnh thần trách nhiệm cao, khi viết phải chú ý từ cái dấu phẩy.
111
Ngày 31/1/1984, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn (người đi hàng đầu phía trái) thăm Toà soạn Báo Nhân Dân. Đồng chí Hồng Hà, Tổng biên tập Báo Nhân Dân (người đi hàng đầu phía phải) hướng dẫn đồng chí Lê Duẩn thăm cơ quan_Ảnh: Tư liệu
Cuối năm 1946, tình thế cách mạng và cuộc kháng chiến của Đảng, Chính phủ, nhân dân ta hết sức khẩn trương. Bảy giời tối ngày 19/12/1946, nhà báo Hồng Hà đang ngồi làm việc ở tòa soạn “dã chiến” phố Hàng Bột, bỗng nhà báo Xuân Thủy từ Hà Đông đến thăm, gọi nhà báo Hồng Hà ra và nói: “Tôi nay có chuyện rồi đây! Chuẩn bị đến địa điểm mới”.

Tiễn nhà báo Xuân Thủy ra cửa, nhà báo Hồng Hà quay vào nhà chuẩn bị tin, bài cho số Báo Cứu Quốc ra ngày 20/12/1946, trong đó có phần tiếp theo loạt bài đăng nhiều kỳ “Nhật ký bốn tháng sang Pháp” của Bác Hồ để đưa đi xếp chữ. Trong một căn nhà trước cửa, đội tự vệ chiến đấu phố Hàng Bột đang ngồi họp làm lễ tuyên thệ bảo vệ Thủ đô. Nhà báo Hồng Hà ngắm nhìn các chiến sĩ cảm tử của Hà Nội hào khí dâng lên trên từng ánh mắt. Các anh sắp bước vào cuộc chiến đấu: “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Nhà báo Hồng Hà kể lại: “Thời khắc đó, mình đang cùng anh em công nhân nhà in lên khuôn Báo Cứu Quốc số ra hôm sau, vào khoảng 8 giờ tối, đèn điện vụt tắt, đạn đại bác réo trên đầu, rồi tiếng súng các loại, to, nhỏ nổ ran khắp Hà Nội. Thế là chiến tranh! Toàn  quốc kháng chiến! Theo kế hoạch đã định, mình men theo đê La Thành đi về phía Bạch Mai đến địa điểm làm Báo Cứu Quốc “con”. Trời rét, hai bên bờ đê là những cánh đồng vắng, bầu trời đỏ rực đầy những chớp lửa, pháo vạch đường. Cơ sở của Báo Cứu Quốc ở phố Bạch Mai đã dọn đi. May sao mình gặp được một cán bộ tuyên huấn của Ban chỉ huy Liên khu 2 chỉ cho địa điểm mới của Tòa soạn Báo Cứu Quốc “con” ở làng Sét trên đường đến Đuôi Cá”. Tại đây nhà báo Hồng Hà gặp lại đồng chí Thép Mới và một số anh em trong tòa soạn (anh Thép Mới là anh ruột của nhà báo Hồng Hà). Anh em gặp nhau một lúc, đồng chí Thép Mới thay mặt cơ quan trong tòa soạn giao  nhiệm vụ cho nhà báo Hồng Hà quay ngay lên phía Bờ Hồ, để viết tin, bài về cuộc chiến đấu ở các phố rồi đem về tòa soạn. Nhà báo Hồng Hà đi dọc phố Bạch Mai chui qua các lỗ tường đục thông từ nhà này sang nhà khác. Nhân dân đã đi tản cư không còn ai ở nhà. Đồ đạc tài sản trong gia đình vẫn còn nguyên vẹn. Nhà báo Hồng Hà bám theo các chiến sĩ giữ các chiến lũy dọc phó Huế, phố Mai Hắc Đế rồi men theo các tường nhà đến chỗ gần quân ta chặn đánh xe bọc thép của địch ở gần rạp chiếu bóng Magiextich.

Sau một thời gian theo chân các chiến sĩ chiến đấu: “Quyết tử để Tổ Quốc quyết sinh”, nhà báo Hồng Hà trở về cơ quan Báo Cứu Quốc ở một địa điểm sơ tán. Từ đây với cương vị là phóng viên chiến tranh. Dấu chân anh đã đặt lên mọi vùng miền của chiến trường Đồng bằng Bắc Bộ, Trung du miễn núi, Khu 3, các chiến dịch lịch sử “Tam giác Hà Nam Ninh”, “Giải phóng Hòa Bình”... Có nhiều đêm anh theo “dấu đường dây”, vào viết những thiên phóng sự ngay sau lưng địch. Cố Nhà báo Hữu Thọ từng kể rằng: Năm 1953, nhà báo Hồng Hà là chính trị viên đại đội, chuyển sang làm Phó Bí thư Thị ủy Hải Dương, anh đã gặp và đón tiếp Hồng Hà khi anh cùng đạo diễn Mai Lộc từ vùng tự do vượt sông Hồng vào viết và ghi lại hình ảnh về cuộc kháng chiến của quân dân ta trong vùng sau lưng địch ở tả ngạn sông Hồng. Với các thiên phóng sự đăng nhiều kỳ trên Báo Cứu Quốc: “Trên mặt trận đồng bằng”, “Giải phóng Hòa Bình”, “Đại hội thi đua yêu nước”, “Ở vùng sau lưng địch”, “Trên đất Tiên Lãng”, “Bắc sông Luộc phá càn quyét”, “Những ngày ở Thái Bình”, “Mùa Xuân chiến đầu ở tả ngạn sông Hồng”... và nhiều bài viết chân thực, sinh động về cuộc  chiến đấu kiên cường, dũng cảm của phong trào toàn Đảng. toàn dân, toàn diện của nhân dân đoàn kết một lòng, khẳng định một chân lý ngời sáng “Một dân tộc hai bàn tay trắng, Đồng tâm là chiến thắng thành công”!

Từ tháng 7/1954, nhà báo Hồng Hà chuyển từ Báo Cứu Quốc về làm phóng viên Báo Nhân Dân. Bài phóng sự ra mắt đầu tiên của anh là bài “Hà Nội ngày mới” (đăng trên Báo Nhân Dân tháng 12/1954). Đây là bài viết có thể nói kết thúc một thời kỳ kháng chiến và mở ra một thời kỳ mới với nhân dân Thủ đô Hà Nội, đồng thời với nhà báo Hồng Hà cũng kết thúc một thời kỳ làm phóng viên chiến trường, chuyển sang làm phóng viên kinh tế và phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân.

Ít lâu sau khi về nhận công tác tại Ban Công nghiệp, Báo Nhân Dân, anh lại xách ba-lô lên công trường làm đá Đồng Đăng cùng hàng vạn anh chị em đi khôi phục đường sắt Hà Nội - Lào Cai, Lạng Sơn.

Thiên phóng sự “Đi làm đường xe lửa” của anh đăng 7 kỳ trên báo Nhân Dân (từ ngày 22 đến ngày 27/2/1955) đã thực sự gây được tiếng vang lớn trong lòng bạn đọc. Rồi ra vùng Mỏ, anh viết bài “Trong hầm than” - phóng sự ngắn này được rất nhiều anh em công nhân thợ lò hoan nghênh vì phóng viên đã cùng đi đào than với họ. Ngay sau đó anh đã có ba Phóng sự, đăng ba kỳ, phản ánh kịp thời: “Hà Nam sau cơn bão lớn” - bài phóng sự đã phản ánh kịp thời về ý chí ngoan cường, tinh thần dũng cảm của quân và dân Hà Nam, Quảng Yên, sau bão lớn đã nhanh chóng khắc phục hậu quả cơn bão, ổn định đời sống, đẩy mạnh sản xuất. Từ vùng mỏ Quảng Ninh trở lại Hải Phòng, anh viết bài “Tia lửa Duyên Hải” - Bài viết chủ yếu nêu về tinh  thần  lao động, sáng tạo của anh chị em công nhân Nhà máy cơ khí Duyên Hải hướng về miền Nam ruột hịt “Mỗi người làm việc bằng hai”.  Ít lâu sau, bài báo ra đời đã góp phần vào phomg trào thi đua lớn trong cả nước: “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ Ba nhất”.

Năm 1964, nhiệm vụ chiến lược của dân tộc ta: Bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt nhất. Mỹ thua to ở miền Nam, chúng dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, cho các loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ thời bấy giờ ồ ạt đánh phá dọc tuyến biển của ta từ Hòn Gai đến Quảng Bình - Vĩnh Linh. Cuộc ném bom bắt ngờ của chúng bị thất bại cũng rất bất ngờ: Mười một máy bay các loại của chúng bị quân và dân ta bắn rơi, nhiều chiếc rơi tại chỗ, một viên phi công Mỹ bị anh chị em tự vệ mỏ Hòn Gai bắt sống! Hồi đó, nhà báo Hồng Hà đang thường trú ở vùng mỏ Quảng Ninh ngay lập tức có mặt khi sự kiện xảy ra và đã khẩn trương viết tin bài gửi về tòa soạn. Trong bài ghi chép: “Chiến thắng Hòn Gai”, có đoạn viết: “Tôi đi giữa Hòn Gai trong niềm vui lớn đánh thẳng không quân Mỹ ngày 5/8/1964. Trên bến, dưới tàu, ngoài phố, trong nhà máy và hầm mỏ mọi người tự hào và phấn khởi nói đến trận thử lửa đầu tiên ấy của vùng mỏ sau chín năm xây dựng hòa bình. Trận thắng đầu tiên đó không chỉ ở số máy bay địch bị hạ, phi công Mỹ bị bắt mà còn ở chỗ nêu cao ý chí sắt đá tiêu diệt địch, tạo nên một khí thế cách mạng mới trong quân đội, công nhân và nhân dân vùng mỏ".

 Kỳ II: Người để lại dấu ấn Đổi mới trên Báo Nhân Dân 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây