Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo: Bạn đọc, khán giả vừa là đích đến, vừa điểm xuất phát của mỗi người làm báo

Tình cờ biết được nhân vật, lên ý tưởng và thực hiện tưởng rằng sẽ quay trong một thời gian ngắn, nhưng cuối cùng ê kíp thực hiện của Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk đã theo đuổi hơn 1 năm, dần dần các nhân vật trong tác phẩm còn trở thành người thân, người anh em của ê kíp.

Xuất phát từ một chàng sinh viên học giỏi, Nội theo đuổi đam mê kinh doanh từ khi còn ngồi trên nghế nhà trường, ra trường anh mở công ty riêng với mong muốn lập nghiệp và thay đổi cuộc sống của mình. Nhưng sau khi phát hiện mình bị căn bệnh ung thư không thể chữa trị, anh từ bỏ mọi thứ trở về quê. Tuy nhiên, không muốn mọi thứ trôi đi một cách đơn giản hoài phí, anh mở các lớp dậy học miễn phí cho học sinh nghèo. Tình cờ việc dậy học đã giúp anh thêm yêu cuộc sống, mang lại hạnh phúc thật sự bền vững, những đau đớn thường ngày bị gạt sang một bên.

Lớp học của thầy Nội ban đầu chỉ có vài em đến học, dần dần nhiều phụ huynh nghèo ở địa phương gửi con em mình đến học. Các em tiếp thu kiến thức văn hóa tốt, được tham gia các môn thực hành. Từ một lớp mở thành nhiều lớp, Nội kêu gọi thêm bạn bè vào cùng hỗ trợ, sau đó lập nên ngôi trường có lên là Cầu Vồng. Trường học đã giúp cho các em có một tuổi thơ đúng nghĩa, vừa được tới trường học kiến thức, được vui chơi, đặc biệt sống trong môi trường đầy tình thương.

111
Thầy giáo trẻ Nguyễn Công Nội và các em nhỏ trong hậu trường ghi hình. Ảnh: NVCC

Để tạo cho các em một sân chơi theo đúng nghĩa, Nội đã trồng một đồi hoa hướng dương, hàng ngày cùng các em học sinh chăm sóc. Mỗi lần thầy và trò cùng nhau chăm sóc hoa, người thầy đều căn dặn học trò sống như những bông hoa hướng dương, hướng về mặt trời, hướng về những điều tốt đẹp nhất, học tập, cống hiến để trở thành người tốt, có ích cho xã hội.

Tác phẩm truyền hình "Chàng trai bị ung thư và lớp học cho trẻ em nghèo" đã lưu giữ trọn vẹn về câu chuyện cổ tích đời thường. Tác phẩm lựa chọn hình thức mới mẻ không dùng bất cứ lời bình mang tính chủ quan cá nhân nào mà để các nhân vật tự nói lên. Điều này đòi hỏi người làm truyền hình phải rất kinh nghiệm, trong đó có khả năng lựa chọn nhân vật, nói được, có cảm xúc.....

Một tác phẩm đầu tư công phu có 18 phút, nhưng ê kíp đã dành hơn 1 năm gắn bó với nhân vật để có thể ghi lại. Trong đó các nhân vật tự kể câu chuyện của mình, đã giúp cho người có cái nhìn đa chiều về cuộc sống Nội. Chính những hình ảnh và câu chuyện chân thật đó đã chạm tới cảm xúc người xem.

111
Ê-kíp sản xuất tác phẩm "Chàng trai bị ung thư và lớp học cho trẻ em". Ảnh: NVCC

Xem xong tác phẩm truyền hình này, bất kể ai cũng sẽ có thêm nhiều động lực để vượt qua mọi thứ, mọi khó khăn trong cuộc đời, để cuộc đời không bao giờ vô ích.

"Chàng trai bị ung thư và lớp học cho trẻ em nghèo" sau khi phát sóng đã nhận được nhiều lượt bình chọn nhất trên nền tảng số - Báo điện tử VTV News và ứng dụng VTVGo.

Chia sẻ với báo Nhà báo và Công Luận, nhà báo Nguyễn Quốc Bảo, Phó Trưởng phòng Thời sự, Đài PT-TH Đăk Lăk cho biết: "Tác phẩm đã được khán giả đón nhận, đồng cảm và chia sẻ. Chúng tôi xúc động vì câu chuyện về Chàng trai bị ung thư và lớp học cho trẻ em nghèo được mọi người biết đến. Và điều quan trọng nhất là thông điệp của tác phẩm, giá trị nhân văn, tinh thần cống hiến vì cộng đồng được lan tỏa rộng rãi”.

111
Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo, Phó Trưởng phòng Thời sự, Đài PT-TH Đăk Lăk, các thành viên trong Đài cùng nhân vật thực hiện phóng sự. Ảnh: NVCC

Hơn 1 năm gắn bó với nhân vật, anh Quốc Bảo cho biết: "Chúng tôi không còn là mối quan hệ giữa nhân vật và những người làm phim, mà như những người thân, người anh em. Dù bị bệnh nặng nhưng tinh thần của bạn ấy rất mạnh mẽ, lạc quan và vui vẻ. Khi bạn ấy ra đi, chúng tôi rất đau buồn. Chúng tôi tự hỏi chẳng lẽ câu chuyện Chàng trai bị ung thư và lớp học cho trẻ em nghèo phải khép lại mà không có hậu? Bao nhiêu cảnh quay chúng tôi dự định thực hiện cho tác phẩm này đành dang dở".

Khi mọi thứ tưởng chừng dừng lại, ê kíp sẽ đóng máy, nhưng rồi cái kết mới được mở ra, đó là sự xuất hiện của 2 người em trai của Nội. Một người mới xuất ngũ về làm quản lý thư viện của Nội, một người muốn chuyển công tác về gần nhà để tiếp tục duy trì lớp học. Hai người em này đã viết tiếp những ước mơ còn dang dở của Nội.

Nhận được giải thưởng tác phẩm có lượt bình chọn cao nhất từ khán giả, Quốc Bảo và ê-kíp của mình cảm thấy rất tự hào. Anh quan niệm: “Công chúng vừa là cái đích của tác phẩm, vừa điểm xuất phát để mỗi người làm báo dựa vào đó để soi rọi, để lựa chọn cách thể hiện làm sao để có sự tác động lớn nhất đến cảm xúc của công chúng”.

111
Nhà báo Nguyễn Quốc Bảo, Phó Trưởng phòng Thời sự, Đài PT-TH Đăk Lăk. Ảnh: NVCC
 

Phóng sự truyền hình "Chàng trai bị ung thư và lớp học cho trẻ em nghèo" có cách thể hiện mới lạ, chuyên nghiệp và hấp dẫn. Có tính phát hiện vấn đề, có tầm ảnh hưởng xã hội và đặc biệt còn mang yếu tố cổ vũ những nhân tố mới, nêu bật gương người tốt, để lan tỏa những thông điệp lớn lao trong xã hội.

Theo nhà báo Quốc Bảo: "Cảm xúc của công chúng, tác động xã hội…chính là thước đo cho sự thành công của tác phẩm. Tác phẩm của chúng tôi nhận được lượt bình chọn cao nhất từ khán giả khắp nơi điều đó giúp chúng tôi rất vinh dự, tự hào và sẽ tiếp tục phấn đấu làm nên những tác phẩm truyền hình hay hơn nữa" .



Theo Nguyên Phong/NB&CL

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây