Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Nhớ bác Nguyễn Văn Hình - Người đón tôi vào ngôi nhà tuyên giáo

4 năm đèn sách sắp kết thúc cũng là lúc tôi và cả gia đình đối diện với nỗi lo toan lớn hơn - tìm việc làm sau khi ra trường đại học. Tôi hăm hở chuẩn bị cả chục bộ hồ sơ với bảng điểm đại học loại giỏi, chỉ còn chờ điểm bảo vệ luận văn tốt nghiệp nữa là có bằng chính thức, bắt đầu quá trình xin việc. Mặc dù đã lường trước khó khăn, nhưng tôi không ngờ được rằng cánh cửa tìm việc làm lại gian nan đến thế. Những lời xì xào, những bạn thân khôn ngoan và gia đình có điều kiện hơn đều mách nhỏ: "Tự mình nộp hồ sơ mà không có người bảo lãnh, không mất tiền chạy thì đời nào xin được việc". Gần như tuyệt vọng, cầm trong tay bộ hồ sơ cuối cùng, tôi hỏi đường tới Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
111
Dắt chiếc xe đạp cũ kỹ bước vào trụ sở nhà làm việc các ban Đảng, số 14, đường Chùa Chuông, tôi lọt thỏm giữa hành lang đầy xe máy và xe ô tô sang trọng. Theo chỉ dẫn của anh bảo vệ trẻ, tôi tìm được phòng làm việc của Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy rồi hồi hộp gõ cửa. Bước vào phòng, có hai người đang ngồi, không biết trước nên tôi đành run run hỏi "cháu xin lỗi, cho phép cháu gặp bác Hình, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ạ". Nếu lúc ấy, bác dùng vẻ mặt lạnh lùng, nghiêm nghị thì có lẽ tôi đã không đủ can đảm để ngồi chờ bác nhanh chóng trao đổi hết công việc với vị khách trong phòng, nhưng thật may mắn, bác lại mỉm cười rất đôn hậu: "cháu có việc gì thì cứ ngồi chờ bác một chút nhé". Kiên nhẫn nghe hết nguyện vọng nộp hồ sơ xin việc, rồi xem các giấy tờ, bảng điểm của tôi, bác nhẹ nhàng nói: "Đúng là Ban bác đang thiếu biên chế thuộc mảng văn hóa - văn nghệ, với bằng cấp của cháu là rất phù hợp, lại đúng chủ trương của tỉnh ưu tiên tuyển dụng sinh viên giỏi về làm việc. Nhưng…". Chỉ nghe đến đây, tôi đã rụng rời chân tay, thôi, thế là lại điệp khúc "nhưng" rồi, tôi biết phải làm sao bây giờ? Thấy mặt tôi tái mét đi, bác vội vàng trấn an: "cháu đừng lo lắng như vậy, là cháu chưa hiểu hết quy định thôi. Bây giờ hồ sơ của cháu còn chưa có bằng tốt nghiệp chính thức, bác và cơ quan chưa thể nhận được. Khi nào cháu được cấp bằng rồi, cháu mang đến cơ quan, vào Văn phòng nộp cho đúng quy định, rồi bác và các đồng chí lãnh đạo Ban sẽ xem xét, đúng đủ tiêu chuẩn thì sẽ báo cáo tổ chức". Trong lúc hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình tôi, bác không quên dặn dò tôi gầy quá, phải tăng cường ăn uống để có sức khỏe mới đáp ứng được yêu cầu công việc, đặc biệt, điều tôi không ngờ nhất, vừa khiến tôi ngượng ngùng, lại vừa khiến tôi kính phục bác vô cùng là khi bác dặn tôi lớn rồi, chuẩn bị đi làm nghĩa là trưởng thành rồi, phải lưu ý ăn mặc cho phù hợp môi trường, không nên tùy tiện quần bò, áo phông ngắn như thế này nữa.

Vừa nhận được tấm bằng tốt nghiệp đại học trên tay, tôi vội vàng mang hồ sơ đến Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Thời gian chờ đợi từng ngày trôi đi thật dài. 45 ngày không có hồi âm. Hy vọng thắp lên lại dần tắt. Cho đến ngày 15/9/2003, tầm 8 giờ sáng, khi bác hàng xóm gọi tôi sang nghe điện thoại, thì ra chú Trần Đức Hồng, Chánh Văn phòng Ban gọi hỏi tôi sao ngày đầu được tuyển dụng đi làm lại chưa thấy tới cơ quan. Tôi cuống quýt thanh minh do tôi chưa nhận được thông báo của cơ quan nên không biết. Vậy là vội vội vàng vàng mặc bộ quần áo dài dặn, đạp xe tới cơ quan. Theo chân chú Hồng vào phòng bác Hình, tôi rối rít xin lỗi bác vì không biết mình đã được tuyển dụng nên đến chậm muộn. Vẫn nụ cười đôn hậu ấy, dáng vẻ bình tĩnh ấy, bác xua tay trấn an tôi "thôi, không biết, không có tội". Rồi bác bảo tôi ngồi xuống, ân cần chỉ bảo tôi: "học giỏi ở trường là tốt rồi, bây giờ có cơ hội đi làm, cháu phải cố gắng học hỏi, thích ứng với thực tiễn, đáp ứng công việc. Theo chức năng, nhiệm vụ, Ban mình phải tham mưu giúp Tỉnh ủy một mảng rất quan trọng là mảng văn hóa - văn nghệ, nhưng vì điều kiện của tỉnh tái lập chưa lâu, bộ máy tổ chức cần thêm thời gian và nhân sự mới có thể kiện toàn như mong muốn.Vì vậy, trước mắt, Lãnh đạo Ban thống nhất phân công cháu về Phòng Tuyên truyền do đồng chí Nguyễn Văn Đông là Trưởng phòng, đồng chí Nguyễn Duy Hy, Phó Trưởng Ban trực tiếp phụ trách. Trong phòng còn có anh Nguyễn Thế Chuyền, chị Lưu Thị Vân, là những chuyên viên đã cứng cáp về nghề, cháu nên khiêm tốn học hỏi anh chị để mau chóng đáp ứng công việc". Cứ như vậy, bác nhẹ nhàng giới thiệu từng phòng chuyên môn và các chú, các anh chị ở cơ quan để tôi dần hình dung về tính chất công việc và bộ máy cơ quan. Bác bảo không thể ngay lập tức nhớ hết, biết hết được, cháu không nên áp lực quá nhưng cũng không được chủ quan, đây là môi trường mới hoàn toàn, không giống như việc học ở trường. Rồi bác phân công đồng chú Trần Đức Hồng dẫn tôi đi chào và làm quen với tất cả các đồng chí Phó Ban, các chú, các anh chị em trong cơ quan.

Điều khiến tôi tiếc nuối nhất là thời gian tôi được trực tiếp công tác với bác Nguyễn Văn Hình quá ít - chỉ 4 tháng sau, bác đã được nghỉ hưu theo chế độ. Biết được vậy, từng hội nghị do bác chủ trì mà tôi có cơ hội tham dự, tôi đều trân trọng, ghi nhớ và cố gắng ghi chép, tiếp thu, học tập. Tại mỗi hội nghị báo cáo viên của tỉnh, bác đều kiên nhẫn lắng nghe toàn bộ nội dung báo cáo viên trình bày, khi kết luận, bác tóm tắt lại vấn đề rất gọn gàng, dễ hiểu đến bất ngờ. Tôi càng hiểu vì sao các anh chị cơ quan cứ kể lại giai thoại ngày bác làm báo cáo viên của tỉnh Hải Hưng, người nghe đông chật hội trường và chăm chú đến tận phút cuối cùng. Tôi cũng thêm thấm thía lời bác dạy ngày đầu tới cơ quan “làm Tuyên giáo, cháu cần đọc nhiều, nghĩ nhiều, nói ít, biết 10, nói 3 – 4 thôi”. Rồi những hội nghị giao ban báo chí hàng tháng do bác chủ trì cũng khiến tôi nhớ mãi không quên. Vốn đã được thực tập ở cơ quan Báo Hưng Yên, tôi đã sẵn lòng ngưỡng mộ các anh chị phóng viên, biên tập viên. Vì thế, khi được giao tham gia theo dõi tin bài đăng phát của Báo Hưng Yên, Đài PTTH tỉnh, tôi không dám bê trễ chút nào, nhưng vẫn chỉ tham gia được đôi chỗ về lỗi ngữ pháp, lỗi trình bày, chú thích…, mà điều này, đối với các đại biểu lãnh đạo Báo, Đài dự giao ban, tôi thật sự e ngại vì chưa xứng tầm khi góp ý. Ấy vậy mà sau khi nghe đại diện các đơn vị báo cáo kết quả công tác tuyên truyền trong tháng, tự nhận xét những ưu, hạn chế của đơn vị mình, nghe dự thảo báo cáo tổng hợp của Ban (do Phòng Tuyên truyền chúng tôi tham mưu), bác lại kết luận và định hướng vấn đề thật tài tình, đầy đủ mà vẫn khái quát. Điều khiến tôi và các đại biểu tâm phục, khẩu phục chính là việc bác không chỉ chỉ ra những điểm mạnh cần phát huy của các cơ quan báo chí, mà còn lưu ý, nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng mạch lạc, rõ ràng, “trúng, đúng”, cụ thể, sát thực các vấn đề về nghiệp vụ báo chí, tuyên truyền, đặc biệt là về cơ cấu, bố cục tin bài tuyên truyền giữa các địa phương trong tỉnh, giữa các lĩnh vực, ngành nghề trong một số báo, một chương trình phát sóng; kể cả việc dành vị trí ưu tiên trong trang 1 của Báo, tin đinh ở khung giờ vàng của Đài để tuyên truyền về hình ảnh, kết quả hoạt động của người lao động, trực tiếp là nông dân, công nhân…

Trước ngày bác nghỉ chế độ, trong buổi liên hoan chia tay cơ quan, bác ân cần động viên mọi người, khi nói đến các cán bộ mới được tiếp nhận, như người “đi guốc trong bụng” tôi,  bác cười đôn hậu bảo “các cháu mới vào như cháu Lưu Ngọc Tú, cháu Vũ Thu Hà, cháu Hoàng Thị Thanh Mai càng cần phải cố gắng nhiều hơn để sớm chủ động công việc được phân công, đúng với chuyên môn, nhưng không nên vì thế mà quá áp lực với bản thân, vì bên cạnh các cháu còn có các chú, các anh chị vừa cứng về chuyên môn, vừa tận tâm chỉ dạy”.

Quả đúng như lời bác nói, với sự ân cần, quan tâm chỉ bảo, “cầm tay chỉ việc” của các chú, các anh chị trong cơ quan, chúng tôi đã nhanh chóng tiếp cận được công việc sau một thời gian công tác. Những buổi tham gia hội nghị báo cáo viên của tỉnh; hội nghị giao ban báo chí; hội nghị triển khai học tập và tổ chức thực hiện, hội nghị tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; rồi những ngày miệt mài theo dõi, tổng hợp tình hình báo chí Trung ương và địa phương; những ngày đi về cơ sở để nắm bắt tình hình, xây dựng tin bài trên Bản tin Thông báo nội bộ... đã dần cuốn tôi vào guồng công việc thường xuyên của cơ quan và trở thành một thành viên gắn bó khăng khít với cơ quan Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Suốt mười mấy năm liền, dù đã nghỉ hưu nhưng bác vẫn dành trọn vẹn sự quan tâm đến tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, tình hình công tác Tuyên giáo. Với kinh nghiệm sống và kinh nghiệm công tác của một tư lệnh ngành từ những ngày tỉnh mới tái lập bộn bề công việc và những tình huống đòi hỏi quyết sách kịp thời, cân não, bác Nguyễn Văn Hình như một người thày đáng kính, một quân sư tận tình giúp chúng tôi giải quyết những khó khăn, thách thức của công tác Tuyên giáo trong thời kỳ mới. Những buổi chiều cuối năm, dù vội vã đến mấy, chúng tôi cũng không muốn nhấc chân khỏi ngôi nhà thân quen, nơi có người Trưởng ban đáng kính, giản dị, vị tha mà uyên thâm, sâu sắc, phê bình đủ nhẹ nhàng để chúng tôi tiếp thu, có quyết tâm khắc phục, sửa chữa; khen đủ để chúng tôi cảm thấy có động lực mà không tự mãn, tự kiêu về những thành tích của mình. Rồi lại mong mỏi lần sau đến, tiếp tục có thứ, có chuyện để “khoe” với bác, “kể khổ” với bác...

Mới đó mà đã tròn một năm ngày bác tạm biệt vợ con, họ mạc, bạn bè thân thiết, đồng chí, đồng nghiệp về với thế giới vĩnh hằng. Nỗi tiếc thương dành cho người xa khuất tưởng đã lắng lại, xếp sau những bận rộn, lo toan bộn bề của cuộc sống cùng trách nhiệm công tác khác. Thế mà gần đến ngày giỗ đầu của bác, những kỷ niệm, tình cảm nhớ nhung, tri ân về bác cứ rưng rưng, ào ạt hiện về.

Và tôi biết chắc chắn một điều rằng, dù không hẹn trước với nhau, thì đúng ngày rằm tháng mười một âm lịch này, các anh chị em chúng tôi, những người từng được bác yêu thương, quan tâm dìu dắt, phát hiện và bố trí đúng năng lực, sở trường, trong đó có cả các anh chị đã trưởng thành như anh Nguyễn Công Đán, nguyên Tỉnh ủy viên, Giám đốc Đài PTTH tỉnh; chị Mai Ngoan, Trưởng phân xã TTX Hưng Yên; chị Nguyễn Thị Thu Hoài, Giám đốc Đài PTTH tỉnh... sẽ cùng nhau trở về ngôi nhà cũ, nơi cách đây ba trăm sáu mươi lăm ngày chúng tôi đã đến tiếc thương, đưa tiễn bác về nơi an nghỉ cuối cùng. 

Và chắc chắn, trong phút quây quần bên nhau, anh trước em sau sẽ lặng lẽ nhớ về những ngày tháng được sống, làm việc bên bác, cả những ngày cuối cùng của bác - đau đến mức không thể ngồi dậy trò chuyện cùng chúng tôi như mọi lần, tiếng nói cũng mỏng, khẽ như một cơn gió, nhưng bác vẫn nhớ, vẫn biết từng tên, dặn dò từng người, còn cố cười bảo chúng tôi đừng khóc...
Hoàng Thị Thanh Mai
Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh
Nguyên Phó Trưởng phòng VHVN, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây