Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Những nữ phóng viên xông pha nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19

Khi cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 bước vào những giai đoạn phức tạp nhiều cam go và thử thách, nhiều nữ phóng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, trang bị cho mình những kiến thức về phòng chống dịch và hơn thế, họ luôn nhiệt thành, trách nhiệm với công việc được giao.

Phóng viên đã cực, phóng viên nữ tác nghiệp tâm dịch còn cực hơn

Trong đợt dịch lần này, TP. Hồ Chí Minh có số ca nhiễm tăng cao, có thời điểm số ca vượt so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Là phóng viên mới ra trường, Hoài Thương - Báo Sức khỏe & Đời sống thường trú tại TP.HCM đã nhanh chóng bắt nhịp với hoạt động tác nghiệp trong đợt dịch này, cô hiểu rằng đây vừa là khó khăn cũng vừa là thử thách mà cô sẽ vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.

Là phóng viên cơ quan ngôn luận thuộc của Bộ Y tế, Hoài Thương thường đến những khu vực có lực lượng y tế đang làm nhiệm vụ, đó là khu cách ly, phong tỏa…Mỗi nơi đến chị đều sử dụng đồ bảo hộ, nước sát khuẩn, sử dụng khẩu trang… theo đúng khuyến cáo.

Vì mới ra trường và chưa có gia đình nên Hoài Thương dành toàn bộ thời gian để tác nghiệp độc lập, từ khu cách ly, bệnh viện rồi trở về nhà ở một mình, hạn chế giao tiếp với mọi người để đỡ ảnh hưởng đến người thân hơn. Chị luôn đảm bảo khoảng cách khi phỏng vấn, thực hiện các bước di chuyển một chiều, nghĩa là vào một đầu và ra một đầu, không quay lại hay rẽ đi vào khu vực khác. Thực hiện khử khuẩn kể cả đồ đạc tác nghiệp.

111
Phóng viên Hoài Thương - Báo Sức khỏe & Đời sống tại TP.HCM tác nghiệp gần một khu vực phong tỏa. Ảnh: NVCC
 

Làm phóng viên đã cực, mà nữ làm phóng viên tác nghiệp trong đợt dịch còn cực hơn nữa. Vừa qua thành phố Hồ Chí Minh có phong tỏa một số quận, việc phong tỏa diễn ra lúc 12h đêm. Nắm được thông tin ngành y tế có tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và không muốn bị bỏ lọt tin, ngay trong đêm chị di chuyển sớm để đi theo đội lấy mẫu xét nghiệm. Chị hiểu rằng để có loạt bài về những gương cống hiến của các bác sỹ thì chỉ có cách xin đi cùng và theo dõi toàn bộ mới biết được, hiểu được và viết được. Đó là cả một hành trình cam go.

Mỗi chuyến đi là mỗi kỷ niệm, nữ phóng viên Hoài Thương nhớ lại: Tối hôm đó tôi cùng Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức đi lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân, người lao động ở khu chế xuất Linh Trung. Tôi luôn tuân thủ việc đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, mặc đồ bảo hộ. Do việc đeo khẩu trang suốt thời gian dài làm bị đau ở hai vành tai, tôi chế thêm dây buộc xung quanh đầu để đảm bảo an toàn hơn. Hôm đó, tôi cùng lực lượng y tế gần như làm việc xuyên đêm không có thời gian nghỉ, chúng tôi kết thúc công việc lúc đó đã hơn 4h sáng.

“Trực tiếp chứng kiến khó khăn vất vả của họ tôi thấy rằng những khó khăn khi tác nghiệp của mình không thấm gì so với các y bác sỹ ở đây. Họ đi lấy mẫu theo từng điểm, khi xong điểm này ngay lập tức lấy mẫu ở địa điểm khác. Đúng như khi đánh trận, họ tranh thủ từng giờ từng phút,  thậm chí sau khi xong một điểm, bộ đồ được cởi bỏ thì gần như người bị ướt đẫm. Những chiếc kính mờ đi và ướt sũng vì hơi nước, những hình ảnh đó tác động sâu sắc đến người trực tiếp làm nghề như tôi, thế mới biết quá trình họ làm việc nóng bức và căng thẳng như thế nào”, Hoài Thương tâm sự.

Xông pha ở tuyến đầu

Không chỉ tại TP. Hồ Chí Minh, tại Đà Nắng, ngay từ khi có dịch Covid-19 nữ phóng viên Thanh Thế - Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tại Đà Nẵng bắt đầu lên đường tác nghiệp thực hiện nhiệm vụ. Thời gian đầu bản thân chị cũng rất lo lắng vì chưa tác nghiệp trong đợt dịch bao giờ. Nhưng chị luôn lắng nghe và thực hiện theo các khuyến cáo của ngành y tế, đặt vấn đề đảm bảo an toàn trong quá trình tác nghiệp mùa dịch lên hàng đầu. Nhất là ở khu vực nhạy cảm như khu cách ly, khu phong tỏa, bệnh viện...

111
Nữ phóng viên Thanh Thế (Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội tại Đà Nẵng) phỏng vấn lực lượng tham gia phòng chống dịch. Ảnh: NVCC

Năm 2020, thời điểm Đà Nẵng có nhiều ca nhiễm, trong đó ổ dịch được xác định là ở 2 bệnh viện lớn, ngay trong đêm 26/7/2020, chính quyền TP Đà Nẵng đã hiệp đồng với Bộ tư lệnh Quân khu 5 điều lực lượng phòng hóa và y học dự phòng để tiêu độc khử trùng bệnh viện. Dù đã 21 giờ, các lực lượng đội quân cùng nhiều phương tiện xe hiện đại vẫn tập trung thực hiện nhiệm vụ. Đó không khác gì việc chuẩn bị cho cuộc chiến chống giặc, mọi người đều có chung không khí khẩn trương và tinh thần quyết tâm của bộ đội.

Phóng viên Thanh Thế nhớ lại: “Khi xác định khu vực được cho là ổ dịch, lực lượng quân đội là những người có mặt đầu tiên để xử lý, khử khuẩn. Trong khoảng thời gian ngắn, họ phải làm sạch hàng triệu mét vuông diện tích bề mặt ở các bệnh viện. Khi hoàn thành công việc thì tôi thấy các chiến sỹ rất mệt, mất nhiều sức lực, nhưng qua đó mới thấy là họ đã cố gắng nhiều như thế nào. Tôi thật sự không quên được hình ảnh lúc đó, cũng như là những ngày tiếp theo, bộ đội túc trực ngày đêm ở các chốt điểm phong tỏa, ngày thì nắng, chiều thì mưa dông to, nhưng tất cả vẫn bám chốt để làm nhiệm vụ. Chính sự hy sinh của lực lượng quân đội đã giúp cho công tác phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh nhanh chóng và hiệu quả”.

Không vì quá yêu nghề mà bỏ qua các bước an toàn

Dịch bệnh xảy ra, phóng viên theo lĩnh vực y tế của mỗi cơ quan báo chí đều chủ động cung cấp thông tin đầy đủ nhanh chóng đến bạn đọc. Phóng viên Thu Hằng – Tạp chí Tri thức trực tuyến (Zingnews) còn luôn coi trọng yếu tố chính xác của mỗi dòng tin.

Mùa dịch bùng phát, người dân chờ đợi những thông tin mới nhất về dịch bệnh, lợi dụng việc này đã có những đối tượng đăng tin giả lên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận. Trong hoàn cảnh đó, phóng viên Thu Hằng luôn thực hiện nguyên tắc: Phải xác định xem nguồn tin mình chuẩn bị đăng tải có đáng tin cậy hay không? Có phải là nguồn chính thống không? Nếu như nguồn tin xuất phát từ mạng xã hội, người dân mà không phải từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền thì phải kiểm tra lại, tìm nhiều nguồn khác nhau để có thông tin chính xác nhất.

Khi liên hệ xác minh thông tin chị cũng gọi cho một số cơ quan là Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 hoặc người đại diện cơ quan đơn vị có thẩm quyền phát ngôn. Sẽ là rất nguy hiểm nếu như phóng viên chỉ gọi điện ở một nơi mà không kiểm chứng ở những nguồn khác rồi nhanh chóng đăng tải, vì thông tin liên quan đến dịch bệnh, số ca mắc, tử vong sẽ dễ gây hoang mang dư luận và gây ảnh hưởng tới uy tín cho chính cơ quan báo chí đó.

111
Phóng viên Thu Hằng – Tạp chí Tri thức trực tuyến (Zing.vn) cùng đồng nghiệp và y bác sỹ. Ảnh: NVCC

Là nữ phóng viên trẻ người Hà Nội, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Đà Nắng tháng 7 năm 2020, Thu Hằng lập tức nhận nhiệm vụ lên đường vào tác nghiệp. Và trong đợt dịch lần này xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh chị lại trực tiếp đi đến nhiều khu vực là tâm dịch để sản xuất tin, bài. Đi nhiều nơi, tác nghiệp nhiều vùng miền ở cả nước, để tác nghiệp an toàn chị luôn dựa trên tình huống cụ thể để đưa ra những quyết định về phòng chống dịch. Và quan trọng nhất vẫn là phải hiểu về nguy cơ và những cơ chế lây nhiễm của dịch bệnh. Bảo vệ mình chính là bảo vệ mọi người xung quanh.

Thu Hằng cho biết: “Tôi luôn có quần áo bảo hộ, gang tay trong ba lô để sẵn sàng lên đường. Chủ động xin phép để vào được khu cách ly tác nghiệp. Tuy nhiên, có những lúc vì mình bị cuốn theo sự kiện mà quên mất các biện pháp an toàn, điều này là rất nguy hiểm, đơn giản như hành động vô tình cho tay lên mặt chẳng hạn, đó là nguy cơ dễ nhiễm bệnh. Tôi nhớ lần tác nghiệp ở Bệnh viện Đà Nẵng, lúc đó sự kiện vừa diễn ra xong, tôi ở lại viết bài luôn. Một bác sỹ đã nhắc nhở tôi rằng đây là khu vực có nguy cơ cao, ngay lập tức tôi ra khỏi bệnh viện về nhà viết tiếp. Đó cũng là tình huống mà mình phải rút kinh nghiệm, không vì quá chú tâm đến công việc mà bỏ qua các bước về an toàn”.

Cuộc chiến chống dịch bệnh Covid - 19 là cuộc chiến lớn, ở đâu người ta cũng dễ dàng bắt gặp những hi sinh mà các y bác sỹ gặp phải, đã có nhiều bài báo nói về những bác sỹ từ lúc bùng dịch và trực suốt hai, ba tháng không nghỉ ngày nào, không có thời gian cho gia đình, có nhiều đêm họ thức trắng. Họ đã làm 200% sức lực dù đã rất mệt nhưng họ vẫn nỗ lực vì sức khỏe cộng đồng.

Thu Hằng chia sẻ: “Chúng tôi được gặp gỡ những bác sỹ trong tâm dịch đó là vinh dự và may mắn, vì để gặp được họ trong hoàn cảnh đó là điều rất khó. Nguồn tư liệu quý đó chính là nguyên liệu để có được những bài viết chất lượng, truyền tải thông điệp về đức hi sinh, lòng quyết tâm chiến thắng đại dịch và sau này có thể được coi là một phần của lịch sử đấu tranh chống dịch của đất nước”.

Có thể nói, không chỉ là những người đưa tin thông thường, những nhà báo tác nghiệp trong tâm dịch còn thể hiện ý chí quyết tâm, là động lực để nhiều đồng nghiệp khác còn đang do dự sẽ nối tiếp và dấn thân cống hiến nhiều hơn nữa. Cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn tạo ra nhiều thử thách ở phía trước và những nữ nhà báo ở khắp mọi miền của đất nước vẫn giữa vững tinh thần trách nhiệm, họ luôn sát cánh, đồng hành cùng các lực lượng tham gia chống dịch, tất cả cùng nhau đoàn kết vì nhiệm vụ chung.

 

Theo Lê Tâm/NB&CL

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây