Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Phóng viên Cao Oanh: Tuổi trẻ là ước mơ, là cố gắng và cống hiến nhiều hơn

Đối với nhiều nam phóng viên ảnh tác nghiệp ở những sự kiện thể thao đó như là công việc bình thường, hợp gu. Nhưng với nữ phóng viên trẻ thì đây sẽ là thử thách lớn, là hành trình đầy cam go và nếu không có lòng đam mê, tinh thần cống hiến của tuổi trẻ sẽ khó giữ được lửa nghề.

Trong những ngày tháng 3 – tháng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có dịp gặp Cao Oanh – nữ phóng viên ảnh trẻ trung, năng động của báo điện tử Dân Việt. 

Là phóng viên ảnh tôi phải luôn sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh

Phóng viên Cao Oanh - Trung tâm Truyền hình số Dân Việt được biết đến là nữ phóng viên ảnh năng động, mang nhiệt huyết của tuổi trẻ. Khi còn là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền Cao Oanh đã bắt đầu để dành tiền mua máy ảnh phục vụ cho việc tác nghiệp. Vừa học vừa cộng tác cho báo Dân Việt, sản phẩm ảnh của cô ngày được nâng cao về chất lượng theo thời gian. Ở những năm cuối cùng trên giảng đường, cô đã có nhiều phóng sự ảnh có chất lượng, được sử dụng trên báo Dân Việt.

Từ những tấm ảnh ban đầu đến những bức ảnh được sử dụng cô biết được những ưu nhược điểm để thay đổi, nâng cao chất lượng. Không phải đơn giản là đến có mặt ở sự kiện, chụp ảnh lại, mỗi bức ảnh phải có điểm nhấn, đi sâu vào từng chi tiết, đảm bảo được bố cục, chiều sâu và nội dung. Hay khi chụp ảnh chân dung, làm những nhân vật phải có màu sắc riêng, có thần thái, sự sống động, chân thật…nhìn vào bức ảnh độc giả thấy được sự công phu, tất cả những điều đó sẽ xây dựng và tạo bản sắc riêng cho từng phóng viên ảnh. 

Cao Oanh tâm sự: Ngoài sự hướng dẫn của nhiều anh chị ở tòa soạn Dân Việt, tôi cũng cố gắng học hỏi cách làm ảnh ở những cơ quan báo chí lớn khác. Phân tích, so sánh hiểu được những sự kiện mình cùng tham gia, tại sao họ lại có những bộ ảnh chất lượng hơn. Qua những lần học hỏi đó tôi hiểu rằng họ đã đầu tư công sức, trí tuệ như thế nào để tạo ra được một bức ảnh báo chí có giá trị. Mỗi bức ảnh, mỗi phóng sự ảnh làm sao độc giả nhìn vào mà không bị nhàm chán.

111
Phóng viên Cao Oanh trong một lần tác nghiệp tại giải V-League 2019, cô vừa chụp ảnh, viết bài vừa làm video cho báo.

Là phóng viên ảnh tham gia nhiều sự kiện thể thao, tư duy linh hoạt, nhạy bén luôn là yếu tố quan trọng để mang đến thành công cho một phóng viên. Như trong trận đấu bù vòng 22 V.League 2019 trên sân Hàng Đẫy, đã có sự cố  xảy ra khi một nữ CĐV ngồi bên khán đài A bị bỏng khi trúng một quả pháo bắn từ bên khán đài B sang. Nhận thấy tình huống đột xuất trên sân, Cao Oanh đã di chuyển đến nơi xảy ra sự việc, cố gắng tìm vị trí tốt nhất để chụp, ghi lại những gì đang diễn ra trên khán đài. Với tính chất thời sự, mang hơi thở cuộc sống bộ ảnh sau đó được đăng tải trên báo và thu hút được sự quan tâm từ nhiều bạn đọc.

“Đối với mỗi phóng viên ảnh, được tham gia một sự kiện và đưa tin đó là điều hạnh phúc. Tôi hiểu rằng mình phải cố gắng, vì mỗi sản phẩm của mình sẽ góp phần mang thông tin thời sự tới hàng triệu bạn đọc, đang đón đợi. Là phóng viên ảnh tôi phải luôn sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh, việc chuẩn bị càng chu đáo chất lượng hình ảnh sẽ được nâng cao”, Cao Oanh chia sẻ.

111
Phóng viên Cao Oanh tác nghiệp trong sân vận động Mỹ Đình trong giải đấu AFF Cup 2018.

Cuối tuần chúng tôi bận hơn cả những ngày thường

Các trận đấu tại sân vận động Mỹ Đình luôn có hàng chục nghìn khán giả, đặc biệt những trận đấu của đội tuyển quốc gia. Người phóng viên ảnh sẽ phải chịu áp lực cùng một lúc nhiều phía: Đó là ban tổ chức, cổ động viên và tính chất quan trọng của trận đấu, không khí sôi động từ mọi phía dồn về trở thành áp lực không hề nhỏ đối với một phóng viên thể thao.

Suốt cả trận đấu kéo dài, phóng viên sẽ gần như không có thời gian nghỉ, vì phải lựa chọn thông tin, chụp các góc cạnh của trận đấu, các cầu thủ trên sân… gửi thông tin về để tòa soạn cập nhật. Không chỉ riêng trận đấu, phóng viên còn chú ý đến những vấn đề diễn ra trên khán đài, phía cổ động viên và cả những sự kiện ở bên ngoài sân, không khí trước trong, sau trận đấu…

Làm phóng viên thể thao thì gần như sự kiện nào cũng có áp lực, về cuối trận đấu khi mà tất cả mọi người đều ra về và được nghỉ ngơi thì cũng là lúc phóng viên phải dốc sức làm việc nhiều nhất. Theo Cao Oanh: “Thông thường cuối tuần sẽ là dịp phóng viên nghỉ ngơi sau một tuần làm việc, họ sẽ dành thời gian nấu ăn, chăm sóc bản thân và gia đình. Nhưng bản thân chúng tôi sẽ phải dành toàn bộ thời gian cho các giải V-League, các giải quốc nội…vì thế cuối tuần chúng tôi bận hơn cả những ngày thường”.

111
Là phóng viên ảnh cô luôn phải sãn sàng tác nghiệp trong mọi hoàn cảnh.

Phóng viên thể thao là đồng nghĩa với mất sức nhiều hơn, chạy và suy nghĩ, lên ý tưởng nhiều hơn, từ sân vận động này đến sân vận động khác. Điều này sẽ càng không đơn giản đối với phóng viên nữ. Trong sự cạnh tranh thông tin giữa cơ quan báo chí, yêu cầu về phóng viên đa năng càng đòi hỏi người làm báo phải nâng cao cao hơn về chất lượng, họ chủ động chụp, làm video cho đến những bài viết phân tích, bình luận…

Cao Oanh tâm sự: “Đồ nghề tôi mang theo thường gồm máy ảnh, nhiều ống kính, laptop, tất cả trong một ba lô khoảng 5kg, công việc sau một trận đấu là cố gắng làm sao để hoàn hiện toàn bộ tin bài trong ngày hôm đó, nhiều sự kiện thể thao tôi làm từ 4h chiều cho đến 12h đêm mới xong và dùng bữa tối. Nhưng là phóng viên nữ tôi luôn biết rằng sức khỏe là điều quan trọng nhất, vì thế khi xong một sự kiện tôi luôn cố gắng cân bằng giữa thời gian làm việc - cuộc sống sinh hoạt, đảm bảo sức lực khi bước vào một sự kiện, giữ vững tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ và lên đường”.

Cô cũng cho biết thêm, không riêng mảng thể thao, mỗi phóng viên Trung tâm Truyền hình số Dân Việt luôn xác định phải làm những tin tức hàng ngày, những vấn đề nóng đang được bạn đọc quan tâm, đồng thời tìm kiếm những đề tài hấp dẫn mới lạ. Những ngày không có sự kiện thể thao họ lại được phân công theo dõi đưa tin kinh tế, xã hội, viết những bài mang tính bình luận chuyên sâu để nâng cao kỹ năng nghề.

111
Phóng viên Cao Oanh chụp ảnh cùng cổ động viên CLB SLNA tại giải bóng đá Vô địch Quốc gia V.league.

Không riêng mảng thể thao, mỗi phóng viên Trung tâm Truyền hình số Dân Việt luôn xác định phải làm những tin tức hàng ngày, những vấn đề nóng đang được bạn đọc quan tâm, đồng thời tìm kiếm những đề tài hấp dẫn mới lạ. Những ngày không có sự kiện thể thao họ lại được phân công theo dõi đưa tin kinh tế, xã hội, viết những bài mang tính bình luận chuyên sâu để nâng cao kỹ năng nghề.

Là nữ theo nghề phóng viên ảnh, phóng viên Cao Oanh luôn xác định khi lựa chọn nghề sẽ là sự thử thách khốc liệt, nhưng cô xác định cứ đi rồi sẽ đến, mỗi ngày tác nghiệp là mỗi ngày được học hỏi được nâng cao kỹ năng nghề. Đi nhiều, vấp nhiều, tác nghiệp trong nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nhau sẽ tạo nên bản lĩnh…Không thể đòi hỏi có bức ảnh đẹp ngay từ những lần đầu tiên, tất cả đều phải qua rèn luyện.

Nhớ lại những ngày đầu bước vào nghề báo, Cao Oanh tâm sự: “Mỗi lúc gặp khó khăn, nhiều đồng nghiệp động viên và luôn hi vọng sản phẩm của tôi lần sau sẽ tốt hơn, tiến bộ hơn. Trong khoảng thời gian hai năm từ khi ra trường đến nay, những lời khích lệ kịp thời đó đã thôi thúc tôi làm tốt hơn. Sự chia sẻ đó như thúc giục tôi không bỏ cuộc, tiếp tục đứng vững trên con đường mình đã chọn”.
 

Theo Nguyên Phong/NB&CL

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây