Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Khoảng trống giữa người trẻ với sách

Cứ vào dịp cuối năm, lại diễn ra nhiều hội sách, nhiều chương trình tổng kho dọn sách của nhiều nhà xuất bản… với mục đích trao đổi sách, truyền lửa văn hóa đọc cho công chúng. Nhưng dù sách được giảm giá, thậm chí bán theo quyển, theo cân thì vẫn vắng người tới mua. Đó là chỉ biểu hiện thờ ơ với sách, với văn hóa đọc của người Việt hiện nay.
111
Theo khảo sát thống kê, người Việt Nam là một trong những dân tộc lười đọc sách nhất thế giới, trung bình mỗi người Việt chỉ đọc 1 cuốn sách một năm, không tính sách giáo khoa, sách giảng dạy trong nhà trường… Đó là còn chưa kể những cuốn sách được ưa chuộng các bạn trẻ đọc: sách ngôn tình, truyện tranh, những cuốn sách không chính thống và trống rỗng… Theo báo cáo Vụ Thư Viện thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, tỷ lệ người Việt hoàn toàn không đọc sách chiếm gần 30%, những người thỉnh thoảng đọc sách chiếm đến 44%. Đây là số liệu đáng suy ngẫm, đó là hệ quả tất yếu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã làm mai một văn hóa đọc, nếu chúng ta nhìn ra các nước trong khu vực như Singapore: 14 cuốn/năm, Malaysia: 10 cuốn/năm, Thái Lan: 14/cuốn… Những đất nước phát triển chăm đọc sách hàng đầu thế giới như: Đức, Pháp, Nga, Nhật… trung bình một người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm, người ta đọc sách trên tàu điện ngầm, ở Metro, hay lúc tan làm nghỉ trưa… học đọc sách bất kỳ lúc nào. Các nước phát triển cũng có cuộc cách mạng công nghệ, thậm chí còn tiến bộ phát triển và sớm hơn đất nước ta. Nhưng họ biết trân trọng, gìn giữ văn hóa đọc, không bị hòa tan giữa việc đọc sách với những thứ khác.

Mỗi năm, đất nước ta xuất bản hàng vạn đầu sách trong nước và dịch các cuốn sách nước ngoài. Thành phố nào cũng có hai, ba thư viện lớn, trường học nào cũng có ít nhất một thư viện nhỏ. Các cơ quan chủ quản của nhiều nhà xuất bản vẫn có nhiều cuộc ra mắt sách, hội thảo về sách nhằm cổ động văn hóa đọc. Tôi đã đến nhiều thư viện hoặc cà phê sách ở Hà Nội… đa phần người ta tới đây để dán mắt vào màn hình laptop, để chơi game, lướt lướt mạng xã hội dùng wifi miễn phí. Thay vì đọc những cuốn sách để cung cấp tri thức, thì người trẻ đa phần đọc những tin giật gân gây sốc, câu like câu view… Trên những kệ sách trong thự viện nhiều trường Đại học, tỷ lệ sinh viên đến đọc sách là rất ít… Nhiều tòa soạn báo danh tiếng vẫn còn giữ tờ báo in, phát thành theo định kỳ: tuần, tháng… Nhưng rất kén người đọc, nhiều tờ báo trở thành thứ quà biếu, chứ không hẳn là nguồn cung cấp tri thức từ bạn đọc.

Vậy mà, trung bình mỗi người Việt Nam, đặc biệt các bạn trẻ dành đến 7, 8 tiếng đồng hồ trên điện thoại hay laptop. Và đáng buồn hơn, người trẻ dùng điện thoại hay máy tính hiếm không mấy khi là trao đổi thông tin hay làm việc mà là để chát chít, để tán ngẫu vớ vẩn, vô bổ… Những thư viện luôn vắng tanh, nhưng những quán nét, quán chọc Bi-a gần trường học luôn thu hút được đông đảo các bạn trẻ. Và, người ta đến những hiệu sách, không phải để đọc sách mà để check in, sống ảo... Người trẻ bây giờ sống vội, sống gấp, sống phí phạm. Lười tìm tòi, chỉ thích xem, thích chơi và thích hưởng thụ hơn là thích đọc, thích suy nghĩ. Khiến tâm hồn trống rỗng, tri thức hạn hẹp và nhiều hệ lụy đau lòng khác. Nhiều sự việc đau lòng từ giới trẻ, xuất phát từ lối sống buông tuồng, sống bản năng. Tôi thấy buồn khi xem nhiều phóng sự của người trẻ trả lời những câu hỏi lịch về sử nước nhà, họ tỏ ra ngây ngô, và có một lỗ hổng tri thức…

Nhưng cũng không thể trách hoàn toàn giới trẻ trong việc lười đọc sách. Ngay chính nền giáo dục còn nhiều bất cập, chỉ biết chú trọng về thành tích… đã tạo ra tâm lý ăn xổi cho nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Người trẻ phải đọc và học những thứ máy móc thô cứng, phải buộc mình để hiểu những cuốn giáo trình nặng nhọc… mà đích cuối cùng không phải là lĩnh hội tri thức, mà chỉ để thi cử điểm số hay qua môn. Thời gian buộc mình đọc những kiến thức trường lớp, khiến đa phần người trẻ không còn lúc để thảnh thơi cho việc đọc những cuốn sách khác…

Gia đình cũng góp phần không nhỏ hình thành nên những thói quen của người trẻ. Ngay từ còn nhỏ, nếu mỗi người bố mẹ đọc cho con cái những mẩu chuyện: cổ tích, sự tích, truyền thuyết… Lớn hơn biết đọc biết viết, được bố mẹ mua cho những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi, thì tình yêu đọc sách sẽ được chắp nối. Vậy mà hiện nay, đa phần những ông bố bà mẹ dùng những chiếc điện thoại để cho con ăn, dỗ con nín khóc, cho con xem Youtube, chơi game từ rất nhỏ… Tất cả đã tạo nên những thói quen xấu về tư duy nhận thức và hành động. Đây là một điều tai hại, không chỉ là thụ động, lười đọc sách mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Sách là tri thức, là kết quả hun đúc của tinh hoa nhân loại: từ Đông Tây kim cổ, đến chuyện của Tiền Nhân cách chúng ta cả ngàn năm… người ta có thể tìm được mọi thứ từ sách. Một đất nước muốn phát triển và tiến bộ, thì người dân không thể lười đọc sách, không thể lười suy nghĩ. Lười đọc sách, điều đó cũng có chúng ta đang lãng phí nguồn tri thức cần được lĩnh hội để phát triển… Chúng ta vẫn có thể đọc trên những thiết bị công nghệ điện tử, nhưng đọc sách truyền thống vẫn giữ được nhiều giá trị quý báu.
 
Nguyễn Đức Cầm
Hà Nội, đầu xuân 2021

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây