Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Ngô Quý Đức và nỗ lực của tuổi trẻ trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam

“Anh có đam mê với đồ thủ công từ nhỏ.Vào năm 2008, anh có tham gia một nhóm nhiếp ảnh và có cơ hội cùng một người bạn tổ chức chuyến đi các làng nghề truyền thống ở Hà Nội. Ban đầu chỉ là niềm đam mê nhiếp ảnh nhưng càng đi, anh càng muốn tìm hiểu sâu hơn về các làng nghề. Ngót nghét 15 năm gắn bó với các làng nghề truyền thống và các nghệ nhân, anh luôn trăn trở về việc làm sao để giữ gìn, phát huy và bảo tồn rất nhiều làng nghề sắp bị mai một. Phải làm sao để giới thiệu các làng nghề truyền thông đến đông đảo mọi người ở trong nước và cả quốc tế.” 
111
Chân dung anh Ngô Quý Đức
Nổi tiếng là “thủ lĩnh” của các hoạt động đưa trò chơi dân gian xuống phố vào những ngày cuối tuần trên phố đi bộ Hồ Gươm, Ngô Quý Đức ấp ủ dự định làm sống lại các đồ chơi dân gian đang dần bị mai một…Chàng trai Hà thành chia sẻ, hiện anh đang thực hiện dự án “Về làng” nhằm gìn giữ văn hóa dân gian đến với những người trẻ. Thông qua dự án “Về làng” có ý nghĩa lưu giữ văn hóa làng nghề, gìn giữ những nghề thủ công truyền thống của Việt Nam trong đời sống hiện đại ngày nay. Không chỉ vậy, dự án sẽ cùng với những người nghệ nhân, những người thợ thủ công có những hoạt động để lan tỏa, làm sống lại những sản phẩm tưởng chừng đã bị mai một.

Đó là hành trình khôi phục con giống bột thất truyền với các nghệ nhân làng tò he, con giống đất nung, mặt nạ giấy bồi, trống bỏi, dựng lại con quay hạt vải,... Hay là chi tiết dây diều làm bằng tre bánh tẻ chuốt đều, nối dài, cuộn lại ngâm nước quả chuối hột và muối, đem ninh sôi cả ngày... Các trò chơi dân gian từng là ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ, một món đồ chơi xưa của thế hệ trước nay khó còn thấy trong cuộc sống hiện đại.

Trong hành trình rong ruổi khắp các vùng miền, Ngô Quý Đức được gặp gỡ với các nghệ nhân làng nghề. Họ hầu hết đều ở cái tuổi xưa nay hiếm, trong khi thế hệ kế cận không có ai theo nghề thủ công. Câu chuyện với người thợ thủ công cuối cùng còn làm trống bỏi và các con giống đất nung khiến anh có nhiều trăn trở. Ngô Quý Đức mong muốn qua dự án “Về làng” sẽ nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ cộng đồng để cùng chung tay gìn giữ những món đồ chơi dân gian từng là một phần tuổi thơ của biết bao các thế hệ cha ông đi trước cho các thế hệ sau.
111
Ngô Quý Đức và MyHanoi tổ chức các trò chơi dân gian tại chương trình Ký ức Hà Nội 2016
Thời điểm này, Ngô Quý Đức đang cùng các nghệ nhân, người thợ thủ công khôi phục lại các đồ chơi dân gian có nguy cơ bị thất truyền. Có thể đợt trung thu vừa rồi, dự án đã “trình làng” nhiều đồ chơi dân gian “vang bóng một thời”. Đó như món quà dành tặng cho các em thiếu nhi, để giúp cho các em tiếp cận, hiểu về những giá trị truyền thống ngay từ bé.

Bên cạnh hoạt động khôi phục lại trò chơi thủ công, Ngô Quý Đức còn tổ chức các chuyến đi trải nghiệm ở các làng nghề, tổ chức các buổi workshop ở các trường học và sẽ dần có định hướng đưa các hoạt động dân gian, truyền thống vào trong các nhà trường. Dịp tháng 7 vừa qua, dự án “Về làng” đã tổ chức chuyến đi trải nghiệm “Về làng – Hồn tre Việt” và tham quan 3 làng nghề truyền thống là Đông Hồ, tre trúc và mì gạo tại huyện ngoại thành Hà Nội.

Chuyến đi có sự tham gia trải nghiệm gần 20 người, ngoài du khách, đoàn còn có sự tham  gia của các của thành viên Hiệp hội làng nghề Việt Nam. Tại đây, mỗi du khách đều có cơ hội kết nối với các cơ sở sản xuất, thợ thủ công ở các làng nghề. Họ còn được trải nghiệm nghệ nhân chế tác, trực tiếp mua sắm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ tre, trúc. 

Cuộc sống hiện đại đang từng bước đưa con người trở lại thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên. Phát triển du lịch khám phá làng nghề đang là hướng phát triển tiềm năng của ngành du lịch cũng như nhiều làng nghề Thủ đô. Ngô Quý Đức đặt niềm tin vào sự phát triển của du lịch làng nghề trong tương lai gần. Đó cũng là cách hay để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt. Điều này đi đúng định hướng của Thủ tướng Chính phủ về “kích cầu du lịch nội địa” sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

 Với tâm huyết gìn giữ vốn cổ, tên tuổi của Ngô Quý Đức còn được biết đến là “thủ lĩnh” của các trò chơi dân gian trên phố đi bộ hồ Gươm. Khởi động từ tháng 4-2016, nhóm MyHaNoi mang trò chơi dân gian đến với phố đi bộ, tạo sân chơi cho cộng đồng, du khách. Tại không gian phố đi bộ, du khách sẽ được trải nghiệm khoảng 20 trò chơi được tái hiện tại tuyến phố đi bộ, phía trước tượng đài Cảm Tử cho Tổ Quốc quyết sinh. Các trò chơi gồm nhảy dây, bịt mắt bắt dê, cướp cờ, đá cầu, rồng rắn lên mây, ô ăn quan, vẽ mặt nạ giấy bồi, mặt nạ mẹt, chơi chuyền,…

Thời điểm Hà Nội hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, Ngô Quý Đức là trưởng nhóm CLB MyHaNoi. CLB thành lập năm 2006 và là CLB đầu tiên hướng giới trẻ đến những hoạt động chuyên sâu về lịch sử, văn hóa Hà Nội. Với sự “đỡ đầu” của giới nghiên cứu văn hóa như nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc và cụ Vũ Tuân Sán, một người thông thạo về văn hóa Hán – Nôm, thư viện trực tuyến về Hà Nội đã trở thành kênh thông tin hữu ích với những người dân Thủ đô và du khách. 

Năm năm 2017, chàng trai Hà thành đã vinh dự nhận danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô bởi những đóng góp đầy ý nghĩa với mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên.  Khi được hỏi, xuyên suốt 15 năm hoạt động, đã đồng hành với những trải nghiệm khó khăn, thì một “Hà Nội trong tôi” với Ngô Quý Đức là gì, anh thẳng thắn: “Đó chính là giới trẻ không quay lưng với những giá trị văn hóa lịch sử. Bởi hoạt động của bọn anh là được trải nghiệm thực tế, được hiểu về văn hóa truyền thống, được kể bởi những người có thời gian trải nghiệm lịch sử mà không một sách vở nào có được”.


Nguyễn Thị Khánh Linh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây