Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Bài học qua mỗi lần tác nghiệp

Với gần 20 năm gắn bó với nghề làm báo hình, tôi có rất nhiều bài bọc kinh nghiệm rút ra từ bản thân. Bài học đầu tiên, cũng là bài học dành cho những người làm báo nói chung và người làm báo hình nói riêng, đó là phải chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết trước khi đi tác nghiệp, nhất là đối với các chuyến công tác dài ngày.
111
Gặp gỡ các nhân chứng đã từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Ngã Ba Cò Nòi, tỉnh Sơn La.
Cách đây 5 năm, Đài Phát thanh và truyền hình Thanh Hóa đã tổ chức chuyến đi tại tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào để thực hiện 20 tập kí sự “Xuôi dòng sông Chu”. Tôi được lãnh đạo giao chủ trì chuyến đi này. Trước khi lên đường, qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi đã tìm hiểu rất kĩ về địa lí, văn hóa lịch sử và các phong tục tập quán của nước Lào. Chúng tôi làm công văn gửi tỉnh Hủa Phăn và các ngành có liên quan đề nghị hỗ trợ đoàn khi sang công tác. Nhờ chuẩn bị chu đáo nên khi sang đến nơi công việc của ekip rất thuận lợi, phía tỉnh bạn Hủa Phăn đã phân công một nhà báo biết tiếng Việt, am hiểu địa hình hướng dẫn, giúp đỡ chúng tôi trong suốt hơn 20 ngày tác nghiệp trên đất Lào. Chuyến đi đã thành công rất tốt đẹp.
111
Ekip Kí sự “Xuôi dòng sông Chu” vượt 15km thác nghềnh dòng sông Chu bên nước bạn Lào
Khi tác nghiệp theo ekip, tinh thần đoàn kết và ý thức kỉ luật đòi hỏi rất cao. Vì vậy, mặc dù hoạt động tại nước bạn Lào trong điều kiện địa hình khó khăn, phức tạp và không ít hiểm nguy, nhưng với sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất về ý tưởng và hành động, chúng tôi đã có được những tập kí sự thú vị. Một yếu tố quan trọng nữa đối với phương pháp làm việc theo ekip của những người làm báo hình, đó là tính quyết đoán của người được giao làm “thủ lĩnh” của chuyến đi. Trên hành trình, xe chúng tôi vào bản Hua Xiêng nhờ người dẫn đường lên thượng nguồn dòng Nậm Săm trên núi Phù Ngua, là nơi được cho là ngọn nguồn cao nhất của dòng sông Chu ở nước bạn Lào. Người dân bản Hua Xiêng không nhận lời, vì cho rằng việc vượt 15km thác ghềnh trong rừng già là một điều không thể thực hiện được đối với đoàn làm phim. Vì vậy, ekip làm chương trình có vẻ nản, muốn quay về. Nhưng bản thân tôi được giao nhiệm vụ chủ trì chuyến đi này, nếu bỏ cuộc thì kế hoạch sẽ bị hủy. Tôi động viên đoàn quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để lên đường. Người dân bản địa và các thành viên trong ekip đã bị thuyết phục bởi tính quyết đoán của tôi. Điều này cũng diễn ra thường xuyên trong suốt những ngày còn lại, từ việc vượt thác ghềnh trên dòng Nậm Săm bằng thuyền độc mộc, hay khám phá các rừng nguyên sinh ở Lào, Nghệ An và Thanh Hóa. Nếu không gan dạ và quyết đoán, chắc chắn sẽ không có những thước phim hay về thiên nhiên hoang sơ và tươi đẹp suốt hành trình hơn 500km xuôi theo dòng sông Chu. Sau này, chúng tôi còn thực hiện nhiều chuyến đi làm phim tài liệu lịch sử. Từ những kinh nghiệm có được, bao giờ trước khi đi, chúng tôi cũng chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện, liên hệ trước với các Đài, báo, các đồng nghiệp,  bạn bè ở những tỉnh cần đến, để có được sự phối hợp, giúp đỡ tận tình. Mỗi chuyến đi, chúng tôi luôn tìm được những nhân chứng quan trọng, khai thác được nhiều thông tin tư liệu và những câu chuyện xúc động, để những thước phim lịch sử thêm phần ý nghĩa. Cách đây 2 năm, vào dịp kỉ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi đã thực hiện 10 tập Kí sự “Đường lên Điện Biên”. Do gửi công văn và liên hệ chặt chẽ với các Đài bạn, nên hành trình từ Thanh Hóa lên Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, đến đâu chúng tôi cũng được giới thiệu gặp gỡ những nhân chứng từng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong suốt những năm tháng diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ. Các nhân chứng đều đã ở tuổi ngoài 90, sức khỏe yếu và đi lại khó khăn, nhưng vẫn nhiệt tình cùng chúng tôi đến những địa danh quan trọng, từ Ngã ba Cò Nòi được mệnh danh là “túi đựng bom” cho tới đèo Pha Đin huyền thoại, rồi các điểm di tích lừng lẫy của Điện Biên Phủ như Đồi Him Lam, đồi A1, hầm Đờ cát tơ ri. Biết rằng các cụ phải rất cố gắng trong điều kiện sức khỏe không cho phép, nên chúng tôi luôn động viên tinh thần, chăm sóc sức khỏe các cụ suốt hành trình, để con cháu ở nhà yên tâm, chúng tôi cũng hoàn thành được nhiệm vụ. Các nhân chứng sống đã kể lại những trận chiến đấu các liệt với thực dân Pháp ngay tại thực địa một cách đầy xúc động. Đây sẽ là những tư liệu quý giá, khó có thể thực hiện lại lần sau.

Ngoài làm phim tài liệu và kí sự về văn hóa lịch sử, bản thân tôi cũng tham gia thực hiện một số phóng sự điều tra. Thể loại này đòi hỏi người làm báo phải nắm rất chắc vấn đề, đặc biệt là phải có được chứng cứ trong tay. Một lần làm phóng sự điều tra cơ sở gây ô nhiễm môi trường, tôi và đồng nghiệp quay phim đã phải  “rình rập” cả đêm để quay bằng được cảnh xả nước thải, để ngày hôm sau làm việc trực tiếp, chúng tôi đưa ra bằng chứng thì doanh nghiệp không thể quanh co, chối cãi. Trong quá trình tác nghiệp, ngoài việc nhanh nhạy nắm bắt thông tin, xử lý tình huống tốt, người làm báo cần phải am hiểu những quy định pháp luật liên quan trong lĩnh vực mình khai thác thông tin, để có những phóng sự điều tra sắc sảo, thuyết phục công chúng.

Có rất nhiều bài học cơ bản mà người làm báo cần phải học hỏi và rút kinh nghiệm trong quá trình làm nghề. Nhưng bài học quan trọng nhất mà mỗi người làm báo phải đặt lên hàng đầu, đó chính là bài học về đạo đức nghề nghiệp. Chỉ khi cái tâm của người làm báo trong sáng, không dùng nghề nghiệp để trục lợi cho bản thân, thì mới được cơ sở cũng như công chúng tôn trọng, yêu mến và cảm phục. 

Mai Ngọc
Đài PT-TH Thanh Hóa
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây