Người làm báo Hưng Yên

http://nguoilambaohungyen.vn


Chọn đề tài- yếu tố để có tác phẩm báo chí hay

Để có một tác phẩm báo chí hay, bên cạnh cách thể hiện hấp dẫn của mỗi phóng viên, là cái duyên “kể chuyện” của mỗi người, thì đề tài là một yếu tố quan trọng để có một tác phẩm hấp dẫn khán, thính giả và độc giả.
111
Các nhà báo say mê tác nghiệp
Vậy, đề tài ở đâu? Với kinh nghiệm của cá nhân tôi, thì đề tài nằm trong cuộc sống, xung quanh chúng ta, những câu chuyện bình dị, gần gũi nhưng được nhiều người quan tâm. Nhưng để phát hiện được đề tài trong muôn vàn sắc màu của cuộc sống ấy, và để đề tài đó trở thành một đề tài báo chí, đáp ứng được tôn chỉ mục đích của tờ báo, và lòng mong mỏi của khán thính giả phải nhờ vào sự nhạy cảm của người làm báo. Ví dụ đi dự Hội nghị, không chỉ đơn thuần là đưa tin, mà qua nội dung trong buổi làm việc đó, các ý kiến phát biểu có thể người phóng viên sẽ phát hiện đề tài, sau đó sẽ xuống cơ sở để tìm hiểu thực tế, nêu được sẽ triển khai thực hiện tác phẩm. Hay chỉ nghe một câu chuyện của một ai đó kể, nếu không phải người làm báo, thì đó đơn thuần chỉ là một câu chuyện hay, còn đối với người có chuyên môn và nhạy cảm sẽ quan tâm sâu hơn, và đặt ra rất nhiều câu hỏi như: Ở đâu? Như thế nào? Tại sao? Hay, tốt hoặc xấu ở chỗ nào? Và phóng viên bắt đầu đi tìm câu trả lời. Có được câu trả lời phóng viên cần những kỹ năng, nghiệp vụ phụ thuộc vào sự nhạy bén, kinh nghiệm của mỗi người. Hay ví dụ, ta đi qua dòng sông, cả tuần trời không mưa, nhưng nước đục ngầu, hình ảnh ấy ta phải tìm hiểu, tại sao trời không mưa mà nước đục, liệu đầu nguồn đang xảy ra khai thác vàng, hoặc khai thác cát trái phép hay không?... Tóm lại, nếu như một vấn đề bạn cảm thấy bất thường ở cả hai chiều hướng, cả tiêu cực và tích cực thì phóng viên cần phải lưu tâm và tìm hiểu... Bên cạnh đó để có đề tài hay, hấp dẫn chắc chắn người phóng viên phải đi thực tế nhiều để quan sát, lắng nghe và cảm nhận. Có thể đi một chuyến công tác thực hiện những đề tài mà ta đã phát hiện từ trước, nhưng trong chuyến đi này, qua làm việc, nói chuyện, quan sát và lắng nghe ta lại tiếp tục phát hiện thêm những để tài mới. Và những đề tài đó như “lương khô” để chúng ta tiếp tục tìm hiểu, “nuôi dưỡng” nó, để dùng dần, (nêu đề tài đó không phải đề tài nóng cần làm ngay).

Có một số tác phẩm truyền hình tôi đã thực hiện và đoạt giải trong các cuộc thi Báo chí Quốc gia cũng từ những câu chuyện bình thường trong cuộc sống, nhưng nó “chạm” đến cảm xúc của khán giả. Ví dụ phóng sự “Người thầy đặc biệt” Giải Bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2010 - Phóng sự nói về Thầy giáo khuyết tật dạy tiếng Trung cho học sinh tại nhà, và thầy đã có rất nhiều học sinh thi đỗ vào khoa tiếng Trung của các trường Đại học, thầy dạy không thu học phí. Đề tài này chỉ trong một chuyến công tác tại huyện Hà Quảng, ngồi trên xe ô tô, khi đến xã Sóc Hà, đi qua đoạn nhà thầy, đồng chí Chủ tịch UBMTTQ tỉnh có chỉ nhà, nói rằng ở đây có một thầy giáo rất hay. Từ đó tôi đã “ghim” thông tin vào trong đầu và bắt đầu có những câu hỏi và đi tìm câu trả lời. Sau khi có câu trả lời bằng cách tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn, tôi triển khai quay hình, dựng hình và viết lời bình. Tác phẩm đoạt giải C Búa liềm Vàng năm 2020. Phóng sự “Người Dao xóm nhỏ làm việc lớn”, viết về người dân xóm Rặc Rạy, xã Lương Thông (Hà Quảng). Đây cũng là một đề tài hiện hữu trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số - nơi còn nhiều khó khăn, nhưng họ không trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước mà họ tự vươn lên. Đồng chí Bí thư Chi bộ xóm vận động người dân tự phá đá mở hơn 3km đường. Và đặc biệt họ đoàn kết, đồng thuận, vì vậy một xóm nhỏ chỉ có hơn 10 hộ dân, nhưng họ đã làm được một việc lớn thật ý nghĩa. Câu chuyện này tôi cũng chỉ nghe kể qua một người trong xóm, nói rằng cả xóm đang tự mở đường. Nghe vậy, những phóng sự phát hiện đề tài theo kiểu này, tôi đã tìm hiểu ban đầu qua một loạt những câu hỏi. Và mỗi câu trả lời tôi nhận được nó ngồn ngộn thông tin hấp dẫn, những thông tin đó đã thôi thúc tôi thực hiện phóng sự. Hoặc phóng sự tài liệu “Hành trình tìm lại gương mặt người” - tác phẩm đoạt Huy chương Vàng trong kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2019. Phóng sự viết về hành trình vận động kinh phí và phẫu thuật khối u nặng 4 kg trên khuôn mặt bà Triệu Mùi Chài, dân tộc Dao, ở xóm Tắc Căng, xã Tam Kim (Nguyên Bình). Đề tài tôi biết được do người dân thông tin. Nhận được thông tin tôi đã đi đến nơi để xác minh, tìm hiểu, rồi thực hiện chương trình.

Đó là cách phát hiện để tài tôi đã thực hiện và thành công. Và một số cách mà tôi đã áp dụng đó là nhờ đội ngũ cộng tác viên tại các địa phương tìm hiểu thông tin ban đầu, hay sau từ những buổi gặp bạn bè, ngồi uống nước, trao đổi công việc, hoặc do chính mình phát hiện, từ quan sát, hoặc đọc tài liệu. Một điều nữa là có đề tài hay, chúng ta cần phải biết khai thác, đào sâu đề tài thế nào cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Bởi nếu đề tài hay nhưng phóng viên không biết tìm chi tiết đắt, không tìm được những lát cắt trong đề tài, thì quả thật rất phí. Giống như nếu một bữa ăn, có nguyên liệu ngon nhưng người chế biến vụng về, thì sẽ không có một bữa cơm ngon.

Để có được đề tài hay, đòi hỏi phóng viên phải luôn trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rút kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi, luôn học hỏi đồng nghiệp và những người giỏi về báo chí cộng thêm niềm đam mê nghề, chắc chắn mỗi phóng viên sẽ có lăng kính riêng, góc nhìn riêng nhưng hết sức nhạy bén trong phát hiện đề tài, qua đó sẽ có được những tác phẩm hay chuyển đến công chúng.
                                                                               
Hoài Phương 

                                                                      (Đài PT-TH Cao Bằng)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây